.
  Chợ 42
 


 




 
Giải Nhất
Tác giả: Hà Thị Hòa
 
 
“Các em có muốn ăn hành, rau, cà rốt hay cà chua không? Tuần sau, anh mang cho.” Đó là tiếng của bác Dương hỏi bố mẹ.
Mẹ tôi mau mắn trả lời không cần đắn đo, “Dạ, có chứ anh! Cái gì tụi em cũng ăn hết”.
Thế là sau đó vài ngày, bác ấy đem đến nào là cà chua, salad, hành và cà rốt nữa, có cái thì trong thùng nguyên xi, có cái thì đựng trong bịch to, đủ cả.
Bố mẹ cảm ơn rối rít và hối tụi tôi bưng phụ bác ấy từ trong xe ra, bác ấy nói, “Có gì đâu, khi nào muốn ăn thì cứ nói với anh.”
Vì gia đình chúng tôi mới sang Mỹ nên mọi người Việt Nam ở đây hay giúp đỡ, cho cái này hay cái khác nên cũng đủ dùng. Thật sự, gia đình chúng tôi rất ngạc nhiên về cuộc sống ở đây, mọi sự thật dễ dàng nhất là vấn đề ăn uống ê hề, chất lượng, rẻ và tươi. Nhưng trong thời gian đầu, gia đình chúng tôi phải dè sẻn, để dành đồng nào hay đồng đó nên vấn đề chi tiêu phải kỹ càng hơn vì phải trả tiền thuê nhà, điện, nước…
Thấy mỗi lần bác Dương đến, khệ nệ bưng nhiều thùng nên bố tôi lại giúp bác ấy. Hai người thì thầm to nhỏ một lúc, sau đó tôi thấy bố gật đầu và cứ thế mỗi Thứ Sáu sau khi làm việc về là bác Dương và bố tôi đi “Chợ 42” mang thật nhiều loại rau, đủ loại… Chúng tôi ăn không hết lại đem chia cho hàng xóm hay bạn bè.
 

 
                                                             
Bác Dương chỉ lấy salad, hành và cà chua để nuôi hơn mười con gà mái. Bọn gà ấy chỉ thích ăn những loại đó thôi nên bác cứ phải đi lấy mỗi tuần. Có lần mẹ nói với chúng tôi là, “Bố mẹ phải đi Chợ 42, các con ở nhà trông nhà.”
Thế là sau khi đi học về, tôi ngồi chờ bố mẹ trước cửa nhà. Một lúc sau, bố mẹ tôi về đến nhà, gương mặt mẹ không được vui nhưng mẹ cũng gọi các anh ra khuân đồ vào nhà.
Kỳ này, ngoài những thứ như mọi lần, còn có thêm nho và chuối nữa. Những trái nho căng phồng, mọng nước ngọt, chuối vàng có đốm đen mà ông ngoại hay gọi là chuối trứng cuốc nằm trong thùng trông thật hấp dẫn. Có mẹ đi, thật đồ ăn có khác, mẹ luôn đặc biệt mà.
Tôi hí hửng phụ mẹ cất những thứ đó vào tủ lạnh. Những đồ đem về phải lựa ra, đồ ngon để vào tủ, đồ vừa vừa thì ăn ngay, còn đồ xấu thì vứt vào sọt rác. Bố và các anh xong nhiệm vụ khuân vác. Việc còn lại là của mẹ và tôi. Mẹ bảo tôi đi rửa nho, chuối. Tôi rửa nhưng mẹ cứ dòm chừng, có vẻ không bằng lòng. Mẹ nói, “Con rửa thêm lần nữa đi con, nho rửa kỹ vào.” “Ồ! Mẹ nay thật lạ! Cái gì cũng rửa kỹ đến ba lần nước lận”
Tôi thắc mắc hỏi mẹ, “Tại sao rửa hoài vậy mẹ?” Mẹ nhìn tôi rồi nói, “Con cứ rửa đi, thắc mắc làm gì hở cái con bé ranh kia.” Tôi thích được gọi là con bé ranh. vì khi mẹ nói, giọng mẹ hơi cao, pha chút khôi hài kéo dài nên tôi yêu luôn cái từ con bé ranh hay con nhãi ranh từ miệng của mẹ.
Sau đó, mẹ đi nấu cơm cho chúng tôi ăn. Bữa cơm chiều nóng hổi. Mẹ tôi khéo lắm, chế biến những thứ mua ở Chợ 42 thành món ăn tuyệt ngon, đầy hấp dẫn như bún riêu, soup thập cẩm, salad trộn thịt bò, nhất là món bắp cải dồn thịt, tuyệt! Không chê vào đâu…
Chúng tôi ăn thật nhiều, thật mạnh. Bố và mẹ nhìn chúng tôi ăn mà mỉm cười sung sướng. Bố và chúng tôi khen mẹ nức nở, khiến mẹ nở lỗ mũi, mắc cỡ đỏ mặt. Sau bữa cơm ngon là đến lượt những “chú nho” mát rượi, trái chuối chín, ngọt lịm cả người, cả nhà thưởng thức cứ mê tơi cả lên.



Chuối và nho được ăn thỏa thích, không cấm cản, ăn lúc xem ti-vi hay lúc học, bố mẹ phục vụ chúng tôi tận tình.
Hôm nay thấy bố mẹ vui hơn mọi ngày vì có tiền thưởng cuối năm, tôi đánh bạo lân la hỏi dò mẹ, “Mẹ ơi! Tại sao mẹ bắt con phải rửa kỹ nho, chuối nhiều lần vậy? Đồ bên này sạch lắm, họ khử trùng kỹ càng, mẹ không phải lo có nhiều vi trùng. Tại sao bố mẹ mua nhiều quá, cả thùng lận, bố mẹ sợ tụi con đói sao? Tại sao bố mẹ mua luôn đồ bị hư nữa?” Tại sao và tại sao?... Tôi hỏi luôn một lèo không ngừng những câu hỏi ấp ủ lâu giờ mới được tuôn ra xối xả.
Mẹ tôi nhìn sâu vào mắt tôi để đoán mẹ phải nói gì. Cuối cùng, mẹ hỏi tôi:
“Con có thích ăn trái cây, rau cỏ lấy từ Chợ 42 này không?”
Tôi trả lời:
“Dạ, thật sự lúc đầu con thích ăn lắm vì được ăn tự do, thoải mái. Nhưng ăn hoài con cũng chán, ngán lắm mẹ ơi! Nhưng chúng con vẫn cứ ăn vì thấy bố mẹ vui. Con chắc là những thứ này rẻ lắm phải không mẹ? Chúng ta để dành tiền phải không mẹ? Mẹ đừng lo, chúng con biết mà.”
“Con ranh à, mẹ không giấu con vì những thứ đồ ăn này lấy từ thùng rác Mỹ, cái thùng gọi là 'container' đó, chứ đâu có mua gì đâu! Bố mẹ thấy các con ăn ngon, ăn hoài không chán. Chúng ta đã tiết kiệm, để dành được món tiền sẽ mua nhà, mua xe trả góp… Tội nghiệp các con quá! Bố mẹ phải xin lỗi các con.”
Tôi ôm lấy mẹ khóc và nói:
“Không mẹ ơi! Chúng con phải xin lỗi mẹ, xin lỗi bố vì chúng con mà bố mẹ phải vất vả mọi điều. Ở Việt Nam, bố mẹ đâu có làm việc này bao giờ. Chúng con hiểu nên chúng con ăn ngon lắm và sẽ không biết chán nữa.”
Mẹ tôi mừng quá:
“Mẹ chỉ lo là các con sợ không dám ăn nhưng con đừng nói cho các anh biết đồ ăn lấy ra từ thùng rác nha con.”
Tôi hùng hồn trả lời
“Mẹ yên tâm, đó là bí mật, con không nói là không nói.”
Thế là tuần sau, tôi thủ thỉ, năn nỉ bố mẹ cho tôi đi Chợ 42. Lúc đầu bố mẹ từ chối nhưng thấy tôi rưng rưng nước mắt nên mới đồng ý cho đi.
Một cảm giác sung sướng vì được tham gia trong công tác bí mật này, tôi tự nói với lòng, “Phải khám phá cái Chợ 42 đầy hấp dẫn để giúp đỡ bố mẹ và cùng gánh trách nhiệm chung.”
Tôi thích thú, hân hoan, mong đợi từng giờ, từng phút như sắp sửa được đi chơi những danh lam thắng cảnh. Sự tò mò hối thúc tôi mãnh liệt. Tôi muốn biết bố mẹ tôi làm gì ở đó và những chuyện gì sẽ xảy ra, tôi có thể giúp bố mẹ được gì không?...
Bố mẹ nhìn vẻ mặt vui tươi, hí hửng của tôi mà yên tâm. Bố giảng nghĩa:
“Chợ 42 là tên của bác Dương và một số người Việt Nam ở đây đặt cho oai chứ đó là một kho chứa đồ nằm trên đường 42. Những hàng tồn kho bán không được hoặc quá hạn, hoặc bị hư họ sẽ đem vất bỏ vào một thùng rác lớn container. Khi nào đầy thùng, cửa hàng sẽ đem đi đổ ở chỗ khác. Những thứ rau cỏ, trái cây còn tươi tốt, họ cũng vứt bỏ nên mọi người ở đây ra, lấy về mà ăn kẻo phụ của trời. Mình ăn làm phước đó con,” bố tôi dí dỏm nói thế.



Đến nơi rồi.
Chợ 42 đây sao! Đó là một container to lớn lắm, cao hơn đầu bố tôi, đứng ở dưới không thấy bên trong. Tôi thử nhón gót nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi thầm lo làm sao bố mẹ lấy được đây… Tôi hồi hộp chờ đợi.
Bố tôi thành thạo lái xe đậu sát cạnh thùng, rồi leo đứng trên mui xe. Từ đó ông nhảy vào bên trong container. Bố lựa, những thùng còn nguyên, tươi tốt chuyền xuống cho mẹ, mẹ khệ nệ bưng bỏ vào đằng sau xe. Tôi lật đật phụ mẹ khuân vác. Thỉnh thoảng mẹ tôi hỏi, “Bố ơi! Còn cái gì ngon và lạ không?” Bố trả lời “Đợi tí nữa, đang kiếm đây.”
Cuối cùng bố lựa được vài củ su hào to đưa cho tôi.
“Chà bữa nay sẽ có món canh su hào đây,” tôi thì thầm tự nhủ và đắc ý.
Sau khi khuân vác tất cả vào xe, tiện tay tôi lựa và vất những thứ hư không xài được vào thùng rác, mẹ thấy vội khen tôi, “Con gái mẹ giỏi ghê.” Tôi nghe mà thấy đau nhói trong lòng. Nhiều khi “không đủ hàng” bố mẹ phải chờ người cửa hàng đem thêm ra, đợi họ đi khuất, chúng tôi lại ra “làm việc”.
Cũng có khi bố mẹ về tay không, chẳng có thứ gì cả. Chợ 42 là thế đó.
Nhìn bố mẹ làm nặng nhọc như vậy tôi cảm thấy nghèn nghẹn, nước mắt tự tuôn trào.
Bố mẹ tôi thật vĩ đại làm sao! Ngày xưa, bố tôi là nhà giáo, sau đó làm chủ của một tổ hợp hóa chất. Còn mẹ làm ở ngân hàng, sang trọng, uy thế lắm. Giờ đây chẳng ngại mặt mũi, chẳng ngại cực nhọc, khó khăn để đi lấy thức ăn lục lọi trong thùng rác, lựa từng củ su hào, trái cà, bó rau để nuôi chúng tôi.
Có một hôm, ba anh em ngồi xem ti-vi, bố mẹ đi làm chưa về. Anh Tí hỏi tôi:
“Sao! Đi Chợ 42 có vui không?”
Tôi chưng hửng, hoảng hồn, “Ủa sao anh biết?”
“Ranh con ơi! Cái gì hai anh đều biết hết, giấu đâu có được. Có lần anh đi ngang qua phòng bố mẹ, nghe bố nói với mẹ 'Đừng cho mấy đứa nhỏ biết mình lấy đồ trong thùng rác, sợ tụi nó tự ái, không chịu ăn thì khổ.' Tụi anh biết chứ, nên cứ giả vờ, ăn thật nhiều, thật mạnh… Cứ ăn mà không hỏi gì; vui vẻ ủng hộ bố mẹ hết mình. Ba chúng ta phải giúp bố mẹ, nắm chặt tay nhau, để gia đình mình tiến mạnh, đây là bàn đạp để đẩy chúng ta lên cao hơn, cố gắng lên nhé!”



Thật không có bút mực nào tả xiết cho những sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái ở khắp mọi nơi. Vì cuộc sống vì gia đình mà quên đi bản thân mình, can đảm chịu đựng, cắn răng chịu đựng nước mắt trong lòng không để lộ ra. Sự thánh thiện, yêu thương của cha mẹ thật vô bờ bến. Có ai hiểu được tấm lòng đó chăng?
Riêng tôi cố gắng học thật nhiều, kiếm tiền để có thể giúp đỡ bố mẹ, giúp những người hoàn cảnh khó khăn trong tầm tay của mình để họ có thể đứng vững và tôi sẽ làm hết khả năng để làm được những gì mong muốn.
Và tôi cũng xin cảm ơn Nhật Báo Người Việt cho chúng tôi được nói lên phần nào khó khăn trong cuộc sống của những người, những gia đình khi bước vào cuộc sống mới gian khổ nhưng đầy hứa hẹn trên đất Hoa Kỳ này.
Sự có mặt của Little Saigon, Nhật Báo Người Việt và còn nhiều cơ sở cộng đồng khác đã cho chúng ta thấy sự thành công, sự đoàn kết, biết bao sự cam go, hy sinh của cộng đồng ở Hải Ngoại, lòng yêu nước, giữ gìn giống nòi không bị mai một, mặc dù sống ở nước ngoài vẫn giữ được truyền thống, kỷ cương của người Việt góp phần với các nước khác trên thế giới, không hổ thẹn với giống nòi Việt Nam.
Xin nhận nơi đây lòng kính phục của chúng tôi đến những vị tiền bối đã và đang phục vụ kiều bào, mọi người Việt Nam trên mảnh đất quê hương thứ hai.
 
 Nguyễn Trung Quân ( St)
 
 
                                                                          

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640992 visitors (2134903 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free