.
  An ninh lương thực
 
29/5/2014

 


(Doanh nghiệp) - "Chúng tôi đang nỗ lực đưa các thanh niên quay trở lại cánh đồng. Con của những người nông dân không mong trở thành nông dân nữa".

Đối với một khu vực chịu tác động nặng nề của biến đối khí hậu và thảm họa thiên nhiên, nơi mà một nửa dân số phải phụ thuộc vào nông nghiệp để sinh nhai như khu vực Đông Nam Á thì rõ ràng việc xây dựng một mô hình nông nghiệp bền vững là một trong những điều quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong khu vực.

“Có hơn 300 triệu hộ nông dân nhỏ ở Châu Á và họ rất dễ bị tổn thương. Mô hình nông nghiệp bền vững là cách duy nhất để phát triển”, Franky Oesman Widiaja, chủ tịch công ty nông nghiệp Singar Mas (Indonesia) nói.

Theo Estrella Penuia, Tổng thư ký của Hiệp hội nông dân Châu Á cho Sự phát triển nông thôn bền vững (Philippines) nói: “Thách thức cho các nông dân nhỏ lẻ là làm cách nào để liên kết với các dịch vụ, làm cách nào để tổ chức họ trở thành một nhóm để có thể tiếp cận các dịch vụ và đàm phán tốt hơn với các công ty tư nhân”.

Là người nắm rõ sự khó khăn của mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai, Ho Hsing Chan – giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của công ty Dupont chỉ ra rằng hiện có xu hướng ngày càng nhiều người làm việc trong thành phố và dường như giới trẻ đang miễn cưỡng tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp: “Chúng tôi đang nỗ lực đưa các thanh niên quay trở lại cánh đồng. Con của những người nông dân không mong trở thành nông dân nữa”, Hsing Chan nói.

Thông qua đề xuất và phát động của WEF, chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp, cùng với nông dân và các nhà khoa học đã kêu gọi sự hợp tác, liên kết và chuyển giao kĩ thuật cho toàn bộ khu vực thông qua chương trình có tên gọi Grow Asia (tạm dịch: tăng trưởng Châu Á).


Đông Nam Á cần hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực

Grow Asia được thiết kế nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cũng như xây dựng sự tăng trưởng nông nghiệp toàn diện, tăng cường các mối liên kết thông qua toàn bộ chuỗi giá trị.

Với Việt Nam, quốc gia được dự báo sẽ nằm trong số các quốc gia dễ chịu tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong mấy năm nay đã hợp tác với WEF để triển khai chương trình thử nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả của ngành nông nghiệp với một số thành công nhất định.

Và điều này đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát chia sẻ với các đại biểu tham gia hội nghị Đông Á 2014 lần này.

Theo ông Phát, một sáng kiến theo nguyên tắc thị trường, với sự tham gia của nhiều bên có liên quan đã giúp cho nông dân Việt Nam cải hiện năng suất và thu nhập, trong khi còn giúp giảm được khí thải vào môi trường.

Để thực hiện được điều này, theo ông Phát, đầu tiên Chính phủ phải có những cam kết mạnh mẽ, hai là phải tạo ra những chính sách và môi trường khuyến khích nông dân, doanh nghiệp và tất cả các đối tác tham gia có hiệu quả.

Và ba là chính phủ phải đầu tư vào cơ sở hậ tầng nông nghiệp. Và với thế giới, Việt Nam tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ đầu ra cho nông dân.

Tuy vậy những thách thức cho ngành nông nghiệp trong khu vực vẫn còn rất lớn. Đối với Việt Nam, việc tạo mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ khó khăn.

Chính phủ đã cố gắng hỗ trợ tín dụng cho nông dân cũng như thúc đẩy các ngân hàng tài trợ vốn, nhưng bởi ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn được xem là chứa đựng nhiều rủi ro, hộ kinh doanh có quy mô nhỏ khiến hệ thống ngân hàng vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư vào khu vực này.

Để cải thiện phần nào thực trạng, ông Phát nói rằng chính phủ Việt Nam đang hỗ trợ người nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn, giúp họ quản lý dòng tiền tốt hơn để có cơ hội nhận được hỗ trợ tín dụng từ phía ngân hàng.

Nhìn chung, các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực cùng nhau liên kết để tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững cho khu vực trong tương lai dù gặp khá nhiều khó khăn.

Nhưng niềm lạc quan vẫn được thể hiện. Ví dụ theo ông Robert S. Ziegler, Tổng giám đốc của viện nghiên cứu gạo quốc tế (Philippines), tương lai sắp tới chứa đựng một lượng lớn các thách thức cũng như cơ hội.

“Chúng ta biết biến đổi khí hậu khiến chúng ta đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng chúng ta có một loạt các công cụ mới. Hiểu biết của con người về sinh học, di truyền tế bào và một cuộc cách mạng sinh học tổng thể sẽ cho phép chúng ta tạo nên các vụ mùa có khả năng chống chịu lại biến đổi khí hậu.”, ông Robert nói.

(Theo Báo Đất Việt)

 


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 633237 visitors (2120798 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free