9/8/2013
20/12/2012 10:33
Nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL tiếp tục lâm vào khủng hoảng khi giá rớt thê thảm lại khó tiêu thụ. Trong thế khó đó, một số hộ đã tìm hướng đi mới bằng cách bỏ cá tra, chuyển sang nuôi cá lóc đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bán nội địa “sướng” hơn xuất khẩu
Ông Nguyễn Thanh Hùng (ở ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, H.Châu Phú, An Giang) có thâm niên nuôi cá tra gần 15 năm. “Đeo” đến năm 2010, thấy giá cá tra cứ tuột dốc liên tục, ông Hùng đành phải bỏ cá tra, chuyển qua nuôi cá lóc. Ngay vụ đầu tiên, ông nuôi 2 ao cá lóc, thu hoạch hơn 100 tấn bán giá từ 36.000 - 41.000 đồng/kg, thu lời hơn 1 tỉ đồng, cao gấp 4 lần so với nuôi cá tra. Đợt 2, tiếp tục lời đậm và hiện tại ông đang chăm sóc đàn cá lóc cả trăm tấn (đợt 3) chuẩn bị bán vào dịp Tết sắp tới.
Nhiều hộ lân cận thấy ông Hùng nuôi cá lóc trúng đậm cũng vội vàng bỏ cá tra quay sang nuôi cá lóc. Ông Trần Văn Lắm, ở xã Khánh Hòa chọn nuôi cá lóc giống và bán trứng nước (mồi cho cá lóc con). Theo ông Lắm dự đoán, khi nghề nuôi cá lóc phát triển thì nhu cầu cá lóc giống khá cao. Vì vậy, ông chuyển hẳn 2 công đất để nuôi cá lóc giống và 9 công bơm nước đầy để thu trứng nước. Trung bình 20 ngày là ông Lắm xuất bán 1 lứa cá lóc giống, thu lời vài triệu đồng. Riêng trứng nước mỗi ngày thu hoạch được khoảng 100 kg, bán giá 14.000 đồng/kg. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình phất lên ngó thấy. Ông Lắm khẳng định, nuôi cá lóc bán nội địa “sướng” hơn nuôi cá tra xuất khẩu nhiều lần, bởi người nuôi chủ động được thời vụ, thị trường, bán lấy tiền mặt…
Ông Trần Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết, thống kê mới nhất toàn xã có khoảng 35 ha đất từ ao nuôi cá tra và một phần đất nông nghiệp được người dân chuyển sang nuôi cá lóc. “Điều thú vị là con cá lóc bất ngờ trở thành đối tác xử lý nợ giúp người nuôi cá tra, đồng thời thế chỗ cho cá tra một cách hoàn hảo. Đến nay đã có nhiều hộ vươn lên khá giả nhờ trúng cá lóc liên tục”, ông Tùng nói.
Không nên phát triển ồ ạt
Cũng theo lời ông Tùng, xã Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lóc, như chủ động được con giống tại chỗ, không phải đầu tư ao nuôi nhờ chuyển tiếp từ ao cá tra sang… Hiện giá thành nuôi cá lóc khoảng 28.000 đồng/kg, trong khi giá bán ở mức từ 32.000 - 40.000 đồng/kg, vì vậy người nuôi thu lợi nhuận khá cao. Ngoài việc bán ở thị trường ĐBSCL và các chợ đầu mối tại TP.HCM, cá lóc đang được thương lái đưa sang các chợ ở Campuchia tiêu thụ.
Còn ông Nguyễn Thanh Hùng (ở ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa) thì cho rằng hiệu quả từ mô hình nuôi cá lóc đã rõ, song cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi khuyến cáo phát triển tràn lan nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu” dẫn đến rớt giá. Hiện tại, ngoài An Giang thì một số nơi như Đồng Tháp, Trà Vinh, TP.Cần Thơ… đều đã từng và đang tiếp tục đầu tư nuôi cá lóc. Phải thừa nhận rằng nhu cầu tiêu thụ cá lóc trên thị trường là rất lớn, bởi người dân ai cũng chuộng ăn cá lóc; ngoài ra cá lóc còn dùng để làm khô, làm mắm… Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lóc phát triển bền vững, đảm bảo cho người nuôi làm giàu thì ngành chức năng cần hỗ trợ người dân về thông tin thị trường, giá cả, thời vụ thu hoạch giữa địa phương này với địa phương khác để tránh trùng nhau, dẫn đến thừa sản lượng cục bộ và rớt giá…
An Lạc
Báo Thanh Nien