.
  Nguy cơ cạn kiệt...
 
16/8/2013

 
 
  Hằng năm, khi dòng nước lũ từ đầu nguồn đổ về, người dân miền Tây lại càng tiếc nuối những mùa cá linh trong ký ức.
Món quà trời cho
Hồi xưa, vào tháng 7, 8 âm lịch hằng năm, dọc theo sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu, cá linh bắt đầu tràn về không biết cơ man nào mà kể. Người dân ở đầu nguồn coi cá linh là của trời cho. Cá bắt được ăn không hết, bà con ủ làm phân, nấu lấy dầu đốt, làm nước mắm hoặc mắm dự trữ để dành cho mùa khô hạn…
Trong Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển kể lại giai thoại khi Nguyễn Ánh đi thuyền từ Vàm Nao ra biển, trong lúc chuẩn bị rời bến thì có một con cá nhỏ nhảy vào mạn thuyền. Nguyễn Ánh linh cảm có việc chẳng lành nên ra lệnh cho đoàn tùy tùng hoãn lại chuyến đi. Hôm sau, hỏi ra mới biết có quân Tây Sơn mai phục. Để tỏ lòng tri ân loài cá linh thiêng đã cứu đoàn thoát nạn, Nguyễn Ánh đặt tên cho loài cá đó là “cá linh”.
Cá linh được sinh ra và lớn dần theo con nước, rồi từ thượng nguồn đổ về. Khi mưa xuống mát mình, cá con lần theo sông, rạch tràn vào các biển lúa mênh mông để làm một cuộc “phiêu lưu”. “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, thức ăn đầy đủ, cá lớn nhanh như thổi, người bơi xuồng đụng phải luồng, xem cá nhảy lao xao mà đoán biết năm đó cá linh nhiều hay ít. Năm nào nước dâng cao, cá linh sẽ về nhiều. Bà con thường thắp đèn tung lưới bắt cá thâu đêm. Vào thời điểm nước lên, hàng trăm hàng ngàn ghe xuồng đua nhau đánh bắt trên khắp các kinh, mương, sông rạch, sôi động nhất là tại các kinh Vĩnh Tế, Châu Đốc, Tân Châu và ngã ba Dung Thăng (An Giang).
Xưa kia, cá linh đóng đáy đong bằng giạ, mỗi giạ 2 thùng. Gặp năm nước lớn, mỗi mẻ lưới kéo lên từ 50 - 60 giạ. Còn bây giờ mỗi ngày kiếm vài trăm kí đến 1 tấn là coi như “được mùa”. Do lượng cá đánh bắt không nhiều, nên cá linh non đầu mùa năm nay có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so với 5 năm về trước.
Anh Lê Văn Vũ (xã An Phú, H.Tịnh Biên, An Giang) cho biết mấy năm nay, cá linh về quá ít nên gia đình anh phải qua tận Campuchia thuê mặt nước đánh bắt. Do nước bạn không đắp đê mà để cho nước tràn đồng, nên nguồn cá nhiều hơn. Tuy nhiên, người đánh bắt cá linh có năm trúng năm thất, tùy theo mực nước dâng cao hay thấp.
Lượng cá sụt giảm
Từ bao đời nay, con cá linh đã trở thành món ăn phổ biến của cư dân ĐBSCL. Đặc biệt là cá linh đầu mùa, chỉ lớn bằng đầu đũa hoặc đầu ngón tay, nhưng ăn rất ngon. Cá linh non có thể đem chiên giòn, kho mẳn, kho mía, kho mắm, nhúng giấm, nấu canh chua… Món nào cũng dân dã và thấm đượm tình quê.
Chưa nơi nào ở nước ta có số lượng cá linh nhiều như ĐBSCL và cũng chưa có loại cá nào giữ vai trò quan trọng trong đời sống của bà con nghèo như cá linh. Thế nhưng, từ thập niên 90 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc khai thác quá mức nguồn nước ở thượng nguồn, các phụ lưu trên dòng Mê Kông đã làm nguồn cá linh ít dần đi. Ngoài ra, việc đắp đê trồng lúa vụ hai, vụ ba; tình trạng sử dụng các loại hóa chất và thuốc trừ sâu trên ruộng lúa gây ô nhiễm nguồn nước, khiến cho sản lượng cá linh sụt giảm trầm trọng…
Một mai, khi nguồn cá linh cạn dần hoặc không còn nữa, người dân đồng bằng sẽ mất đi một nguồn lợi lớn, sẽ không còn được thưởng thức hương vị đậm đà của các món ăn được chế biến từ cá linh, mang đậm dấu ấn của vùng sông nước Cửu Long.

Thiên Lộc
 
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693763 visitors (2231929 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free