.
  Dấu hỏi buồn
 
12/1/2014


CỔ TÍCH BUỒN CỦA EM TÔI.

 

Mùa Xuân là mùa của rộn ràng và hối hả nhất trong năm…Hầu như ai cũng tất bật mong sao cho ba ngày tết được tốt đẹp tròn vẹn như câu chúc nhau ‘‘Tân Xuân Vạn Hạnh”. Người giàu thì chuẩn bị đón tết đầy đủ nên nôn nả đợi chờ, kẻ nghèo lại sợ tết đến nhanh bởi thiếu thốn vây quanh khiến lo lắng nhiều hơn… Sáng nay chúng tôi chuẩn bị một cuộc thăm viếng bất ngờ, một gia đình nghèo, rất nghèo. Một chút ấm lòng từ sự sớt chia, dù nhỏ nhưng sẽ là niềm vui lớn của đôi vợ chồng nghèo cùng bốn đứa trẻ luôn sống trong cảnh thiếu thốn bữa đói bữa no. Nghĩ tới đã thấy thương, thấy tội vì kiếp nghèo đã đeo đẳng những con người này từ khi lọt lòng, để rồi mẹ truyền con nối một nghề duy nhất: đi ở mướn…

Vừa gặp lại em…Ký ức ngày xưa bỗng như những đoạn phim buồn chưa có hồi kết lần lượt quay về….

Dạo ấy, tôi vừa sinh con gái út, nên cần người trông coi em bé. Từ dưới quê, người ta dẫn lên cho tôi một con bé trạc khoảng độ tuổi mười hai. Em tên HL, con của dì Hai, người đã một thời giúp việc cho ngoại tôi thuở trước. ...(tôi biết dì từ thuở dì còn con gái, lúc đó tôi đang ở nhà ngoại để đi học trường NLS Ba Xuyên khoảng năm đệ ngũ thời bấy giờ)…

Em vóc người nhỏ thó, nước da xanh mướt và đặc biệt là có gương mặt rất buồn. Trong suốt thời gian ở cùng tôi mới biết, em thuộc tánh người ít nói và dù còn nhỏ nhưng em rất có lòng tự trọng và vô cùng hiếu thảo… Mỗi tháng, tiền lương em gởi hết về cho mẹ, không giữ lại đồng nào…Từ khi biết được hoàn cảnh nghèo khổ em phải chịu từ lúc lọt lòng mẹ, đã dấy lên trong tôi lòng thương cảm của một người chị lo cho em, không tính toán, tôi sắp xếp để em được đi học thêm lớp bổ túc văn hóa mỗi tối, vì em không biết chữ, dự tính dù thế nào em cũng phải cố gắng học đến hết lớp chín để có một nghề nghiệp ổn định, mục đích của tôi là giúp em thoát khỏi kiếp nghèo đang đeo đẳng gia đình em…Trong khoảng thời gian này, chúng tôi cũng tới lui thường xuyên thăm nom ba mẹ em nên em cũng được yên tâm phần nào… Thế nhưng, sự đời có những việc con người không thể lường trước - “người tính không bằng trời tính” - em ở với tôi được khoảng 5 – 6 năm thì ba em mất vì bệnh. Thế là, em đành phải thu xếp về để lo cho mẹ nay yếu mai đau… trong sự luyến tiếc hụt hẫng buồn bả của đôi bên. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó…

Bẵng đi mấy năm, tình cờ có người chỉ giúp, tôi gặp lại em trong gian nhà trống hoác, căn nhà đang trong diện giải tỏa vì nằm sát mặt lộ lại cặp mé sông. Em kể, mẹ mất ít lâu thì em có chồng, một nông dân hiền lành chơn chất, về quê chồng không đủ sống, vợ chồng em đành tìm về chốn cũ làm thuê đắp đổi qua ngày, gia tài em có được hiện giờ là một đứa con gái hơn 4 tháng tuổi cùng một món nợ vay hơn triệu bạc trả hoài không hết…Thương em, vợ chồng tôi bàn nhau giúp em trả dứt nợ, sau đó sắp xếp đưa gia đình em ra Sông Bé (Bình Phước) giữ miếng vườn nhãn của chúng tôi ngoài ấy, và cũng để em có nơi ăn chốn ở đầy đủ ổn định hơn….

Đây là khoảng thời gian vàng son nhất trong cuộc đời người con gái đáng thương này. Một tháng đôi lần, chúng tôi ra thăm vườn và cũng để tiếp tế lương thực cho hai đứa. Hình ảnh ấm cúng hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo này đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi : chồng lo việc vườn tược, vợ nằm ầu ơ ru con trên chiếc võng mát rượi trước sân…cạnh bên là đàn gà con đông đúc đang tíu tít gọi bầy…Dọc đường ranh của hai mảnh vườn giáp nhau, là đủ loại bầu bí, ớt, khoai mì xanh mướt... Đó là công sức của chồng em đã đổ ra để cải thiện kinh tế gia đình. Khoảng thời gian này, cuộc sống của em đầy đủ không thiếu bất cứ thứ gì và ít nhiều vợ chồng em cũng đã để dành được cho mình một số vốn ít ỏi từ cuộc sống trên miền đất xa xôi ấy…

Cuộc sống yên ả của gia đình em ở nơi xứ lạ quê người kéo dài được chừng khoảng 5 – 6 năm. Sau đó, do biến động kinh tế thị trường, vợ chồng tôi buộc lòng phải bán hai miếng vườn nhãn, là công sức những năm dành dụm và đầu tư chất xám nông nghiệp của chúng tôi thời bấy giờ (dạo ấy, thiên hạ kháo nhau có một đoàn đại gia miền Tây lên vùng cao lập nghiệp. Thực chất đó chỉ gồm một nhóm bạn Nông Lâm Súc rủ nhau cùng mở trang trại với hy vọng tương lai sẽ trở thành đại gia…). Trái cây mất giá, thu nhập không đủ cho chi phí đầu tư, chồng tôi lại rất cực nhọc bởi quá nhiều việc, vừa làm việc ở bệnh viện, chăm sóc cha mẹ già đã xấp xỉ tuổi 90, lại phải tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đi thăm vườn bằng xe gắn máy vượt đường hơn 300 cây số… Quyết định bán vườn đất lúc ấy là cú sốc không chỉ của riêng chúng tôi, tội cho vợ chồng em vừa mất chỗ ở, mất cả việc làm. Bán tất cả máy móc cùng những gì có được, chúng tôi cho em tất…Như cuộc sống của dân du mục, mặc dù không muốn, một lần nữa vợ chồng em lại cộ kéo nhau về ruộng ở, lần này thì em có lãi thêm ba đứa con, vị chi là bốn đứa…Một lần nữa, tôi lại bặt tin em…

 

 

Thời gian trôi qua, số phận của mỗi con người cứ thế mà đi tới theo guồng quay của cuộc sống. Suốt thời gian đó, tôi vẫn không ngừng mãi nghĩ về em. Thế rồi, định mệnh đưa đẩy thêm một lần nữa… hôm con tôi chuẩn bị sanh cần người giữ em bé, đứa con gái được giới thiệu từ dưới quê lên tên là HC, thật bất ngờ…nó chính là con gái của em. Nhìn đứa trẻ còn đang tuổi ăn, tuổi lớn, học giỏi mà phải nghỉ học đi giúp việc nhà, tôi thật không thể cầm lòng được. HC chính là hình ảnh của em 30 năm về trước… Tôi không muốn con em bị mang tiếng “3 đời đi ở đợ” nên thuyết phục em cho con về quê đi học lại. Tôi hỗ trợ để cháu được tiếp tục học những mong cháu sẽ được đổi đời. Nhưng cuộc sống thật phũ phàng khi em phát hiện mình mang trong người nhiều thứ bệnh mà không đủ tiền chữa trị, thế là em đành phải cho con gái nghỉ học lần nữa để đi làm thuê. Em không cho tôi biết quyết định này vì sợ tôi buồn…


         

Chúng tôi ghé xe dọc lộ, sát cạnh nhà em. Đây chính là căn nhà cũ nát đang chờ nhà nước “xúc” đi để mở đường.Từ trong ruộng, vợ chồng em đã đưa nhau cả về đây, liều mạng sửa sang ở thí để các con có nơi chốn học hành, nền nhà được lót chắp vá bằng những miếng gạch bông cũ, trong khi bốn vách thì đã rách bươm…HL đón chúng tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng pha lẫn vui mừng. Chồng em đi vác mướn chưa về. Đưa tay ôm ngực, em bảo xúc động cũng làm em mệt vì chứng bệnh bướu cổ ảnh hưởng đến tim…Ba thằng con trai của em đang ở mé sông gần đó thấy nhà có khách cũng lục tục kéo về, đứa nào cũng nước da đen nhẻm đậm chất con nhà nông, đứa nhỏ nhất khoảng độ 6 tuổi cầm trên tay một nắm rau cải trời, chắc là vừa hái được gần đâu đó, hai đứa còn lại chìa ra cho mẹ nó xem mấy con cá linh bé tí đang dẫy đành đạch trong chiếc rổ rách bươm, chúng rụt rè chào chúng tôi rồi lặng lẽ rút cả vào nhà sau…Em rơm rớm nước mắt khi nhắc kể về HC “ tội nghiệp nó học giỏi vậy mà phải nghỉ học đã hơn tháng nay để đi phụ bán trái cây với một người quen ở tận Cà Mau”…

Tôi và em được dịp hàn huyên tâm sự tưởng chừng không dứt… Tôi ân cần mở từng món quà nhỏ đưa cho các cháu mà cảm thấy lòng mình vui buồn lẫn lộn khó tả…

 

 

Trên đường về, lòng tôi vẫn còn vương vấn mãi không nguôi…Nghe chồng kể lại mà thương quá đổi, theo lời hàng xóm, vợ chồng nó nghèo lắm nhưng được cái rất hiền lành và con cái không bao giờ tụ tập la cà …Bà hỏi thì ba nó bảo “ra đường chơi không lại ai, tập cho tụi nó ở nhà tốt hơn” Có hôm em bệnh phải đi cấp cứu, bà sang nhà thấy ba đứa nhỏ đang chuyền tay nhau tô cơm nguội ăn với nước mắm chan mà đứt ruột…Hóa ra, bà cũng là một trong những người thường tới lui giúp đở gia cảnh đáng thương này…

       

                       (Hồng Thúy Phượng áo đen, ngồi giửa)

Cho đến bây giờ ngồi viết lại những dòng này, lòng tôi vẫn chưa hết bồi hồi…Những tưởng tình thương cùng vật chất chúng tôi đem đến sẽ mang lại niềm vui trọn vẹn cho cả gia đình em và sẽ là một cái tết tươm tất…Nhưng giờ thì tôi biết rằng đó chẳng khác chi hạt muối đem bỏ giữa biển khơi…khi tận mắt nhìn thấy cảnh nghèo đang “ngự trị” trong căn nhà tồi tàn mục nát ấy…

Mùa xuân! Là mùa của sắc màu cuộc sống, mùa của lễ hội vui chơi…nhưng có phải đã là tất cả?...Biết đến bao giờ thì những con người này sẽ được mặc chiếc áo tinh tươm của một cuộc đời no đủ? Bao giờ mới có một mùa xuân thực sự khoe sắc dành cho những con người khốn khổ như thế này? Dấu hỏi buồn xin nhường câu trả lời cho tình yêu thương và lòng nhân ái!!!

 

Phượng Hồng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638849 visitors (2128527 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free