Nhiều nông dân ôm mộng làm giàu từ ương cá tra giống chỉ sau hơn một năm giờ trở thành “chúa chổm” (ảnh chụp xã Thạnh lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Những ngày này, xuôi theo các con đường đi xã Mỹ Thành Bắc và xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy có thể thấy nhiều vết tích còn lại của các cơ sở ươm cá tra giống một thời hoạt động nhộn nhịp nhưng giờ đây chỉ còn là những mái lều trống hoác, ao bỏ hoang nức nẻ đất, mặt nước đen ngòm.
Những tháng cuối năm 2011 đầu năm 2012, các xã thuần nông thuộc huyện Cai Lậy (Tiền Giang) như Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc xôn xao chuyện chuyển dịch từ cây lúa sang cá tra giống thu tiền tỷ bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chỉ khoảng một năm sau, cá tra giống bắt đầu rơi vào khủng hoảng, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất và khó tiêu thụ khiến nhiều nông dân ôm mộng làm giàu từ ương cá tra giống giờ trở thành “chúa chổm”.
Chúng tôi tìm gặp được ông Đoàn Văn Dễ, ấp 2, xã Mỹ Thành Bắc - một nông dân đang lao đao vì cá tra. Ông Dễ cho biết, lúc đầu cũng vì nghe thông tin ông Sáu Khởi bên xã Thạnh Lộc giàu lên nhanh chóng nhờ cá tra giống nên ông cùng với một số người bạn kéo nhau qua tham quan rồi về quyết định đào ao nuôi cá tra giống để làm giàu.
“Lứa cá tra giống đầu tiên thu hoạch, gia đình tôi cũng lời to vì giá bán cá tra giống thời điểm này tới 60 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó thì giá cá tuột dốc không phanh đến mức dưới giá thành sản xuất. Đó là chưa kể kỹ thuật nuôi cá giống không có, chủ yếu là truyền miệng từ những hộ nuôi trước, rồi nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan khiến cá chết trắng ao phải kéo bỏ coi như mất trắng. Giờ đây, vợ chồng tôi đang nghĩ đến chuyện lấp ao, bỏ nghề vì nếu tiếp tục đeo theo nghề này thì nợ nần ngày càng chồng chất ”, ông Dễ tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Việt, ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy cho biết, hiện nay ở hai xã Thạnh Lộc và Mỹ Thành Bắc hầu như những hộ ương cá tra giống đang ôm nợ vì thua lỗ trong thời gian dài. Năm ngoái, hơn 100 hecta đất vườn, ruộng ở hai xã này được người dân ồ ạt đào ao ươm cá tra giống nhưng đến nay rất nhiều người đã phá sản, số còn lại phải sống trong cảnh thấp thỏm vì nợ ngân hàng.
Theo lời ông Việt, năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, giá cá tra giống tăng mạnh có lúc lên 70-80 ngàn đồng/kg. Ở thời điểm đó, mỗi héc-ta sau một vụ sản xuất, người nuôi lãi hàng tỉ đồng là bình thường. Lúc bấy giờ, không riêng gì hai xã Mỹ Thành Bắc và Thạnh Lộc mà toàn huyện Cai Lậy, người có đất nhưng không muốn theo nghề cá tra giống thì cho thuê để người khác lập trại nuôi ươm. Khi nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu không tăng nên giá cá tra giống liên tục sụt giảm. Những ngày này, cá tra giống chỉ bán được trên dưới 20 nghìn đồng/kg nhưng cũng khó tiêu thụ được.
Cùng ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, ông Phạm Văn Ngon là nông dân đã chuyển từ trồng lúa sang ương cá tra giống rồi giờ đây lại quay về với cây lúa truyền thống. Ông Ngon ngậm ngùi cho biết, cách đây hơn một năm, ông cũng chạy theo phong trào đào ao nuôi cá tra giống do lúc đó thấy người ta ương cá tra giống có lãi lớn. Thế là ông quyết định đào 4 công đất trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ làm ao nuôi cá tra giống.
Tuy nhiên, từ đó đến nay ông Ngon chỉ ương được có 4 đợt cá tra giống, trong đó hai vụ ương đầu cá chết sạch, còn 2 vụ ương sau thì chỉ có một vụ lời được 30 triệu đồng. Đó là chưa kể ông bị thương lái mua cá nợ 20 triệu đồng đến nay chưa trả. Qua tổng kết, gia đình ông Ngon đã lỗ tới 240 triệu đồng chỉ từ 4 vụ ương cá tra giống.
“Sau một thời gian suy nghĩ, đắn đo lợi hại, cuối cùng tôi đã phải đứt ruột bỏ ra 20 triệu đồng thuê cơ giới san lấp 4.000 m2 ao nuôi cá tra giống để tái trồng lúa dù trước đây chính tôi đã bỏ ra 50 triệu đồng để thuê cơ giới đào ao”, ông Ngon cho hay.
The ông Phạm Công Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, hiện nay địa phương này đã có trên 10,1 hecta trong số 70 hecta đất ao nuôi cá tra giống được nông dân tái chuyển đổi trở lại để sản xuất lúa trong vụ đông xuân 2013-2014. Trước tình hình giá cả cá tra giống hiện nay thì chắc chắn diện tích tái chuyển đổi như thế sẽ tăng nhanh trong những ngày tới. Việc san lấp ao ương cá tra giống để trở lại trồng lúa như trước đây đang được địa phương khuyến khích, trước mắt vận động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để làm gương và tạo phong trào sâu rộng trong nhân dân.
Theo Báo Lao Động 1/10/2013
|