.
  Tiêu Việt Nam
 
20/2/2014

 
RFA, 30/1/2014
 

2014-01-30
01302014-xuatkhautieu-nn.mp3Phần âm thanhTải xuống âm thanh

Một cánh đồng tiêu, ảnh minh họa.
AFP photo
Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam năm 2013 đứng đầu thế giới. Hạt tiêu xứng danh là vua của các gia vị và đặc biệt là mặt hàng duy nhất mà nông dân Việt Nam điều tiết thị trường thế giới một cách ngoạn mục.
Trong 5 năm qua giá tiêu Việt Nam tăng liên tục và tạo ra nhiều tỷ phú nông dân ở đông nam bộ và tây nguyên. Tuy nhiên lợi nhuận hấp dẫn khiến nhiều hộ nông dân chặt cà phê trồng tiêu, nhiều người không am hiểu kỹ thuật canh tác đã bị trắng tay. Bước vào năm mới Giáp Ngọ, Nam Nguyên phỏng vấn ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trụ sở ở TP.HCM về tình hình ngành tiêu, trước hết ông phát biểu:
"Có thể nói giá tiêu này đúng là một giấc mơ, 5 năm trước không bao giờ dám nghĩ tới giá đó. Khi giá lên quá cao hồi đầu vụ người dân bán ra ồ ạt, nhưng khi giá xuống còn 120.000/kg thì họ bắt đầu giữ lại không bán nữa. Nhờ vậy giá tiêu luôn được giữ ở mức 120.000-130.000đ/ kg. Về tổng cơ bản giá tiêu thấp hơn năm cũ một chút, nhưng về tổng giá trị tuyệt đối thì lại tăng lên. Năm nay chúng tôi xuất kỷ lục 134.000 tấn, kim ngạch xấp xỉ 900 triệu USD, đây là con số chưa từng có, năm ngoái chỉ được gần 800 triệu USD thôi. Như vậy với diện tích tăng lên 20% từ 50.000 héc-ta lên 60.000 héc-ta mà vẫn giữ được giá như vậy là rất tốt. Năm nay 2014 chúng tôi nhận định là giá tiêu sẽ tiếp tục có lợi cho người nông dân."
Có thể nói giá tiêu này đúng là một giấc mơ, 5 năm trước không bao giờ dám nghĩ tới giá đó. Khi giá lên quá cao hồi đầu vụ người dân bán ra ồ ạt, nhưng khi giá xuống thì họ bắt đầu giữ lại không bán nữa.
- Ông Đỗ Hà Nam
 
Nam Nguyên: Thưa ông, trên báo chí những ngày cuối năm phản ảnh tình trạng vườn tiêu chết hàng loạt làm nhiều nông dân đau khổ. Khối lượng vườn tiêu bị hỏng tỷ lệ như thế nào và có ở trong phần diện tích gia tăng thêm?
Ông Đỗ Hà Nam: Có nhiều lý do, thứ nhất là bà con mở rộng diện tích mà kinh nghiệm có hạn. Thứ hai bà con tăng lượng phân bón quá nhiều để nâng cao năng suất, dẫn đến việc đất thoái hóa nhanh dễ nhiễm sâu bệnh. Tuy nhiên lượng đó không lớn và so diện tích tiêu chết với diện tích tăng thêm thì diện tích tăng lên vẫn cao hơn. Năm nào chúng ta cũng mất khoảng vài trăm héc-ta.
 
Nam Nguyên: Tuy ngành tiêu thành công nhưng phải chăng vì thiếu sự liên kết 4 nhà, nhà nước, nhà nông nhà khoa học và doanh nghiệp nên nhiều nông dân thành công, nhưng nhiều người khác phát triển không bền vững, năm mới sẽ cải thiện vấn đề này ra sao?
Ông Đỗ Hà Nam: Hiện nay thị trường tiêu toàn cầu là theo giá Việt Nam mà họ lên, gần như là Việt Nam điều tiết. Vấn đề ở đây, hiện nay người nông dân trồng tiêu tập tính của họ rất tốt nên họ mới điều tiết được thị trường. Hơn nữa do nhiều năm tích tụ lợi nhuận, hiện nay người nông dân không có việc phải vội vã bán, cũng không thiếu tiền. Bản thân hàng mà họ để lại đã chuyển biến là một dạng của tiền tệ rồi, họ nghĩ rằng để lại thì đồng tiền có hiệu quả hơn, có lợi hơn. Biến hàng hóa thành đồng tiền thì đấy là sự thành công của người nông dân.
Còn các ban ngành khác thì tôi có thể nói rằng, khi giá thấp nông dân không có đầu ra thì cái “4 nhà” vô cùng quan trọng. Nhưng khi người nông dân đã điều tiết thị trường rồi thì các “nhà” còn lại chỉ có nghĩa vụ là hỗ trợ cho người nông dân thôi, chứ không phải là họ có thể dẫn dắt người nông dân được nữa. Đây là điều không bình thường và là một sự thành công mà chúng tôi cho là chỉ ở Việt Nam mới có. Muốn làm được điều đó thì hãy làm cho người nông dân thấy được đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết tự giác chứ đoàn kết theo bắt buộc, áp đặt thì chúng tôi thấy cũng khó thành công.
 
Điều tiết giá tiêu thế giới

Hạt tiêu đỏ. AFP photo
 
Nam Nguyên: Như vậy có thể khẳng định là nông dân Việt Nam đã kiểm soát được thị trường điều tiết được giá tiêu thế giới ?
Ông Đỗ Hà Nam: Chính xác, vì bây giờ là năm thứ 6 rồi, nếu chỉ 2-3 năm thì nó chưa đủ để tin cậy. Đã 6 năm liên tục, nhớ lại năm 2007 mới có 20.000 đồng/kg rồi cứ năm sau thì lên 30.000 rồi 50.000, 80.000, 120.000. Năm 2013 tiếp tục giữ ở mức trên 120.000đ/kg. Năm nay 2014 chúng tôi đánh giá sẽ ở mức đó, thậm chí có thể theo giá thị trường FOB dự kiến ở mức 6.500 USD/tấn, tức khoảng 130.000 đ/kg, tôi cho rằng là mức giá thuận lợi và rõ ràng nếu người nông dân không điều tiết thì không bao giờ có mức giá như vậy.
 
Nam Nguyên: Nhân dịp xuân Giáp Ngọ, thưa ông có lời chúc gì với nông dân trồng tiêu, trồng cà phê và cộng đồng doanh nghiệp tiêu thụ phân phối xuất khẩu.
Ngành hồ tiêu, ngành cà phê Việt Nam đang có thuận lợi rất lớn là có mặt trên thị trường toàn cầu. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam và các mặt hàng này đang có tiếng tăm trên thế giới.
- Ông Đỗ Hà Nam
Ông Đỗ Hà Nam: Ngành hồ tiêu, ngành cà phê Việt Nam đang có thuận lợi rất lớn là có mặt trên thị trường toàn cầu. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam và các mặt hàng này đang có tiếng tăm trên thế giới. Chúng tôi mong muốn rằng, người nông dân Việt Nam tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng mặt hàng tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường, làm sao xây dựng được thương hiệu tiêu Việt Nam, thương hiệu cà phê Việt Nam. Mong muốn các mặt hàng này ngày càng có chỗ đứng vững chắc và không xa ngành cà phê theo kịp ngành hồ tiêu để Việt Nam trở thành quán quân đứng đầu các mặt hàng này trên trên thế giới.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ngành hồ tiêu thì nói chung đang ổn định nhưng ngành cà phê thì đúng là phải trả giá rất đắt trong suốt quá trình vừa qua. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết lại và có thông tin tốt để cùng nhau xây dựng ngành cà phê phát triển hạn chế được rủi ro cho các doanh nghiệp, cũng như thực hiện liên kết 4 nhà như mong muốn.
 
Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông Đỗ Hà Nam đã trả lời Đài RFA.
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630229 visitors (2116202 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free