KỸ THUẬT TẠO CÚC TRỖ HOA TRÁI MÙA
Trần-Đăng Hồng, PhD
|
Nông dân Việt Nam trồng hoa kiểng dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay từ ông bà, cha truyền con nối. Trồng hoa bán trong dịp Tết âm lịch ở các tỉnh miền Nam là một ví dụ. Nông dân các tỉnh Tiền Giang, nhất là vùng Sa Đéc, có kinh nghiệm trồng hoa Tết như Cúc và Vạn Thọ trổ hoa đúng vào dịp Tết. Kỹ thuật này dựa vào kinh nghiệm chứ chưa dựa vào kiến thức khoa học kỹ thuật. Chẳng hạng, để sản xuất chậu hoa Cúc bán vào dịp Tết, với giống hoa Cúc dài ngày như giống cúc Mâm Xôi, nông dân vùng Chợ Lách bắt đầu giâm cành cúc khoảng 6 tháng trước Tết, vào thời gian mồng 6-10 tháng 6 ÂL với đọt cúc có 5 lá (gọi là cơi đọt) hay khoảng 24-30/6 ÂL với đọt 4 lá, và khoảng 20 ngày sau thì trồng vào chậu hay giỏ tre. Với các giống Cúc ngắn ngày, như cúc Đài Loan, cúc Tiger thì giâm cành trễ hơn, vào khoảng 15/8 ÂL, khoảng 2 tuần sau thì mọc rễ, và trồng vào chậu trong khoảng 01-15/9 ÂL. Đối với các giống Cúc thật ngắn ngày như Cúc Vạn Thọ Sa Đéc, thì trồng vào khoảng 15/10 ÂL. Trồng như vậy, trong thời tiết bình thường thì cúc trổ hoa đầu vào khoảng 20/12 ÂL và nở rộ trong thời gian tết. Để chậu cúc có nhiều hoa, sau khi trồng 2-3 tuần thì bấm ngọn để cây mọc nhiều cành. Việc trồng hoa cúc theo ngày tháng thời vụ này hoàn toàn tùy thuộc vào thời tiết, mà thời tiết thì không năm nào giống năm nào. Cũng dựa theo kinh nghiệm, nếu năm nào thấy hoa Cúc có dấu hiệu sẽ nở sớm hơn thì nông dân bón nhiều phân đạm, bớt tưới để trì hoãn việc nở hoa. Nếu năm nào thấy hoa sẽ nở trễ (sau Tết) thì họ thúc hoa nở sớm hơn bằng cách tưới nước ấm vào gốc, v.v. Tóm lại, đó chỉ là kinh nghiệm cá nhân ở một địa phương. Kinh nghiệm ở địa phương này không áp dụng được ở một địa phương khác, nhất là nơi có khác biệt nhiều về vĩ tuyến. Kinh nghiệm của bác nông dân ở Sa Đéc có thể áp dụng ở Mỹ Tho, hay Hóc Môn, vì cùng chung vỉ tuyến, nhưng không áp dụng được ở đồng bằng sông Hồng, vì cách biệt quá lớn về khí hậu qua cách biệt vĩ tuyến.
Chẳng hạn từ Nha Trang trở ra Bắc, cũng trồng giống cúc 4 tháng (từ trồng đến Tết), nhưng sau khi trồng, để có nhiều hoa đúng tết, nông dân phải thắp thêm đèn.
Tại Nha Trang (Vỉ tuyến 12º25N), thời gian thắp thêm đèn là 30 ngày sau khi trồng, sau đó là để tự nhiên, không có đèn trong 60-90 ngày.
Tại Tuy Hòa (vĩ tuyến 13ºN), thời gian không đèn là 50-60 ngày trước tết.
Tại Hà Nội (Vĩ tuyến 20ºN), thời gian không đèn là 50 ngày trước tết.
Sinh học về nở hoa ở Cúc.
Đa số cúc trồng thuộc loài Chrysanthemum morifolium nguồn gốc Á Châu, được canh tác làm hoa kiểng ở Tàu từ 2000 năm nay, và cúc được lan truyền khắp thế giới vì hoa đẹp và dễ trồng. Có 2 yếu tố chính để cúc ra hoa là nhật kỳ (photoperiod, thời gian ban-ngày, day-length), và nhiệt độ. Các yếu tố khác như ẩm độ đất và dinh dưỡng cũng phụ họa giúp việc ra hoa nhưng không giữ vai trò thiết yếu.
Ảnh hưởng của thời gian ban-ngày. Cúc thuộc loại đoản-quang-kỳ, tức chỉ ra hoa vào mùa có thời gian ban-ngày ngắn. Vì Trái Đất tự quay quanh trục của mình theo chu kỳ 24 giờ nên có ngày và đêm, di chuyển trên quỹ đạo quanh Mặt Trời theo chu kỳ 365 ngày tạo ra một năm, quỹ đạo này hình bầu dục (ellipse) khi xa khi gần Mặt Trời nên tạo ra 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông. Ngoài ra, khi quay trục trái đất cũng nghiêng ngả định kỳ một góc 23º48’ nên tạo ra ngày dài, ngắn khác nhau theo mùa. Tại Xích đạo, ngày và đêm (thời gian từ lúc mặt trời mọc đến lặn) dài bằng nhau, suốt năm. Ở các vỉ độ Bắc, vào ngày Xuân phân (21/3, March equinox) và Thu phân (21/9, September equinox) ngày và đêm dài bằng nhau (12 giờ). Sau Xuân phân ngày dài dần (hơn 12 giờ) đến tối đa vào ngày 21/6 (Hạ chí, June solstice), sau Hạ chí ngày ngắn dần, và vào Thu Phân ngày và đêm dài bằng nhau, và ngày ngắn nhất trong năm xảy vào 22/12 (Đông chí, December solstice). Sau ngày này, ngày bắt đầu dài lại (Bảng 1). Ngày ở đây (trong Bảng 1) được tính là thời gian từ lúc mặt trời mọc đến lặn (sunrise/sunset). Ban-ngày ở trong bài này được định nghĩa là thời gian có ánh sáng mà mắt ta thấy được mọi vật khá rõ ràng, chụp ảnh không cần thiết có đèn chớp sáng, và ánh sáng đó vừa bắt đầu có ảnh hưởng vào hoạt động của sắc tố thực vật. Cường độ ánh sáng đó khoảng 2 ft-c (= 21,5 lux). Thời gian ban-ngày được tính từ lúc mặt trời ở dưới chân trời một góc 6º trước khi mọc và sau khi lặn, lúc này mặt đất chưa nhận đước ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, mà nhận gián tiếp từ ánh sáng chiếu lên bầu trời rồi phản chiếu xuống mặt đất (civil twilight). Vì vậy, thời gian ban-ngày dài hơn thời gian ngày (Bảng 2).
Bảng 1. Biến đổi thời gian ngày, kể từ lúc mặt trời mọc đến lặn (giờ. phút) theo vỉ độ Bắc
Bảng 2. Biến đổi thời gian ban-ngày (daylength, giờ.phút) tính luôn cả thời gian có ánh sáng trước khi mặt trời mọc và sau khi lặn (civil twilight), tức lúc mặt trời còn ở dưới chân trời một góc 6º, ở các địa điểm khác kinh tuyến và vỉ tuyến. Nguồn: http://aa.usno.navy.mil/data/docs/RS_OneYear.php
Cúc chỉ ra nụ hoa và trổ hoa vào mùa có thời-gian-ban-ngày ngắn (short day-length), hay đúng khoa học hơn là thời gian ban-đêm dài (long night-length). Cúc bắt đầu khởi động kết nụ hoa và trổ hoa khi thời gian ban-ngày nhỏ hơn nhật-kỳ tới-hạn (critical photoperiod). Theo thời gian vận chuyển theo mùa trong năm, ban-ngày dài nhất là vào ngày hạ chí (21/6 dương lịch) (Bảng 2). Sau ngày này, thời gian ban-ngày ngắn dần, tới một ngày nào đó cây cúc bắt đầu khởi động kết nụ hoa, thời gian ban-ngày của ngày đó chính là thời gian nhật-kỳ tới-hạn.
Về bản chất phản ứng với thời gian ban-ngày, cây cúc cần tới 2 nhật-kỳ tới-hạn; một cần thiết cho phát động ra nụ hoa, tiếp theo là một nhật-kỳ tới-hạn thứ nhì giúp nụ hoa phát triển và hoa nở. Trong tự nhiên, cây trải qua nhật kỳ tới-hạn thứ nhất rồi kế tiếp là nhật-kỳ tới-hạn thứ hai, nên cúc tạo nụ hoa rồi hoa nở. Nếu vì một lý do nào đó (như thắp đèn) thời gian ban-ngày cao hơn nhật-kỳ tới-hạn 2, hoa cúc duy trì nụ mà không trổ thành hoa.
Bảng 3. Phân loại nhóm giống dựa vào phản ứng với thời gian ban-ngày có nhiệt độ 18-20ºC
Dựa vào thời gian kể từ lúc gặp ban-ngày ngắn tới lúc hoa trổ, cúc được phân loại thành 5 nhóm giống từ “rất sớm” đến “rất muộn”. Có lẽ, giống Cúc Mâm Xôi (gốc Nhật) thuộc nhóm “muộn”, còn giống “Cúc Sa Đéc” là giống “sớm”. Đa số các giống cúc trồng ở Việt Nam và Thái Lan thuộc nhóm giống Sớm hay Lở, 8 đến 10 tuần sau khi gặp ban-ngày ngắn thì hoa nở. Cành cúc giâm có 4-5 lá là lúc bắt đầu cảm nhận được thời gian ban-ngày. Các giống cúc từ “rất sớm” đến “muộn” đều ra hoa quanh năm khi trồng ở Việt Nam, vì thời gian ban-ngày trên khắp lãnh thổ Việt Nam đều ngắn hơn nhật-kỳ tới hạn để ra nụ hoa (13-16 giờ) và để nở hoa (12 - 13 giờ 45 phút) (Bảng 2), vì thời gian ban-ngày dài nhất là 14 giờ 15 phút ở Hà Nội vào ngày 21/6 dương lịch (Bảng 2).
Tại đồng bằng Cửu Long, giống “rất muộn” không ra hoa khi trồng ngoài vườn, vì không có ban-ngày ngắn hơn 11 giờ (Bảng 2). Muốn trồng được giống “rất muộn” này ta phải dùng màn đen che ánh sáng 4 giờ (từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối) để thời gian có ánh sáng dưới 11 giờ.
Cũng tại đồng bằng Cửu Long, giống “muộn” như giống Mâm Xôi thường được giâm cành vào giữa tháng 6 ÂL, tức khoảng giữa tháng 7 DL, lúc thời gian ban-ngày khoảng 13 giờ 27 phút (Bảng 2), cao hơn nhật kỳ tới hạn (11 giờ), nên cây cúc tăng trưởng và chưa phát động ra nụ hoa. Cây tăng trưởng cho tới khoảng 1/9 DL, lúc ban-ngày <13 giờ (Bảng 2) tức nhỏ hơn nhật kỳ tới hạn của giống muộn (Bảng 3), cây bắt đầu phát động nụ hoa, và hoa nở vào khoảng cuối tháng 1 đầu 2 DL, tức khoảng Tết nguyên đán.
Còn các giống “rất sớm”, “sớm” và “lỡ” thì trồng ra hoa quanh năm nếu có nhiệt độ không cao quá 30°C.
Tuy nhiên, nếu giống “rất sớm” của Việt Nam đem trồng ngoài vườn ở London (vỉ độ 51°N) thì khoảng ngày 12/8 DL cây bắt đầu phát động tạo nụ hoa, vì có thời gian ban-ngày khoảng 15 giờ 50 phút (Bảng 2), tức nhỏ hơn nhật kỳ tới-hạn 16 giờ để ra nụ hoa, và vào ngày 15/9 cây bắt đầu phát động việc nở hoa, vì vào ngày này thời gian ban-ngày là 13 giờ 45 phút (Bảng 2), bằng nhật kỳ trổ hoa (Bảng 3). Trong điều kiện này, cúc trổ hoa sau 8 tuần gặp ban-ngày ngắn tức vào khoảng 12/10 DL.
Còn giống “Rất muộn” trồng ở London, dựa vào Bảng 2, ngày phát động rạ nụ hoa, phát động nở hoa, và ngày trổ hoa lần lượt là 23/10, 16/11 và 15/12 dương lịch, nhưng cây cúc có thẻ sẽ bị chết vì lạnh vào đầu tháng 12. Vì vậy phải trồng trong nhà kính.
Tuy nói cây Cúc phát động ra hoa bởi (ban) ngày ngắn, nhưng thật sự là bởi thời gian ban-đêm dài, tức là thời gian hoàn toàn tối của đêm. Lá cây nhạy cảm với thời gian của ngày, và dùng thời gian ban-ngày, đúng hơn là thời gian ban-đêm, làm lịch. Lá cây xử dụng một sắc tố protein-nhận-màu (photoreceptor protein) như sắc tố (phytochrome) Pr, Pfr, nhạy cảm với tia đỏ (Red viết tắt R, độ dài sóng 660 nm) và tia hồng-ngoại (Far-Red, viết tắt FR, độ dài sóng 730 nm) của ánh sáng. Ánh sáng mặt trời (ban ngày) chứa nhiều R hơn FR. Sắc tố Pr khi nhận R thì biến thành Pfr, vì vậy khi mặt trời lặn, lá cây mang sắc tố Pfr. Ngược lại, khi lá nhận ánh sáng giàu tia FR thì biến thành Pr. Sắc tố Pfr không bền vững, sau 4 giờ trong bóng tối, Pfr bắt đầu tự động biến thành Pr (mặc dầu không có nhân tia FR). Sắc tố Pr được tạo nhiều hơn nếu ban-đêm dài hơn ban-ngày. Sắc tố Pr cần thiết để kích động bộ máy di-truyền điều khiển việc tạo hoa. Mặc dầu thuộc ban-ngày ngắn, thí dụ 9 giờ 10 phút tại London vào ngày 21/12, nhưng nếu trong ban-đêm (dài 15 giờ 50 phút), ta thắp đèn cung cấp ánh sáng giàu tia R (như đèn bóng) trong 4 giờ, thì sau 24 giờ, thời gian có ánh sáng giàu tia R tổng cộng là 13 giờ 10 phút (9g 10 + 4 giờ), còn tổng số giờ ban-đêm chỉ còn 10 giờ 50 phút, sắc tố Pr biến thành Pfr, cản trở việc phát hoa, cây cúc sinh trưởng tốt nhưng không tạo hoa. Ngược lại, vào ngày hạ chí (21/6), ban-ngày ở London dài 18 giờ 4 phút (Bảng 2), cúc không tạo hoa được, vì quá cao so với nhật kỳ tới hạn (Bảng 3). Tuy nhiên, nếu che tối hoàn toàn cây cúc khoảng 4-5 giờ mỗi ngày, thời gian ban-ngày nhỏ hơn nhật kỳ tới hạn, cúc sẽ cho hoa.
Vì vậy, Cúc có thể trồng quanh năm trong vườn ở Việt Nam để cho hoa quanh năm. Ngược lại, ở các nước ôn đới, hoa cúc cũng có bán quanh năm, nhưng cây cúc được canh tác trong các điều kiện kiểm soát chặt chẻ về thời gian ban-ngày và nhiệt độ trong nhà kính. Trồng ngoài vườn, cúc chỉ có hoa vào cuối Thu mà thôi.
Ảnh hưởng của nhiệt độ
Trong thời gian áp dụng ngày dài, nhiệt độ tối hảo để cây cúc tăng trưởng là 20° - 22°C, nhiệt độ cao hơn hay thấp hơn nhiệt độ này làm giảm sự tăng trưởng, nhưng không ảnh hưởng đến việc ra hoa sớm hay muộn.
Cúc tượng nụ hoa trong vòng 10 ngày sau khi gặp ngày ngắn, và hoàn toàn phát triễn, mắt thấy rõ được, sau khi gặp ngày ngắn được 28 ngày. Sau ngày này, nụ hoa tiếp tục phát triển trổ hoa dầu gặp ngày dài hay ngắn. Việc điều chỉnh ra hoa sớm hay trể hơn tùy thuộc vào nhiệt độ.
Nhiệt độ thích hợp nhất cho cúc trổ hoa là 17 - 22°C trong thời gian áp dụng ngày ngắn. Nhiệt độ cao hơn hay thấp hơn nhiệt độ này đều làm trì hoãn việc ra nụ hoa và nở hoa (Hình 1). Nếu nhiệt độ giảm từ 17°C xuống 13°C hoa trổ trể hơn từ 5 đến 56 ngày tùy giống. Tăng nhiệt độ càng quá 24°C thì càng trì hoãn việc tạo vả trổ hoa. Giống thích hợp xứ lạnh thường ít trể khi nhiệt độ giảm dưới 18°C, nhưng trể nhiều khi gia tăng nhiệt độ cao hơn (như giống C). Ngược lại, giống cúc thích hợp vùng nhiệt đới, trổ hoa rất trể khi gặp nhiệt độ lạnh, nhưng chỉ trể khi tăng nhiệt độ cao quá 30°C (như giống A).
Một khi nụ hoa có đường kính khoảng 2,5 mm (mắt thấy rõ), thì nhiệt độ từ 14°C đến 23°C không có ảnh hưởng gì đến việc trổ sớm hay trễ. Nhiệt độ từ 27° đến 34°C không những làm đình trệ việc ra hoa mà còn cho hoa nhỏ hơn, có màu nhạt và phẩm chất xấu. Nhiệt độ cao xảy ra trong vòng 2 tuần sau khi gặp ngày ngắn thì có ảnh hưởng làm trổ bông trể hơn là khi gặp nhiệt độ cao sau thời kỳ này.
Các giống Cúc sớm thích hợp ở Đà Lạt nếu đem trồng ở đồng bằng Cửu Long sẽ trở thành lở hay muộn vì có thời gian dài hơn để trổ hoa vì ảnh hưởng của nhiệt độ cao ở đồng bằng.
Hình 1. Ảnh hưởng của nhiệt độ vào thời gian từ lúc áp dụng ngày ngắn (<12 giờ/ngày) đến lúc trổ hoa ở 3 giống cúc. Giống A thích hợp vùng nhiệt đới, Giống C vùng ôn đới.
Khả năng trồng hoa Cúc quanh năm ở đồng bằng Cửu Long?
Hai yếu chánh để trồng hoa cúc thành công là thời gian ban-ngày và nhiệt độ trong mùa trồng.
Việt Nam hội đủ điều kiện về thời gian ban-ngày để canh tác hoa cúc quanh năm, vì thời gian ban-ngày (Bảng 2) lúc nào cũng nhỏ hơn nhật kỳ tới hạn (Bảng 3) để tạo nụ hoa và hoa nở (nên không cần che tối). Tuy nhiên, nhiệt độ là một yếu tố giới hạn để trồng cúc ở đồng bằng trong mùa hè.
Tại Việt Nam, cúc có thể trồng quanh năm ở cao nguyên như Đà Lạt, Sapa vì nhiệt độ mùa hè khoảng 20°C, và mùa đông khoảng 12-15°C, điều kiện rất lý tưởng cho cúc.
Tại đồng bằng Cửu Long, nông dân chỉ trồng Cúc cho dịp Tết nguyên đán, vì có nhiệt độ tương đối mát, trung bình 25,8 °C, lạnh nhất trung bình 18,1°C, và nóng nhất 33,6°C trong thời gian canh tác 4 tháng từ tháng 11 đến tháng 2 dương lịch (Bảng 4). Ngoại trừ giống Cúc Sa Đéc được tuyển chọn lâu đời thích hợp cho địa phương, đa số nông dân mua giống cúc từ Đà Lạt vốn có nguồn gốc ôn đới (Nhật Bản, Hà Lan), không thích hợp mấy cho vùng đồng bằng nếu muốn sản xuất hoa bán trong mùa hè. Nông dân cần du nhập các giống thích hợp nhiệt độ cao đã được tuyển chọn và canh tác ở Hoa Kỳ, Thái Lan, Mã Lai hay Ấn Độ. Chẳng hạn giống ‘Kaa Luoh-Lii’ và ‘Hisao Hung-Niang’ ở Đài Loan có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao như nhiệt độ 30/25°C (ngày/đêm).
Bảng 4. Nhiệt độ (°C) trung bình hàng tháng tại Cần Thơ (1978-2004). Thời gian trồng cúc (tháng 9 hay 10) để bán vào dịp Tết (tháng 1, 2 năm sau, màu vàng).
Để có chậu cúc trổ đều cùng lúc, ta phải áp dụng kỹ thuật dựa vào sinh học. Cắt cành giâm thường có 4-6 lá, tức là lúc cây cúc con bắt đầu cảm nhiễm sắc tố của ánh sáng, mà ban-ngày ở đồng bằng Cửu Long (13 giờ 32 - 12 giờ 16; Bảng 2) lúc nào cũng nhỏ hơn nhật kỳ tới hạn đối với các giống từ “rất sớm” (16 giờ) đến “muộn” (13 giờ) (Bảng 3). Như vậy, cành giâm 4-5 lá vừa tăng trưởng vừa trổ nụ, làm giảm sức tăng trưởng đồng thời nụ hoa lớn nhỏ khác nhau, nên không trổ đồng loạt, làm cúc mất giá trị thương mại.
Để giúp cây sau khi giâm và trồng vào chậu chỉ tăng trưởng (chiều cao, nhiều cành bậc 1, bậc 2, v.v.) mà không ra nụ hoa, ta áp dụng hoặc làm thời gian ban-ngày dài hơn 15 giờ (cao hơn nhật kỳ tới hạn), hoặc phá ban-đêm thành 2 đêm ngắn (night break lighting).
Tạo ban-ngày dài hơn nhật kỳ tới hạn: Một khi cung cấp được cường độ ánh sáng tối thiểu 10 ft-c (=107 lux) tại ngọn cây cúc, thì nguồn đèn chiếu sáng nào cũng được: đèn bóng tungsten (incandescent), đèn ống phát quang (fluorescent lamps), đèn sodium cao áp (high-pressure sodium), hay đèn metal halide. Nông dân thường thích thấp đèn bóng tungsten vì rẽ tiền, để mắc điện, nhưng loại đèn này cho nhiều tia hồng-ngoại FR làm cây cúc mọc thân cao hơn, và không hữu hiệu biến điện ra ánh sáng và sinh nhiệt cao hơn các loại đèn khác.
Tạo ban ngày dài bằng cách thắp đèn vào đầu hôm, trước khi mặt trời lặn cho tới 9-10 giờ tối, hoặc từ 3 giờ sáng cho tới mặt trời mọc, để tổng cộng thời gian có ánh sáng liên tục trên 16 giờ.
Phá ban đêm. Thắp đèn giữa đêm, từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng, để biến đêm dài thành 2 đêm ngắn (night interruption lighting hay night break lighting), thành một ban-ngày dài hơn nhật kỳ tới hạn, cúc chỉ tăng trưởng mà không tạo hoa.
Thời gian tạo ban-ngày dài trong bao lâu tùy thuộc vào sở thích là muốn cây cúc có kích thước lớn hay nhỏ, có nhiều cành hay ít, nghĩa là sau này có nhiều hoa hay ít. Thông thường thời gian chiếu đèn khoảng 4 tuần lể, trong thời gian này cần bấm đọt để cây mọc nhiều nhánh. Sau đó, tắt đèn (tạo ngày ngắn) cho cây phát triển trong điều kiện tự nhiên để phát động tạo nụ hoa, cúc sẽ cho nụ hoa to (đường kính 2mm) trong vòng một tháng, và một tháng sau là hoa nở rộ. Như vậy, thời gian từ tắt đèn đến trổ hoa là 2 tháng nếu trời mát lạnh (20-22°C), hay 75-80 ngày nếu trời nóng (>27°C). Dĩ nhiên cần thí nghiệm vài năm mới có kinh nghiệm về một giống mới, ở một địa phương và thời kỳ trồng cúc trong năm để cúc trổ hoa rộ vào ngày mong muốn (ngày rằm, mồng một hàng tháng, v.v.).
Reading, 1/2015.
Trần-Đăng Hồng, PhD