.
  Dã quì
 




Dã quỳ, Tithonia diversifolia, còn gọi là quỳ dại, hướng dương dại, sơn quỳ…thuộc họ Cúc (Asteraceae), là loại cây mọc hoang ở vùng Tây nguyên, thượng du Bắc Việt và 1 số tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên đây là loài rất dễ trồng, phát tán nhanh chóng và có thể nhân giống vô tính bằng cách giâm cành, thích hợp cả khí hậu đồng bằng, cho nên thỉnh thoảng tôi cũng gặp trên đường Long xuyên đi Châu Đốc.

Khi vào học năm thứ nhất Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần thơ, Thầy Nguyễn Phi Long dạy môn Nông học đại cương, có nói về cây quì tithonia diversifolia, được các đồn điền vùng B’lao sử dụng làm phân xanh rất tốt, trong sách tham khảo cùng tên của Thầy Tôn Thất Trình, ngoài nhóm muồng bông vàng  như Cassia hirsuta, Cassia alata …thì cây quì tithonia cũng được nhắc tới như là những cây được sử dụng làm phân xanh. Lúc đó tôi chẳng biết hình dáng nó thế nào, cả cái tên tiếng Việt cũng chưa nghe nói tới và dĩ nhiên không hề biết đến dã quì. Mãi đến năm thứ 3 đại học, khoảng cuối 1971, khi sinh viên khóa 1 CĐNN Cần thơ được các Thầy Phạm Văn Kim, Trần Đăng Hồng, Huỳnh Công Thọ… hướng dẫn đi du sát miền Trung chúng tôi mới tận mắt thấy được, lúc ấy gọi là quì dại.

Vào thời đó, nền nông nghiệp còn phôi thai, việc sử dụng phân hóa học chưa phổ biến, phân chuồng và phân xanh đặc biệt được quan tâm, nhất là nơi các đồn điền lớn. Sau năm 1975, khi cả nước sống trong không gian “hợp tác xã”, bao cấp, ngăn sông cấm chợ…ngành y tế “thánh hóa” thần dược  xuyên tâm liên, ngành nông nghiệp nâng “phát kiến” bèo hoa dâu như đủa thần huyền diệu, sẽ thúc đẫy khoa học trồng lúa lên tầm …thế giới, thì tại Tây nguyên, trong điều kiện nghèo khó, người nông dân không có tiền mua phân bón, đã đốn dã quì để cãi thiện đất đai. Thế là một thời gian dài, dã quì có…đất sống nhờ bị hy sinh thân xác, âm thầm góp phần nuôi dưỡng dân chúng cao nguyên!

Có thể không nhiều chất đạm như phân xanh họ đậu, nhưng sau khi mùn hóa, dã quì cũng góp phần làm cãi thiện cơ cấu vật lý và bổ sung cho đất ít dưỡng chất hữu cơ; ngoài ra, các dân tộc thiểu số Tây nguyên còn sử dụng lá dã quì trong điều trị các bệnh ngoài da, điều này cũng được ứng dụng tại vài nước khác. Ở Mexico, dã quì dùng chửa bong gân, gãy xương, ở Trung quốc, Đài Loan thì chửa 1 số bệnh về da, nó nằm trong thành phần toa thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Tại Nhật bản, dã quì có tên là cúc Nitobe (Nikobegiku) vì do ông Nitobe Inazo nhập về làm cây cảnh vào cuối thời vua Minh Trị.


Xin trở lại năm 1971, đó là lần đầu tiên sinh viên đồng bằng miền Tây, phần lớn xuất thân từ nông thôn nghèo khó, có dịp mở rộng tầm mắt, vừa được nhìn ngắm 1 phần giang sơn gấm vóc để thêm yêu quê hương đất nước, vừa được bổ sung kiến thức chuyên môn qua hướng dẫn trực tiếp của các Thầy tại hiện trường, theo tôn chỉ giáo dục đương thời: nhân bản, dân tộc và khai phóng.



Chị Điệp, chị Thu và Hà thế Tạo.

 Sau khi thăm các đồn điền cao su gần Dầu giây, Long Khánh như S.H.I.P., Trung tâm nghiên cứu Cao su I.R.C.V. chúng tôi bắt đầu làm quen với quan cảnh tuyệt vời của 1 phần duyên hải miền Trung như bãi biển Cà Ná, Nha Trang…thăm Hải học viện, tháp Bà Ponaga… rồi trở về Ninh Thuận.



Trên quốc lộ 1 ngang bãi biển Cà Ná.

Lúc này các sinh viên “hai lúa” mới háo hức chuẩn bị ngược đèo Sông Pha lên thăm Đà Lạt, con đèo nổi tiếng hiểm trở khi xưa, cũng là con đèo đẹp nhất khu vực thời bấy giờ, được người Pháp gọi là Đèo Ngoạn Mục (Belle Vue).

Rồi sau1 ngày thăm viếng các điểm quan trọng tại vùng đất “cà giang”khô hạn, chúng tôi rời Trung tâm Nha Hố, ghé nhanh di tích Tháp Chàm  PôKlông Garai, cuối cùng theo quốc lộ 27 lên Đà Lạt. Con đèo Sông Pha dài hơn 20km, đẹp lạ lùng khi uốn lượn quanh co theo sườn núi, đôi chỗ thấy chồng xếp nhiều tầng phía dưới, thật ngoạn mục! Từ cao độ 200m, con đèo bò dần lên, nhiều lần luồn mình dưới đường ống “thủy áp” dẫn xuống từ hồ chứa Đa Nhim, 900m trên cao, đèo vượt rừng thẳm, lũng sâu, cảnh sắc 2 bên vừa đẹp lại vừa lạ mắt, khiến các trái tim đồng bằng thật sự…ngẩn ngơ!



Ghé Phan Rang, thăm Trung tâm Nông nghiệp Nha Hố.

 


 
Trên đèo Ngoạn Mục(1971)

 

Hết đèo Song Pha là đến Đơn Dương, chúng tôi được các Thầy hướng dẫn vào thăm hồ tích nước thủy điện Đa Nhim. Quả thật, lần đầu tiên chúng tôi mới được chứng kiến một cảnh đẹp tuyệt vời như thế, mặt hồ màu ngọc bích bên núi biếc, rừng xanh… khiến ai nấy đều ngơ ngẩn, tiếc rằng thời kỳ đó ảnh màu rất hiếm nên đành chấp nhận cảnh đơn điệu …trắng đen!



Thăm đập thủy điện Đa Nhim, Đơn Dương(D’ran).

Thầy Trần Đăng Hồng, thứ 3 từ trái đếm qua (hàng ngồi, thắt cà vạt),
Thầy Huỳnh Công Thọ (đã mất) đứng phía sau, cạnh Ng. thành Nghiệp, mang kính, quay mặt nhìn sang trái.



Nguyễn Hoàng Trãi và Trương Minh Trường, phía xa là chị?

 

Nhớ lại thời này còn xuân thì phơi phới, các sinh viên đồng bằng ai mà chẳng mơ ước được một lần đi tới xứ hoa. Xứ sở của tình yêu lãng mạn, của sương mù lạnh giá, của gió núi thông ngàn và của những cành đào hồng thắm. Bổng tiếng hát của Nguyễn Thành Nghiệp cất lên, làm cho ai nấy đang say mê với cảnh quan mới lạ bên đường, lại đắm mình vào cái ngọt ngào của lời ca êm dịu, khi xe tiếp tục hành trình lên phố núi…

…Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi…

Nhưng, khi xe bắt đầu rời khu vực Đơn Dương, trước khi thấy được cành đào đỏ thắm, sinh viên canh nông đồng bằng Nam bộ chợt ngẩn ngơ trước màu vàng hoang dại của loài dã quỳ đang làm rực nắng Tây nguyên.  Cái màu vàng tươi vừa rực rỡ, vừa quyến rủ, duyên dáng khoe sắc giữa thông ngàn, gió núi. Ngộ một điều, loài dã quì này chỉ một màu vàng như thế, không nhạt bớt mà cũng không đậm hơn, không quá đỏ thành màu cam gay gắt mà cũng không quá nhẹ yếu ớt vàng chanh, rất vừa đủ để nồng ấm và vừa đủ để yểu điệu với đồi núi chập chùng.





Không thể nào ngờ cái loài cây hoang dại của núi rừng ấy lại đến mùa, rủ nhau khoe sắc rực rỡ đến ngỡ ngàng. Mùa của dã quì thường đến từ đầu tháng 11, khi gió Đông Bắc quay về, mang giá lạnh xuống phương Nam. Lúc ấy, giữa rừng xanh chập chùng đồi núi, giữa ngàn thông thơ mộng Tây nguyên, dã quì chợt dệt nên một thảm lụa mềm quyến rũ, vàng tươi một triền dốc thoải nghiêng. Hoa không quá to như hướng dương, làm nặng nề thân cỏ, không quá nhỏ để mất hút dưới lá xanh như cúc dại bên đường.

Rồi như từ bao đời hẹn trước, dã quì rủ nhau đồng loạt nở bung làm cả cánh rừng xanh bổng vàng lên màu lễ hội.






Thật ra, loài hoa này chỉ mới có tại nước ta, khi người Pháp di thực vào để làm phân xanh cho các đồn điền trà, cà phê… ở D’ran, Lâm Đồng nhờ hàm lượng dinh dưỡng hữu cơ cao khi phân hủy. Theo tài liệu thì có 1 giai đoạn nào đó dã quì là cây bản địa của vùng Mexico, Trung Mỹ, nên còn gọi là hướng dương Mexico.

Không riêng gì tại Việt Nam, Miến Điện cũng thấy xuất hiện loài hoa này, có lẽ do người Anh mang đến. Năm 2013, ngay trong buổi chiều đầu tiên mới đến, tôi đã thấy dã quì trổ lác đác trong khu rừng Kalaw, khiến cứ tưởng mình như đang ở đâu đó gần Đà Lạt thông ngàn.




Người Palaung trên đườngđi rẫy về nhà, dã quì Kalaw rực vàng lối nhỏ.

 

Tháng 11 năm 2014, khi trở lại Miến Điện lần 2, tôi cũng bắt gặp dã quì trên đường cùng Sư H. đến thăm 1 ngôi làng người Palaung, nhưng mọc đơn lẽ, rải rác dựa lối mòn vào thung lũng.



Sau đó, sáng 15-11-2014 trước ngày trở về Sài gòn, nhờ xe gắn máy tôi vào sâu trong rừng Kalaw, theo lối các Tây ba lô du lịch trekking qua Inlay, để khám phá thêm con đường mà năm trước chúng tôi chưa đi tới. Và tôi đã bất ngờ bắt gặp 1 thung lũng đầy dã quì đang thời khoe sắc, thật đẹp bên sườn núi dưới sâu.



 

 

Nhưng có lẽ vẫn không thể nào sánh bằng Đà Lạt, nơi dã quì thêu gấm, dệt hoa trên vườn đồi, ven suối, khiến bao người tìm đến ghé thăm. Ngày nay, nhiều bạn trẻ hẹn nhau vào đầu tháng 11mỗi năm, cùng nhau tìm đến cao nguyên để say ngắm dã quì. Hãy đọc  hướng dẫn rất cụ thể sau đây của 1 bạn trẻ viết trên diễn đàn phuot.vn:

 

“1. Theo QL20B về D'ran (Từ bờ hồ đi lên, gặp vòng xoay, rẽ trái/ hoặc hỏi đường về Đơn Dương) . Dọc dường cũng có nhiều dã quỳ. Xuống hết con đường 36km đó sẽ gặp ngã ba, rẽ trái tiếp - sẽ qua chợ Lạc Nghiệp(D'Ran). Tiếp tục chạy non 1km sẽ gặp chùa chùa Giác Nguyên bên tay phải, dân địa phương gọi là chùa Bà Xám. Tới đây sẽ có một ngã ba, rẽ phải ở đây. Cứ chạy theo con đường nhựa này để khám phá.

Nơi đây có nhiều thảm cải trắng đang độ nuột nà nhất; nhưng nhớ đừng làm gì để bà con phàn nàn về mình nhé.

2. Đi hết con đường hoa đó sẽ ra QL20, rẽ phải đi về hướng Finôm, rẽ phải theo QL27. Qua cầu Finôm sẽ gặp một núi đá, có thể chụp hàng trăm tấm ở đây. Xong em qua cầu Bắc Hội, rẽ phải ngay ở ngã 3 thứ hai. Chạy thẳng vào trong cho hết đường nhựa rồi rẽ trái, rẽ trái cái nữa là em đã lạc vào vương quốc dã quỳ rồi. Dã quỳ nơi đây trông thật hoang sơ. Hôm mình đi, người ta đã phát quang một ít, đến hôm nay lại thêm một ít nữa, nên phải nhanh chân đi thôi. Các đường ngang ngã tắt chốn này đều có dã quỳ và rất nhiều.

3. Nếu có thời gian có thể leo lên thảm hoa ở chân núi Voi dọc đường cao tốc- ngoài QL20, hay dọc QL27 đoạn từ D'ran ra Phi Nôm. Nhưng mình nghĩ dọc hai địa điểm trên đã chiếm hết thời gian của các bạn rồi.

Đến hôm nay thì nhìn chung không còn được như hôm trước, nhưng cũng có một số nơi dã quỳ đang độ đẹp. Nên theo như năm nay thì cuối tháng 10 là thời điểm đẹp nhất của dã quỳ.”





 






Trước năm 1975, một nhà văn chuyên viết cho tuổi “mới lớn”, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, còn gọi dã quỳ bằng một tên thật dễ thương, Sơn Cúc.

Xin hãy đọc một trích đoạn trong “Thư về Đường Sơn Cúc” của ông:

Ông có biết loài hoa ấy không

Cả nhà gọi nó là cúc rừng

Chỉ mình em thầm gọi là hoa Sơn Cúc

Hoa vàng óng ả

Hoa vàng mật ngọt

Vàng rực rỡ cả một lối mòn

Ðược gọi là Ðường Sơn Cúc của em

Tôi thấp thoáng trông thấy hình bóng em chao mờ giữa một rừng hoa thắm. Mỗi sớm mai từ nhà đến trường, với cặp sách trên tay mà hồn đã bay lãng đãng đến tận cuối chân trời nào, một mình em lững thững, không hề nôn nóng vội vàng nhớ đến tiếng chuông reo vào lớp.

Kết thúc chuyến du sát năm đó, vài bạn đã mang mấy nhánh dã quì về cắm trong sân trước phòng thí nghiệm Sinh Lý Thực Vật. Một năm sau(1972) các cành giâm tithonia lớn lên, trổ ra những bông hoa màu vàng ấm áp trong nắng lạnh mùa đông, rực rỡ mà dung dị, tươi vui mà hoang dã. Nếu chịu khó ngắt bỏ những bông hoa héo tàn và lá úa, thì ta có một “bầy” dã quỳ mỗi sáng mùa đông ngả nghiêng trong gió, đẹp như “bầy”sao nháy vàng rực ven đường!




Tác giả bên canh buội dã quì trước phòng Sinh Lý Thực Vật, 1973.

 

Vào năm này, 1972, lớp đầu tiên của trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần thơ tốt nghiệp, mọi người đồng ý lấy “Hướng Dương” đặt tên khóa và chọn dã quì làm biễu tượng.

Dã quì, thật hoang dại nơi rừng sâu núi thẳm, giãn dị một đời góp chút phần làm tươi đất, tốt cây.

Dã quì, không vương giả nơi thềm hoa sang trọng, nhưng mộc mạc dễ thương giữa nắng lạnh thông ngàn, trãi lụa vàng đồi xanh, thung lũng, khiến bao người vừa gặp đã…ngẩn ngơ!

Chúng tôi, những người trẻ ngày ấy, với kiến thức mới vừa học được ở trường, chỉ mong bước vào đời góp chút khả năng cho sự phát triển của cộng đồng, như đóng góp nhỏ nhoi của dã quì cho cây, cho đất.

Thật tình mà nói, ngày nay người ta có còn dùng dã quì làm phân xanh hay không chẳng quan trọng, dù thế nào với chúng tôi dã quì thật đáng yêu và nhiều kỹ niệm, kỹ niệm êm đềm của thời học tập tại Cao Đẳng Nông Nghệp Cần thơ; nó nhắc nhở cho chúng tôi luôn nhớ về chốn cũ, nơi có những bạn bè thân thiết và nơi có những Cô, Thầy đã ân cần hướng dẫn cho đàn em trở thành những người tốt sau này.

Long Xuyên mùa Đông, 08-02-2015.

 

Kính gửi đến tất cả Thầy, Cô trong và ngoài trường CĐNN CT lòng quí mến và nhớ ơn.

Mong Phước Minh.

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 638838 visitors (2128493 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free