17/10/2013
Phấn trắng, bảng đen... chạnh lòng
TT - Dạy học với phương tiện hiện đại, giáo án điện tử, máy chiếu, màn hình LCD, bảng tương tác... là những cụm từ không xa lạ với người dân. Tuy nhiên, từ đó “bảng phấn bị ra rìa” (Tuổi Trẻ ngày 24-9) thì cần phải xem lại. Sau những hăm hở ban đầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, những kỳ vọng quá lớn vào phương tiện hiện đại, nay người ta mới phát hiện nhiều hệ lụy của nó.
Nguyên nhân từ đâu? Từ chính nhận thức của những người làm công tác giáo dục. Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, đời sống kinh tế dần khá hơn, việc trang bị máy móc tiện nghi trong lớp học rất cần thiết. Nhưng vận động phụ huynh đóng góp để mua sắm trang thiết bị dạy học một cách ồ ạt, bất chấp kiến thức, kỹ năng của giáo viên (có người sử dụng được, người không) thì khó có thể chấp nhận.
Nhớ lại, năm 2010, Tuổi Trẻ đã có tuyến bài “Đổi mới nửa vời”, trong đó phản ánh một số địa phương thực hiện trang bị đồng bộ: lớp nào cũng có máy vi tính nối mạng, màn hình LCD 32 inch hoặc 42 inch. Có nơi treo ở góc lớp nhưng cũng có nơi treo giữa lớp. Hậu quả là học sinh ở dãy bàn cuối lớp phải nhìn lệch, còn học sinh ngồi bàn đầu lại bị mỏi cổ.
Không phủ nhận trên thực tế có nhiều giáo viên soạn giáo án điện tử, lên tiết rất hấp dẫn, học sinh dễ hiểu và nhanh nhớ bài. Nhưng thực tế có những tiết dạy bằng giáo án điện tử “dở khóc dở cười”. Lý do: giáo viên yếu về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm sử dụng thiết bị, sao chép giáo án điện tử trên mạng một cách vô tội vạ mà không chú ý đến năng lực học sinh, điều kiện lớp học của mình. Một giáo viên ở quận 10 kể: có tiết dạy bằng giáo án điện tử mà cả lớp cứ khoanh tay ngồi im, cô hỏi gì cũng không trả lời, mãi sau thì em lớp trưởng mới rụt rè: “Chữ nhỏ quá tụi con không thấy”. Cô còn kể có giáo viên chép giáo án của đồng nghiệp mang về dạy. Không ngờ giáo án để chế độ tự động, đến phần kiểm tra kiến thức, thay vì chỉ hiện ra phần đề bài và chờ học sinh đọc đáp án thì màn hình xuất hiện luôn đáp án.
Bên cạnh đó, không phải bài học nào cũng dạy bằng giáo án điện tử được. Có học sinh tâm sự rằng em thích đọc - chép hơn là chiếu - chép: học thơ mà cô giáo chiếu lên màn hình nhanh quá, học sinh ngồi dưới không chép kịp. Người viết từng dự một tiết dạy tập viết lớp 1, thay vì cô giáo nắn nót viết chữ mẫu trên bảng thì cô dạy bằng bảng tương tác, viết bằng bút của bảng tương tác, phải mất thêm thời gian kẻ ô li trong khi nét chữ không được tròn, đều. Nghe, xem mà thấy chạnh lòng cho phấn trắng, bảng đen! Vì trong những buổi tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy, lãnh đạo ngành GD-ĐT từng khẳng định: không có phương pháp nào ưu việt 100%, mà người giáo viên giỏi phải biết kết hợp nhiều phương pháp nhằm truyền đạt tốt nhất kiến thức cho học sinh. Phấn trắng, bảng đen không bao giờ lỗi thời, nó vẫn đóng vai trò cần thiết trong các tiết dạy miễn sao sử dụng phù hợp.
Đến thời điểm này, sau hơn 10 năm thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, không hiểu sao ngành GD-ĐT vẫn chưa thể ban hành một quy định về mô hình lớp học hiện đại: sĩ số học sinh bao nhiêu là vừa, màn hình tối thiểu phải bao nhiêu, treo thế nào, những môn học nào có thể phát huy tối đa việc giảng dạy bằng giáo án điện tử, môn nào nên hạn chế... Vậy mà người ta cứ chạy theo mua sắm thiết bị. Chỉ khổ cho phụ huynh.
HOÀNG HƯƠNG
Tự bao đời nay, không chỉ câu chuyện "Phấn trắng bảng đen" mà rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Tất cả đều được "mã hóa" trong những người trẻ khi được sinh ra và lớn lên do từ "nếp sống" của nhiều thế hệ người đi trước...
Đó như những "cơ sở dữ liệu" chỉ cần kích hoạt là nó sẽ hiển thị. Giáo dục là thế, phải biết kích hoạt và kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai! .
Một hiền nhân đã nói rằng: "Tư tưởng và tâm hồn có thể làm một người bình thường trở nên vĩ đại" nhưng tư tưởng tâm hồn và tri thức của một con người đâu phải ngày một, ngày hai. Đâu phải chỉ có từ vài mươi năm ngồi ghế nhà trường mà đã khởi sinh từ nhiều thế hệ... và cuối cùng, cuộc đời phải còn một chút gì lãng mạn, như trong câu hát câu nhạc sỹ Trương Xuân Mẫn:
"Khi thầy viết bảng
Bụi phấn trắng bay bay
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy..."
Nhiều người thầy đã đứng trên bục giảng từ khi tóc còn xanh đến khi nhuốm màu tóc bạc, và nhiều thế hệ đã vĩnh viễn đi... Nhưng họ không buồn vì đã có những con người hiện tại đang hết lòng gắn kết hình bóng của họ cho đến thế hệ hôm nay!
MAI VĂN KHƯƠNG ( Theo Báo Tuổi Trẻ)