24/4/2014
Mục Điểm Báo
Nguồn gốc tài liệu: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/climate-change-boosts-risk-floods-hunger-gm-04192014204719.html
Biến đổi khí hậu và những tác động bất lợi cho Trái Đất
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014-04-20
Bản đồ các khu vực trên thế giới bị tác động bất lợi vì biến đổi khí hậu. AFP/IPCC
Giới khoa học nghiên cứu tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới lại vừa nhấn mạnh thêm cảnh báo về những tác động bất lợi cho Trái Đất và có kêu gọi hành động thực tế nhằm có thể chặn đứng tình hình đáng ngại ấy.
Có gì đáng chú ý trong những cảnh báo mới được nêu ra và những hành động cụ thể nào được nói đến?
Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
Cảnh báo mới
“Xin phép cho tôi được nhắc lại điều mà tôi đã nêu ra tại Yokohama là tác động của tình trạng biến đổi khí hậu sẽ không từ nơi nào, vùng nào trên Trái Đất hết!”
Đó là phát biểu của tiến sĩ Rajendra Pachauri, chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu - IPCC tại phiên khai mạc kỳ họp Nhóm làm việc thứ ba thuộc phúc trình đánh giá thứ năm về vấn đề biến đổi khí hậu hồi ngày 7 tháng tư vừa qua ở Berlin.
Khẳng định của các nhà nghiên cứu môi trường sau khi dựa trên những dữ liệu lịch sử chứ không chỉ dựa vào mô hình máy tính nêu rõ rằng chín mươi chín phần trăm tình trạng biến đổi khí hậu không phải do tự nhiên mà là bởi các hoạt động con người gây nên.
Qua những khảo sát thu thập được, các nhà khoa học học nói rõ lượng khí thải carbon tăng lên sẽ gây thêm nguy cơ xung đột, đói kém, lụt lội và làn sóng di cư đông đảo trong thế kỷ 21 này. Mức độ ấm nóng gia tăng sẽ khiến cho những tác động bất lợi trở nên thêm phần dữ dội, rộng khắp và không thể nào thay đổi được.
Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nếu như không được kiểm soát dẫn đến tổn hại cho tài sản con người cũng như hệ sinh thái mà thiệt hại ước tính có thể lên đến hằng ngàn tỷ đồng. Song song đó là chi phí phải bỏ ra để tăng cường các biện pháp phòng chống biến đổi khí hậu.
Cơ sở của những cảnh báo mới được cho biết còn dựa trên các dự báo đã được đưa ra trước đây của IPCC khi cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm từ 0,3 đến 4,8 độ C trong thế kỷ này trên mức tăng 0,7 độ C kể từ thời Cách mạng Công nghiệp. Mực nước biển cũng được dự báo tăng khoảng 26 đến 82 centimet vào năm 2100.
Cảnh báo tính toán là nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp thì mức thu nhập thường niên toàn cầu phải chịu thiệt từ 0,2 đến 2%. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng vượt 4 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp thì đó sẽ là một thảm họa.
Các dạng thức mưa bị thay đổi dẫn đến nguy cơ lũ lụt cao hơn đáng kể, đặc biệt đối với hai châu lục Á và Âu. Nguy cơ hạn hán gia tăng tại những khu vực khô hạn và đông dân cư sẽ khiến cho áp lực về nguồn nước tăng thêm. Sản lượng của những loại lương thực chính ở các vùng như lúa mì, gạo, bắp bị giảm sút; trong khi đó nhu cầu vẫn tăng lên với số dân ngày càng đông.
Cảnh báo nêu rõ giá cả lương thực thế giới sẽ tăng từ 3 đến 84% vào năm 2050. Những điểm nóng đói khát sẽ xuất hiện ngay tại các thành phố.
Chừng một phần ba dân số thế giới sẽ phải chứng kiến nguồn cung cấp nước ngầm giảm hơn 10% vào năm 2080 so với mức hồi năm 1980.
Nhiều loài động và thực vật tại bị thương tổn do tình trạng biến đổi khí hậu hiện đang sinh trưởng ở các khu vực như những rạn san hô và Bắc Cực sẽ bị tiệt chủng.
Từ trái sang: Ông Youba Sakona, Điều phối viên Trung tâm Chính sách Khí hậu châu Phi (ACPC), Ông Ramon Pichs Madruga chuyên gia khí hậu Cuba, Ông Ottmar Edenhofer đồng Chủ tịch IPCC Nhóm công tác III và Ông Rajendra Pachauri Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu - IPCC tại phiên khai mạc kỳ họp Nhóm công tác III thuộc phúc trình đánh giá thứ năm về vấn đề biến đổi khí hậu ngày 13 tháng 4 năm 2014. AFP PHOTO / JOHN MacDougall.
Biến đổi khí hậu đưa đến những tác động bất lợi cho sức khỏe con người với những chứng bệnh do muỗi truyền hay các loại bệnh tật từ nguồn nước dơ bẩn và thời tiết nóng bức gây nên…
Vị đồng chủ tọa hội nghị diễn ra hồi cuối tháng ba vừa qua ở Yokohama, ông Chris Field, lên tiếng cho rằng có nhiều tác động mà con người phải gánh chịu và khi kết hợp những tác động đó với một cú sốc về khí hậu thì hệ lụy là rất xấu.
Theo ông Chris Field thì với những mức ấm nóng cao xuất phát từ tình trạng gia tăng tiếp tục của khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì việc quản trị các nguy cơ là một thách thức cho con người. Ngay cả những khoản đầu tư nghiêm túc và duy trì bền vững cho công tác thích ứng cũng sẽ gặp phải những giới hạn.
Nhà tư vấn cấp cao cho Tổ chức Hòa Bình Xanh Quốc tế, cô Kaisia Kosonen, cho rằng không chỉ những chú gấu Bắc Cực, những rạn san hô hay những khu rừng nhiệt đới đang hứng chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do Trái Đất nóng lên mà chính tất cả chúng ta đang phải gánh chịu. Tình trạng đó đang gây hại và mức độ đến đâu tùy thuộc vào chọn lựa của chúng ta.
Bằng chứng cụ thể
Có thể nói nhiều cảnh báo được đưa ra trong những phúc trình trước đây bị bỏ qua với lối nghĩ chủ quan cho rằng rằng tác động của tình trạng ấm nóng toàn cầu còn lâu mới đến.
Lần này, các nhà khoa học nói rõ họ quan sát thấy nhiều thay đổi do tình trạng ấm nóng gây nên. Đơn cử như những đợt nóng gia tăng tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và Châu Á.
Tình trạng lụt lội dữ dội như tại Mozambique hồi năm 2008 khiến cho 90 ngàn người phải chịu tác động, nay trở nên thường hơn ở Châu Phi, và Châu Úc. Những trận mưa lớn ở Châu Âu và Bắc Mỹ trở nên dữ dội hơn và gây nên thiệt hại. Cuộc sống và văn hóa của người dân bản địa tại bắc Canada bị đảo lộn do băng tan ở Bắc Cực.
Những thảm họa thiên nhiên như hạn hán tại nam Mexico và trung nam Mỹ, hay các trận bão như bão Sandy hồi năm 2012 ở đông bắc Mỹ cho thấy những hiện tượng cực đoan thời tiết tác động đến con người như thế nào. Đợt nóng ở Châu Âu hồi năm 2003 cũng được đánh giá là hệ quả của tình trạng ấm nóng toàn cầu.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, ông Michel Jarraud, hồi ngày 24 tháng 3 năm nay cũng lên tiếng nhận định rằng những hiện tượng cực đoan trong năm 2013 tương thích với những điều mà chúng ta từng dự báo xảy ra bởi biến đổi khí hậu xuất phát từ hoạt động của con người.
Theo ông này nước biển dâng dẫn đến thiệt hại lớn hơn do bão tố hay lũ lụt tại khu vực ven biển như trận siêu bão Hải Yến gây nên cho khu vực trung Philippines.
Hồi đầu tháng ba vừa qua, Hiệp hội Phát triển Khoa học ở Hoa Kỳ đưa ra một phúc trình nói rõ biến đổi khí hậu đã diễn ra. Nhiều đợt nóng hơn, mực nước biển dâng lên cao hơn và những đổi thay khác mang lại hệ quả cho sức khỏe con người, hệ sinh thái và ngành nông nghiệp đã xảy ra ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Hiệp hội này còn cảnh báo những tác động bất lợi như thế sẽ trầm trọng hơn trong vòng 10, 20 và xa hơn nữa.
Một chuyên gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam, người từng có đóng góp trong báo cáo thứ tư của IPCC, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, khẳng định những tác động đã thấy của tình trạng biến đổi khí hậu gây nên cho Trái Đất.
Hành động
Kỳ họp Nhóm công tác III thuộc phúc trình đánh giá thứ năm về vấn đề biến đổi khí hậu do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu - IPCC tổ chức ở Berlin ngày 13 tháng 4 năm 2014. AFP/DPA/Joerg Carstensen.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry, lên tiếng cho rằng những cảnh báo mới nhất được đưa ra từ giới khoa học về biến đổi khí hậu là không thể bỏ qua được. Cả khí hậu Trái Đất và lối sống của con người chúng ta đang thực sự bị hủy hoại; theo ông này thì con người cần có những hành hành động tức thời.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhắc lại ý kiến nói rằng con người không có đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch hành động. Tuy nhiên, theo ông John Kerry thì sự chờ đợi mới thực sự là không thể nào có thể bù đắp được. Chi phí của sự bất động là thảm họa.
Giới khoa học không phải chỉ đưa ra những cảnh báo đáng ngại như vừa nêu, mà lại cho rằng có thể giảm đáng kể những mối nguy cho con người và hành tinh Trái Đất nếu như khí thải gây hiệu ứng nhà kính được cắt giảm một cách nhanh chóng. Song song đó, các quốc gia đều phải tăng cường các biện pháp phòng chống, xây dựng những công trình cung cấp nước, vùng bờ biển, nhà cửa và các hạ tầng giao thông mang tính thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những biện pháp có thể thực hiện cũng được nêu ra lại như giảm thiểu việc phí phạm nước sạch, trồng cây lập công viên trong các thành phố để giảm bớt hơi nóng tích tục, không để cho con người đến sinh sống tại những khu có nguy cơ bị tác động.
Ngoài ra phải thực hiện giải pháp thu giữ khí thải từ các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, chuyển sang sử dụng những loại nhiên liệu thấp carbon, ngưng phá rừng và phát triển các phương tiện giao thông ít khí thải…
Theo ông Tom Mitchell thuộc Viện Phát Triển Ngoại Quốc của Anh thì việc hạ bớt tham vọng kể từ khi Hội nghị về Biến đổi Khí hậu Copenhagen hồi năm 2009 thất bại có thể cho phép đạt được tiến triển trong kế hoạch toàn cầu hành động để giải quyết vấn đề hiện nay.
Để có thể đạt chỉ tiêu giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ này, lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2 phải giảm từ 40 đến 70% vào năm 2050.
Các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá phải giảm 30 tỷ đô la mỗi năm; trong khi đó các khoản đầu tư có năng lượng tái tạo phải tăng chừng 147 tỷ đô hằng năm.
Bất đồng
Trước hội nghị năm 2009, vào năm 2007, IPCC công bố báo cáo lần thứ tư cũng để kêu gọi các quốc gia phải có quyết tâm chính trị. Tuy nhiên giữa hai khối các nước phát triển và khối đang phát triển vẫn không thể đồng thuận được với nhau.
Trung Quốc, một trong những quốc gia mới trổi dậy và bị cho là thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển, vẫn khăng khăng yêu cầu các quốc gia công nghiệp phát triển, giàu có phải đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm cho Trái Đất ấm nóng lên. Bắc Kinh lập luận là không thể buộc những nước đang phát triển phải hy sinh tăng trưởng của họ.
Tại Hoa Kỳ, nước có lượng khí thải được cho cũng hàng đầu thế giới, một số dân biểu thuộc Đảng Cộng Hòa cố tình ngăn trở không để tổng thống Barack Obama thông qua dự luật về biến đổi khí hậu. Những vị dân biểu Cộng Hòa này vẫn chưa thuyết phục bởi các cảnh báo mà IPCC đưa ra. Họ cho rằng những nổ lực nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là không cần thiết vì ngăn trở tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tập đoàn xăng dầu Exxon Mobile của Hoa Kỳ cũng lên tiếng cho rằng chính sách về biến đổi khí hậu của thế giới không chắc có thể ngăn tập đoàn này bán các loại nhiên liệu hóa thạch trong thời gian tương lai tới.
Tin cho biết kỳ họp của nhóm làm việc thứ hai của IPCC kéo dài 5 ngày ở Yokohama, Nhật bản hồi cuối tháng 3 vừa qua, có đại diện của chừng 100 chính phủ trên khắp thế giới về tham dự. Những cảnh báo mới được gửi đến cho họ để khi về họ đưa vào chính sách quốc gia trong hoạt động giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Kỳ họp của nhóm làm việc thứ ba của IPCC được tiến hành tại Berlin sau đó từ ngày 7 tháng tư vừa qua.
Gia Minh