.
  Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt
 
9/8/2013
 
                     
 
        
       
 
 
          Nhu cầu lương thực cho tiêu dùng của thế giới ngày càng tăng, tuy nhiên chăn nuôi heo và gia cầm phát triển cần lượng ngũ cốc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi ngày càng nhiều đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực của toàn cầu. Bò và gia súc ăn cỏ nói chung không cạnh tranh lương thực với con người và thức ăn với gia súc và gia cầm khác. Vì thế trên thế giới phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ nói chung và chăn nuôi bò thịt nói riêng là xu hướng của các nước đang phát triển để đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu thực phẩm tiêu dùng xã hội và kỹ thuật chăn nuôi bò thịt trở thành nhu cầu cần thiết cho mọi miền đất nước.
 
          I. KỸ THUẬT CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG BÊ
          1.  Kỹ thuật nuôi bê sơ sinh đến 7 ngày tuổi
          Sơ sinh là giai đoạn rất quan trọng vì bê phải thích nghi với cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ. Ngay sau khi sinh bê cần được quan tâm và chăm sóc của người chăn nuôi.
          * Thức ăn
          Sữa đầu rất quan trọng vì giúp tẩy sạch đường tiêu hóa,chứa nhiều kháng thể và các chất dinh dưỡng khác, làm tăng sức đề kháng của bê với các bệnh và tạo thuận lợi trong quá trình sinh trưởng và phát triển sau này. Hệ tiêu hóa của bê sơ sinh có khả năng hấp thu nguyên vẹn các chất từ sửa đầu vào máu, khả năng này giảm dần và đến 62 giờ sau khi sinh khả năng này bằng không. Vì vậy, bê cần được bú sữa đầu càng sớm càng tốt, chậm nhất là 1 – 1,5 giờ sau khi sinh.
          *Chăm sóc và quản lý bê sơ sinh
 
                
 
          Khi mới sinh bê cần được cắt rốn. Rốn phải được cắt như sau: tay trái cầm cuống rốn đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái của tay phải vuốt mạnh rốn theo chiều từ cuống trở ra và cắt rốn ở khoảng cách 5 – 6cm, sau đó sát trùng chỗ cắt bằng cồn iốt 5%.
Vệ sinh cho bê sơ sinh: dùng giẻ lau, móc hết nhớt bẩn trong mũi, miệng bê, bóc móng. Để bò mẹ liếm hoặc dùng khăn, bao tải, rơm khô mềm lau toàn bộ cơ thể bê.
Sau khi sinh, trước lúc bê bú sửa đầu cần tiến hành cân khối lượng của bê, quan sát đặc điểm lông da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc miệng, tình hình sức khỏe, ăn uống, đi lại… để có chế độ nuôi dưỡng phù hợp và xác định hướng sử dụng sau này. Những thao tác này cần làm nhanh để bê được bú sữa đầu sớm.
Trong chăn nuôi bò thịt, sau khi sinh bê thường theo mẹ và bú mẹ trực tiếp theo nhu cầu. Thường trong những ngày đầu tiên cho bú 3 -4 lần /ngày, về sau giảm xuống 2 lần/ngày.
Trường hợp phải nuôi bê ghép, cho từng con bú một và đảm bảo các bê đều được bú lượng sữa như nhau.
 
2. Kỹ thuật nuôi bê theo mẹ (sau sơ sinh đến cai sữa)
 
 
 
*Thức ăn
- Sữa mẹ:
Là loại thức ăn quan trọng nhất đối với bê trong giai đoạn này. Sữa mẹ có các chất dinh dưỡng tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với yêu cầu sinh lý của bê. Đồng thời, khả năng tiêu hóa sữa các thành phần dinh dưỡng trong sữa của bê thường trên 95% . Cho nên cần sử dụng tối đa lượng sữa mẹ còn các thức ăn khác chỉ là tập ăn.
- Thức ăn tinh hỗn hợp:
Có thể cho bê tập ăn từ lúc 15 – 20 ngày tuổi vì dạ cỏ phát triển chưa hoàn thiện nên loại thức ăn tinh hỗn hợp tập ăn phải có chất lượng tốt, hàm lượng protein cao (160- 170g/kg VCK). Lượng thức ăn tinh lúc đầu khoảng 0.2kg sau đó tăng dần lên 0.5kg (từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5), rồi 1kg ( từ tháng thứ 6).
- Cỏ khô :
Là loại thức ăn cần thiết vì nó kích thích sự phát triển của dạ cỏ và hoàn thiện hệ vi sinh vật dạ cỏ, tăng thêm dinh dưỡng.
Có thể tập cho bê ăn cỏ khô từ lúc 7 – 10 ngày bằng cách để cỏ khô chất lượng tốt vào xô treo trên cũi cho bê.
- Cỏ tươi:
Có thể tập cho ăn từ cuối tháng tuổi thứ nhất bằng cách bổ sung tại chuồng hoặc trực tiếp gặm trên bãi chăn.
- Củ quả:
Đây là loại thức ăn chứa nhiều bột đường, tương đối ngon miệng nên bê rất thích ăn. Tuy nhiên, vì bột đường dễ lên men nên không cho bê ăn quá sớm mà chỉ cho ăn từ tháng tuổi thứ 3 trở đi, khi cho ăn cần theo dõi phản ứng của đường tiêu hóa, nếu thấy bê bị ỉa chảy thì phải dừng lại.
- Chất khoáng:
Từ tháng tuổi thứ nhất đến tháng tuổi thứ 5 bê cần nhiều Ca và P nên phải bổ sung các thức ăn nhiều khoáng như: bột xương, bột đá voi, bột vỏ sò… Đồng thời phải cho bê vận động dưới ánh sáng mặt trời để tăng tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu Ca tránh bệnh còi xương.
Ngoài sữa mẹ và cỏ thông thường, cần bổ sung thức ăn khác nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho bê trước khi cai sữa.
Thành phần thức ăn bổ sung cho bê bú sữa tốt nhất là hỗn hợp các loại thức ăn hạt và thức ăn bổ sung protein – khoáng. Thành phần thức ăn bổ sung nên chứa: 2,4-2,6 Mcal ME/kg, 13 – 16% protein thô, 0,7% Ca, 0,5% P, khoáng vi lượng, vitamin A, D và E. Để tăng tính ngon miệng cho thức ăn có thể bổ sung thêm cám và rỉ mật.
* Chăm sóc và quản lý:
- Hàng ngày cần quan sát đặc điểm lông, da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc, kiểm tra tình hình sức khỏe, bệnh tật của bê, vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi và cũi bê.
- Đảm bảo có nước uống sạch thường xuyên.
- Nơi nhốt bê con phải luôn khô ráo, đủ ánh sáng tự nhiên và có mái che.
* Kỹ thuật cai sữa:
- Chuẩn bị bê cai sữa
Trong chăn nuôi bò thịt bê thường bú trực tiếp nên thời gian cai sữa cũng là thời gian bò mẹ và bê chịu stress. Nhằm hạn chế tác động của cai sữa đến sức khỏe và tăng trọng của bê, trước hết người chăn nuôi phải chuẩn bị bê trước cai sữa.
+ Tiêm phòng và chăm sóc sức khỏe
Trước cai sữa ít nhất 3 – 4 tuần bê phải được tiêm phòng, tẩy ký sinh trùng và cho uống nước đầy đủ. Đồng thời thiến tất cả bê đực không làm giống. Chương trình tiêm phòng và tẩy ký sinh trùng của cơ sở chăn nuôi bò sinh sản cần tham khảo ý kiến của cơ quan thú y địa phương.
Trong thời gian cai sữa ít nhất phải kiểm tra bê 2 lần mỗi ngày để xem bê có dấu hiệu bệnh tật không. Cần xác định và điều trị bê ốm được kịp thời để hạn chế tổn thất.
+ Thức ăn và nuôi dưỡng
Nên bắt đầu cho bê ăn thức ăn tập ăn ít nhất là 3 tuần trước khi cai sữa nhằm giảm thiểu stress.
Trong thời gian cai sữa thành phần dinh dưỡng và tính ngon miệng của cỏ và khẩu phần tập ăn có vai trò quan trong với bê. Khẩu phần có hàm lượng dinh dưỡng cao cho phép bê thu nhận đủ lượng dinh dưỡng cần thiết hàng ngày. Thức ăn ngon miệng có tác dụng kích thích bê ăn ngay từ đầu . Có thể áp dụng quy tắc chung là cho bê ăn một hỗn hợp thức ăn gồm cỏ khô cắt nhỏ và thức ăn hạt.
Cần thiết kế một khu vực cho ăn thức ăn thô riêng mà chỉ có bê đến được còn bò mẹ thì không. Đồng thời phải có máng phân phối thức ăn chứa các hỗn hợp thức ăn hạt.
Bê sẽ được ăn một lượng vật chất khô tương đương 2,5-3 % khối lượng cơ thể.
Nước uống: Trong quá trình cai sữa bê phải luôn được tiếp cận đầy đủ nước uống đảm bảo hợp vệ sinh. Nên bố trí nhiều vòi/chậu uống nước ở những chỗ khác nhau trong chuồng và sân để bê dễ tiếp cận.
*Lợi ít của cai sữa sớm
Cai sữa bê hướng thịt lý tưởng nhất lúc 4 – 5 tháng tuổi, khi sản lượng sữa của bò mẹ bắt đầu giảm.
Ưu điểm:
- Bò mẹ sẽ động dục trở lại nhanh hơn.
- Bê có thể phát huy tối đa tiềm năng di truyền về sinh trưởng mà không phụ thuộc vào năng suất sữa của bò.
- Đây có thể là chìa khóa để sử dụng thức ăn có hiệu quà hơn trong thời kỳ khô hạn hoặc thiếu thức ăn.
- Giảm được 15 -20% năng lượng thức ăn cần thiết để nuôi bò mẹ và bê con cai sữa sớm so với bò cho con bú.
- Phù hợp với bò đẻ vào mùa thu vì nếu không phải tăng cường nuôi dưỡng bò mẹ nuôi con trong mùa đông thiếu cỏ.
- Cai sữa sớm cho bê con đựơc phép nuôi được nhiều hơn bò cái sinh sản với một nguồn cung cấp thức ăn hạn chế.
Tuy nhiên, việc cai sữa sớm cho bê thịt có nhược điểm sau:
-         Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng bê cao.
-         Phải đầu tư nhiều công lao động hơn.
-         Phải có thiết bị chuồng trại vả thức ăn phù hợp để nuôi bê con.
-   Giảm khả năng thu được bê có khối lượng cai sữa cao từ những bò mẹ cho nhiều sữa.
-         Các số liệu và năng suất của bò mẹ ít có giá trị sử dụng.
*Các phương pháp cai sữa bê theo mẹ
+ Phương pháp cô lập hoản toản
Khi cần cai sữa đưa bò mẹ đi đến một nơi đủ xa để ngay trong khi chăn thả để bò mẹ và bê không nhìn, ngửi và nghe thấy tiếng kêu của nhau. Hoặc chúng có thể được nuôi ở các chuồng khác nhau, tốt nhất là bê con vẫn giữ lại ở nơi cũ, còn bò mẹ được chuyển đi.
+ Phương pháp ngăn cách bằng hàng rào chắn.
Ngăn cách bò mẹ và bê bằng hàng rào chắn. Phải đảm bảo hàng rào và cổng đủ chắc chắn để ngăn được bê con và bò mẹ không thể tìm cách gặp nhau.
Phương pháp này gây ít stress hơn phương pháp cô lập hoàn toàn bởi bê đã quen với vị trí để thức ăn, nước uống ở nơi chuồng cũ.
+ Phương pháp cai sữa qua hai bước.
Phương pháp này bê con và bò mẹ vẫn được ở cùng nhau trong thời gian cai sữa nhằm giảm stress do tác mẹ con gây ra.
Bước 1: Đeo rọ mõm cho bê, bê không bú được nhưng vẫn bên cạnh mẹ. Dụng cụ này không gây đau và ngăn cản bê tiếp cận với đầu vú của bò mẹ. Bê được đeo dụng cụ này trong vòng 4 – 7 ngày.
Bước 2: Tách bê ra khỏi bò mẹ vả bỏ dụng cụ chống mút bú (rọ mõm).
Quá trình cai sữa kết thúc trong 7 – 10 ngày.
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

                      

 
 
 
     
 

 

     
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 639168 visitors (2129144 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free