.
  Một thoáng mùa đông
 
22/7/2013


 

Những tờ lịch cứ dần vơi đi, ngày qua đêm tới, một ngày là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của thời gian; bây giờ đã vào tháng 12 rồi, sáng nay trời lạnh hơn mấy ngày trước, bước ra sân đã hơn 6 giờ mà chưa thấy mặt trời tôi lẩm nhẩm đọc: tháng năm chưa nằm đã sáng, tháng mười chưa cười đã tối…rồi chợt cười một mình đã mấy mươi năm tôi vẫn phải nhờ vào câu nầy để phân biệt lúc nào ngày dài đêm ngắn và lúc nào ngày ngắn đêm dài. TV đang hát:  Anh ở nơi nầy không có mùa đông, tôi thích bài nhạc nầy đồng cảm với nhận thức thực tế nơi nầy mùa đông chỉ là những khoảnh khắc buổi sáng gió heo may ngắn ngủi như báo hiệu ngày đông, đêm đông tiết trời lành lạnh về khuya và qua nhanh, ở đây người ta chọn sẵn được chiếc áo ấm đẹp đang cất sâu trong góc tủ vì cả năm không dùng, khoát vào đi vội kẻo nắng lên, choàng chiếc khăn rất đẹp một lúc để làm duyên nhiều hơn là giữ ấm, nhưng dù ít dù nhiều nhất định mấy ngày Noel thì cũng được diện trang phục mùa đông. Nghe dự báo thời tiết rằng năm nay Nam bộ sẽ có thể xuống tới 14 độ C, chuyện rất lạ ở vùng Châu thổ nầy, tự nhiên tôi có ý chờ và để tâm theo dõi dự báo thời tiết chăm chỉ hơn, gần đến Noel rồi Noel qua, chưa thấy nhiệt độ xuống thấp như dự báo. Tự trong lòng tôi mong muốn để có thể trở lại cảm giác lạnh rét của tiết đông và cảm nhận như hồi năm 1975 mùa đông ấy có ngày thấp nhất là 16 độ và kéo khá dài chừng hơn tuần lễ, mọi người co ro và bất ngờ trước chuyện trời lạnh buốt, tôi nhớ hồi đó mình chưa có trang phục mùa đông nên đã diện những chiếc áo len nhưng không đủ ấm nên khoát thêm cái áo veston bên ngoài áo dài khi đi dạy, vào trường được các chị đồng nghiệp khen và vậy là khơi màu hình thành một mốt mùa đông mới ở trường. Vào lớp rất lạnh các em học sinh than cóng tay không cầm viết được, tôi cùng học trò cùng xoa hai tay mạnh rồi áp lên mặt một lúc vậy là viết bài được, có mấy em không có áo ấm môi tái muốn run, tôi bày cho các em cách ngồi chồm hổm rút hai chân ép sát ngực, gác cằm lên đầu gối; rồi tôi còn dặn dò không cần áo ấm đẹp, chủ yếu là giữ cho ấm ngực khi lạnh, nên mặc thêm áo bên trong sát người là sẽ ấm. Dĩ nhiên là hồi đó những thông tin khoa học giải thích về hiện tượng thời tiết bất thường rất nhiều trên đài báo và tôi cũng theo đó mà giải thích với học trò của mình nhưng bây giờ không nhớ mà chỉ nhớ như mọi người hay nói với nhau và đồng tình với cách giải thích thời tiết theo tâm lý tình cảm rằng: đất nước chia cắt mấy mươi năm, nay không còn ngăn trở nên mùa đông miền Bắc cũng vào miền Nam cho thống nhất thời tiết luôn.

Tôi rất thích cách lý giải nầy và nhớ như một kỷ niệm vì vốn dĩ tôi yêu tiết mùa đông và thích nghi tốt từ dưới 0 độ C và hình như có duyên với cái lạnh rét nên hầu như các chuyến công tác ra miền bắc hay đi nước ngoài thường rơi vào mùa đông cho nên tôi phải trang bị và nhờ vậy có cả một bộ sưu tập y phục mùa đông lại có kinh nghiệm thực tế ứng phó với cái lạnh của  nhiều vùng khí hậu, có dịp so sánh thế nào là cái lạnh khô hanh, lạnh buốt của tuyết rơi, lạnh ngoài trời ở công viên khác với lạnh ngoài đường phố, lạnh trên núi cao hay ngoài bãi biển, tỉ như cũng là 5 tới 8 độ C nhưng cái buốt lúc đi ở chân tháp Eiffel - Paris thấy dễ chịu hơn khi đi trong khu di tích cỗ Đấu trường La Mã ở Rome - Italia; Còn đêm ở Bắc Kinh chen chút trên phố đông người mà không phải co ro, nhưng khi nhìn bảng báo nhiệt độ 8 độ C thì mới giật mình, thế nhưng ở Vạn lý trường thành 15 độ mà muốn run; hay 17 độ ở Hà Nội thì rét khô trong khi 11 độ C ở chợ đêm phố Kỳ lừa - Lạng Sơn nói chuyện ra khói lạnh mà không buốt, tôi nhớ hoài chuyện cả bọn run lập cập khi vào động Tam Thanh, vì buổi sáng hôm đó nắng lên nhiệt độ 20 độ C trời rất đẹp cho một chuyến tham quan, nhưng tôi vẫn cẩn thận diện khăn choàng cổ và măng tô mỏng mới mua ở Hà Nội, đến nơi thì trời mưa lất phất cả nhóm thích thú xuống xe lội bộ, bụi mưa tí xíu không đủ ướt người chạm lên tóc, vai áo phủi nhẹ là rơi ngay, dễ gì ở xứ mình có mưa phùn thứ thiệt như vầy. Khi vào trong động nhiệt độ thấp hơn thấy rõ nhưng mãi lo thăm thú chưa để ý, phải đến lúc tranh nhau hứng những giọt nước rơi xuống từ vách đá để uống lấy lộc thì có cảm giác cóng tay và buốt cả sống lưng, ngoài trời mưa đã to hơn, mọi người kêu lạnh, bà lão bán hương trong động nói: trời mưa thì trong động càng lạnh hơn, tôi hỏi bà bây giờ cở mấy độ, bà nói không biết đâu nhưng mà mấy ông quản lý nói trong động và ngoài trời chênh nhau cả chục độ lận, thảo nào. ... Cứ như thế tôi lưu vào ký ức một bộ sưu tập cảm giác về mùa đông khá phong phú. Cũng do yêu cầu công việc thường xuyên di chuyển nên hành trang của các chuyến đi tôi cho vào một tủ chuyên dụng đặt tên là tủ du lịch; tôi dành chứa đồ nghề cho các chuyến đi ngắn hay dài ngày, theo mùa, đặc biệt là ngăn mùa đông là phong phú nhất, choáng chỗ nhất vì theo từng vùng miền khí hậu được tôi tích lũy, mà lại ít được dùng tới nên cần được bảo dưỡng; đã thành thói quen cứ vào cuối năm dù có chuyến công tác hay không, trời lạnh nhiều hay ít tôi cũng soạn tủ, con gái tôi rất thích tiếp mẹ phơi phong sắp xếp, nó hay tò mò hỏi, ướm thử để ngắm nghía, rồi còn đặt tên cho các thứ mà nó thích như là: cái khăn choàng Paris, bộ găng tay Italia, măng tô Tây Ban Nha, cái ví da kangrourou của Úc, mủ len Vạn lý trường thành, cái hộp chứa đầy logo, huy hiệu đủ thứ của nhiều tổ chức nhiều quốc gia mà tôi đã đến… nhưng mà tôi biết cái chính là con gái thích được nghe những câu chuyện tôi kể về nguồn gốc của mỗi một đồ vật gắn với những chuyến đi.

Nhưng yêu nhất vẫn là tiết trời lành lạnh gợi nhớ chớm đông, những ngày đông hiếm hoi của miền châu thổ quê nhà, thoắt lạnh thoắt nóng mà nóng nhiều hơn lạnh, buổi sáng thường tiết trời chỉ lạnh một chút thôi khi ông mặt trời chưa thức giấc và lúc đêm về cũng chỉ se se gió bấc. Mỗi một năm theo tâm trạng của mình mà thưởng thức cái sự nhẹ nhàng của gió heo may, cái se lạnh thật dễ chịu của tiết đông, hạnh phúc thụ hưởng cảm giác ấm áp của một thoáng mùa đông châu thổ hiền hòa, không khắc nghiệt và quan trọng là nó mang tín hiệu mùa xuân đang về.

 

CA GIAO. ( Phan Thị Thúy Truyễn)


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640833 visitors (2134722 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free