.
  Thu Hương- Cần Thơ
 
7/10/2013



    Hằng tuần chúng tôi đều có thư từ Cần Thơ. Trong khi thằng Phúc Lùn mừng đến đỏ mặt tía tai khi nhận thư của Hồng Vân, giống như tôi khi nhận thư của Thanh Vân, Trọng Thỏ- trưởng lớp- trầm tỉnh cho cái phong bì vào sấp sách vở nó đang ôm trên tay. Ai cũng biết nó chỉ nhận thư của một người: Nguyễn Thị Thu Hương.

    Trên đường Võ Tánh, cạnh trường tiểu học Võ Tánh, ở cùng hẻm 2, ngay góc khúc quẹo phải vô nhà nó, Thu Hương ngày ngày để mắt tới anh chàng hơi còm, hơi cà khêu, hơi kênh kiệu và rất ít nói ấy. Nàng không thấy có bạn hắn đến chơi. Nàng cũng không hề thấy chàng đi đâu ngoài giờ đi học hay đi chơi bóng rổ. Nàng không hề thấy chàng quở trách em út, không hề bị bố mẹ la mắng. Khi chàng vào lớp 8 Nông Lâm Súc Cần Thơ, thấy chàng lấm lem khi đi học về, với ít rau muống, rau lang trên cái yên xe sau, tim nàng bắt đầu rung động rộn ràng hơn mỗi khi gặp chàng.

Thu Hương thường tự hỏi,

“Làm sao có anh chàng nào vừa hiền ngoan, chịu khó lại vừa lành tính lành nết cần cù như thế này nhỉ?”

Tình cờ được cậu út dạy cho đàn guitar cổ điển, Trọng Thỏ- vốn là kẻ ham thích âm nhạc, cần cù với các ngón tay dẻo dai khẳng khiu này học rất nhanh. Với cây đàn cũ khá tốt người cậu tốt bụng tặng cho hắn, Trọng Thỏ trở thành một tay chơi guitar classic có hạng trong lứa tuổi 15 khi ấy. Tính khí của hắn vốn được bộc lộ lâu nay qua ngòi viết- chải chuốt lả lướt, qua cú sút bóng rổ nắn nót kỹ lưởng, giờ đây, ôm đàn lên mỗi buổi tối sau giờ học bài, hắn làm cho Thu Hương thêm say mê đắm đuối.      Xưa kia, nhờ có chàng Trương Chi xấu xí cất tiếng hát, nàng Mị Nương đã nhanh chóng bình phục bệnh tình. Nay nghe tiếng đàn của chàng Trọng Thỏ- người chắc hẳn đẹp trai hơn Trương Chi nhiều- nàng Thu Hương bỗng dưng sinh bệnh.

    Thiếu tiếng đàn của chàng, bệnh của nàng trở nên nặng hơn. Trong hè vừa hết lớp 9, đầu năm học 1970- 1971, biết chàng phải đi đến tận Bảo Lộc để nộp đơn chuyền trường, Thu Hương cảm thấy xốn xang, lo lắng, đứng ngồi không yên. Viết hết những 4 trang vỡ học trò, Thu Hương vận dụng tất cả vốn liếng văn chương thi phú và vài cánh hoa ép khô để bộc lộ tình cảm của nàng. Nàng giải bày những điều đã khiến nàng yêu quý, kính trọng người thanh niên cùng xóm- hai nhà đối diện và dĩ nhiên nàng chỉ xin chàng im lặng mỉm cười với nàng- một đặc ân  duy nhất- Khéo léo thuyết phục Như Trang- em gái của Trọng Thỏ trao thư tận tay chàng và giữ kín chuyện này. Mối tình của hai người bắt đầu sau khi Trọng Thỏ ta đọc thư. Tối hôm ấy, Trọng Thỏ đàn hay hơn bao giờ hết và Thu Hương cảm thấy hạnh Phúc hơn bao giờ hết khi nhìn thấy chàng mỉm cười với nàng.

   Tối hôm trước ngày chàng lên đường đi Bảo Lộc nhập học, 27- 8- 1971, dưới gốc cây trứng cá, họ ngồi cạnh nhau trong bóng tối trong yên lặng và ngay khi chàng “Thỏ” ấy vừa nắm lấy tay nàng, nước mắt nàng tuôn trào như con suối Đam Rong mùa mưa lũ. Thu Hương như muốn ngã gục xuống chân chàng,

“Anh đi lên đó ráng lo học và giữ sức khỏe. Em sẽ gởi lên cho anh những thứ anh cần với cả trái tim em.”

Trọng Thỏ xúc động, bối rối vì lần đầu tiên chàng nghe những lời lẻ như thế, 

“Hương ở lại ráng học. Chừng nào về anh sẽ có quà cho Hương nhé.”     

 Thu Hương đáp ngay như đã chuẩn bị sẳn,

“Chỉ cần anh về với em là đủ lắm rồi.”

   Trên Bảo Lộc, ngay những ngày đầu tiên, hắn rất nghiêm túc, lo học, không hề màng tới điều gì khác ngoài việc cùng nhóm chúng tôi lội bộ qua trường tàu Đồng Nhân chơi bóng rổ. Cơm chiều vừa xong, nhâm nhi chút trà xanh, đánh đàn một lúc, hắn lao ngay vào sấp tập vỡ. Hắn tụng bài như một tay sư trẻ tụng kinh và muốn làm cho sư cả hài lòng. Hắn đặt quyển vỡ, rất sạch với chữ đẹp bay bướm, trên tay đi đi lại lại lầm thầm đọc bài giống như một nhà sư sắp giác ngộ. Hắn bực dọc khi có thằng nào ồn ào. Hắn liếc trừng mắt khi có ai chọc ghẹo, to tiếng. Giống như khi chúng tôi chới bóng rổ với nhau, hắn cau có, khó chịu khi đứa nào chuyền bóng hay lên rổ trái ý của hắn hay sút hụt một quả bóng ngon ăn. Nhưng mỗi khi đọc thư của nàng, hắn tỏ ta tư lự, mỉm cười khá hài lòng và trầm tỉnh.

Ngay tuần đầu tiên hắn có thư của người tình- Thu Hương- từ Cần Thơ. Vừa thấy mặt thằng Phúc Lùn đỏ ngây ngất như say rượu và Trọng Thỏ vui sướng hớn hở khi nhận thư nàng, Tâm Dê- thằng chẳng được thư của ai- đã nghĩ ngay đến cụm từ “cần thư- thư tín”. Hắn đã đặt tên cho nhóm 6 đứa chúng tôi,

“Băng Cần Thơ đúng là “cần thơ” mà!”

Vừa nhận được địa chỉ nhà trọ, từ Cần Thơ, Thu Hương gởi lên cho chàng yêu thương một chiếc áo len. Mỗi tháng Trọng Thỏ đều nhận được quà của nàng, nào là cá khô, bánh kẹo, tập vỡ, giấy viết thư, giấy chậm mực, vải quần áo và gần ngày trung thu năm ấy, chàng nhận được một cái bánh trung thu từ người con gái đang yêu chàng tha thiết. Chúng tôi thèm thuồng, ganh tị. Hét Quắn cứ nhìn hắn cười mỉm chi. Hậu Bào chọc tức hắn,

“Mầy viết thư hỏi nó coi một cái bánh làm sao đủ chia cho cái nhà trọ mười thằng ốm đói thiếu ăn này chứ hả?”

Phúc Lùn bênh vực,

“Mầy ngon thì kiếm người yêu đi rồi bảo nàng gởi bánh lên cho mày xơi một mình nhé. Tụi này “đếch thèm đâu nhé.”

Thằng Đức Cống - CT- 71- chọc quê,

“Để tớ đánh điện tín về nhà bảo mẹ tớ gởi lên ngay 10 cái nhé. Thằng Đức Cống còm cõi này xin tiền xài thì khó chứ xin mẹ thức ăn thì có ngay.”

Tuấn Bùi- CN-71- có dịp vào cuộc,

“Trọng Thỏ ơi! mầy viết thư xin nàng mấy con khô cá Sặc nữa nhé. Từ bé đến giờ, tớ chỉ ở tại Phương Lâm chưa hề biết cái thứ chi mà ngon đến như thế.”

   Thu Hương chắc vui lắm khi biết cả nhà trọ chúng tôi trầm trồ thèm muốn các thứ nàng gởi lên. Nếu có một cuộc thi “người tình chu đáo”, tôi sẽ bầu chọn ngay Thu Hương- người đáng làm cho tất cả những ai từng mài đủng quần trên ghế trường NLS Bảo Lộc phải ganh tị.

    Sau 3 tháng hè gắn bó với nhau hơn, năm học sau, Thu Hương gởi quà nhiều hơn năm học trước. Ngoài những thứ năm trước Trọng Thỏ đã nhận, năm sau, thỉnh thoảng chàng một mình lên bưu điện để nhận “manđa”. Để yên chí không bị mất những thư, quà quan trọng, Thu Hương đã nhờ địa chỉ của ông chủ nhà Vũ Ngọc Bảng. Vốn ít thổ lộ, Trọng Thỏ cất giữ mọi thứ Thu Hương một cách kỹ lưởng hoặc nhờ bà Bảng giữ hộ. Hắn bắt đầu mặt áo sơ mi trắng mới toanh. Cái đồng hồ cũ năm lớp 10 bổng trở thành một cái “đổng” mới “ken” mà thằng Hậu Bào đã thèm chảy nước dãi.

    Năm học cuối, Trọng Thỏ- Nguyễn Phước Trọng- ăn mặc chỉnh tề nhất lớp, học lực cũng khá nhất lớp, và Thu Hương vẫn là người tình chung thủy nhất- người duy nhất gởi thư và quà cho hắn nhưng lạ thay hắn chưa hề kể lể cái đoạn kết về mối tình này. Sau ngày giải phóng, chúng tôi nghe đồn rằng Thu Hương đã cùng gia đình vượt biên bỏ lại một trong những mối tình nổi tiếng nhất của cả hai trường NLS.

                                                                               

 Rạch Giá 17- 11-2012

                                                                                                 

Lương Ngọc Thành 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638780 visitors (2128282 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free