.
  Họp mặt 40 năm...P15
 
2/9/2013

 

 

VỀ THĂM TRƯỜNG CỦ (Phần 15.)

KS Mong Phước Minh K1

 



Kính thưa quí Thầy và các bạn,

Như vậy, sau một vòng “về thăm trường cũ”, chúng ta đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa qua những hình ảnh liên quan đến Khóa1, khóa 2 và 3, cùng một ít của khóa 4 và 5; may mắn lại có sự đóng góp của Huệ A, khóa 6…Nhưng chắc chắn, theo tôi, mọi người(gồm tất cả các khóa Nông nghiệp Cần thơ khác) đều thấy “hình bóng” của mình nơi chốn thân yêu ấy, với những người Thầy chung và các bạn bè riêng cho từng khóa.  Qua đó, cuộc đời sinh viên Nông nghiệp của chúng ta, đã xong sau 4 năm khó nhọc, nhưng thật chóng qua, với biết bao kỷ niệm mà ngày ra trường là một kỷ niệm khó quên. “Áo mũ cân đai” chấm dứt kiếp học trò khổ nhọc, thật xứng đáng để mọi người hảnh diện, vì đó là kết quả của Cơm Cha, áo Mẹ, công Thầy…cùng với …công của chúng ta và đôi khi còn là công của …  “bồ” như Phan văn Tý(K2) từng thú nhận; và …đối với Hà Thế Tạo còn do công “trời biển” của ...vợ, là chị Liểu! 

Nguyễn Hiền Lương, K3 nhưng tốt nghiệp K4 do học thêm Cử nhân Khoa học Vạn Vật. (Tôi rất nhớ anh bạn này và mãi không quên bi kịch đời anh!)

 Bốn năm đó đã trôi qua lâu lắm rồi…mà…ô  hay, đâu thể ngờ rằng hôm nay mình lại có cơ hội tìm về chốn cũ một cách đầy “tâm trạng”, đáng yêu và thật cảm động!

Còn với quí Thầy, có lẽ cái hồi ức hôm nay, cũng là niềm vui nhỏ khi vừa đọc, vừa nhớ lại những đứa học trò xưa ở “tất cả” các khóa mà mình đã dạy. Nhớ lại cái nơi mà mình đã từng trãi qua những năm tháng đầu đời đầy bở ngở, dìu dắt lớp đàn em bằng tâm huyết của những Kỷ sư, Cao học, Tiến sĩ… mới ra trường.

Và hôm nay, cuộc hội ngộ 40 năm, giữa những bạn đồng môn “không còn trẻ nửa”, cùng quí Thầy chắc chắn “già” hơn, sẽ hứa hẹn nhiều thú vị…

 12h20.

Sau ăn trưa, mọi cựu sinh viên già lần lượt leo lên phòng nghĩ “mệt”, một số “lão gia” ăn theo ngồi đàm đạo tại bàn cà phê khách sạn Công Đoàn chờ giờ “khai hội”. Chuyện xưa, chuyện nay lần lượt nhắc tiếp. Mừng cho hầu hết đều sống “nhăn răng” và có con cái thành đạt. Chỉ tội cho một ít thằng sớm về miền “viễn xứ” (trong đó có Ng. H. Lương, hình trên), bỏ lại mấy bạn già đang hú hí hôm nay. Thôi, đời là cõi tạm, kiếp “sinh ký tử qui” ta cứ xem nhẹ tợ “lông gà”, hãy enjoy cái hiện tiền  đang buồn… ngủ muốn gục! Uống bậy tách trà để chờ tiếp tục cuộc chơi!

 

14h.

Thầy Phạm văn Kim đến, nếu không có mái tóc bạc thì Thầy chẳng thấy thay đổi gì. Thầy Kim, cũng như Thầy Phi Long, tạm xếp vào đội ngũ những dân Nông Lâm Súc “nòi”. Tốt nghiệp K3 NLS Sài gòn (mà hình như lúc đó còn ở Bảo lộc), Cô Lê Thị Sen, là em của Thầy Lê văn Ký cũng là dân NLS, sau này góp thêm Tiến sĩ Lê Quang Minh, cùng tộc họ.

Chức thơ ký đại học đường của Thầy cũng chỉ là một chức vụ cơ hội, khi người tiền nhiệm là Ông Nguyễn văn Miêng  chuyển công tác về quê, Thầy được cử lên thay thế. Dù không xuất thân từ trường hành chánh, nhưng với trình độ kỷ sư, cộng thêm tính kỹ lưỡng Thầy đã không có người thay thế cho đến khi được xuất dương du học. Nhiệm vụ chính của các Thầy vẫn là dạy học, sinh viên K1 từng thực hành nông trại với Thầy Kim về “trồng nấm rơm trong thùng phuy”, đó là loại nấm lớn, sau khi đi Nhật về Thầy chuyển hẳn sang các loại nấm li ti gây bệnh cho cây!

Theo tôi, có một điều mà nếu không nói ra, chắc không ai để ý : Góp mặt ngay từ những ngày đầu thành lập(1966), Thầy Kim, đến thời điểm này là người có thời gian gắn bó lâu dài nhất trên cương vị giảng dạy tại Cao Đẳng Nông nghiệp Cần thơ, sau đó là Đại học Nông nghiệp và bây giờ là Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng! Có lẽ kỷ lục này khó ai vượt qua!

Nhân nhắc đến “Đại học Nông nghiệp”, tôi xin mở ngoặc để nói về sự thay đổi từ Cao Đẳng sang Đại học.

Như ta đã biết, lúc mới thành lập thì khoa Nông nghiệp mang danh là Trường Cao Đẳng Nông nghiệp (dù trên bảng tên trường có thêm dòng chữ Anh  “Faculty of Agriculture”). Cái “oan ức” của Cao đẳng là dù được đào tạo 4 năm, thi tuyển chọn lọc, học hành nhọc nhằn hơn vậy mà Kỷ sư Nông Khoa không được đối xử công bằng như Cử nhân, vẫn chỉ là anh tốt nghiệp từ một tường …Cao Đẳng! Cụ thể như chỉ số lương của một anh Kỷ sư chỉ là 470 so với một anh Cử nhân là 510, lúc mới đi làm công chức. Cái bất hợp lý này khiến các Trường Cao Đẳng Nông nghiệp (Cần thơ), Canh Nông, Chăn nuôi Thú Y, Thủy Lâm(Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp Sài gòn) và Cao đẳng Hóa học, Công chánh, Điện, Công nghệ (Trung tâm Bách khoa kỷ thuật Phú Thọ) liên kết với nhau để đề nghị Bộ Giáo Dục phải thay đổi danh xưng, nâng lên là Đại học. Tôi còn nhớ, lúc đó khoảng cuối năm 1972, vừa chân ước chân ráo ở lại trường với “hàm” Giảng nghiệm viên đồng hóa công nhựt, được các Thầy Trần Đăng Hồng, Phạm văn Kim, Nguyễn văn Nhiều, Nguyễn Phú Thiện…cho đi “phó hội” tranh đấu để sửa đổi danh xưng trường. Đoàn đi chiếc Toyota coaster rất oách, quí “phu nhân Cô” mang theo một con trừu khìa và nồi cơm nếp bự, hạ trại ăn ngon lành tại hàng cây sao Thân Cửu Nghĩa để chuẩn bị cho “cuộc chiến không khoan nhượng” ngày mai nhằm xóa bỏ sự bất công đó.

Buổi hội thảo tổ chức tại Trung tâm QG Nông nghiệp Sài gòn, với những phát biểu gay gắt nhằm đòi Bộ Giáo dục phải có quyết định thay đổi danh xưng. Những đại diện của Trung tâm QG Kỷ thuật Phú thọ thì tôi không nhớ, nhưng phía NLS Sài gòn thì có các Thầy Châu Tâm Luân, Lê văn Đằng, Ngô Bá Thành (phu quân của Bà Ls Ngô Bá Thành…) Sau sự “đấu tranh” đó không lâu, các trường Cao Đẳng được sửa thành Đại học.

Khóa 2 thì không biết có kịp trở thành sinh viên Đại học Nông nghiệp chưa, nhưng chắc chắn khóa 3 thì đã.

(xem tiếp phần 16)

 

 

 

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640469 visitors (2134232 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free