.
  Chọn nghề
 
06/9/2013

 
 
            
 
 
Theo như “đơn đặt hàng” của thầy Châu kim Lang, có đề nghị tui viết một bài đề cập đến việc tại sao tui chọn nghề giáo. Sau một thời gian “thai nghén”,hôm nay tui xin mạo muội có đôi dòng tâm sự cùng thầy và cũng là tâm sự với thân hữu gần xa.
Thật ra, nếu ngẫm cho cùng thì không biết ta chọn nghề hay nghề chọn ta? Có lẽ cả hai. Và nếu nói ở vào trường hợp của tui thì chắc cũng quá đúng ! Có lúc tui chọn nghề,nhưng có lúc nghề lại ….chọn tui ! Thế mới ác chứ!
Như có lần trong bài viết CUỘC ĐỜI “CHIẾN ĐẤU” CỦA TUI ,tui có nói về cái khúc quanh đầu tiên của việc chọn nghề, đó là rời bỏ môi trường trung học phổ thông để bước chân vào môi trường trung học chuyên ngành Nông lâm Súc.
Lúc đó,ở vào cái tuổi ăn chưa no,lo chưa tới,chắc mỗi người trong chúng ta chẳng có lý tưởng chọn nghề gì ráo. Có chăng là những yếu tố khách quan đưa đẩy của gia đình,xã hội chung quanh phần nào tác động tâm lý vào bản thân mình. Thế rồi dần dà,trong môi trường mới chúng ta sẽ hòa nhập ,sống chung với nó,nếu không muốn bị đào thải…..Cụ thể hơn,ở vào trường hợp của một thằng “dân chợ” như tui,từ nhỏ chẳng biết mảnh vườn,thửa ruộng,gia súc như thế nào,có chăng thỉnh thoảng được ba má cho về quê ngoại chơi trong mấy tháng hè (Các bạn xem lại bài NGOẠI TUI ) ,nhưng chỉ để “giải trí” mà thôi. Thế mà giờ đây tui phải đối diện một ……“thực tế phủ phàng” là mỗi lần đi THỰC HÀNH NÔNG TRẠI là chân cẳng bùn sình tèm lem, tay thì phồng rộp vì sử dụng xà bất ( chú thích : xà bất là công cụ gần giống như cây cuốc, dùng để làm nông.Công cụ nầy chỉ thấy ở Blao )cuốc đất lên líp trồng cây và sợ nhất là… vắt. Vắt ơi là vắt!.Đó là loài ký sinh,chuyên hút máu các động vật máu nóng khác mà sống . Nhìn nó trông giống con sâu đo nhưng đen thui và di chuyển nhanh kinh khủng. Nó di chuyển không phải bằng cách bò mà… búng. Nó có thể từ dưới đất chui lên mà cũng có khi từ…trên cây rơi xuống. Ào ào,rào rào như mưa !Có thể gọi vắt là đĩa trên cạn. Nhiều khi đi lội rừng thực hành về lâm,hoặc len lõi trong các rẫy trà,cà phê,vườn cam,chanh của trường xong,khi về nghe ….ngứa ngứa ở chỗ bí hiểm thì đích thị là “chính hắn”! hắn được một chầu hút máu no nê.



Tàu đánh cá khi tác giả thực tập
Kinh nghiệm “xương máu” của bọn tui là khi đi dã ngoại như vậy,cứ mạnh dạn phom phom đi trước là an toàn nhất. Đứa nào nhút nhát đi sau là lãnh đủ, vì người đi đầu ,vắt mới đánh hơi ,chưa kịp ra tay.Vài phút sau,đoàn người phía sau đi tới là bọn vắt kịp thời tấn công vũ bão. Lúc đó tui “hận” ba tui dễ sợ,vì cứ nghĩ ỗng “đem con bỏ trường”,để tui cực khổ quá chừng chừng.
Nhưng sau nầy nghĩ lại, thấy thương ba vô cùng,vì nhờ vậy mà tui có cái  “nghề” lận lưng cho đến tận bây giờ. Hơn nữa cũng “nhờ” mới có 16 tuổi mà phải xa nhà nên dù sao cái “vốn” sống của tui cũng tạm “sống” được so với mấy anh em trong nhà tui. Và có lẽ nhờ sớm va chạm với đời nên hoàn cảnh nào tui cũng có thể “ở bầu thì tròn,ở ống thì dài” được . Ôi,cám ơn ba nhiều.Hihi.
Thế rồi ,việc gì rồi cũng quen dần. Việc tui hòa nhập ở môi trường nông lâm nghiệp nầy ngày càng tấn tới. Lý thuyết,thực hành đều nắm được nên càng cảm thấy “yêu” nghề hơn.Kết quả cuối năm lớp đệ nhất ( lớp 12 hiện nay) đạt điểm tốt.
Và như mọi học sinh của thế gian nầy,sau khi tốt nghiệp Tú tài xong là tròm trèm nghĩ tới mộng học lên cao hơn. Tui cũng không ngoài số lóc chóc đó!thế nhưng một lần nữa…..nghề lại chọn tui.
Số là chiến tranh trong nước lúc đó đang hồi ác liệt, ông già tía sợ tui đi lính nên “động viên” tui đi sư phạm ( theo qui chế lúc đó,ai đi sư phạm thì được hoãn dịch) mặc dù tui không “mặn” chút nào ( mời quý độc giả xem lại CUỘC ĐỜI “CHIẾN ĐẤU” CỦA TUI).Thế là cuộc đời tui rẽ qua khúc quanh mới: sư phạm chuyên nghiệp ngành Nông lâm Súc. Thế nhưng ác nỗi ,thay vì liên thông từ trung học NLS là ban Thủy Lâm,nhưng khi lên sư phạm năm ấy không có ban Lâm mà chỉ có …ban Thủy! (tức là Ngư nghiệp,bây giờ gọi là Thủy sản).Thôi thì “rừng” hay “cá” gì cũng được,miễn là có cái nghề lận lưng.
Theo quy chế, khóa sư phạm của tui năm ấy được đào tạo quá cấp tốc,vội vã. Chương trình được dồn nén với mớ kiến thức khổng lồ khiến bọn tui gần như muốn…bội thực!Vì muốn giải quyết nhu cầu khá lớn số giáo sư (trước năm 1975,giáo viên trung học được gọi là giáo sư) về dạy các trường NLS ở các tỉnh,Nha học vụ NLS mở khóa Đào tạo cấp tốc GS .NLS . Thời gian 1 năm,thay vì 2 năm. Đến thời điểm tui nhập học đã là khóa thứ 5. Thế là thầy ,trò 3 chân,4 cẳng cố nhồi nhét mớ kiến thức chỉ dành cho 2 năm thì nay phải cố …nuốt trong 1 năm ! Trong 1 năm nầy lại còn phải đi thực tập ở các công ty,trang trại,… nữa chứ! Ôi ! nhớ lại lúc ấy thật là kinh khủng.
Thế rồi việc gì cũng xong. Sau khi đi thực tập 2 tuần nghề đánh cá ở Phước Tỉnh (Bà Rịa- Vũng Tàu)   ,về viết báo cáo,thi ra trường.Cuối cùng tui đặt bước chân đầu tiên cũng như đầu đời xuống vùng đất phèn chua có tên là Ba Xuyên ( Sóc Trăng ) để bước vào nghiệp dĩ : NGHỀ GIÁO.
Rồi thời gian dần trôi,nghề giáo cũng mang đến tui nhiều kỹ niệm và thú vị . Với sự hiếu khách và mộc mạc của người dân địa phương,cộng với sự thơ ngây,quyến luyến của đám học trò ngày ấy,những tưởng cuộc đời tui “xin chọn nơi nầy làm quê hương” thứ hai rồi ! Một mối tình nho nhỏ,một ngôi trường nho nhỏ,một “tỉnh lẻ đêm buồn”,ôi đầy ắp kỹ niệm .
Thế nhưng,cuộc đời nó có những chữ “nhưng” để tạo ra những khúc quanh,để ta phải lao vào khoảng không mới.Để va chạm,để luồn lách,rồi để hòa nhập với nó. Mà cái khúc quanh kế tiếp trong cuộc đời tui là ngày 30.4.1975.
Sau ngày 30.4.1975, trường NLS Sóc Trăng tiếp tục dạy và học. Bộ khung giáo viên và chương trình học vẫn vậy ,nhưng hiệu trưởng là chú bảy Kiềm ,người được tỉnh phân công về điều hành trường. Rồi một ngày đẹp trời(1976),có một cán bộ của Ty Nông nghiệp Hậu giang đến trường   bàn về kế hoạch thành lập Trại giống Nông Nghiệp Hậu giang, (thực tế đây là một nông trường).Đó là ông N.N.B
Theo như ông B. cho biết,đây là mô hình trại ( lúa) giống qui mô lớn nhất ĐNÁ , trước mắt đặt tại huyện Ô Môn,có thể cung ứng giống cho cả miền Nam và…cả nước. Về nhân lực thì trưng dụng tất cả thầy trò của trường NLS Sóc trăng lên đó.
Thế là từ đó,trường NLS Sóc trăng bị xóa sổ. Thầy trò khăn gói lên Ô Môn xây dựng …Trại giống! Thầy cô giáo làm quản lý,đội trưởng SX,chị nuôi,kế toán ,thủ quỷ….,còn học sinh thì làm…công nhân nông nghiệp. Nghĩ đến thời gian đó,đôi lúc tui cảm thấy có một cái gì …chưa hoàn hảo lắm! Mấy cô cậu “công tử Bạc Liêu” hồi nào tới giờ có tay lấm chân bùn đâu,bây giờ bắt lội ruộng bùn sình,đĩa vắt,khóc mẹ,khóc cha.(Sau một thời gian chịu đựng,dần dần thầy ,trò đều tìm đủ mọi lý do…xin chuyển công tác hoặc bỏ việc.Nghe đâu hiện nay tại cơ quan, đa số là người mới,không còn số giáo viên và cựu hs NLS Ba xuyên tại đây nữa)
Có người hỏi lúc đó tui ở đâu? Xin thưa,Ban giám đốc trại giống thấy tui …vẽ đẹp,viết đẹp nên phân công tui làm …kế toán,chuyên làm sổ sách chi,thu cho trại,đồng thời làm bảng lương cho tất cả CB.CNV trong cơ quan ( lúc đó khoảng 300 người ).Số tui “đẻ bọc điều” như vậy đó. Khỏi phải lội ruộng như các bạn khác. Haha. Thế là tui bước vào khúc quanh mới : nghề KẾ TOÁN.
Ôi! Cha mẹ ôi! Từ nhỏ tới giờ tui có biết kế toán là con khỉ khô,khỉ ướt gì đâu! Vậy là mò mẫm,học hỏi,kể cả ….học lóm. Lúc ấy tui với một cô giáo được phân công làm thủ quỹ như cặp bài trùng. Hai người học hỏi lẫn nhau. Thậm chí,mỗi lần cô ấy đi ngân hàng rút tiền,tui cũng phải làm nhiệm vụ ....gạc đờ co nữa (garde-corps )!
Việc gì cũng vậy,khi đi sâu vào vấn đề ta mới cảm thấy đầy đủ sự phức tạp của nó. Mới đầu trại giống theo qui chế hạch toán đơn tương đối đơn giản. Các hóa đơn,chứng từ là thực chi,thực thanh bằng tiền mặt,sau đó báo cáo về Ty Nông nghiệp. Thời gian sau,chuyển qua hạch toán kép ,phải cân đối tài khoản .Rồi liên hệ với ngân hàng rút tiền bằng Sec tiền mặt (Chèque ) ,Sec chuyển khoản,hoặc Ủy nhiệm chi,rồi nào là “nợ”, “có”,….thiệt là điên cái đầu!Đúng là hỏng có chó bắt mèo ……..haha. Nhưng với sự đởi lạc quan “que sera sera” (cái gì tới cứ tới) bọn tui ( tui và cô thủ quỹ)  đều …. “vượt lên chính mình” và làm tốt công tác được giao.



Thực tập đánh cá ở Bà Rịa Vũng Tàu
Trong thời gian đó,Trại cũng có đề cử một em học sinh cũ của trường đi học khóa kế toán để sau nầy về thay thế tui để công việc được chính qui hơn. Và cái ngày ấy cũng đến trong sự …mong đợi của tui! Số là bọn tui ( tui và vợ tui cũng làm chung cơ quan ) chờ được bàn giao xong nhiệm vụ kế toán là đút đơn xin về….Sông bé.Theo nguyện vọng “tha thiết” của bọn tui,Ban giám đốc đành chấp thuận cho hai đứa về …Sông bé cắm câu,sau khi “động viên” tụi nó ở lại hoài mà tụi nó hỏng có chịu nghe! Hehe. Thế là giã từ Hậu giang nước ngọt cá tôm,giã từ luôn cô thủ quỹ thân thương ngày nào……………
Về Sông bé (sau nầy đổi tên là Bình Dương) ,sau khi trình diện ban tổ chức chính quyền tỉnh, vì thấy tui có thời gian làm kế toán nên họ  phân công về làm ….kế toán cho trường Trung học Sư phạm .Đúng là “chạy trời không khỏi nắng”. Sợ kế toán ở Hậu giang,về Sông bé lại gặp kế toán! Thời gian sau tui đút đơn xin đứng lớp (đi dạy) và được phân công về một trường trong tỉnh. Thời gian nầy ,do đặc thù của việc dạy học,các thầy cô giáo thường “tranh thủ” thởi gian rãnh rỗi không đứng lớp mà làm đủ các nghề tay trái như nuôi heo,gà,bỏ mối các mặt hàng tiêu dùng,lãnh đồ về may gia công.,…để bù đắp thêm vào đồng lương ít ỏi của mình và tui cũng không ngoại lệ! Tui đi làm mướn cho lò Mỹ nghệ Minh Long.Hihi.( mời các bạn xem lại CUỘC ĐỜI “CHIẾN ĐẤU” của tui) . Trong khoảng thời gian nầy,trước khi rẽ qua khúc quanh khác là nghề thú y thì tui cũng “tranh thủ” làm thêm nghề …sửa xe đạp,bỏ mối rượu đế và …. thuốc lá dõm( may là chưa đi bỏ mối cà phê) ! haha
Đó là 3 cái nghề “thời thượng” lúc ấy. Vì lúc đó xe đạp nhiều hơn xe gắn máy,lại thêm đồ dõm nên hư mau như ăn gõi( lúc ấy đồ nhập rất hiếm và đắc.Sên hư phải lộn lại xài tiếp.Líp trật con chó,thay bằng cục cao su đế dép vào,chạy tốt! haha). Nói về xe đạp, bộ phận nào tui cũng biết sửa,trừ lộn sên và …rút căm. Sau khi sửa, bộ phận nào cũng kêu ầm ầm,trừ cái chuông ! haha
Nói cho vui vậy thôi,chớ tổ đãi. Tui “xuất xưởng” chiếc nào là “một đi không trở lại”hõng có ai “mắng vốn” hết á!( hay là họ sợ ,chạy luôn cũng không biết ?)
Còn nói về bỏ mối rượu và thuốc lá dõm, sau một thời gian “đi buôn không lỗ thì lời,đi ra cho biết mặt trời mặt trăng”thì đối với tui là ….quân ta thua xiễng niễng.Haha
Theo luật bất thành văn,nghề bỏ mối là anh phài bỏ vốn để “gối đầu” .Bỏ hàng kỳ nầy mới lấy tiền kỳ trước.Thế nhưng chuyện đời đâu có suông sẻ như ta nghĩ và càng không phài là toán học : 1+1 =2.
 Sau khi bỏ 1 can rượu cho bà bán tạp hóa được 1 tuần,áng chừng bả bán hết,tui đến giao tiếp can mới và tiện thể lấy tiền can cũ,thế nhưng :- “bán chưa hết chú ơi, lúc nầy bán chậm lắm. Thôi lỡ mang tới rồi thì để đó tui bán dùm cho.” Thế là đành phải để lại can thứ 2 để bả ….bán dùm ! (nhân đạo dử ). Tuần sau,cũng giọng “nhân đạo” đó,tui để lại can thứ 3 .Và sau khi “năn nỉ ỉ ôi” bả “rặn” thanh toán cho tui tiền của can….thứ nhứt , mà không quên kể lể ơn nghĩa :- “tui bán dùm cho chú đó,chứ lúc nầy ế lắm.Lần sau có cứ đem tới tui bán dùm cho.” Mặc dù tui biết rượu của tui giao bả bán hết từ “khuya” rồi. Một mình bả có thể nhận rượu của nhiều người rồi dùng “sách” bán không chạy để chiếm dụng vốn   của mấy tay bỏ mối.Ôi,nghệ thuật bán hàng siêu đẳng!
Còn về thuốc lá. Lúc đó thuốc ngoại rất hiếm lại đắc,còn thuốc nội sx cung không đủ cầu, thế là một anh bạn của tui (cũng thầy giáo) bèn nghĩ ra cách …làm thuốc lá dõm! Thuốc lá, hương liệu,đầu lọc,bao bì đều lấy ở chợ Kim Biên.Đem về anh ta tẩm,ướp thơm phức,cũng vô 1 cây 10 gói đàng hoàng. Tui hí hửng đem ký gửi cho mấy quán nước trong thôn xóm ,ha ha .Đầu óc tui cứ nghĩ lạc quan giống như chuyện ngụ ngôn của La Fontaine “Cô gái và bình sữa”.Một tuần sau ghé lại mấy chỗ đó : có chỗ gói thuốc còn nguyên chưa khui,có chỗ mới tiêu thụ được…vài điếu! và chủ quán đề nghị trả lại,không nhận ký gửi nữa .Thế là tui đem trả lại cho…nhà sản xuất thuốc lá dõm,anh ta cũng nhận lại và cười …như mếu.haha. ( sau nầy anh bạn thầy giáo của tui chuyển qua nuôi heo cũng khấm khá lắm. Nhắc lại cái thời “cổ tích” đó 2 đứa cười bể bụng.Mới đây mà đã hơn 30 năm rồi!) Hahaha.
Bây giờ,nhìn tuổi đời đã vượt qua đĩnh dốc,ngẫm nghĩ lại những gì mình đã làm,có cái thành công cũng có cái thất bại ,có cái làm được,có cái làm chưa tốt .Xuyên suốt quá trình ,tui nhận thấy hình như cái gène mô phạm nó lẫn khuất đâu đó trong con người tui. Mặc dầu có đôi lúc “bon chen” theo phong trào “kinh tế cá thể” nhưng cái bản chất sư phạm truyền từ thời ông nội( ông giáo làng),đến ba tui hình như nó ngấm vào huyết quản nên cái sự ma-le ( malin) ,trí trá của con buôn tui làm không được nên…thua là phải. Thôi thì “cứu cánh là biện minh cho phương tiện”.Mình tham gia vào mấy cái “phong trào” đó chẳng qua thấy người ta làm “ồn ào” quá ,mình cũng góp phần vào cho vui vậy, mà trước mắt cũng giải quyết vấn đề bao tử. ( Trong dân gian có câu :-“ai sao tui vậy,ai làm bậy tui làm theo” ). Haha


Dạy học trường NLS Ba Xuyên

Ông bà xưa mình có nói :-“9 nghề không bằng một nghề chính” quả đúng vậy! Bôn ba không qua thời vận. Trong quá trình tìm cái “nghề” tương đối có thể nuôi nổi cái bao tử của mình và gia đình,tui chợt thấy lúc ấy phong trào chăn nuôi bùng phát mạnh mẽ. Nhà nhà nuôi heo,người người nuôi heo. Từ anh cán bộ trưởng phó phòng ( thậm chí có giám đốc) cho đến anh phó thường dân đều “sắm” chuồng heo ở sau nhà. Đến nhà nào cũng nghe tiếng heo eng éc phía sau.Tui nghĩ,thời gian đó cán bộ ít bị “hư” như bây giờ,vì đi làm về chỉ lo cho bầy heo ,bầy gà thì giờ đâu đi bia ôm,massage?. Haha. Thế là từ phong trào nuôi heo đang lên,tui lại nghĩ đến cái “nghề” mà từ lâu mình bỏ quên,đó là thú y và cuộc đời tui lại “chuyển hệ” lần nữa mà không ngờ cái nghề nầy ổn định và kéo dài cho tới hôm nay.
Kính thưa thầy và các thân hữu,ở đời người ta thường nói “tốt khoe,xấu che” ,nhưng tui trộm nghĩ,cuộc đời mình ,hay ,dở,tốt ,xấu cũng là của mình. Giờ đây đã vượt qua khỏi đĩnh dốc cuộc đời rồi,có gì phải giấu diếm nữa? Các nước trên thế giới còn công bố sách trắng (bị vong lục) ,công khai,huỵch tẹt ,thì mình có là gì đâu? Qua mấy mươi năm cuộc đời chiêm nghiệm lại thấy có nhiều điều thú vị lắm,phải không các bạn?Đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ,cười một mình,bà xã nói :- “ông điên rồi !”.Haha. Thật ra cuộc đời người ta quanh đi quẩn lại là cái vòng tròn,rồi nghĩ cho cùng,mình …chẳng biết gì cả.Chính đại triết gia Socrate, trước công nguyên cũng từng nói :-“ tôi chỉ biết có một điều là…tôi không biết gì cả!” đó thôi ( Je ne sais qu’une chose c’est que je ne sais rien! ) và Khổng Tử cũng có câu : -“tri chi vi tri chi,bất tri vi bất tri,thị tri dã ! (, ,  ...) Biết thì cho là biết,không biết thì cho là không biết,ấy là biết vậy !
 
 
Kính thưa thầy,đầu tháng bảy vừa rồi,nhân chuyến đi SG,lần đầu tiên ghé thăm thầy .Theo như chỉ dẩn,sau một lúc tìm nhà trong con hẽm nhỏ, điều đầu tiên đập vào mắt em là khung cảnh quá yên tĩnh mà chỉ cách đại lộ phố xá ồn ào có mấy bước chân .Nhà thầy kiến trúc theo kiểu cỗ,có lẽ là nhà hương hỏa ? trong nhà thể hiện sự thanh bần và thanh thản của một nhà giáo chân chính. Thư phòng của thầy sách nhiều vô cùng .Sách ơi là sách. Sách từ dưới đất lên đụng tới …trần nhà mối mọt.Cả một thư viện sách.Từ Đông,Tây,kim ,cỗ, đều quy tụ nơi góc nhỏ nầy. Ngày xưa,Nguyễn công Trứ có viết : “Thị tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn
閒”(Chợ trước cửa thì ồn ào,trăng trước cửa thì thanh tịnh),nhưng ở vào trường hợp của thầy em thấy trật lấc: “thị tại môn tiền cũng….nhàn” luôn!                                                                             Và trong lúc ngồi hàn huyên, thầy cho xem bài thơ TUYỂN NGHỆ ( 選藝) ,thầy nói về việc chọn nghề và hỏi em con đường vào sư phạm như thế nào?. Như trên đã nói,thật ra ban đầu em chưa có dành một góc trong tư tưởng cho nghề giáo mà do ba em…. chọn dùm! Nhưng khi chấp nhận bước chân lên bục giảng rồi thì hình như cái sự cuốn hút của nghề khiến ta khó cưởng lại được. Hàng chục cặp mắt thơ ngây chăm chú tiếp thu những lời giáo huấn của thầy. Sự tác động qua lại giữa DẠY – HỌC ,giữa người truyền đạt kiến thức và người tiếp thu kiến thức. Ôi! Thú vị làm sao.
Do vậy,sau nầy dù không còn đứng trên bục giảng nữa nhưng hình ảnh về những ngày đứng lớp khi xưa vẫn còn in đậm trong ký ức mình. Ở vào thời nay,em không hy vọng những học sinh ngày nào ngã nón chào thầy giáo già :- “Thưa thầy,em là Carnot,học trò của thầy đây” như trong sách QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ ,mà chỉ mong các em đừng gọi mình là “thầy nằng” thì cũng đã mãn nguyện lắm rồi,thầy hén? ( “thầy nằng” nói lái là :…….. haha)
Tánh em tếu táu,hay bông đùa cho vui,mong thầy thông cảm.
 
                             Trân trọng kính chào thầy
                                           25.8.2013
 
 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638730 visitors (2128189 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free