4/9/2014
Chuyện phiếm:
Tích cực phát huy! (ảnh minh họa)
Tinh thần ăn nhậu của một quan huyện kỳ lạ
Chủ tịch huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ra công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại huyện làm cho dân nhớ truyện ngắn "Tinh thần thể thao" của cụ Nguyễn Công Hoan, và dưới đây là... "hàng nhái":
Có lính lệ mang trát quan về làng:
Quan Tri huyện huyện Kỳ Nhông
Sức hương lý làng Vũ Đại tuân cử:
Nhằm nêu cao tinh thần người Việt nhậu đồ Việt. Hiện nay trên địa bàn huyện nhà có một số loại bia của nhà máy bia Sờ Gờ rất ngon, mọi nhẽ.
Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết để tích cực uống bia huyện nhà làm được. Trong các cuộc hội thảo hội nghị tiếp khách theo quy định thì phải ưu tiên sử dụng bia Sờ Gờ. Chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, quán nhậu trên địa bàn huyện chỉ được phép dùng bia Sờ Gờ...
Tuy là việc ăn nhậu nhưng các thầy không được coi thường.
Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc
Ký tên:
Lại Lên Đô
*
* *
Anh Mịch nhăn nhó, nói:
- Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, con đi làm thuê cho nhà ông Nghị ngày được 2 hào, lấy đâu ra tiền mà uống bia Sờ Gờ. Xin ông cho con được uống rượu đế như mọi khi.
Ông Lý cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to bằng ngón chân cái lên giời, dậm dọa:
- Kệ mày, theo lệnh quan, tao cứ phải theo dõi cụ tỉ chuyện ăn nhậu của mày.
- Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy, ông mà bắt con uống bia Sờ Gờ thì ông Nghị ghét con, cả nhà con khổ.
- Thì mày mua biếu ông ý vài thùng.
- Biếu vài thùng thì gia đình con chết đói mất.
- Chết đói hay chết no tao đây không cần biết, nhưng quan đã cho ý kiến chỉ đạo, tao cứ phép tao làm.
- Thế anh Chí Phèo làng mình có phải chuyển sang uống bia Sờ Gờ không ạ? Cỡ như con và anh Chí mà chuyển sang uống bia thì tiền đâu cho lại. Mong ông thương chừng nào con nhờ chừng đó.
- Tao thương chúng mày thì ai thương tao?
*
* *
Bác Phó gái đặt cành cau lên bàn, vừa nói vừa cười rất vô duyên:
- Thì lòng thành, ông Lý cứ nhận đi cho cháu. Cháu nó buôn bán, nếu cứ bán mỗi loại bia Sờ Gờ thì bất tiện quá. Đôi khi khách không thích bia Sờ Gờ, họ cứ đòi bia Hà Nội, hay bia Ken, mình không đáp ứng thì mất khách. Ông cứ làm ngơ cho cháu là được.
- Thế ngộ quan biết, có chết tôi không?
- Quan trên nếu có đến kiểm tra, thấy nhà cháu bày biện toàn bia Sờ Gờ là xong. Với lại nhà cháu cũng phải quà cáp chứ có tiếp suông đâu mà ông sợ.
- Ồ, việc quan không phải như chuyện đàn bà của các chị.
- Ông Lý cứ đùa. Trong huyện, trong phủ mình có hàng tá mặt hàng khác sao các quan không nhắc? Có lẽ nào quan trên lại đi quảng cáo không công cho mỗi bia Sờ Gờ, phải không ông Lý?
- Ừ. Nhưng mà tôi nhận lễ của bà mà tôi lo lắm. Việc quan nào phải việc ăn nhậu rồi xong.
- Thì cũng như việc ông làm phúc ấy mà lỵ
Ông Lý nhăn mặt, nhặt 3 hào, bỏ túi:
- Làm việc cứ phải gặp những người như mẹ con bà thì tôi chết mất. Nhưng bà nhớ nhắc con bà, mặt tiền quán là phải trưng toàn bia Sờ Gờ thôi đấy, còn bia khác thì giấu bên trong, không các quan đi qua nhìn thấy là chết cả tôi với bà đấy.
*
* *
Ngày 29 nhà ông Lý có đám giỗ, khách khứa tấp nập. Ông Lý xuống nhà dưới kiểm mấy thùng bia khách vừa mang đến, rồi quát tháo om sòm:
- Tại sao lại toàn bia Sờ Gờ thế này? Những năm trước chúng nó mang đến toàn rượu Tây và bia Heniken cơ mà?
Gia nhân vòng tay thưa:
- Bẩm ông, quan tri huyện đã có trát yêu cầu mọi người chỉ được uống bia Sờ Gờ, ông quên rồi sao?
Ông Lý nghiến răng nói:
- Chúng nó ngu như lợn. Trát quan chỉ quy định dùng bia Sờ Gờ trong các cuộc hội nghị tiếp khách và trong các quán nhậu thôi, chứ có áp dụng trong đám giỗ đâu? Cũng có khi chúng cố tình không hiểu để hòng cắt giảm chi phí đây mà. Được, đứa nào không biết điều bỏ phong bì cho dày lên để bù vào thì biết tay ông.
HienMQ
Cánh thợ xây sợ ai?
Để xây dựng và hoàn thành một công trình xây dựng cơ bản thường có các bên tham gia: chủ đầu tư, thầu xây dựng, cai, thợ xây dựng…
Chủ đầu tư là người (hoặc tổ chức) sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình. Thầu xây dựng là một cá nhân hay tập thể đứng ra ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư xây dựng công trình để nhận thầu một loại công việc hoặc toàn bộ công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình. Cai xây dựng thường nhận lại một phần công việc của nhà thầu để làm hoặc thuê người khác làm (có lẽ vì thế mới xuất hiện từ “cai đầu dài”). Còn thợ xây dựng hay công nhân xây dựng là những người trực tiếp thi công xây dựng công trình với rất nhiều công việc khác nhau.
Chuyện kể rằng, có lần một chủ đầu tư xây dựng một công trình lớn có mời một số nhà thầu xây dựng đến họp để chuẩn bị đấu thầu. Trong lúc cao hứng, chủ đầu tư hỏi các nhà thầu:
- Các ông có sợ tôi không?
Các nhà thầu trả lời:
- Còn hơn cả sợ! Mười người thầu thì sợ chủ đầu tư cả… một chục! Dự án lớn như thế chỉ sợ mình không được tham gia.
Nhà thầu về lại hỏi các cai xây dựng:
- Các ông có sợ tôi không?
Các cai xây dựng nói:
- Quá sợ! Mười thằng cai chúng tôi thì sợ thầu cả mười! Không có thầu thì chúng tôi nhận việc ở đâu?
Cai xây dựng lại về hỏi anh em thợ:
- Các cậu có sợ tớ không?
Cánh thợ xây trả lời:
- Chúng tôi chẳng sợ ai hết! Làm cai có khó gì đâu. Buổi sáng nhận việc từ thầu, rồi phân bổ việc cho anh em. Dân cốp pha thì dựng cột, ráp đà, đổ bê tông; thợ hồ thì trộn vữa…Xong việc, cai chắp tay sau đít đi chơi. Anh nào lơ mơ thì mắng mỏ, bức tường nào xây lượn như con rắn thì chỉnh đốn. Vậy thôi. Nhưng chúng tôi không sợ cai! Nếu phải thì làm, còn nếu không chúng tôi… bay đi công trình khác! Thử hỏi công trình nào mà không cần thợ?...
Đặng Việt Thủ
(VTN. St) nguồn 24h.com.vn