.
  Sự an toàn ở Congo
 
16/2/2014




Lời Dẫn Nhập

Di tản vì chiến tranh, vì bịnh dịch là kinh nghiệm của tôi khi làm việc tại Kinshasa của nước Congo Democratic Republic (tên cũ Zaire). Giữa tháng 10, 1991 tôi ký khế ước 2 năm với dự án của Ngân Hàng thế giới tài trợ để làm cố vấn kỹ thuật cho Bộ Nông Nghiệp Zaire (Conseiller Technique Principal) trong công tác soạn thảo kế hoạch 5 năm về phát triển nông nghiệp của xứ này. Ba tuần lễ sau khi đến nhiệm sở ở Kinshasa, tôi được lính dù mủ đỏ Pháp hộ tống qua phà đến Brazzaville (thủ đô của một Congo thứ hai: Republic of Congo có dân số hơn 3 triệu người) chung với hàng ngàn người ngoại quốc di tản khác. Bốn năm sau (1995), tôi trở lại Kinshasa cho dự án UNDP/FAO trong thời gian 6 tuần lễ.

Cuối tháng 8, 2005 đọc tin trên Internet thấy Reverend Daniel Mulunda cố vấn cho đương kiêm Tổng Thống Joseph Kabila (thay thế thân phụ Laurent Kabila bị ám sát từ tháng 1, 2001) tường trình với báo chí là Ông đã mang xe đạp để đổi lấy súng cùng đạn được cho chiến dịch giải giới các lực lượng võ trang trong xứ Congo. Từ ngày tôi mang gói hành lý chỉ đựng cái mùng lấy vội vã trên giường ngủ theo chân mấy ngàn người di tản cập bến phà Brazzaville đến nay, nội chiến triền miên và bịnh dịch ở nước Congo-Kinshasa đã giết hại trên 3.3 triệu con dân xứ này (Tin CNN).

Bài viết này chỉ ghi lại những tình huống kém an toàn qua 9 tuần lễ của hai chuyến đi trong một đất nước rộng hơn Việt nam bảy lần với dân số 60 triệu người, đặc biệt tôi ghi thêm chi tiết nhỏ về giống dân lùn Pygmies cao không quá 1.5 mét (5 feet) sống ở rừng nhiệt đới Phi Châu.

Di Tản

Hành trang của tôi mang đến Kinshasa rất đầy đủ, được chuẩn bị chu đáo cho hai năm, có dự trù gia hạn khế ước. Cư ngụ ở từng hai trong một cao ốc được canh phòng cẩn mật. Qua sự giới thiệu của đồng nghiệp, tôi có ngay một người nấu bếp chỉ biết nấu đồ tây. Điều này không sao vì sau này tôi sẽ chỉ cách nấu phở, cuốn chả giò, vân vân và vân vân cho tôi ăn hoặc đãi khách như các đầu bếp của tôi trước đây ở các xứ khác. Nơi ăn chốn ở dàn xếp ngay tuần lễ đầu tiên xem chừng tạm được. Nhưng tình trạng đất nước Zaire trở nên quá tồi tệ nhanh chóng về mọi mặt. Nạn lạm phát phi mã: 2 đồng Mỹ kim vài năm trước ngày tôi đến mới đổi được 1 đồng Zaire (Z), ngày tôi đến 1 đô la đổi lấy hơn 7,000 đồng Z, ba tuần lễ sau đó tô xuất ở mức 1 $US đổi lấy 15,000 đồng Z (sau nhiều chấn chinh tiền tệ 1$US vào cuối tháng 8, 2005 đổi được 4.55 đồng Zaire). Có lẽ điều này là một trong nhiều nguyên nhân gây sự bất mãn ngay trong hàng ngũ quân đội của chính quyền đương nhiệm, và làm tăng nhanh mức tiến quân của phe đối nghịch từ miền Đông do nhiều quốc gia yểm trợ.

Nhân viên của Bộ Nông Nghiệp Zaire chi còn thưa thớt một số trưởng cơ quan, bộ máy hành chánh gần như tê liệt. Đồng lương của họ còn là con số tượng trưng không giúp ích gì được cho gia đình họ. Mỗi sáng tôi ghé qua văn phòng của vị đại diện Ngân Hàng Thế Giới để xem có tin tức mới nào liên quan tới dự án. Câu trả lời ngắn gọn mỗi lần gặp gỡ như sau: - Chờ xem. Người nấu bếp của tôi xin được trả lương bằng tiền Mỹ kim để lạm phát không cướp hết công sức mình trong tháng đó. Một đồng nghiệp mới gặp nhau lần đầu tiên tại văn phòng đại diện Ngân Hàng Thế giới và sau này trở thành bạn hiền Zairois của tôi. Đồng nghiệp còn trẻ ở tuổi tứ tuần, nhưng đường công danh gặp nhiều trắc trở. Một lần làm bộ trưởng trong nội các Mobutu, thời gian ngắn sau mất chức vì mức độ trung thành bị đánh giá kém theo lời bạn hiền tâm sự. Văn phòng của Ngân Hàng Thế Giới ở Kinshasa mời bạn làm tư vấn ngắn hạn cho các dự án theo khế ước vài tháng và trả lương bằng tiền Z theo tô xuất vào ngày nộp bản phúc trình tư vấn. Mấy bao bố đầy tiền Z của bạn lãnh từ ngân khố là dấu tích cảnh phá sản của một quốc gia có tài nguyên trù phú ở Phi Châu và có một cố Tổng Thống Mobutu được xếp vào hàng những tỉ phú của thế giới.

Trong bối cảnh ngột ngạt không ai biết ai phải làm gì, khi nắng chiều ngày cuối tuần lễ thứ ba của tôi ở xứ Nam bán cầu vừa tắt, bạn hiền Zairois gọi điện thoại đến tôi cho biết sẽ có bạo đông tại thủ phủ Kinshasa trong khi nhóm đối nghịch còn ở cách xa thủ đô. Bạn muốn ghé lại nhà thăm tôi lần chót, nhưng sự đi lại đã bị lính ngăn cấm từ nhà bạn ở gần phi trường vào trung tâm thành phố. Phản ứng đầu tiên của tôi là cầm ngay chiếc máy walkie-talkie xem nó hữu hiệu ra sao. Tôi gọi nhóm chuyên gia người Gia Nã Đại Quebec cùng làm chung dự án. Họ cũng ở trong tâm trạng hoang mang. Tôi lên giường dỗ giấc ngủ tạm gác lại mối ưu tư chờ ngày mai xem sao.

Người nấu bếp đến sớm hơn thường lệ chuẩn bị buổi ăn sáng, đánh thức tôi để báo các biến động đang diễn ra trên đường phố. Lính xông vào cướp tất cả mọi kho lương thực và cơ sở làm ăn của người ngoại quốc. Dân hôi của cũng tham dự vào việc đập phá, vơ quét hàng hóa, tài sản khắp mọi đường phố của thủ đô Kinshasa. An ninh cá nhân không còn bảo đảm. Tôi và nhóm chuyên gia người Gia Nã Đại Quebec cùng làm chung dự án được lịnh di tản. Mỗi Đại sứ quán lo việc di tản công dân của nước họ. Tòa Đại sứ Mỹ gọi điện thoại đến báo cho tôi ba địa điểm tập trung của kiều dân Mỹ. Trước khi ra cửa đến địa điểm tập trung chỉ định, tôi trả trước ba tháng lương cho người nấu bếp với lời dặn dò sẽ trở lại khi thủ đô Kinshasa được an toàn.

Trở về Washington DC, tôi được thông báo chờ đợi xem tình hình an ninh cải thiện khá hơn mới trở lại nhiệm sở cũ. Sau hai tháng chờ đợi, tôi lãnh tấm chi phiếu lương cuối cùng của dự án kèm lời ghi chú "No Return" (không trở lại). Trong bản khai thuế 1040 với IRS Hoa Kỳ, tôi đã liệt kê những gì mất mát do nội loạn và di tản ở Congo-Kinshasa.

Trở Lại Zaire

Hơn bốn năm sau, tôi trở lại Zaire cho dự án UNDP/FAO/92/001 (Cơ quan Phát Triển Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc). Nhìn lại một thủ đô Kinshasa vắng vẻ buồn thiu. Các vị Tổng Thơ Ký, Giám Đốc Nha kế hoạch Bộ Nông Nghiệp mà tôi quen biết trước đây, còn tại chức. Vừa gặp lại nhau đã than thở làm việc thiếu lương kinh niên. Hai chuyến đi vào nội địa kỳ này cho tôi được dịp quan sát rừng nhiệt đới, tìm hiểu về bịnh dịch Ebola và biết thêm về bộ lạc Pygmies.

Trên phương diện môi sinh, nhờ khủng khoảng chính trị và nội chiến, rừng nhiệt đới (tropical rainforest) của Zaire (Congo Democratic Republic) tương đối còn nguyên thủy, chiếm 47% rừng ở Phi Châu. Trong khi những nước khác của lục địa này đã mất đi 10.5% rừng nhiệt đới của họ từ thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 (tài liệu FAO), hậu quả của chương trình đô thị hóa, lạm dụng thái quá việc khai thác gỗ. Giới hữu trách của các quốc gia này đều được nhắc nhở hiểm họa rừng điêu tàn là tổ quốc suy vong.

Dịch Ebola tại Kikwit

Chiếc Land Cruiser chở nhóm chuyên gia chúng tôi từ sáng sớm đi thăm một phần dự án thực hiện tại Kikwit cách Kinshasa hơn 500 cây số. Suốt trục lộ, xe bị chận lại nhiều trạm để đóng tiền mãi lộ cho bất cứ nhóm lính nào đặt được một chướng ngại vật nhỏ như cây tre, vài viên đá lớn trên đường đi. Đến chiều tối, chúng tôi vào được thủ phủ Kikwik. Trong khi dàn xếp ngủ qua đêm tại nhà trọ của các tu sĩ dòng tên, chúng tôi được thông báo sáu dì phước người Thụy sĩ chết một lượt do bịnh dịch Ebola lan tràn tại Kikwik (nguy kịch hơn dịch AIDS) và nhóm y-sĩ không biên giới khẩn cấp lập hàng rào kiểm dịch. Nhóm chúng tôi được đưa trở lại Kinshasa với nhiều thắc mắc chưa được giải đáp về dịch bịnh Ebola.

Vùng Xích Đạo

Theo chương trình thăm viếng, tôi được dàn xếp đi Bumba, vùng xích đạo dự trù ba ngày. Nước Congo-Kinshasa có rất nhiều hệ thống sông ngòi thuận tiện cho việc di chuyển bằng đường thủy. Với lý do an ninh, các giới chức chọn phương tiện di chuyển theo đường hàng không. Vào thời điểm này, các chuyến bay nội địa do hãng hàng không của nước Nam Phi Châu điều hành. Hành khách được xếp ngồi hàng ghế tay trái. Một tấm lưới phân chia dọc lối đi chính giữa ngăn chặn hành lý chất đầy phân nửa bên phải dãy ghế hành khách. Mỗi tuần chỉ có một chuyến bay đi và đến. Bốn ngày bị kẹt tại Bumba là những ngày dài nhất. Không có khách sạn, tôi được dàn xếp ở tại nhà vãng lai của một nhà thờ. Điện chỉ có từ 5 tới 6 giờ sáng mỗi ngày nhờ máy phát điện của Linh mục Carlos dành cho cư dân đến thánh đường đọc kinh. Chiếc máy PC được tôi mang theo chỉ xử dụng trong thời gian này. Trong khi linh mục làm lễ ở thánh đường, tôi loay hoay trước cái PC đặt trước thềm phòng khách của linh mục. Con chiên đi lễ và cư dân ngộ nhận chào tôi:

- Bonjour Père (Chào linh mục)!

Linh mục Carlos biết có sự ngộ nhận, và không có cơ hội cải chính với cư dân.

Một trong nhiều điều đáng nhớ nhứt khi làm việc ở lục địa nghèo khổ của thế giới là lúc tôi gặp gỡ, đàm đạo với một cán bộ già được đào tạo từ thời thuộc địa, tại trạm khí tượng vùng xích đạo INERA/Loeka. Nhìn vào các số liệu khí tượng căn bản từ nhiều thập niên được đo lường và cập nhựt hóa liên tục, tôi thầm thán phục người cán bộ già không nản chí bỏ nghề trong một đất nước nhiễu nhương.

Trong bốn ngày rảnh rỗi bất đắc dĩ, linh mục Carlos thường hay đàm đạo với tôi nhiều mẫu chuyện đạo và đời. Linh mục không muốn tôi ngồi sốt ruột chờ chuyến bay từ ngày này qua ngày khác để trở lại Kinshasa, nên mời tôi đi thăm trường sở và bịnh viện do ngân sách của giáo hội đài thọ. Tôi nói đùa khi bước lên chung xe là nhiệm vụ (Termes de Réference) của chuyến công tác này không có mục đi thanh tra việc làm của Père Carlos. Linh mục cười rất hiền hòa. Ở bịnh xá, tôi được nghe mô tả chi tiết về bịnh dịch Ebola xuất hiện trong vùng. Linh mục kể lại buổi lễ sáng nay làm phép mai táng một con chiên ra đi nhanh chóng sau mười bốn ngày ăn thịt khỉ mắc bịnh.

Tại Kikwit, tôi chỉ đủ thì giờ thoát qua ranh giới kiểm dịch ngăn chặn Ebola tràn về thủ đô Kinshasa. Tại Bumba của vùng xích đạo, tôi không còn lựa chọn khác ngoài việc tìm hiểu về Ebola và chờ chuyến bay. Loài khỉ gorilla (đứng thẳng cao 1.8 m), và chimp (đứng thẳng cao 1.2 m) bị siêu vi trùng Ebola sát hại. Tại công viên quốc gia Odzala, Congo, người ta tìm thấy Ebola trong xác chết của khỉ.

Không nên ăn thịt khỉ, không tiếp xúc với xác khỉ chết, không rửa lịm thân thể người chết vì bị sốt là ba điều báo động đỏ giới thẩm quyền y tế khuyến cáo dân Congo phải tuân hành. Nhưng đối với bộ lạc Pygmies và các nhóm khác sinh sống bằng nghề săn thịt khỉ, ngăn chặn sự lan tràn của bịnh dịch hiểm nghèo Ebola chưa có giải đáp.

Bộ Lạc Pygmies

Người bộ lạc Pygmies sống trong rừng nhiệt đới Ituri miền Bắc Zaire gồm nhóm Mbuti có chiều cao tối đa 1.5 m có khả năng nhanh nhẹn leo cây cao 30 thước để lấy mật ong, nhóm Efe có tài bắn cung tên bắt các loại thú rừng nhiệt đới gồm có khỉ. Họ sống theo dạng du mục, thay đổi chỗ ở thường xuyên trong rừng già. Nơi ăn ngủ rất đơn sơ, không tàn phá gốc cây, chỉ đốn những cành phụ, nên sau khi họ di chuyển đến một nơi khác, khu rừng tái lập nhanh chóng. Nhóm người khai thác bắt các loại thú quí hay săn ngà voi thường thuê người Pygmies làm cho họ.

Ngoài nhóm Mbuti, còn có ba nhóm chính khác ở rừng nhiệt đới Phi Châu như nhóm Baka mà tôi đã gặp ở miền Nam Cameroon, nhóm Aka ở rừng thuộc nước Trung Phi và Bắc Congo, nhóm Twa ở rừng già vùng trung châu sông Zaire. Dân số của 4 nhóm này khoảng từ 130,000 đến 170,000 người. Người Pygmies mang sản phẩm của họ ra trao đổi khoai mì và các hoa màu khác với người bộ lạc bên ngoài rừng. Nhưng ngày nay họ đang bị người bên ngoài rừng mang cho họ những cái khác như tiền, rượu, thuốc lá, cần sa, v.v... Để tránh thoái hóa và giữ được cuộc sống trong lành, có lẽ họ phải đi sâu vào rừng già, nhưng Ebola tiếp tục theo họ dù họ di chuyển đến nơi đâu.

Giã Từ Rừng Nhiệt Đới

Vào lúc 9 giờ sáng ngày thứ bảy, máy bay trở lại phi trường Bumba. Linh mục Carlos cần có mặt ở sân bay để nhận lãnh những gói đồ gửi từ Âu Châu đến, đã tiễn chân tôi tận cửa lên tàu. Tôi cám ơn linh mục với tất cả lòng ngưỡng mộ con người đang giúp tha nhân. Gió buổi sáng của vùng xich đạo thổi nhẹ xuyên qua cửa lên tàu, linh mục bắt tay tôi với gương mặt nhân ái mỉm cười xác nhận biết có sự ngộ nhận của con chiên dành cho tôi mỗi sáng trên đường đi lễ, tuy vậy linh mục Carlos vẫn lập lại lời ngộ nhận khi nói lời tiễn biệt:

- Au revoir Père Phạm!

 

Phạm Thanh Khâm

Viết tại Kabul, ngày thứ sáu 26/08/2005


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630194 visitors (2116062 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free