2/3/2014
Không phải ngẫu nhiên mà họ lại chú ý tới Việt Nam như vậy. Theo dự báo của Tập đoàn thực phẩm Mars Icoporated (Mỹ), năm 2013, toàn thế giới thiếu hụt khoảng 160.000 tấn ca cao. Con số này sẽ lên đến 1 triệu tấn vào năm 2020, nhu cầu ca cao sẽ bức thiết hơn do nhu cầu tăng cộng với sự sụt giảm về sản lượng của các nước có thế mạnh như Ghana và Bờ Biển Ngà. Thêm vào đó, các nước trồng ca cao ở châu Á, đặc biệt là Indonesia, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới cũng giảm sản lượng và chất lượng.
Theo ước tính của các chuyên gia, chỉ riêng Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đã chiếm 2,8 tỉ người và sức tiêu thụ sô cô la của riêng 3 nước này bình quân 0,06 kg/người/năm. Đó là chưa kể Nhật Bản, nước tiêu thụ sô cô la lớn nhất châu Á với mức 1,8 kg/người/năm. Châu Á sẽ dần trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ sô cô la trong tương lai. Các nhà kinh doanh thế giới nhìn ra vị thế đắc địa của VN, nơi cung cấp hạt ca cao mới đầy tiềm năng cho khu vực này.
|
Chất lượng cacao Việt được quốc tế đánh giá cao
|
Dù lượng xuất khẩu chỉ từ vài trăm tấn lên vài ngàn tấn nhưng chất lượng ca cao của Việt Nam không hề thua kém, sản phẩm ca cao có xuất xứ từ Việt Nam được các công ty thu mua đánh giá cao nhất châu Á do được lên men đúng quy trình, rất thích hợp để chế biến thành sôcôla nguyên chất.
Ca cao VN hiện có tới 95% là sản phẩm ca cao lên men, kích cỡ hạt đạt trung bình 80 - 100 hạt/lượng, được xếp vào loại ca cao có chất lượng cao nhất thế giới, vượt qua Indonesia, nước có sản lượng thứ 3 thế giới (chỉ bán hạt thô), được xếp vào nhóm nước có chất lượng sản phẩm cao như Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil. Mới đây, Puratos Grand-Palace VN nhận giải thưởng ca cao tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Paris (Pháp), nguyên liệu từ những hạt ca cao Bến Tre.
Nhiều công ty thu mua cacao như Cargill, Puratos Grand Place... đã đầu quân vào VN từ thời gian đầu trồng cacao và ngấm ngầm một cuộc cạnh trang chiếm lĩnh thị trường. Mars xây dựng Trung tâm Phát triển ca cao tại xã Cư Huê, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) để chuyển giao cây giống, tập huấn kỹ thuật cho người dân. Cargill có trạm thu mua và tư vấn kỹ thuật tại xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột. Tại tỉnh Bến Tre, Puratos Grand Place VN xây dựng nhà máy thu mua và sơ chế ca cao cùng với Cargill VN và các đối tác khác hỗ trợ, tư vấn quy trình chăm sóc cho bà con.
Gần đây, Chính phủ Hà Lan đã tham gia tài trợ cho Dự án Hợp tác công - tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN (PPP), ngoài ra còn có sự giúp sức nhiệt tình của một số tổ chức như Helvetas, Oxfam, JICA, AID...
Ông Gricha Safarian, Tổng giám đốc điều hành Puratos Grand - Place VN, đánh giá, thị trường ca cao của VN rất tiềm năng, đồng thời sẽ tạo cơ hội cho người nông dân trong nước mở rộng diện tích trồng cây ca cao trong tương lai.
Hiện, tổng lượng cacao khô mỗi năm khoảng 4.000 tấn. Trong khi để xây dựng một nhà máy chế biến ca cao, tối thiểu phải có sản lượng 10 nghìn tấn/năm. Theo thống kê, nhu cầu tiêu dùng sô cô la của Việt Nam đã vào khoảng 5.250 tấn/năm, và hầu hết đều nhập khẩu từ nước ngoài.
Chuẩn bị bước ra thế giới
Giá trị của ca cao VN được đánh giá cao như vậy nhưng để bước ra thị trường thế giới, đòi hỏi những người nông dân cần chăm sóc đúng kỹ thuật để có chất lượng tốt nhất. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk cho biết, vấn đề kiểm soát chất lượng ca cao đã được chú trọng ngay từ đầu, chứ không như cà phê “thả gà rồi mới làm chuồng”.
Tại các trung tâm thu mua đều có phòng cảm quan đánh giá chất lượng sản phẩm, mỗi lô hàng xuất khẩu đều được giám định cẩn thận. Theo đó, ca cao VN đã được ban hành tiêu chuẩn chất lượng từ rất sớm; hơn một nửa sản lượng đã đạt chứng nhận UTZ.
Ông Đinh Hải Lâm, GĐ phát triển cacao VN, cho biết: “Chúng tôi cần những hạt cacao thật sự chất lượng, được lên men, kích cỡ lớn và gần như 100% lượng cacao của VN đáp ứng được yêu cầu này. Cacao VN chỉ giao dịch trên sàn London với mức cộng thưởng do đạt chất lượng cao”.
|
Giá trị nông sản phụ thuộc nhiều vào chất lượng
|
Để có được những hạt ca cao nguyên liệu tốt nhất, các doanh nghiệp đều sẵn sang đứng ra hỗ trợ nông dân từ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến sơ chế hạt ca cao. Ông Nguyễn Bá Dũng, tư vấn kỹ thuật của dự án PPP cacao tại VN cho biết: “Ngay từ khâu chọn giống, chăm sóc cây và chế biến, người nông dân đã được mặc định là phải làm đúng quy trình như một thói quen. Chính vì thế chất lượng hạt cacao của VN được các công ty thu mua lớn trên thế giới đánh giá rất cao về chất lượng”.
Bộ NN-PTNT cũng đã có kế hoạch phát triển ca cao với mục tiêu đến năm 2015 trồng 33.500 ha ca cao, sản lượng hạt khô lên men 25.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 60 - 70 triệu USD/năm.
Theo Cục Trồng trọt, cây ca cao đang được đề nghị đưa vào đối tượng cây trồng ưu tiên trong đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt và sẽ được hưởng các chính sách như cà phê tái canh. Cụ thể là hỗ trợ giống trồng mới, tái canh; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xúc tiến thương mại; bảo quản và dự trữ; liên kết theo chuỗi giá trị; các chính sách về thuế…
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk nhận định: “Chỉ cần đầu tư kỹ thuật, thời gian chăm sóc, năng suất đạt bình quân 2kg hạt khô/cây thì bà con sẽ nắm phần thắng”.
Để cây ca cao phát huy được hết những thế mạnh, tiềm năng sẵn có và phát triển bền vững trong thời gian tới thì rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà vườn.
D.Anh
Nguồn vietnamnet.