.
  Nghĩ về dạy và học
 

                                                   


 CA GIAO.

Tôi xa nghề đã hơn 30 năm nhưng trong giao tiếp tôi hay bị người ta đoán: trước đây chắc là cô giáo, mấy lúc như vậy bỗng thấy ấm lòng. Nói chuyện với các em tre trẻ cứ thích xưng cô; trong công tác tuy đã làm qua nhiều ngành nhưng lại hay ngẫm nghĩ những chuyện có liên quan đến giáo dục nhất là vào dịp 20-11.

Khi thi vào sư phạm 42 năm trước tôi đã chọn cái nghiệp cho mình, học sư phạm trong chế độ cũ ra trường  làm “giáo sư”  có 4 tháng, đến lúc giao thời được lưu dụng làm “giáo viên nhân dân” dạy lớp và làm chủ nhiệm một năm, rồi làm quản lý trong ngành giáo dục hơn chục năm, đi qua nhiều trường nên có nhiều học trò, đến khi chuyển ngành, công việc phụ trách vẫn liên quan trực tiếp đến giáo dục nên vị chi tôi có cơ hội hơn 20 năm trãi nghiệm chuyện dạy và học của cấp phổ thông, có để tâm nghiền ngẫm cả lý luận và thực tiển về các cuộc cải cách giáo dục như là: cải chữ viết, cải sách giáo khoa, phân ban trung học, thi chung thi riêng, trường chuyên, lớp chọn, hệ phổ thông 10 năm, rồi hệ 12 năm, cải từ cách đánh vần phát âm chuẩn…bao nhiêu là thứ không nhớ hết… cứ đề án rồi dự án, hết thí điểm rồi thực nghiệm… cho tới bây giờ những chuyện của giáo dục tôi vẫn còn canh cánh cảm giác bất lực, bất chí.

Hồi đó với chức trách quản lý ngành, ngoài nhiệm vụ chuyên môn về chương trình, dạy và học các môn chính quy, tôi đã từng là nhà tổ chức hàng năm các cuộc hội thi hội diễn cho các phong trào ngoài giờ, lao động, văn thể mỹ như là văn nghệ, thể thao, kể chuyện, thi vẻ, công tác đoàn đội … nhằm giáo dục toàn diện cho các em., thường là người phụ trách nên tôi cũng hay là giám khảo chấm chọn và xếp hạng trong các cuộc thi. Nội dung và ý nghĩa của các sinh họat nầy thì khỏi phải bàn, rất hay ho bổ ích cho sự phát triển của các em, nhưng càng về sau và càng vào sâu thì hình như cuộc thi đua nầy biến tướng, tôi cảm thấy nó trở thành cuộc đọ sức ăn thua của các giáo viên, các trường, các phòng giáo dục với nhau, và học sinh tham dự trở thành con gà chiến được huấn luyện uốn nắn công phu như là diễn viên chuyên nghiệp, diễn như là người lớn được thu nhỏ, nét biểu cảm cũng thành khuôn mẫu, công thức...y như mẫu thầy cô dàn dựng,  nét hồn nhiên thơ trẻ của lứa tuổi ít được chú trọng. Thậm chí có cả việc mượn người, khai gian tuổi…thi thoảng trong cuộc thi có thí sinh rất tự nhiên, có những vấp váp trẻ thơ rất thật, làm người nghe cảm xúc, tôi đánh giá cao, thế nhưng hội đồng giám khảo căn cứ vào thang điểm, vào quy định mẫu cho rằng như vậy là thiếu điêu luyện, thiếu chuẩn bị chu đáo, thế nên tôi thành thiểu số trong hội đồng, không tự lý giải được: chấm điểm năng khiếu học sinh hay là tuyển chọn diễn viên ? đối tượng của cuộc thi là các em để đánh giá hay là chấm điểm người nhào nặn ra các em?

Lại còn chuyện dạy theo quy chế của các cấp phổ thông mà thời ấy tôi được cán bộ cấp trên dặn dò đó là pháp lệnh của ngành, với 45 phút của một tiết học phải thực hiện đủ các bước lên lớp chặt chẻ khít khao đúng phân phối chương trình, , giáo viên nào cũng ám ảnh nỗi lo cháy giáo án nên cứ các bước lên lớp đều và đủ cho an toàn, lớp nào như lớp ấy, không dám dành thời gian để khắc sâu kiến thức, để uốn nắn thói quen tốt, rèn nết rèn người cho học trò, mối quan hệ thầy trò trên lớp cũng theo công thức, dần dần chính tôi cũng đành mặc nhiên cho qua những lỗi của học trò mà đáng lẽ phải nhắc nhở làm gương cho cả lớp; mà tôi là người đã từng thực hiện nghiêm chỉnh và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi dù chính mình cảm nhận là máy móc. Còn với các tiết học có dự giờ kiểm tra, học mẫu...cũng theo bài bản: qua cách đánh giá xếp loại các tiết dạy, đã cho tôi bài học thực tiển: soạn giáo án tốt chưa đủ, giáo viên giỏi phải là người biết “dàn dựng” tiết dạy, khi lớp có khách thầy trò cùng diễn các bước lên lớp theo kịch bản, có khi còn dạy nháp trước, mặc nhiên các em đã được dạy về cách ứng phó một cách không trung thực. Vì là tôi dạy văn nên có lẽ ám ảnh lâu dài cho tới bây giờ vẫn chưa cải được đó cách dạy văn và chấm điểm, chấm thi môn văn theo đáp án, ấn tượng nhớ hoài là lần làm giám khảo, có một bài thi mà tôi chấm điểm cao, còn giám khảo kia thì cho điểm rất thấp, nên bài ấy được đưa ra chấm hội đồng, khi thông qua nhóm chấm và cả hội đồng đều công nhận bài văn rất hay, có nhiều ý tưởng mới, hành văn khúc chiết mạch lạc, nhưng với lý do bài văn có quá nhiều chi tiết mà đáp án không có, vì phải bảo vệ đáp án, anh ấy cũng nhận là bài văn hay nhưng vì ý rộng hơn đáp án nên khó áp thang điểm, do đó không thể cho điểm quá cao, nguyên tắc mà; chị chủ tịch hội đồng giám khảo hòa giải bằng cách yêu cầu anh bạn cùng nhóm chấm nâng điểm lên một chút, khi tôi cương quyết bảo lưu ý kiến và điểm 9 mà tôi đã chấm. Dần thì tôi ngộ ra, chính cái cách dạy và chấm bài theo mẫu một cách máy móc ấy, đã tước mất cái quyền cảm thụ văn học của thầy và trò, thì trách sao thầy trò không dạy và học theo văn mẫu để đạt yêu cầu chỉ đạo chuyên môn; sau vụ đó tôi buồn cho cái nghiệp dạy văn của mình, cũng may năm sau tôi đi làm quản lý không còn trực tiếp dạy văn nữa nên tránh được ức chế tâm lý. Điều an ủi là sau nầy tôi biết thí sinh là tác giả bài thi văn gây tranh cải hồi đó bây giờ đã là cây viết văn  khá nổi danh. 

  Với những trãi nghiệm thực tiển, tôi ngẫm nghĩ: hệ quả tất yếu của phương pháp giáo dục theo kiểu: dạy một cách máy móc, dạy là làm sẵn các khuôn mẫu, là đổ học sinh vào khuôn mẫu ấy, còn học trò học là làm theo một cách máy móc thụ động, dã làm suy giảm sự năng động sáng tạo trong tư duy của cả thầy và trò . Kiểu dạy học là ra sức cày sẵn những đường rảnh tư duy cho học sinh, khi ấy được xem như: đúng quy chế ngành, và đến bây giờ trãi mấy mươi năm, qua nhiều cuộc “cải cách” mà chưa thấy có thay đổi gì, nguy hiểm hơn là đang có nhiều người hoặc mặc nhận hoặc ngộ nhận hoặc công nhận quan điểm ấy là bình thường và xã hội trở nên bất lực, vô cảm trước những hệ quả của nó.

 Cho nên tôi không lạ khi mà nhiều người than phiền là bây giờ học sinh tốt nghiệp phổ thông và sinh viên ra trường rất yếu về khả năng thích ứng với cuộc sống xã hội, nói theo thời thượng đó gọi là “kỷ năng sống”; không đâu xa, con cháu của mình đã tốt nghiệp đại học loại giỏi chính quy hẳn hoi, vậy mà ngơ ngác lắm, lúng ta lúng túng lắm khi bước vào cuộc sống, khi phải thực hành mớ kiến thức chuyên môn vào công việc hàng ngày! Đó là nói cái số đông phổ biến, để không cực đoan phủ nhận một bộ phận thế hệ trẻ rất giỏi giang đang trở thành động lực phát triển xã hội, nhưng số nầy còn đang trong tình trạng quý hiếm và cũng không loại trừ đó là số học sinh cá biệt dám thoát khỏi khuôn mẫu giáo dục đang có.

Trong khi không ai có thể phủ nhận giáo dục nước ta ngày nay dù có khó khăn nhất định nhưng phải khách quan nhìn nhận rằng, điều kiện vật chất và khoa học kỹ thuật đã tiên tiến biết bao nhiêu so với các thế hệ trước, kể cả những tiện nghi xã hội đã trở thành phổ thông mà  các em được tiếp cận và trí thông minh của trẻ em Việt Nam thì đã được thế giới công nhận qua các kỳ thi quốc tế. Thế mà guồng máy công nghệ nầy hình như lại được vận hành theo tư duy sáo mòn cũ nên học sinh vẫn đang là “đối tượng” đang được nghiên cứu thực nghiệm, cải cách…nay đề án nầy, mai dự án kia…kèm theo là những con số kinh phí khổng lồ. Vẫn còn đang cải nhau để cải cách giáo dục! Chưa biết  định hướng thế nào, ra sao trong khi thế hệ trẻ thì không thể chờ, nền giáo dục quốc gia thì không thể có một khoảng lặng ngưng nghỉ nào trong quá trình lịch sử của một dân tộc?

Cứ nói đến cải cách giáo dục phổ thông thì nghe quản lý ngành quanh quẩn cái chuyện soạn và in sách giáo khoa, bởi vì vẫn còn rất nhiều người cho rằng CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG và SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG là MỘT. Gần đây công luận đã nói nhiều về việc nầy, nhiều nhà giáo là cây đa cây đề của ngành cũng đã lên tiếng: CHƯƠNG TRÌNH mới là nền tảng là xương sống là mục tiêu, còn SÁCH GIÁO KHOA là phương tiện. Cho nên trước hết phải CẢI CÁCH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG cũng có nghĩa là lập ra một chương trình nhằm tìm cách khắc phục những khuyết tật và sự lạc hậu của chương trình hiện hành, bốc ra được những nội dung chưa khoa học, chưa hợp lý về thời gian của các cấp học hiện nay, các phương pháp sáo mòn... Qua đó xây dựng hệ thống kiến thức khoa học hiện đại thông qua phân bố các môn học cần thiết phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi của các cấp học, nội dung vừa giáo dục đạo đức vừa nâng cao nhận thức, kiến thức văn hóa, kỹ năng cơ bản cho thế hệ trẻ…. Khi đã có chương trình thì mới đặt hàng huy động trí tuệ xã hội VIẾT SÁCH GIÁO KHOA CHUẨN… Rất cần một Hội đồng giáo dục quốc gia tập họp những người tài năng tâm huyết cho nền giáo dục nước nhà, ( chứ không phải chỉ tập họp quan chức dư học vị mà thiếu tâm thiếu tầm ) đó sẽ là cơ quan thẩm định về CHƯƠNG TRÌNH VÀ BỘ SÁCH GIÁO KHOA CHUẨN dành cho giáo viên…Đồng thời với việc xây dựng đội ngủ giáo viên theo yêu cầu…Nhưng hình như chính kiến và dư luận xã hội cũng chỉ là chuyện của những người không có thẩm quyền, cho nên đang lọt thỏm vào …đâu đâu rồi. Chợt nhớ hồi đó mình đi học nhẹ tênh cặp sách, học trò tụi mình không bị mua sách giáo khoa, không có học thêm, không có phụ đạo. Vậy sao hồi xưa cũng mà học được vậy ta

 Năm trước tôi thấy đứa cháu mình học tiểu học đã phải khuân cái ba lô đi học oằn vai, thấy xót ruột nên đem cân thử 4kg220. Mới xem thời khóa biểu, thì ra một buổi nó phải học nhiều môn, mỗi môn phải dùng nhiều sách, và cô dặn phải mang theo đủ đồ dùng học tập, như vậy tính trọng lượng bình quân mỗi ngày của sách vở đồ dùng học tập theo yêu cầu là 3kg750, tôi thấy thương cái cột sống non yếu của nó, bèn bỏ công lục lọi nhiều cửa hàng, chọn được chiếc va li nhỏ bằng vải nhẹ có bánh xe và cần kéo ( loại du lịch)  làm quà tặng cho con bé vận chuyển sách vở đi về hàng ngày, mẹ con bé khoe với tôi, có nhiều phụ huynh hỏi thăm để mua cho con họ chiếc va li như vậy làm cặp đi học. Và chỉ mùa khai giảng sau  thì các chiếc cặp kéo chuyên dụng cho học sinh đã phổ biến lắm rồi, nhưng giá cả của nó thì không thân thiện với học trò con nhà nghèo.

Vậy là mỗi học sinh là một khách hàng bắt buộc của bộ sách giáo khoa, thế thì in sách giáo khoa thì chắc ăn về khâu tiêu thụ.  Nhờ cũng có làm kinh doanh mình biết rằng khi sản xuất mà biết chắc lượng khách hàng “ bao tiêu” bắt buộc thì đó là tuyệt chiêu. Mình đã tự lý giải cho mình thắc mắc về việc in sách giáo khoa cho học sinh ở trên rồi.!!! Thảo nào thảo nào!!!

                                                                                               

  CA GIAO.

                                                                                                    

 

                                                                                                                            

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640323 visitors (2134012 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free