.
  Ngày hội
 



Hai mươi ba tháng chạp, các cuộc gọi điện thoại của mấy chị em cứ tíu tít bắn qua bắn lại chỉ để hỏi nhau rằng năm nay sẽ nấu bánh chưng vào ngày hai mươi bảy hay hai mươi tám. Chỉ có 2 ngày đó thôi (ngày 26 thì sớm,còn ngày 29 thì trễ), vậy mà cứ bàn thảo ì sèo, làm như là một vấn đề rất ư quan trọng. Ậy, phải làm ra vẻ tíu tít như thế thì nó mới vui, chứ cứ lẳng lặng, năm nào cũng giống năm nào thì còn gì gọi là ....bận rộn nữa, còn gì gọi là hào hứng vào thời khắc chuẩn bị đón năm mới!

Sau cái sự thống nhất về thời gian, sẽ bàn đến cái ‘’sự’’ không gian,tức là chỗ nấu. Chỉ có 3 chỗ (cái này thì năm nào cũng giống nhau) : nhà chị Tr., nhà chị Ng., và nhà Mẹ. Lại có chuyện để bàn tán rôm rả đây : nhà chị Tr. thật là rộng rãi, một khu vườn lý tưởng để tụ hội, nhưng quá xa, một vùng ngoại ô mới lên đời thành quận, buổi sáng thì được, nhưng chập tối trở đi thì ...hơi run (vừa sợ ...ma,vừa sợ cướp). Nhà chị Ng.thì cũng đường được, vì gần trung tâm, nhưng lại ....ở trong hẻm, chỉ sợ mình nấu bánh chưng nhưng không ai biết mình có ...nấu bánh chưng thì... uổng ! Chẳng qua là vì mình thích, trong những ngày cận tết như thế này, dong xe chạy khắp phố phường, hễ bắt gặp nhà nào đang nấu bánh, trong lòng sẽ cảm thấy vui vui, nên...suy bụng ta ra bụng người, nhà mình nấu bánh mà thiên hạ đều bắt gặp, thì chắc hẳn là thiên hạ sẽ cảm thấy ....vui vui !.

Tính tới tính lui, rốt cuộc rồi cũng lại thống nhất (cái này năm nào cũng y chang nhau): nấu ở nhà mẹ. Nhà mẹ tuy nhỏ xíu thật, chật chội lắm, nếu cả đại gia đình về đông đủ, nhưng được cái là ...nhà mặt tiền, thiên hạ  sẽ dễ dàng “bắt gặp” nhà mình có nấu bánh chưng! Vậy là đạt mục đích! Hơn nữa, vừa canh bánh, vừa ngắm thiên hạ đi qua đi lại, thú vị lắm .Thử hỏi cả năm có mấy ngày ngồi ....ngoài đường để được nhìn dòng người, dòng xe đi ngang đi dọc từ buổi trưa, qua buổi tối, đến tận khuya, sang tờ mờ sáng hôm sau, từ lúc người xe còn đông đúc chen nhau, đến tận khi trên đường không còn bóng người. Vậy thì không còn gì phải bàn cãi : nấu bánh ở nhà mẹ.

Mẹ, giờ đã lên chức Cố, mắt đã kém, tay đã run, nên không gói bánh nữa (ngày xưa mẹ gói đẹp nhất vùng). Mẹ chỉ ngồi chiếu trên quan sát và chỉ huy : nhiều (hoặc ít ) đậu, nếp, thịt quá, lạt buộc như thế (lỏng ,chặt ) quá, túm góc thế này, thế này....

Mấy đứa con, là lứa chúng tôi, đảm nhiệm tất cả mọi công đoạn chính : ngâm nếp, đãi đậu, ướp thịt....Và sai ....chuyền (theo ...hàng dọc), người lớn tuổi sai vặt người nhỏ tuổi hơn, rồi người nhỏ tuổi này sẽ ra lệnh cho mấy đứa con của mình, chỉ để ra vẻ ...bận rộn ( lúc này mọi người ai cũng muốn “ra vẻ” thì phải !). Đám con đang tuổi lớn, sẵn sàng “chạy có cờ” tất cả những việc lon ton : rửa lá dong, phơi lá, cắt sống cuống, chẻ lạt...Và làm tiều phu : kiếm củi, chẻ củi, đốt củi, bưng bê, châm nước v.v...và v.v...Chỉ có đám chắt là sướng nhất:”ăn không ngồi rồi”, xem phim hoạt hình, kiếm chuyện chơi với nhau, buồn buồn thì ...uýnh lộn, và hu hu...Các bậc phụ huynh, không cần biết phụ huynh của đứa nào với đứa nào, thay phiên nhau giải quyết ỏm tỏi, ầm ỹ cả lên. Tứ đại đồng đường được ngày “hội như ...chợ”!

Mọi người làm việc khẩn trương trong không gian tràn ngập âm thanh của mùa Xuân : từ nhạc Xuân tiền chiến êm dịu (thời mẹ còn thiếu nữ), đến nhạc Xuân trước 1975  rộn ràng (cho lứa chúng tôi, giờ đã lên chức ông,bà), và có cả những âm thanh mạnh mẽ, rock n roll, hiphop, rap ... của lứa thanh niên hiện đại..... Ai cũng có phần, và hưởng ké phần của ngưới khác. Càng vui!

Khi bánh đã thành ...bánh, ai cũng mệt nhoài, nằm ngồi la liệt, gật gà gật gù buồn ngủ. Chuyện canh bánh giao cho đám choai choai tuổi teen. Chúng càng khoái, vì dễ dầu gì được “qua đêm” một cách danh chính ngôn thuận như thế này. Chúng tỉnh như sáo, hết ...tiến lên, đến bài cào, ba lá, lô tô, bầu cua cá cọp, tá lả...La hét, cười hô hố, những cái búng tai, nhéo mũi, làm cho chúng dường như không biết mệt. Khi không gian đã đi vào khuya vắng lặng, ngoài trời gió lạnh se se, lửa hồng bập bùng tí tách, một  chàng lãng tử trong đám lóc chóc nổi hứng mang cây đàn ghi ta  ra gảy lên vài giai điệu nhạc mùa Xuân, thì cả bọn như chùng xuống, đứa lim dim thưởng thức, đứa ngước mắt nhìn lên bầu trời trong vắt đầy sao, đứa hát thầm thì, nhè nhẹ....Chúng đang thả hồn mình cho bay bổng chốn nao. Chắc là thần tiên lắm.

Rạng sáng thì vớt bánh. Nhiệm vụ của xấp nhỏ đến đây là chấm dứt. Chúng lăn quay, nằm xếp lớp như cá mòi, ngủ bù mê mệt. Nhìn bánh đã thành phẩm, ai cũng hớn hở. Vớt từng cặp một (buộc chung cho dễ vớt), và nén, cho chặt bánh. Nhìn bánh cái vuông cái méo, cái dày cái mỏng, ai cũng phì cười. Không nói, ai cũng biết cái nào là tác phẩm của mình, và dĩ nhiên, cứ của mình mình ...xách về. Tên gọi là bánh chưng, nhưng không thiếu ....bánh tét, chưa thành... bánh bò là may lắm rồi. Vậy mà ai cũng hỉ hả. Xấu xí nhưng ..là của mình, ăn ngon phải biết. Lúc này rất dễ dàng mua được những cặp bánh chưng vuông vức, đẹp đẽ từ ngoài chợ cho đến siêu thị, nhưng đại gia đình chúng tôi ai cũng muốn được tự tay mình nấu bánh mình ăn (muốn biếu xén ai thì ....mua biếu ,khó gì!). Cứ nhìn nồi bánh chưng to đùng, đặt trên bếp hồng đỏ lửa là thấy lòng  ấm chi lạ. Đây cũng là dịp hiếm hoi trong năm mọi người trong đại gia đình được gần nhau, hàn huyên những chuyện vui buồn năm cũ, cầu mong hạnh phúc , bình an sẽ đến trong năm mới. Chả thế mà sau khi đã treo lủng lẳng mấy cái bánh “hồn bánh chưng,nhưng da ...bánh tét” lên giỏ xe, ai cũng hồ hởi quay lại nhắn nhe : năm sau gói bánh chưng nữa nha, nha, nha!



09/02/2015
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 633139 visitors (2120531 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free