.
  Trở lại thăm vùng biển...P3
 
2/9/2013

Phần 3: Marseille

Từ giã Nice, chúng tôi dùng xe lửa liên thành phố (Intercity train) chuyến rất sớm để đến Marseille. Đây là thành phố biển lớn nhất trong vùng Biển Thiên Thanh, lớn thứ hai sau Paris, với dân số khoảng 800 ngàn dân nội thành trong số 1,6 triệu dân của cả vùng ngoại ô. Marseille cách Paris khoảng 750 km, chỉ mất 3 giờ xe lửa cao tốc TGV.

Nhà ga xe lửa Marseille St Charles khá lớn, với nhiều cổng ra, làm chúng tôi lạc hướng. Theo chỉ dẫn của Google map, thì từ nhà ga đến khách sạn chúng tôi ở trong trung tâm phố chánh, gần bến cảng, chỉ cần đi bộ 10 phút, vì vậy chúng tôi quyết định đi bộ, không đi taxi, vì nghĩ rằng 10 phút đi bộ trong buổi sáng khi chưa có nắng gắt và nóng, thì chắc thú vị lắm. Đi theo bản đồ của Google chỉ dẫn, hết đoạn đường này, qua đoạn đường khác mà vẫn chưa thấy con đường của khách sạn, mà lại phải len lỏi đi trong khu phố của người Phi Châu. Hóa ra, Google map đã chỉ dẫn sai. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được khách sạn, mặc dầu đi bộ cả nửa giờ thay vì 10 phút, và phải hỏi thăm đường từng chặng, vì sợ lạc. Nếu Google map chỉ dẫn đi xe điện ngầm chỉ cần 3 trạm trong năm bảy phút là tới.

Hàng năm có khoảng 4 triệu du khách đến viếng Marseille, nhờ phong cảnh biển, đảo và các công trình mang tính lịch sử. Cảng Marseille là cửa giao tiếp chánh để tàu bè đến Phi Châu và Á Đông.

Ngày xưa, muốn đến Pháp, phải đi tàu thủy, qua kinh Suez, vào Địa Trung Hải, cặp bến Marseille, trước khi dùng đường bộ hay xe lửa đến Paris.

Vì là nơi giao tiếp với các nước chung quanh Địa Trung Hải, nên Marseille cũng là nơi đa chủng tộc, hậu quả của các biến động chánh trị trong các nước ven Địa Trung Hải. Trong số 800 ngàn dân của nội thành Marseille, thì có 300 ngàn dân gốc Ý (37,5%), 200 ngàn gốc Á Rập Bắc Phi (25%), 80 ngàn gốc Do Thái (10%), ngoài ra còn có gốc Tây Ban Nha, Nga, Armenia, Thổ nhĩ Kỳ, Việt Nam và người Tàu, v.v.

Marseille là một vịnh lớn hình cung, ba phía bao vây  bởi núi đồi, chỉ có hướng tây nam là biển, đó là Bến Cảng Cũ (Vieuz Port). Ở cửa vịnh bến cảng là hai pháo đài Saint-Jean ở phía Bắc và Saint-Nicolas ở hướng Nam nằm hai bên trấn giữ cửa vào Cảng Cũ.

Marseille có Đại lộ Canebière dài khoảng 1 km và lớn nhất xuất phát từ Vieux Port (Cảng cũ) là khu thương mại với nhiều thương xá sầm uất, nhất là khoảng đường tại St Ferréol và Trung Tâm Bourse.

Bên cạnh các đại lộ rộng, lại có những con đường nhỏ hẹp, chỉ để đi bộ, trong các khu phố cỗ.

Khu phố cỗ với đường hẹp cấm xe hơi

Cảng Cũ (Vieux Port) là nơi sầm uất nhất với du khách. Đây là khu vực dành cho người đi bộ, với quảng trường rộng thênh thang dọc theo bến cảng hình bán nguyệt, bao bọc bởi các nhà hàng đủ quốc tịch, quán cà phê, khách sạn.

Đây là bến cảng thiên nhiên có từ thời cỗ đại, khoảng 600 năm trước Thiên chúa, hiện nay coi như trung tâm du lịch của Marseille. Từ đây, ta có thể dùng xe điện ngầm để đến các thương xá siêu thị ở trung tâm Bourse dọc đường Canebière, dùng xe điện toa chở du khách thăm quan thắng cảnh, hay dùng ghe tàu ra thăm hải đảo.

Thánh đường Notre Dame de la Garde, ở phía nam Bến Cảng Cũ,  nổi tiếng là thắng cảnh đẹp nhất của Marseille, nằm trên ngọn đồi cao, có tháp chuông cao chót vót, và tượng Đức Mẹ bồng Chúa bằng đồng lấp lánh, tượng trưng sự bảo hộ cho người đi biển.

Thánh đường Notre Dame de la Garde

 

Du khách nhộn nhịp tại Bến Cảng Cũ

Thuê ghe tàu thăm hải đảo

Bến Cảng Cũ

Tại Bến Cảng Cũ du khách có thể thuê ghe tàu để đến tham quan hải đảo. Thật là thích thú ngồi trên tàu nhìn đại dương mênh mông, thấp thoáng các đảo với các pháo đài cổ kính phòng thủ Marseille.

Tàu du khách viếng hải đảo

Chúng tôi đến Đảo If, một trong 4 đảo ngoài khơi mang tên Frioul Archipelago. Trên Đảo If là lâu đài If, đúng hơn là một pháo đài phòng thủ kiên cố xây dựng từ 1531, với 3 từng lầu.

 

Lâu đài If ngoài khơi Marseille

Trong cuộc cách mạng Pháp 1789, 500 dân quân cách mạng của Marseille được gởi về Paris, trong lúc di chuyển họ hát bài La Marseillaise, bài hùng ca ái quốc La Marseillaise trở thành quốc ca nước Pháp cho đến ngày nay.

Sau Paris, Marseille có nhiều người Việt sinh sống, khoảng 10 ngàn người. Đa số là công nhân, và tiểu thương. Đối với Phật tử, Chùa Trúc Lâm ở trên ngọn đồi cao ngoại ô Marseille cũng là nơi nổi tiếng đối với nhiều người Việt.

 

Xem tiếp Phần 4.

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 633225 visitors (2120754 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free