.
  Dáng xuân phai
 


 
 
Nguyễn Thị Mây
 
          Không là sắc tím hoa sim. Cũng chẳng giống màu lục bình Ngân yêu thích. Đóa hoa ấp ủ nỗi buồn trong mấy cánh nhỏ xinh. Màu tím của nó phảng phất, gợi nhớ về anh và ẩn dấu tuyệt vọng vô bờ mà Ngân đang mang nặng. Trong cái chậu be bé, giữa những miếng than xếp đầy mấy chiếc lá xanh rờn ung dung xòe ngọn quanh nhánh phong lan.
          Ngày xuân đang dần trôi. Hai chậu cúc đặt trước cửa hoa đã lụi tàn, trơ trọi lá. Trong vườn, trên cành mai thưa thớt vài cánh hoa nở muộn. Cặp cau kiểng xong ba ngày tết, nội Ngân cũng đã vùi gốc nó xuống sân nhà. Mấy tàu lá ủ rũ , vò võ như đang tương tư, tiếc nuối nơi nào xa khuất. Toàn bộ cây cỏ ở đây đang phơi bày dáng dấp xuân phai. Duy chỉ có giò phong lan của Đạt tặng Ngân lại trổ nhành hoa tím.
          Chiều ra vườn, Ngân bỗng bàng hoàng khi thấy màu hoa lạ. Hôm đem nó tới đây, Đạt giải thích:
          - Phong lan nè Ngân. Hoa nở bất ngờ và lâu tàn lắm đó.
          Nhìn mấy chiếc lá xanh mơn mởn, Ngân hỏi:
          - Hoa đâu?
          - Chưa trổ?
          - Chừng nào mới trổ?
          - Anh đâu biết. Đã bảo là bất ngờ mà.
          - Thật là phí, nếu nó trổ không đúng ngày tết thì sao?
          Đạt cười trừ:
          - Thì thôi chứ sao. Chẳng lẽ tất cả hoa cứ phải thắm tươi và nở vào mùa xuân thì cuộc sống này vô vị lắm!
          - Nhưng em thích hoa nở vào mùa xuân thôi.
          Đạt nhắc nhở:
          - Lại thay đổi ý kiến rồi sao. Ngân thường bảo chỉ thích những cái gì nghịch đời kia mà. Mùa xuân hoa không nở mới lạ chứ.

 
          Tính Ngân vẫn thế. Mùa đông, Ngân cứ mặc áo mỏng manh và đòi Đạt tặng mình một nhành phượng vĩ. Đạt đi cả ngày rồi trở lại với quyển báo chụp cảnh sân trường rực rỡ sắc phượng. Trời mưa dầm rả rích, Ngân thèm được ngắm nắng vàng hanh. Để khi mặt trời chui ra khỏi đám mây đen thì Ngân lại trốn vào nhà như sợ màu vàng của nắng.
          Những ngày tháng có Đạt bên cạnh, Ngân lại quên sự có mặt của anh, quên Đạt quẩn quanh, quấn quýt Ngân như hai người có chung cái bóng. Nhưng Ngân lại lơ đễnh để bóng vỡ, rơi hẫng vào khoảng không vô tận. Và, Đạt biến mất.
          Lâu lắm, Đạt mới trở lại thăm Ngân và mang theo giò phong lan này. Đạt thản nhiên kể lể:
          - Anh xin của Uyển đó! Nhà Uyển trồng toàn phong lan hiếm quý. Ba của cô ấy cất một mái che cho phong lan mặc tình đón gió. Ngân có thích hoa này không?
          Ngân lặng lẽ gật đầu. Đạt ví von:
          - Hoa nở bất ngờ như ý nghĩ của Ngân vậy đó. Đừng chờ mất công. Khi muốn, tự khắc nó trổ nụ.
          Anh huyên thiên về Uyển:
          - Uyển rất yêu hoa. Cô bé chăm sóc cây trồng rất tốt nên nhà Uyển tràn ngập hương hoa.
          Đạt mơ màng:
          - Phải Ngân được đến đó Ngân sẽ thấy lòng mình thanh thản hẳn, trái tim dường như mở rộng ra, tiếp nhận mùi thơm của thiên nhiên.
          Đạt còn nói nhiều lắm. Anh không để ý thấy Ngân lặng đi. Ngân lắng nghe rất rõ tiếng của trái tim và cánh cửa lòng mình vừa khép kín.
          Đạt về lúc nào Ngân cũng chẳng hay. Đến khi mẹ ra vườn tìm, bà vỗ mạnh vào vai, Ngân sực nhớ mình còn phải thở, tiếp tục sống. Ngân òa khóc. Mẹ Ngân bật cười. Bà ngỡ Ngân đang làm nũng với mình như mọi khi. Bà lắc đầu nhìn Ngân chạy vào nhà, miệng gào lên:
          - Con không muốn làm người lớn đâu!
          …
          Từ đó, Đạt mất hút. Anh không trở lại lần nào nữa. Nhưng cũng là lúc từng chỗ trong nhà Ngân lại hiện đầy bóng Đạt.
          Trên cái chõng tre sau bếp, chiều ba mươi tết năm nào Đạt đã ngồi bên Ngân gói bánh. Mẹ Ngân chế giễu:
          - Bánh của thằng Đạt gói đúng là “bánh nhiều”. Còn bánh của Ngân gói mới là “Bánh ít”.
          Ngân cười ngả nghiêng khi ngắm “chú bánh lực sĩ” bên cạnh “nàng nếp suy dinh dưỡng” của mình.
          Bộ lư đồng dạo này màu vàng như xỉn đi vì thiếu bàn tay đánh bóng của Đạt. Có lẽ vì vậy mà phòng khách như ủ dột, buồn tênh. Đi ra vườn, Ngân thẩn thờ nhìn chú sâu đo trên mặt lá. Ngân để yên cho nó gặm nhấm màu tươi non của cây trồng.rồi bỏ lại nét úa tàn  đây đó.
          Ngõ vào nhà Ngân đâu còn dáng Đạt thập thò, kiễng chân nhìn qua cổng. Tiếng huýt gió của anh cũng vắng bặt lâu rồi. Còn Ngân giả đò không nhớ.
          Ngân giả vờ bình thản sống bên  ba mẹ và nội. Ngân đến trường đều đặn và cố gắng chăm học hơn. Chiều chiều, Ngân xách cái thùng nhỏ ra vườn. Cô rưới những giọt nước long lanh lên hàng cây kiểng. Ba nhìn thấy, ông trêu:
          - Tưới cây sao mà giống rảy nước mắt lên lá vậy con! Coi chừng cây chết khô hết đó.
          Chờ ba khuất sau cánh cửa, Ngân áp má vào chậu phong lan treo lủng lẳng trên cành bưởi. Ngân thì thầm với nó:
          - Người ta đã đi mất rồi, phong lan ơi!
          Ngân giật mình khi cảm thấy vị mằn mặn của giọt nước ai tưới từ khóe mắt mình xuống má.
          Mẹ ra vườn từ lúc nào Ngân không hay. Bà vòng tay ôm vai Ngân, kéo con gái ngồi xuống băng đá, rồi vuốt tóc:
          - Con gái bé bỏng của mẹ…Con đâu đã là người lớn đúng không?
          Ngân quay lại ôm chầm lấy mẹ. Đã lâu lắm rồi, Ngân mới áp mặt vào ngực mẹ. Từ trong sâu thẳm, Ngân hiểu mình không còn bé bỏng như ngày nào. Và Ngân biểu rằng mình đã yêu và bắt đầu nhận ra chính mình đã để cho dáng xuân phai./-
         BÀI VIẾT: NGUYỄN THỊ MÂY  ( VTN st)
                 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640523 visitors (2134366 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free