.
  4 triệu nông dân..
 

13/3/2014

 
 
 
(VietQ.vn) - Ngay tại vựa lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, khoảng 4 triệu nông dân đang sống trong cảnh nghèo đói, thu nhập chưa đến 1 USD/ngày; 70% nông dân phải sống dưới mái nhà tạm bợ.
 
 Theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng, Trường Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT( Australia): Nông nghiệp Việt Nam trong bao năm qua đã không lấy thị trường để định hướng nên đã phát triển một cách không cân đối.
 
Bài học từ nông dân Australia
Australia có chính sách kinh tế thị trường hướng đến xuất khẩu. Tuy nông nghiệp chỉ chiếm 3% GDP và 4% lực lương lao động của cả nước, nhưng chính phủ Australia luôn có chủ trương giao việc cho nông dân, xem họ là thành phần chủ quản.
Vì nông dân là chủ thể của nông thôn nên thành phần này đã cố gắng xây dựng một nền nông nghiệp bền vững có lợi cho họ và toàn xã hội. Nông dân Australia được khuyến khích thành lập Hiệp hội để quản lý ngành nghề của mình. Vì Hiệp hội là của nông dân chứ không phải của quan chức về hưu nên đã thực sự giúp nông dân tổ chức tốt và quản lý hiệu quả dây chuyền sản xuất. Kiến thức rộng và kỹ năng cao của Hiệp hội đã hướng dẫn chính xác trong tính toán cung-cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Nông dân Australia do vậy không cần phải "chặt/trồng" để theo đuôi thị trường, cũng không cần phải tiếp cận với thương lái trong những thương vụ mang tầm vĩ mô như xuất khẩu, nhập khẩu vì đã có Hiệp hội lo. Rất ít khi xãy ra cảnh “được mùa mất giá” vì thị trường luôn định hướng trước khi sản xuất. Thu nhập cao là điểm then chốt giúp nông dân Australia bám trụ, xây dựng nông thôn mới để đưa nông nghiệp tiến lên.
 
Nhìn lại nông dân Việt Nam
Nông dân Việt Nam chưa được giao cho làm chủ thể của nông thôn. Là thành phần sản xuất nhưng có vẻ họ đang làm thuê trên mảnh đất của mình. Đất nông nghiệp được cho phép khai thác trong thời gian ngắn là một bước cản lớn cho không những nông dân mà còn cho doanh nghiệp nào muốn đầu tư khoa học và công nghệ cao cho nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.


 
Nông dân Việt đang phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng châu thổ lớn nhất Việt Nam với gần 4 triệu ha đất tự nhiên, 28.000 km sông rạch. Toàn vùng gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh, có dân số 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất nước với hơn 50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây,  60% lượng rau quả và 52% lượng thủy sản, đóng góp đến 90% số lượng gạo và 60% số lượng thủy sản xuất khẩu.
Tuy nhiên trong nhiều cái “nhất” đó cũng chính tại ĐBSCL này, vẫn còn có khoảng 4 triệu nông dân đang sống trong cảnh nghèo đói, thu nhập chưa đến 1 USD/ngày. Nông dân ta ở đây sống trong 3 triệu căn nhà, mà  đến 70% là nhà tạm bợ.
Mặc dù nông sản trong thời đại WTO là sự tổng hợp của một chuỗi giá trị với sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba khâu: kỹ thuật/công nghệ, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, và  thành phần sản xuất. Nhưng Việt Nam chỉ mới phát triển tốt cho một vài khâu và chưa tốt cho chuỗi ngành hàng.
Đây cũng là lý do vì sao khi sản lượng lúa gạo đạt đỉnh thì chúng ta gặp ngay khó khăn: thiếu kho tàng để tạm trữ lúa sau thu hoạch, thiếu cơ sở để chế biến, thiếu nhà mát để lưu kho, và quan trọng hơn hết là chúng ta thiếu thị trường để tiêu thụ một lượng hàng dồi dào.
Nông dân vào thời điểm thu hoạch cũng đã hết tiền nên phải bán tháo để lấy vốn cho kỳ tới. Và cũng vì chưa có một Hiệp hội thực sự cho và vì nông dân, nên những cơ sở cơ bản nói trên vẫn còn là bài toán khó, không biết bao giờ mới có lời giải.
Nông dân trồng lúa Việt Nam vẫn còn nghèo trên đồng lúa “vàng” của ĐBSCL. Đất có thể canh tác của Việt Nam đã khai thác gần hết. Tài nguyên cũng đã cạn kiệt. Thanh niên ở nông thôn đã bỏ lên thành phố khá nhiều. Năng suất trên một diện tích tuy có tăng nhưng sẽ không tăng vọt như mấy năm qua.
 
Làm gì để nông dân không bị “Được mùa mất giá”?
Nhờ tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO này, Việt Nam đã xuất khẩu được nhiều nông sản, chủ yếu là gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, và sắn. Tuy nhiên đây là những mặt hàng có thị trường nhập khẩu không lớn so với rau hoa quả – lớn gấp 7 lần so với thị trường gạo. Rất tiếc Rau hoa quả là những mặt hàng xuất khẩu yếu nhất của Việt Nam. Tuy nhiên dù có muốn xuất khẩu các mặt hàng này, Việt Nam khó đạt thành công vì phải đầu tư khoa học và công nghệ một cách có hệ thống chứ không thể chắp vá, và sản xuất kiểu “thô” như lúa gạo hay cà phê như hiện nay.
Cho đến năm 2011, Việt Nam đã sử dụng hơn 7.5 triệu ha (thực số 3.9 triệu ha) để trồng lúa, chiếm hơn 80% diện tích canh tác trong năm của cả nước. Như vậy về cơ cấu cây trồng, như bao đời lúa vẫn là cây nông nghiệp độc canh của Việt Nam, thu hút mức độ đầu tư rất cao về nhân sự, nghiên cứu, đất đai, cơ sở tổ chức, lao động và tài chính. Về mặt canh tác, yếu điểm của độc canh là dễ dàng phát sinh bệnh hại, dẫn đến việc phải phun xịt một lượng rất lớn thuốc BVTV, làm ô nhiễm không những cho nông sản mà còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của bản thân người nông dân sử dụng nó.


 
Chính sách chưa khuyến khích được cơ giới hóa nên nông dân vẫn nghèo đói
Việc đầu tư và phát triển không đồng bộ trong chuyển giao công nghệ, trong thành phần sản xuất và tổ chức quản lý. Đặc biệt, hạn kỳ sử dụng đất và thủ tục giấy tờ rườm rà, chậm chạp ở nông thôn đã và đang hạn chế sức bật của nông nghiệp Việt Nam, làm nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, chè… không ứng dụng được công nghệ cao nên chất lượng thấp, làm giá xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50-60% giá trung bình thế giới.
“Được mùa mất giá” do vậy là hệ lụy của bước phát triển không theo chuỗi ngành hàng và nền hành chính rườm rà. Đây là hệ lụy của tất cả ngành hàng nông sản Việt Nam nói chung, trong đó lúa gạo - vốn được xem là mặt hàng an ninh lương thực mang tính chiến lược quốc gia – là ngành bị ảnh hưởng xấu nhất.
Vậy để đột phá, nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất: nhanh chóng đưa chất xám vào nông thôn, xây dựng chuỗi ngành hàng, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và áp dụng chính sách nông nghiệp vì nông dân.
Một nền “nông nghiệp chất lượng cao” là con đường bền vững nhất để nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam đứng vững và tiến lên trong kỷ nguyên hội nhập.
Việt Nam đã rất thành công trong công nghệ cao về tạo giống và phương pháp canh tác: đã có nhiều giống lúa, ngô, cà phê... có năng suất cao, chống sâu bệnh tốt; đã có nhiều mô hình trồng rau dùng màn che, phủ luống, trồng cà phê áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc hệ thống tưới phun có hiệu quả; đã áp dụng chế phẩm EM đại trà nhiều nơi để thay thế thuốc BVTV và phân bón vô cơ. Nhờ những công nghệ mới này mà lúa gạo đã được trồng trên những cánh đồng lớn, cơ giới hóa, đưa sản lượng tăng cao đáng kể, từ 19 triệu tấn năm 1990 lên 32 triệu tấn năm 2000 và 42 triệu tấn năm 2011.
Nguyễn Quốc Vọng
(Trường Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT, Australia
Công ty cổ phần giống cây trồng miền nam, Hồ Chí Minh, Việt Nam)
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640862 visitors (2134753 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free