.
  Khí hậu thế giới năm 2013
 
29/12/2013


Trần-Đăng Hồng, PhD

 

Năm 2013 là năm lạnh nhất trong mùa đông và mùa xuân, là năm thứ 7 liên tục nóng nhất trong mùa hè, với nhiều làn sóng nhiệt xảy ra khắp thế giới và có trận bão Haiyan (Hải  Yến) tàn phá nhất lịch sử.

Thời tiết bất bình thường năm 2013 bắt đầu bằng mùa đông lạnh lẻo hơn mọi năm trên khắp thế giới.

Á Châu

Tại Delhi Ấn Độ, đầu tuần tháng 1/2013 nhiệt độ xuống còn 1,9 °C (35,4 °F), lạnh nhất trong 44 năm.  Vào ngày 11/1/2013, có khoảng 233 người chết vì lạnh trên khắp Ấn Độ. Một ngày trước đó (10/1), Bangladesh có nhiệt độ lạnh kỹ lục, nhiệt độ xuống 3°C (37,4 °F) tại Saidpur, chuyện chưa từng xảy ra trong vòng 50 năm nay ở xứ nhiệt đới này.

Tại Trung Quốc, tháng 1/2013 là tháng giêng lạnh nhất trong 28 năm. Tại vùng Đông Bắc Trung quốc, nhiệt độ trung bình của tháng 1/2013 giảm xuống −15,3 °C (4,5 °F), lạnh nhất trong 43 năm, còn vùng Bắc Trung quốc nhiệt độ xuống −7,4 °C (18,7 °F) lạnh nhất trong 42 năm, làm chết khoảng 180.000 con bò. Vào ngày 2/5/2013, Hongkong được xem là ngày và tháng 5 lạnh nhất kể từ 1917.

Ngược lại, vào tháng 7 làn sóng nhiệt ập vào Trung quốc ảnh hưởng đến 9 tỉnh trong đó gồm Anhui, Jiangsu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Thượng Hải và Chongqing. Tại Thượng Hải, suốt 24 ngày liên tục với nhiệt độ trên 35˚C, có ngày lên tới 40,6˚C, nhiệt độ cao kỹ lục trong 140 năm.

Tại Hán Thành Nam Triều Tiên, vào ngày 3/1/2013, nhiệt độ −16,5 °C (2,3 °F), lạnh nhất trong 27 năm.

Tại Việt Nam, tuyết rơi dày đặc tại vùng cao ở Bắc Việt như Sapa vào những ngày cuối năm, 15 và 16/12/ 2013, chuyện hiếm xảy ra trong nhiều thập niên, gây tác hại đến rau hoa canh tác của thị trấn nghèo nàn Sapa khoảng 5 tỹ đồng (khoảng 228.000 US$).

Tuyết rơi tại Sapa

Bão tố được ghi nhận tổng cộng 30 trận lớn nhỏ trên vùng Tây Nam Thái Bình Dương, trong số này có 13 bão lớn, mãnh liệt nhất là bão Haiyan vào đầu tháng 11/2013. Từ ngày 5 đến 7/11 bão Haiyan với vận tốc 310 km/giờ tàn phá Phi Luật Tân giết chết 6109 người, ảnh hưởng tới 11 triệu người mất nhà cửa và mùa màng.

Thành phố Tacloban Phi Luật Tân bình địa vì bão Haiyan

Haiyan dự đoán tiến về các tỉnh Bắc Trung Việt từ Quãng Bình trở ra duyên hải Bắc Việt, nhưng may mắn bão đổi hướng thổi vào Nam Trung Quốc gồm Hải Nam, Quãng Đông và Quãng Tây. Mặc dầu Việt Nam thoát khỏi thiên tai, nhưng trên 30 người chết và nhà cửa bị trôi cùng hoa màu thiệt hại do con người gây ra bởi xả lũ đồng loạt vô trách nhiệm của 15 hồ thủy điện ở Miền Trung.

Úc Châu

Năm 2013 là năm sóng nhiệt ập vào Úc Đại Lợi mạnh nhất. Trong 4 tháng cuối năm 2012 Úc có  nhiệt độ nóng bất thường, và tháng 1/2013 là tháng nóng nhất trên khắp Úc Châu, nhiệt độ 49,6°C ghi tại Moomba ở Nam Australia. Đêm 10/1 là đêm nóng nhất tại Sydney với nhiệt độ 34°C. Nạn cháy rừng trầm trọng.

Phi Châu

Một trận lụt vô tiền khoáng hậu xảy ra trong tháng 8 tại Sudan, thủ đô Khartoum chìm trong biển nước, hơn 15.000 nhà bị phá hủy, hơn 250.000 người phải di tản.

Lụt tại thủ đô Khartoum, Sudan

Vào ngày 13/12, cùng thời điểm tuyết rơi ở Sapa Việt Nam, lần đầu tiên trong 113 năm tuyết rơi dày đặc tại Cairo, Alexandria và Madinaty của Ai Cập. Thánh địa Jerusalem cũng chìm trong biển tuyết, xảy ra một cách bất ngờ sau 60 năm.

Âu Châu

Cũng trong thời gian đầu năm 2013, Âu Châu cũng lạnh hơn bình thường. Vào tháng 3, luồng gió lạnh thổi từ Tây Bá Lợi Á vào Âu châu mang theo tuyết rơi dày đặc. Tại Phần Lan, làn sóng lạnh tràn đến vào đầu tháng 3, nhiệt độ thấp nhất là -38,2°C đo được tại Taivalkoski vào ngày 13/3. Tháng 3/2013 là tháng Ba lạnh nhất trong vòng 7 năm nay tại Phần Lan. Lạnh lẻo và tuyết tiếp tục kéo dài tới đầu tháng 4 tại Phần Lan và Scandinavia, nhưng bắt đầu từ giữa tháng 4, làn sóng nhiệt mùa Xuân đến sớm làm tuyết tan nhanh gây lụt lội lớn tại Phần Lan, nhất là vùng Bắc Ostrobothnia, nặng nhất là Pyhäjoki. Đến tháng 5, trời trở nên nóng khác thường, sóng nhiệt mùa hè đến sớm hơn nửa tháng, và sau trung tuần tháng 5, Phần Lan chịu 9 ngày sóng nhiệt liên tục, năm bình thường chỉ có 3 ngày sóng nhiệt. Nhiệt độ cao nhất 30,5°C được ghi vào ngày 31/5 tại Utsjoki, cao nhất của tháng 5 kể từ  1995. Tháng 6/2013 sóng nhiệt gia tăng lên 17 ngày, năm thông thường chỉ 8 ngày, nhiệt độ 32,4°C ghi vào ngày 26/6 tại  Liperi. Nhiệt độ cao đi kèm với sấm sét. Trong tháng 6 có tổng cộng 78.000 sấm sét, nhiều nhất kể từ 1995, riêng trong ngày 27/6 tổng cộng tới có 28.500 sấm sét, nhiều nhất kể từ 2000. Tháng 5 và 6 là 2 tháng liên tục nóng nhất trong lịch sử Phần Lan.

Tại Pribram Tiệp Khắc, vào ngày 24/3 nhiệt độ xuống −9,4 °C (15,1 °F), kỹ lục lạnh kể từ 1883.

Cũng vào 11/3, miền Bắc nước Pháp có tuyết rơi 40 cm với bảo tuyết 100 km/giờ trên khắp vùng Normandy, Brittany và Picardy, tàu lửa Eurostar bị đình chỉ giữa Paris và London, và phong bảo cùng bảo tuyết xảy ra trên biển Manche (Channel sea) tạo sóng cao 2,4 m, tồi tệ nhất kể từ 1979.

Ngày 22/3, Budapest (Hungary) tuyết rơi phá kỹ lục 400 năm.

Vùng Bắc Norway như ở Nordland tuyết rơi dày 1m vào cuối tháng 3.

Ở Nga, vào ngày 15/3, nhiệt độ tại Novosibirsk lạnh phá kỹ lục từ 1964, và tại Moscow tuyết rơi dày 65 cm, kỹ lục kể từ 1895.

Tại Anh Quốc, tháng 3/2013 là tháng 3 liên tục trong 4 năm lạnh nhất kể từ 1910, với luồng gió lạnh thổi liên tục từ tháng 2 đến tháng 4. Ngày Chủ Nhật Phục Sinh 31/3 là ngày lạnh nhất, đo −12,5 °C (9,5 °F) tại Braemar gần Aberdeen, Scotland.

Tuy nhiên, bước sang tháng 5/2013 là tháng mưa nhiều nhất tại Đức và Trung Âu gây lụt lội khắp Âu Châu. Chẳng hạn, có vài nơi ở Austria mưa 150 đến 200 mm nước trong một ngày. Lụt do mưa tầm tã liên tục như vậy trong mấy ngày ở Trung Âu trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6, gây thiệt hại ở các bang phía nam và đông của Đức (Thuringia, Saxony, Saxony-Anhalt, Lower Saxony, BavariaBaden-Württemberg), miền Tây của Tiệp Khắc (Bohemia),và Austria. Trận lụt này được xem là khủng khiếp của 100 năm ở vùng này. Ngoài ra, Switzerland, Slovakia, Belarus, Poland, HungarySerbia (Vojvodina) cũng có lụt nhưng nhẹ hơn.

Bước sang đầu tháng 7, cơn sóng nhiệt với nhiệt độ 40°C (104°F) suốt trong 6 ngày ập vào Portugal, có nơi nhiệt độ lên tới 45°C như ở AlentejoRibatejo. Tương tự sóng nhiệt này tràn váo Miền Nam và Miền Trung Anh quốc vào 17/7, nhiệt độ tới 33,5°C (92.3F) tại Heathrow. Đợt sóng nhiệt thứ 2 ập vào Anh quốc ngày 1/8, nhiệt độ tới 34,1°C tại Heathrow, tạo nhiều đám cháy rừng và đồng cỏ.

Tại Hungary, sóng nhiệt tháng 7 với nhiệt độ 40°C cao kỹ lục vào các ngày từ 27 đến 29/7.

Vào các ngày 15 đến 18/11, bão lớn xảy ra ở Bắc Âu. Tại Norway, bão 180 km/giờ, tại Thụy Điển với 170 km/giờ, gây hơn 239.000 nhà mất điện.

Vào tháng 12, hai trận bão xãy ra ngày 10/12 và ngày 23/12 ở  vùng nam nước Anh gây lụt và làm 4 người chết.

Vào đầu 12/2013, vùng Bắc Thụy Điển trở nên ấm áp lạ thường, nhiệt độ 4,7°C. Chỉ ít ngày sau, nhiệt độ tụt nhanh xuống −40,8°C (−41,4°F), nhưng vào ngày 10/12 chỉ trong vài giờ nhiệt độ tăng lên 7,7°C, nghĩa là chỉ trong 48 giờ nhiệt độ tăng 48,5°C, một sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm chết người.

Bắc Mỹ

Tại Canada, đợt lạnh kỹ lục xảy ra ngày 16-17/2 tại vùng Toronto, York, Duram, Peel và Halton.

Tại Hoa Kỳ, đợt sóng lạnh thổi từ Bắc Cực mang theo tuyết giá và gió mạnh 50-80 km/giờ trong tháng 1/2013 làm thành phố Salt Lake City có nhiệt độ −7,0 °C (19,4 °F) lạnh kỹ lục kể từ 1949, và là tháng giêng lạnh nhất từ 1874. Vào ngày 5/3, tuyết rơi tại Chicago với 15 cm tuyết, phá kỹ lục kể từ 1999, khoảng 1140 chuyến bay phải hủy bỏ. Orlando Florida cũng chịu cơn sóng lạnh 5,0 °C vào ngày 28/3, lạnh kỹ lục kể từ 1955. Vào các ngày 1-3/5, bão tuyết xảy ra ở Miền Trung Hoa Kỳ từ Arkansas đến Minnesota, được xem là trận bão tuyết tàn khốc nhất kể từ 1947. Trong suốt tháng 5, hơn 100 cuồng phong (tornado) xảy ra gây mưa lũ tại North Dakota, New York, và Vermont.

Vào cuối 6/2013, làn sóng nhiệt nóng ập vào Tây Nam Hoa Kỳ. Nhiều nơi ở Nam California có nhiệt độ tới 50°C (122°F). Vào ngày 30/6 nhiệt độ tới 54 °C (129,2 °F) tại Thung Lũng Chết (Death Valley), nhiệt độ cao nhất trên toàn cầu trong tháng 6. Cũng cần biết thêm là nhiệt độ cao nhất đo tại đây vào tháng 7/1913 là 57 °C (134 °F).

Tóm lại, thời tiết năm 2013, cũng như năm 2012, rất bất thường so với trước kia: mùa đông lạnh hơn, mùa hè nóng hơn, bão tố và lụt lội có khuynh hướng gia tăng về số lượng và cường độ. Phải chăng các dữ kiện này đã ứng nghiệm với các tiên đoán của các nhà khoa học liên quốc gia về hiện tượng biến đỗi khí hậu và hâm nóng toàn cầu do con người gây ra?

 

Tài liệu tổng kết từ:

2013 extreme weather events. http://en.wikipedia.org/wiki/2013_extreme_weather_events

2013 in review: a year of increasing extreme weather events. http://www.theguardian.com/environment/2013/dec/18/2013-extreme-weather-events

 

Reading, cuối năm 2013

Trần-Đăng Hồng, Ph D

 

 

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640274 visitors (2133957 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free