.
  Cà phê Việt Nam
 
16/2/2014

 

 

nguồn BBC, 26 Jan 2014

Việt Nam: Người khổng lồ ngành cà phê

Chris Summers

Nhắc tới cà phê người ta thường nghĩ đến Brazil, Colombia hay Ethiopia. Nhưng thực ra nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới ngày nay là Việt Nam.

Họ đã làm thế nào để đẩy thị phần từ 0.1% lên tới 20% trong vòng 30 năm, và sự thay đổi nhanh chóng này ảnh hưởng tới đất nước như thế nào?

Khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975, đất nước này còn đang đói khổ, và chính sách kinh tế cóp nhặt lại từ Xô Viết chẳng giúp được gì.

Hình thức hợp tác xã nông nghiệp là quyết định thảm họa, thế nên đến năm 1986 Đảng Cộng sản thực hiện bước thay đổi đột ngột – một cuộc cá cược lớn, dựa vào cà phê.

Sản xuất cà phê trong những năm 90 tăng 20% – 30% mỗi năm. Ngành công nghiệp này hiện có khoảng 2.6 triệu nhân công, với nửa triệu các hộ canh tác nhỏ gieo trồng trên mỗi mảnh đất rộng khoảng 1- 2 hectare.

Điều này giúp biến đổi kinh tế Việt Nam. Năm 1994 có khoảng 60% người Việt sống dưới mức nghèo, con số này giờ chưa tới 10%.

“Truyền thống của người Việt là uống trà, cũng giống như người Trung Quốc, và họ vẫn có thói quen đó,” nhà tư vấn cà phê ở Việt Nam, ông Will Frith nói.

Người Việt cũng uống cà phê – với sữa đặc, hay cà phê đánh trứng – nhưng đây thường là mặt hàng xuất khẩu nhiều hơn.

Cà phê được người Pháp mang tới Việt Nam từ thế kỷ 19 và quá trình trồng cây, sản xuất cà phê xay sẵn bắt đầu hoạt động từ năm 1950.

Đây là cách uống cà phê Việt Nam, và cũng là lý do mà một phần tư số cà phê vẫn uống ở Anh đến từ Việt Nam.

Quốc gia nào mua cà phê Việt Nam

       Việt Nam sản xuất khoảng 22 triệu túi cà phê, mỗi túi nặng 60kg trong năm 2012/2013

       Đức và Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 2 triệu túi

       Tây Ban Nha, Ý, Bỉ/Luxemburg nhập khẩu khoảng 1.2 triệu túi

       Nhật Bản, Nam Hàn, Ba Lan, Pháp và Anh Quốc nhập khoảng 0.5 triệu túi cà phê

Nguồn: ICO

Người Anh vẫn uống loại cà phê này nhiều hơn những loại cao cấp hơn như espresso, latte hay cappucino.

Các hàng cà phê đắt tiền thường mua hạt cà phê Arabica, trong khi Việt Nam trồng loại hạt Robusta cứng hơn.

Hạt Arabica có chứa khoảng 1% đến 1.5% chất caffeine trong khi Robusta chứa khoảng 1.6% đến 2.7% caffeine, khiến nó đắng hơn.

Thế nhưng cà phê ngon không chỉ được quyết định bởi caffeine.

“Cách pha trộn vị phức tạp làm dậy lên những mùi vị có sẵn trong cà phê,” ông Frith nói.

“Caffeine chỉ là phần rất nhỏ trong tổng thể hỗn hợp, nhất là nếu so sánh với các chất alkaloid khác [chất chuyển hóa phụ trong thực vật], và nó có rất ít tác động tới mùi vị.”

Một số công ty như Nestle đã cho trồng, chế biến, rang xay và đóng gói ở Việt Nam.

Nhưng Thomas Copple, kinh tế gia ở Tổ chức Cà phê Quốc tế tại London nói phần lớn cà phê được xuất khẩu từ dạng hạt tươi và sau đó được chế biến ở nơi khác, Đức là một ví dụ.

Trong khi một số lớn người Việt Nam đủ sống nhờ cây cà phê, một vài người trở nên rất giàu.

 

Bước tiếp theo của Trung Nguyên: chuỗi cửa hàng cà phê toàn cầu

Chẳng hạn như triệu phú Đặng Lê Nguyên Vũ. Tập đoàn Trung Nguyên của ông đặt tại thành phố Hồ Chí Minh – nhưng sức mạnh của nó đến từ khu vực Tây Nguyên, quanh thành phố Buôn Ma Thuột, thủ đô cà phê của đất nước.

Chủ tịch Vũ, biệt danh của ông, là chủ nhân của năm chiếc Bentley và 10 chiếc Ferrari, được tạp chí Forbes đánh giá tài sản trị giá khoảng 100 triệu đô la Mỹ. Mà đây là đất nước thu nhập trung bình trên đầu người mỗi năm khoảng 1.300 đô la Mỹ.

Nhưng sự mở rộng của cà phê cũng có mặt trái của nó.

Mọi hoạt động nông nghiệp ở Việt Nam đều ẩn chứa nguy hiểm, do số lượng bom mình chưa nổ còn dưới lòng đất sau chiến tranh.

Ở tỉnh Quảng Trị, 83% đất đai được cho là còn chứa bom.

Các nhà môi trường cũng cảnh báo rằng thảm họa đang tới dần. Quỹ bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới WWF dự tính rằng khoảng hơn 100.000 km vuông rừng đã bị chặt đốn từ năm 1973, một phần trong đó để trồng cà phê, và các chuyên gia nói phần lớn đất canh tác cà phê nay đã dần thoái hóa.

 

Nông dân Việt Nam lạm dụng tưới nước và đạm, theo Tiến sỹ người Bỉ Dave D’Haeze, một chuyên gia về đất.

“Họ tin vào cách làm truyền thống và chưa có ai thực sự được đào tạo cách trồng, sản xuất cà phê,” ông nói.

“Mỗi người nông dân ở Việt Nam là nhà nghiên cứu trên chính mảnh đất của họ.”

Một số người thuộc các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng nói họ bị ép phải giao đất.

Nhưng Chủ tịch Vũ nói cà phê tốt cho Việt Nam.

Ông đang lên kế hoạch thiết lập chuỗi cửa hàng cà phê quốc tế kiểu Việt Nam.

“Chúng tôi muốn mang văn hóa cà phê Việt Nam đến với thế giới. Sẽ không dễ đâu nhưng trong năm tới chúng tôi muốn cạnh tranh với các hãng tên tuổi như Starbucks,” ông nói.

“Nếu chúng tôi thực hiện được và giành được thị trường Mỹ chúng tôi có thể khuất phục cả thế giới.”

 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638820 visitors (2128333 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free