.
  Mùa lũ rủ vợ đi chợ Gò P2
 
19/12/2013


 

Phần 2

Bây giờ là chuyện năm 2013.

*Vượt biên lần thứ nhất.
Đi chợ Gò nằm trong đất nước bạn Campuchia, cũng chính là hành động “vượt biên” , lại không có passport nên phạm vào “tội xuất cảnh trái phép”, nhưng chuyện đó với dân Châu Đốc, An Giang trở thành bình thường từ lâu.
Chờ cho bớt đau tôi sẽ đi chợ Gò tìm mua xe đạp xếp. 
Năm nay, lũ không cao, nhưng chắc chợ Gò chẳng hề kém sôi động. 
Sáng ngày 07-10-2013, tình hình sức khỏe tôi tạm ổn, chứng đau vai và lưng sau hơn 10 ngày châm cứu có vẻ giảm đôi phần, tôi và bà xã quyết định lên đường…ra biên giới. 
Đón xe bus xéo phía trước nhà, máy lạnh ngon lành, đi tới bến xe Châu Đốc chỉ 20.000đ, không lòng vòng rước khách hoặc áp dụng giờ khởi hành “cao su” như các xe đò trong bến. Đặc biệt, xe này thường không bị khống chế tốc độ bởi CSGT, nên tưởng chậm mà nhanh. Chúng tôi thật vừa ý với phương tiện này. 


Lên xe bus tại đây để đi Châu Đốc.



Khởi hành hơi trễ nên đến Châu Đốc cũng quá trưa, chẳng may, trời lại đổ mưa tầm tã, chúng tôi gọi một chiếc xe ôm chở cả 2 người lên Gò, giá 30.000đ. Anh xe ôm hứa sẽ chở chúng tôi đến bến, ở đó, “đò chẻ” sẽ đưa khách qua Gò với giá khứ hồi là 40.000đ một người. Tôi hỏi đi có nguy hiểm không vào mùa nước nổi này?( dân Châu Đốc gọi là mùa nước nổi, thay vì lũ, nên ngày trước, khi nông dân còn trồng lúa mùa, mỗi năm chỉ 1 vụ, vào thời điểm này, lúa phát triển theo con nước, nước tới đâu lúa mọc cao tới đó, nên còn gọi là lúa nổi). Anh ta nói không sao đâu, chưa thấy có tai nạn lần nào, ghe bự mà,… đừng lo! Dù anh ta nói thế, tôi cũng chẳng thể yên tâm, nhất là trong lúc mưa gió mịt mù thế này. Nhưng thôi, giờ này sắp chiều xuống, phải …liều đi thử một lần cho biết! Và cũng để xem tình hình xe đạp xếp thế nào, nếu không có thì ngày mai đi Sài gòn lấy passport, liệu bề mà mua cho xong. Sau chừng 15 phút thì đến nơi, anh xe ôm bàn giao chúng tôi lại cho chủ đò, anh này biểu “đệ tử” chở chúng tôi qua Gò như giá nói trên. 


Rời bến tại đây…


vượt cánh đồng nước nổi, qua đất Campuchia.

Chiếc đò không lớn lắm nhưng chỉ chở có 2 người, nên tôi thấy chẳng có chút nguy hiểm gì, dù trời nước mênh mông!


Chợ Gò ở phía xa, dãy nhà mái đỏ là casino.

Đò chẻ băng băng vượt đồng nước lũ, hướng về phía chợ Gò thấp thoáng phía xa, nổi bậc là mái ngói đỏ của cái casino duy nhất. Tôi lấy máy ảnh ra,chụp vài tấm quang cảnh biên giới đang mênh mông nước. Chú lái đò vội lên tiếng, qua đó cấm chụp hình nghen chú, họ lấy máy đó! 
Tôi chợt nhớ đây là vùng nhạy cảm, phía Campuchia xem chợ Gò là hợp pháp thì chẳng gì phải cấm kỵ, còn bí mật quốc phòng thì có lẽ không có giá trị gì nơi đây. Việc cấm chẳng qua là đối phó với con mắt tò mò của các phóng viên thời sự, hay lực lượng chống buôn lậu, có thể làm phiền các chân rết tiêu thụ ở Việt nam. “Họ” ở đây có khi chỉ là những bảo kê của khu vực chợ Gò này, hay cũng chính là những chủ hàng bên ấy. Thôi thì …cất máy cho yên thân!
Chưa đầy 10 phút, đò qua đến chợ. Không giống như mùa khô, bây giờ chợ Gò linh binh nước, đúng là chợ nổi, dù không có các ghe hàng rong. Còn các cửa tiệm, là những nhà sàn cao cẳng, tình hình này khách chỉ có thể tới xem hàng bằng cách di chuyển nhờ các xuồng con, do các cháu bé người Campuchia đang mời chào, dưới các hàng cột nhà trong chợ. 
Tôi tiếc đã không dám chụp một tấm ảnh nào cái hiện trường đặc biệt của Chợ Gò mùa nước nổi này! Chiếc đò lúc này có vẻ quá lớn so với các “con đường” trong chợ, chú lái đò dường như muốn chúng tôi sang các xuồng con để di chuyển tiện hơn, chú ta khỏi mất công và các cháu Khmer lại có khách; nhưng đã tốn 80.000đ trên đoạn đường chưa tới 4km đi-về, nay lại tốn thêm nửa, trong khi chiếc “đò chẻ” này vẫn len lỏi được nơi đây, nên tôi phớt lờ mấy cháu Campuchia, biếu chú lái đưa đến các cửa hàng xe đạp.
Trước tiên tôi hỏi thăm về chiếc A-Bike, họ nói lúc trước có mang về bán, nhưng bánh nhỏ quá, bán không được. Bây giờ chỉ còn hàng bánh lớn, đường kính tối thiểu 16 inch (40cm), trọng lượng khoảng 14 kg, giá 1.600.000đ, gấp 3 khúc, cũng khá gọn. Con này theo quảng cáo trên net, ở Sài gòn không dưới 3.000.000đ. Nhưng tôi không vừa ý vì nó “nặng’ và không gọn lắm. “Bơi” thêm vài cửa hàng nửa mà con xe gấp “đạt yêu cầu” của tôi vẫn chẳng có, thôi thì đành trở về , đi Sài gòn mua thôi.


…Nhưng trở về tay không.
 
Trên đường về bến xe, tôi hỏi thăm chú xe ôm về tuyến xe bus đi cửa khẩu Long Bình, An Phú, rồi qua PhnomPenh. Anh ta nói hình như 20.000đ/người, khởi hành tại bến xe Châu Đốc, tiếp nối các xe từ Long xuyên lên,…còn từ Long Bình đi PhnomPenh chỉ khoảng 100.000đ tiền xe thôi, dễ ợt hà, xe có suốt ngày. Vậy là cũng thuận tiện, chỉ tốn khoảng 140.000đ , từ trạm xe bus trước nhà, tôi có thể đi tới Nam Vang trong một buổi, bằng 3 chuyến xe và 1 chuyến đò nhỏ vượt sông Bình Di, An Phú. Chuyến đi hôm nay tuy không như ý muốn, nhưng cũng giúp ít nhiều cho quyết định chọn mua xe, đồng thời làm rõ thêm cái đoạn đường khởi hành sắp tới. Về tới nhà thì trời cũng nhá nhem tối, tôi lo chuẩn bị để sáng sớm mai đi Sài gòn lấy passport. Được điện thoại của bạn Độc hành báo lúc này Myanmar vừa bỏ visa, nhưng chỉ cho phép lưu trú 14 ngày, tôi cảm ơn và nói đã làm xong visa thiền rồi, mai lên lấy.
Vai và tay tôi tuy có giảm, nhưng vẫn còn đau nhức lắm nếu không nằm nghí, nên tôi chọn xe giường nằm Hùng Cường như lần trước. Và trong vòng ngày 8-10-2013 tôi trở về Long xuyên với passport có thị thực chiếu khán nhập cảnh Myanmar, thời gian hiệu lực đến 3 tháng. Ngoài ra, trong khi đi đường tôi nghĩ không nên mất thì giờ tìm xe ở Sài gòn nửa, mà sẽ trở lên Chợ Gò mua 2 chiếc xe đạp gấp có đường kính bánh 16 inch cho rồi.



*Vượt biên lần thứ 2.
Và ngày 10-10-2013, chúng tôi đi Chấu Đốc, vượt biên qua Gò lần thứ 2. Kỳ này đò còn chở thêm 3 người khách khác, họ vừa xuống chiếc Corolla 4 chỗ khi chúng tôi sắp rời bến.




Chuyến này chính chủ đò, một thanh niên mập mạp, tai đeo khoen bạc, quần sida lửng, có vẻ “lạnh lùng” kiểu vùng biên giới, theo cùng với chúng tôi. Thấy tôi lấy máy ảnh ra, thì lên tiếng cảnh cáo ngay, lên đây chú không nên chụp hình, “người ta” cấm! Tuy nhiên tôi cũng bấm đại vài tấm, anh ta vội né tránh.


Cậu chủ đò né chụp hình.

Khi tới chợ, 3 người khách đồng hành tấp lên cửa hàng điện máy, chúng tôi tiếp tục rảo qua các kho xe đạp và may mắn thay, tìm được đúng dòng xe muốn mua, có nhản hiệu là Mawet, chủ hàng nói là của Thái, nhưng tôi chắc chắn đó là hàng Tàu. Chẳng hề gì, đồ cơ khí giản đơn made in China có khi còn tốt hơn của Thái. Xe này gấp được 3 khúc trong thời gian khoảng 1 phút, khá gọn, bánh xe có đường kính 12 inch, nặng khoảng non 10 kg, chỉ còn đúng cặp, 1 xanh, 1 đỏ, đẹp “ngất ngây”, 2.200.000đ/chiếc. Sau một hồi thương lượng, 2 bên dứt giá 2.000.000đ/chiếc. Xếp gọn lại bỏ xuống đò, chúng tôi về ngay. Không cần chờ mấy ông mua điện máy.


Lần vượt biên này đạt mục đích, mang về 2 em bike thật dễ thương!

Khi đã vượt qua đường biên giới “vô hình” chìm dưới nước, cậu chủ đò mới lên tiếng : chú ơi chú cho tiền 2 chiếc xe nghen chú…, ủa ? …tiền gì?. Dạ tiền …bảo đảm, mỗi chiếc 150.000đ! Sao lại có vụ này nửa ta?... Cái đó tùy chú thôi, nếu không , về bển bị bắt thì chú ráng chịu. Nếu chú đồng ý, thì khi bị bắt tụi con thường. 
Tôi biết đây là kiểu trấn lột mà mình không nghĩ đến, chỉ tưởng ăn tiền vận chuyển “cắt cổ”rồi thôi, ai dè bây giờ nó lại “cứa” không thương tiếc 2 con mồi “nhà quê”, dưới thành phố Long xuyên lên. 
He he, bây giờ cá đã trong rọ, không còn lựa chọn nào, chẳng lẽ quay trở lại trả xe, chừng đó có khi họ làm bộ… chìm xuồng thì khốn! Còn liều mạng đi về, họ chở ngay tới mấy vị chức năng thì …mất của là cái chăc!
Đành phải chấp nhận và năn nỉ bớt xuống, anh ta dứt khoát 100.000đ/chiếc. Thôi thì coi như mỗi chiếc mua ở “nước ngoài” này giá 100$US chẳn. Chừng đó, anh ta móc điện thoại ra a lô thật lớn :”Anh 3 hả anh 3…, tui có chở về 2 chiếc xe đạp cho khách nghe …ừa, 2 chiếc…ừa….cảm ơn anh” ở đây mênh mông trời nước, xuồng cao tốc chạy khiến gió thổi ào ào bên tai, nên tôi biết chắc chắn chẳng có cái anh 2, anh 3 nào, tất cả chỉ là …chém gió thôi, nhưng chém trúng phóc 2 khứa lão này.Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đông hồ, lộ trình không hơn 5 cây số, anh bạn chủ đò này lủm gọn 280.000đ, đó là chưa kể tiền hoa hồng của chủ cửa hàng bán xe, ít nhất cũng 100.000đ cho 2 con bike gập! ...
Chưa hết, khi chở chúng tôi trở về bến xe, 2 ông xe ôm nói anh đừng vô bến, tụi quản lý thị trường kiếm chuyện, lu bu lắm,…để tui chở lại xe Kim Ngân đi cho khỏe. Ừa, họ nói cũng có lý, dẫu sao đồ này cũng “lậu thuê” dù chỉ mang về xài, nhưng mình đâu chứng minh được. Thôi thì vô Kim Ngân, 2 bạn xe ôm vừa thả khách xong là biến lẹ, khỏi mất công vô bến chi xa. Tôi vào hỏi mua 2 vé xe, 40.000đ/1 vé, nhìn thấy 2 con bike xinh đẹp, cô bán vé nói chú cho thêm tiền hành lý…50.000đ mỗi chiếc. …Gì? 2 chiếc xe nhỏ xíu, chỉ bằng một bao đồ mà mắc hơn cả một người ngồi…? Dạ, chú không chịu thì thôi…
Hết bị trấn lột ở biên giới, bây giờ lại bị chặt đẹp ở “hậu phương”. Tôi không thèm đôi co, ngồi xuống ngay hiện trường, mở bung 2 chiếc xe ra trong vòng 1 phút, mỗi người 1 chiếc, đạp tà tà xuống trạm xe bus phía ngoài bến xe, phen này “liều mạng”, lở có ai hỏi thăm thì nói đứa em rể ở Châu Đốc gửi về cho em nó ở Long xuyên, cho con đi học.
Trên đường, chẳng thấy ai hỏi han gì, lên xe bus chỉ tốn thêm 20.000đ cho mỗi chiếc, tổng cộng chỉ 80.000đ thay vì phải 180.000đ nếu đi xe Kim Ngân.
Về tới nhà, mang 2 chiếc xe vào sân, mở bung ra hoàn chỉnh, đẹp long lanh!


Xếp lại gọn hơ.


Bung ra, đẹp long lanh!


Tối lại, cháu Nội đi học về, thấy xe mừng reo tíu tít, xin Ông Nội 1 chiếc. Tôi hỏi con muốn chiếc nào, nó lịch sự nói …ông Nội cho chiếc nào con lấy chiếc đó…., Thôi Ông Nội cho hết 2 chiếc, hôm chạy chiếc này, bửa chạy chíếc kia, được hông? Nó cười bẽn lẽng, còn tôi nhìn thấy cháu vui thì thật sung sướng trong lòng.



Ngẫm lại, chuyến đi cũng cực, thêm hơi bực mình vì bị “trấn lột”, bắt chẹt, nhưng mọi chuyện đã qua rồi và nó “đã là như thế”, bực nửa cũng chẳng ích gì, cứ xem như mình đã bỏ tiền ra, vừa mua được xe, vừa được trái nghiệm chuyến “vượt biên mùa lũ” thú vị, cũng thấy khoái trong lòng. Bây giờ tôi xem mây trăm ngàn bị mất ngoài dự kiến chẳng đáng là bao khi so với niềm vui của đứa cháu Nội, nó giá trị hơn con số đó nhiều! 
Bây giờ mọi thứ đã sẳn sàng, chỉ còn quyết định ngày xuất phát. Trong khi chờ đợi, tôi phải tích cực châm cứu. Nhớ lại chuyện xe khách thu thêm phí hành lý 2 con bike, tôi cũng hơi lo, nếu trên đường đi mà xe nào cũng thu theo kiểu kể trên của Việt Nam thì hóa ra 2 người phải chi cho 4 ghế! Làm sao chịu nổi? Tôi bèn tức tốc may 2 cái túi, để bỏ xe vào, xem như “va ly” xách tay, vừa kín đáo, lại vừa không bị trầy xe, dễ bề ăn nói, khiếu nại.


 
(Còn tiếp)

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638183 visitors (2127179 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free