.
  Vượt biên đến Mỹ
 
9/8/2013


                                                 
Vượt Biên đến Mỹ ..qua đường Alaska
Thành phố Vancouver là thành phố tận cùng miền Tây Canada. Nếu dùng máy bay phải đến 14 tiếng mới tới Sài Gòn, đi tàu thì đến 2 tháng, đi bộ thì …lâu lắm mới tới Việt Nam.
Nơi đây là nơi tụ tập của rất nhiều du thuyền đến từ khắp nơi trên thế giới (ngoại trừ Việt Nam).
Chúng tôi hân hạnh được người bạn (rất thân) đến từ xứ Canguru mời đi chuyến du thuyền Alaska, mà chúng tôi sẽ giới thiệu cùng quý vị chuyến vượt biên bằng du thuyền ngoạn mục nầy.
Từ Vancouver đến Alaska khoản 1889 miles (hơn 3000 km). Thân phận mình nghèo rớt mồng tơi, do đó chúng tôi ít có hy vọng làm chuyến ra khơi diệu vợi hơn 3 nghìn cây số trên vùng đông bắc của Thái Bình Dương. Cũng may có người bạn than, thương tình từ Perth, Úc Châu, tặng cho mấy vé để tháp tùng.
Chiếc Holland America Line nầy dài 777,6 feet, rộng 111 feet. Chứa 1432 hành khách, đội ngũ phục vụ trên tàu là 604 người. Có đến 10 tầng lầu, đi tới đi lui muốn lạc, nếu không nhớ số phòng của mình, thì khó tìm được bà xã, kẻo bả hứng thú lạc vào mấy casino và vũ trường rất khó mà tìm. Tôi cứ giữ thẻ plastic (chìa khoá cửa) và niệm thầm số phòng cho dể nhớ (không biết tại sao họ lại không ghi số phòng trên thẻ, thiệt là lẩm cẩm).
Trùi ui! Ai mà có vòng eo không lý tưởng, mà phải vướng 7 ngày trên tàu, thì e rằng ông xã sẽ nhìn không ra, vì cứ ăn uống thả giàn 7 ngày đêm, thì còn gì thân mạng!!! Cũng may bọn nầy ăn chay nên chưa mất mạng vì cân không nặng khó bị chìm tàu.
Ôi thôi, từ lầu 6 lên lầu 8 ăn sáng, xuống lầu 5 ăn tối, lầu 3 tập thể dục, qua lầu 4 xem ciné, chỗ đấu giá. Lầu 9 ra boong tàu, Chạy vòng tàu 3 lần được 1,8 miles, làm cho cái eo giảm được ¼ cm !!!!



Vợ chồng già và thằng con trai 15 tuổi
 
Sau khi đặt chân xuống tàu chừng 20 phút, họ bảo phải ra boong tàu lầu 3 để thuyết trình về an toàn hàng hải. Nghe cũng Ok, thế mà sao lại ngại, vì thể thức an toàn có vẽ hơi đe doạ trong chuyến du lịch nầy. Họ bảo, khi có hữu sự phải cho con nít dzọt trước, đàn bà đi kế, còn bọn đàn ông theo sau cùng (nếu còn thời giờ, kẻo không thì thôi….=)
Mèn ơi! Chơi gì kỳ cục vậy, bọn đàn ông ta ở châu Mỹ lúc nào cũng trên gia súc một mức, tội thì thôi. Bởi thế bà xã không cho về VN nữa, kẻo bọn nầy đòi lại quyền làm đàn ông!! Nghe nói “phe ta” ở VN có giá lắm…Nào là “anh à để em cởi giày cho anh nghe”, chừng nào anh ra lệnh để em bảo con nhỏ ở nó mang nước ấm cho anh rửa mặt, dùng một chai bia rồi từ từ mới ăn cơm???”
Viết tới đây tôi nhớ VN quá, nhớ những lần về chung với bà xã, sau cùng cho bà về trước, 2 tuần sau tôi mới lết thân tàn ma dại về đến nhà, thì ra có 2 cái bao đựng rác để sẳn trước cửa nhà, bả cẫn thận biên tên họ của tôi bên ngoài, kẻo bọn da đỏ chôm mất. Tôi hoàn hồn quỳ gối xuống xin tội, và hưá sẽ không dám đi trước về sau nữa…..=)
Trên tàu toàn người già, ít thấy bọn trai trẻ. Bản tôi cũng có đến 6 bó cùng thằng con trai tuổi teen, thế mà mái tóc điểm sương của mình nổi bật trong nhóm già nua đó. Ai ăn mình cũng ăn, ai nhảy mình cũng nhảy, đại khái sau hai ngày lên đênh trên biển rộng đến bờ Skagway, thành phố cạnh bờ biển cách Vancouver về hướng bắc đến hơn 1 nghìn cây số, thì tàu cặp bến.



Cảng Skagway
Thành phố nầy chỉ có 6 trăm dân, ấy thế mà mùa đông chỉ còn lại 4 trăm mạng, họ di tản nơi xứ khác kiếm cơm, ở đây lạnh lắm. Cách nay hàng thế kỹ, thiên hạ sống nghề đãi vàng, bao nhiêu tiệm vàng bán đủ loại nữ trang, đá quý. Bà xã đòi mua vài món kỷ niệm, tôi bảo đừng, vì họ khứa cổ tới xương, để dịp khác, chỗ nào đông dân hơn, may ra giá rẻ. Bả càm ràm “muốn thì mua, chớ còn chờ gì nữa, bộ ông định đi du lịch mổi tháng hay sao??”.
Tôi bảo : “Bà xem tôi với bà chờ đến gần đất xa trời mới làm chuyến vượt biên lên Bắc Cực, mà còn chờ được thì cứ chờ”.
Chúng tôi đến tiệm ăn mấy cây cà lem (vì chỗ nầy có wifi free, nên thằng con trai rất thích, không phải vì ăn cà lem, mà vì wifi). Mua bịch bắp rang và cây cà lem nhỏ xíu vậy mà đến 14 đồng US. Lạnh quá không ăn được cà lem, bịch bắp rang cứng như sỏi, đành phải mang ra cho chim hải âu bay cạnh theo boong tàu. Chỗ nầy nếu đi lên nữa sẽ đến biên giới của Canada nằm sát biên giới Alaska, ấy vậy mà xe lửa đến 135 đồng US cộng thêm thuế. Tôi bảo bả đừng thèm đi, để đến thành phố lớn cạnh Glacier Bay rồi mình đi trực thăng sẽ oai hơn.
Trùi ui! Đi trực thăng trên mấy tảng băng nghìn năm thì còn gì oai cho bằng, thua cọp chứ thua ai, nghìn năm một thuở. Lui cui ở Skagway đến 10 tiếng đồng hồ lãng xẹt, sau cùng lên tàu tiếp tục cuộc vượt biên.
Tối nay bọn nầy phải xuống lầu 5 ăn tối, nhưng phải mặc formal, chứ không được mặc tà lỏn vận xà rong như mấy ngày trước, ăn buffet tha hồ nhả đạn, ăn sao cho đáng đồng tiền, mặc dù chậm rãi, nhưng ăn để trả thù, vì vé chuyến hải hành 7 ngày đến gần 2 nghìn lận, vì chúng tôi mua vé cabin nên bị khứa cổ chảy máu cả lu, ngặc trời lạnh nên cái cabin ngổ ngháo kia chẳng nên tích sự gì cả. Lạnh như cắt giữa trời tháng 7, hai cái ghế bố dài, nằm hiu quạnh suốt 7 ngày, có lúc bà xã xúi tôi ra ngồi một chút cho đả đư đư. Con khỉ khô họ, đả đâu không thấy mà tôi suyết bị trúng gió, vì quá lạnh. Nghe đâu nếu mua vé hạng Suite thì đến 16 nghìn. Chèn ui! bộ muốn giết người cướp của sao mà đến chừng ấy tiền.
Nghe chừng 2 trăm bạc US là có thể mỡ xe nước miá hoặc cơm tấm ở lộ 20 Cần Thơ rồi. Ai mà dư tiền hoang phí đến mức độ đó. 16 nghìn US dư sức cưới vợ vừa ý, mua nhà ở VN là chắc.
Chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, sau khi đã ngắm nghiá trước sau, tôi bước ra khỏi phòng, xuống tần 5 ăn tối. Thì ra quang cảnh ở đây rất là lịch sự, họ dọn cho chúng tôi 5 người ngồi chung bàn, cạnh cửa sổ, trên bàn ăn có dựng một “lá cờ”, làm tôi nghẹt thở. Tôi đề nghị dẹp lá cờ ngay lập tức thì tôi mới nuốt trôi cơm. Họ ngạc nhiên hỏi tại sao?? Tôi nói chuyện riêng tôi rất dài, nếu có thời giờ thì phải mất gần 40 năm để kể chuyện. Có ai muốn tôi kể chuyện đời của tôi không. Họ nó năm nay họ cũng ngoài 60, vậy có sống đến câu chuyện chầm dứt đâu mà kể. “Tôi tha cho họ ra về mà không kể tiếp chuyện đơì của mình”.
Ồ thì ra, họ bảo mình mặc đồ sang trọng để bước vào nơi ăn tối để làm cho nhà hàng của họ tăng thêm giá trị, chứ không phải cho mình. Tôi bèn tháo cà vạt ra, ăn cho thoải mái. Ban nhạc ở đâu ì xèo, bà xã bảo : “Hay là ông lên làm một bản cho tụi nó biết tay”. Tôi la làng : “Trùi ui! giờ nầy mà tôi lên sân khấu, chắc thiên hạ bị mắc nghẹn vì nhạc sến của mình. Thôi bà hãy vì lòng từ bi, tha cho họ làm phước một phen”.



Hôm sau chúng tôi quyết định không xuống lầu 5 dùng cơm tối nữa. Mà chỉ mặc tà lỏn lên lầu 8 đánh võ tự do, khi no bụng rồi thì hỉ hạ đi bộ vòng tầng 3 tập thể dục kể chuyện đời xưa. Bà xã trách tôi sao bảo thủ quá, kể toàn chuyện xa xưa quê nghèo, suốt hơn 35 năm xứ người, chẳng có gì để nói với nhau sao, mà kể chuyện thời còn học NLS Cần Thơ, uống chịu nước trà đá chanh đường quán bà Tư bên kia đường. Chuyện mấy cô “thôn nữ áo nâu”. Tôi thưa rằng : Bà ơi! cuộc đời tôi gắng liền với quá khứ, cái nghèo nàn xưa kia làm tôi trưởng thành trong khó khăn, vất vả với vật chất. Ấy thế mà cho đến hôm nay, đố ai dám đụng tới cái nghèo của tôi, nó đẹp và bảnh làm sao ấy, tôi cứ mơ về xa xưa. Ðáng lẽ thiên hạ giấu gần chết chuyện nghèo túng của mình.
Thiên hạ mơ ước chuyện mai sau, còn tôi, quá khứ nuôi tôi khôn lớn, tương lai như bức tranh chưa vẻ, bà có thấy gì đâu??? Còn hiện tại thì tôi và bà đang song bước trên con đường mà chính mình không bận tâm mổi lúc thắng hay thua. Cớ gì phải nói đến khi mình vẫn còn đang thở và bước những bước thật đều. Bà thấy không? cuộc đời nầy khá lẩm cẩm như cái vòng quanh của chiếc du thuyền nầy. Vẫn đi về chỗ bắt đầu sau mổi 8 phút.
Ăn rồi ngủ, đi bộ, nhảy đầm, ciné, tiếc rằng tôi quên mang theo cây guitar để giải buồn. Vì trên chiếc du thuyền nầy là thế giới xa lạ, không phải của tôi. Thôi, phải đành ngủ thêm 2 hôm nữa sẽ đến bến Glacier Bay
 

 
 
Nơi đây là một cái xẻo nhỏ, khoản 5 cây số chiều ngang. Ðây là những tảng băng có tự bao giờ. Bi giờ phải ra boong tàu để tận mắt. Cảnh vật như ngưng động, những núi băng bị ngụi dần nứt nẽ, vang những tiếng kêu rất thanh, vang dội giữa 2 vách băng núi. Cũng may, chưa có tảng nào rơi rụng thình lình cả. Sau gần nữa ngày tàu chạy thật chậm để du khách chụp hình thưởng ngoạn. Ðến tận cùng cái xẻo, tàu quay đầu trở ra, để chúng tôi xem cả hai bên xẻo nhỏ, không có một bóng người, ngoài những con hải âu ngơ ngác trên không gian lạnh lẽo.
Viết tới đây lại nhớ chuyện hồi xưa, tôi bảo với bà xã :
Ðời mình có ít nhất 2 lần vượt biên. Lần thứ nhất ra đi mang theo định mệnh đời người, lần nầy ra đi tay không, vì có người dọn cơm, có chỗ xem phim, nghe nhạc, nhảy đầm. Ðã vậy thằng con trai lười không chịu đi ăn sáng, phải nhờ người mang đến tận phòng cho hắn. Có điểm đi, điểm đến, có thời khoá biểu không sai một phút. Ghé các nơi shopping, danh lam thắng cảnh.
Có chuyên gia kỷ thuật đề phòng tai nạn, có cả cái nhà thương nhỏ tầng dưới, bác sĩ trực 24/24. Một cũng yes sir hai cũng yes sir, ông bà ngủ đêm qua có khoẻ không?, xin mời dùng điểm tâm!!…
Bà ơi! cuộc đời sao như trò hề, lúc trọng lúc khinh, lúc muốn được uống nưóc lã cũng không có, lúc thiên hạ mời rượu, dâng đến hai tay. Tôi không mong những thứ nầy, rườm rà quá. Tôi chỉ mong sống bình thảng đến ngày cuối một cách trọn vẹn. Có nghĩa là chết mà không bị đói khát ngày nào, sống giản dị, đi xuồng con trong mương nhỏ, uống nước dừa, không cần champaign, không cần rượu nho đắc tiền. Lau miệng bằng vạc áo cũng xong, không cần đến khăn bàn trắng xếp hình tròn kiểu cọ trên bàn dinner tối. Uống rượu khai vị, ăn xà lách, dùng món ăn chánh, uống rượu để tiêu hoá, ăn tráng miệng, dùng cà phê rồi mới xong cơm tối…Trùi ui! Sao mà lôi thôi quá.
Cách đây vài mươi năm, tôi với bà rời quê lúc tôi 27 bà 24 tuổi. Hai vợ chồng mình thật ra là đi “kiếm sống”, vì kiếm ăn ở quê mình khó khăn. Sau cùng thời thế đẩy đưa, nay tôi ông già trên sáu mươi, đầu bạc trắng, muốn tìm đến thiên đường hạ giới, còn đi đâu nữa. Ðừng quên rằng có những nguời mình, chỉ cần một phần nhỏ số tiền mình du ngoạn, họ sẽ làm lại cuộc đời, nuôi cả mấy miệng ăn.
Ngày cuối, chúng tôi ghé bến Ketchikan, thành phố nầy dập dìu du khách. Nơi đây có trực thăng đưa du khách đi viếng nhiều cảnh tuyệt vời cận miền Bắc. Hỏi ra trực thăng chặt đẹp mổi người 245 đồng US, chưa cộng thuế. Cộng thêm thuế, nếu 5 người phóng lên trực thăng, sau 2 giờ du hí thì mất đến gần 2 nghìn US. Ông bạn triệu phú của tôi, phùng mang trợn dọc, đi cho bằng được chuyến trực thăng nầy. Nếu không khi thì phí cả đời, vì mang xác đến tận bắc cực mà không leo lên trực thăng là một điều vô cùng “sĩ nhục”. Thôi đi ông bạn giàu có ơi, thôi để mình tôi chịu cái nhục nầy cho, hai người và vợ con tôi đi thử đi, tôi ở lại chờ. Sau 2 tiếng ông không mất thêm gần 3 trăm bạc vì tôi!!! Ông bạn nhà giàu mắng tôi một trận nên thân: “Trùi ui! tiền của tôi mà anh cũng hà tiện nữa sao?”
Tôi bảo: “Có gì đâu, anh đi xong kể lại tôi nghe cũng mát thôi!!! Ðở phải tốn 3 trăm US.”
Chuyến trực thăng không thể cất cánh được vì bị tôi từ chối, thế thì người bực tức nhất là thằng con trai cưng của tôi.
Tôi có bảo hắn rằng: “Ba của mầy giàu hơn ba của tao, nhưng ba của mầy không chịu chơi bằng mầy đâu, khi nào làm ra tiền, nếu ba mầy chưa chết, mầy nhớ rũ ổng đi chơi trực thăng một chuyến để rửa hận cho mầy”
Hắn nói “Con không hiểu gì hết”.
Sau cùng leo lên tàu ngủ 2 đêm, tàu ghé bến Vancouver. Khi tàu đi ngang qua cầu Lion Vancouver, tôi vẫn còn ngủ. Bà xã réo: “Trùi ui! tới nhà rồi mà vẫn còn say ngủ, lẹ lên về nhà”
Tôi vẫn còn mơ màn chuyến vượt biên năm xưa tại Gành Hào, Bạc Liêu, ngày 2 tháng 5, 1978. Lần đó tôi ghé đảo Palau Tenga, Mã Lai bằng ghe bầu. Mới đây mà đã 35 năm tôi vượt biên lần thứ hai. Lần nầy đi bằng du thuyền, vượt biên đến Alaska, Hoa Kỳ bằng Passport Canada.

Nguyễn Hoàng Tân
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640126 visitors (2133713 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free