.
  Xuân xưa hương vị cũ
 




Ngày xửa ngày xưa, nằm trong xã An Khánh thuộc tỉnh Vĩnh Long, bên cạnh dòng sông nhỏ, có một gia đình nọ… 
 
Buổi sáng hôm ấy, trong căn nhà nầy, ai nấy cũng đều có nét sinh hoạt khác thường hơn những ngày trước đó. Chẳng hạn như từ sớm, trời hãy còn tờ mờ sương, dượng Hai đã lội bộ ra sau vườn để lo thức ăn của cả ngày cho đàn vịt trứng. Thường thì mỗi sáng, chờ cho có chút nắng lên, dượng mới mở cổng chuồng cho tụi nó tự do bơi lội ra đồng tìm mồi. Đến khi trời chiều sắp tối, cả đàn chúng nó cũng biết quác quác, quạc quạc tìm đường về chốn cũ. Lúc đó, dượng Hai chỉ cần đi ra lùa chúng vào chuồng rồi đóng lại cổng. 
Còn ở nhà bếp; lúc nầy ngọn đèn dầu nơi đó vẫn chưa đủ sáng, và mặt trời ngoài kia hãy còn chưa tỉnh giấc; dì Hai đã lúi húi lục lọi trong bếp không biết tự bao giờ. Chiều hôm trước, dì đã tự tay xây gạo thành bột. Sáng sớm hôm nay thì lại pha bột vào trong những cái diệm, lớn nhỏ khác nhau. Cái công thức từ thời cha sanh mẹ đẻ truyền lại, thì cứ như thế mà dì mang ra pha trộn trông thật dễ dàng. Bột gạo trộn với chút bột năng; nước đường hòa với nước cốt dừa, pha thêm chút ít sữa. Kèm theo là mớ mè trắng đã rang, dì để riêng trong túi được túm lại bằng mảnh lá chuối. Dì phải chuẩn bị xong mọi thứ vật liệu nầy, để hôm nay dượng Hai cùng ba đứa con đem ra chợ, nhờ người ta ở đó gia công tráng thành vài loại bánh tráng mang về.          
          Nhắc đến những người khác, là nhớ ngay tới hai đứa nhỏ nhất ở trong nhà. Mỗi sáng, thường phải bị đánh thức ba lần, bốn lượt thì thằng bé Ba, với thằng bé Tư mới chịu chui ra khỏi mùng để ngồi... ngáp tiếp. Thế mà sáng sớm hôm nay; không cần ai phải lên tiếng, hai đứa tụi nó đã tự động nhảy ra khỏi giường khi nào mà cũng chẳng ai biết. Thằng bé Ba thì chưa đi học, nhưng cũng sắp tới tuổi phải đến trường. Hai đứa tụi nó còn con nít ham chơi, cho nên suốt ngày có bao giờ chịu ngồi yên ở một chỗ nào đâu. Ngày hai buổi, hai đứa chỉ biết co duỗi cặp chân ốm như thân sậy, để chạy long nhông trong đồng, ngoài rẫy thả diều, đuổi chim hay bắt dế. Hôm nay, hai đứa lại mặc sẳn áo quần trông tươm tất lắm; lại còn xỏ vô chân đôi dép nhựa, để rồi cũng chỉ lang thang, quanh quẩn khắp gian giữa sân trong nhà. Hai đứa thay phiên lấp ló đầu nhìn ra cửa sổ, hướng mắt tới cổng rào bên ngoài, rồi lại chạy vào thầm thì báo cáo chuyện với nhau. 
          Từ trong bếp, trông thấy hai đứa nhỏ, dì Hai lên tiếng hỏi:
          -“Hai đứa tụi bây làm cái gì mà lăng xăng từ sáng đến giờ? Anh Hai của tụi bây đã thức chưa? Sao chưa thấy nó ra tiếp tay với tía mầy?”
          Bé Tư nhanh miệng nói to:
          -“Anh Hai, ảnh thức lâu rồi…nhưng mà ảnh còn bận…”
          Rồi đột nhiên, nó lại hạ thấp giọng để thủ thỉ với đứa anh kế, hy vọng thằng anh lớn đang đứng soi gương ở trong kia, không nghe được. Bé Tư thì thầm:
          - “…Ảnh bận lí le ở trỏng.”
          Hai đứa trớn to mắt nhìn nhau, bụm miệng che lại bộ răng trống cửa, hở gió của mình cười khúc khích, rồi cùng chạy tọt ra cửa; con chó Vàng trong nhà cũng nhanh chân đuổi bước. Bên ngoài, ánh bình minh đã bắt đầu ló dạng.
          Còn thằng bé Hai, đứa con trai lớn của gia đình, ngay lúc đó cũng từ trong gian nhà bên phải chạy nhanh vào bếp hỏi:
          -“Má cần tui tiếp cái gì vậy?”
          -“Mầy có rãnh tay thì mang mấy cái diệm bột nầy xuống ghe trước. Cái diệm lớn này thì mang ra đó, nhờ bà Sáu tráng bánh tráng sữa. Còn cái diệm nhỏ kia thì tráng bánh ngọt cuốn dừa để cả nhà ăn trưa. Túi mè nầy thì cũng đã rang sẳn rồi. Còn phần nầy là thịt tôm bầm xào với củ hành, chờ nó nguội đi một chút thì bao lại trong lá chuối, mầy cũng nhớ mang theo luôn. Nhớ nhờ người ta ở đó tiện tay tráng thành bánh ướt, dầy một chút, rồi bỏ nhưn thịt tôm nầy vô để ăn chiều. Chai nước mắm pha sẳn cũng ở đây nè…Mầy coi mà dọn hết những thứ nầy xuống ghe. Chút nữa chú Ba tới thì đi liền… để rồi chiều còn dzìa cho kịp con nước.”
          -“Ừ! Má để hết ở đó cho tui đi. Tui ra liền.”
          Nó trả lời như thế xong, lại chạy ngược về phòng để nhìn gương thêm một lần nữa. Hôm nay, nếu nhìn kỹ thì quả thật thằng này có nét gì đó khác biệt hơn những ngày trước nhiều lắm. Thấy nó không còn giống như thằng Cu Đen của ngày nào. 
          Thường thì sau khi tan trường về tới nhà, thằng Cu Đen vẫn khoái đi chân đất chung với cái quần xà lỏn bạc màu. Nó cũng rất thoải mái để mình trần đen như than trong mùa hè; nhưng nếu phải cần thì mới chịu cộng thêm chiếc áo ngắn tay lòi rún, lúc vào đông. Khoảng thời gian còn lại trong ngày sau đó, nếu không thấy nó đang chạy ra sông giăng câu bắt cá, thì cũng là lúc đó, nó cũng đang bận cầm ná bắn chim. 
          Thế mà sáng nay thì lạ lắm. Nó dám tròng vào người cái áo trắng dài tay còn mới; mặc thêm cái quần dài, vải đen của năm trước; cho dầu đôi ống quần có cao hơn mắt cá chân một chút, nhưng cũng vẫn còn mới. Mái tóc đen dài, ướt nước, được chải tém rõ hàng riêng biệt qua hai bên. Cộng thêm với đôi dép Nhật mang vào, tuy có hơi chật một ít, nhưng cũng còn dính chặt được dưới bàn chân. Hôm nay, nếu nhìn kỹ vào gương sẽ thấy rõ ràng, có một đứa học trò nam của trường tiểu học Cái Tàu Hạ đang đứng ở trong đó. Tên của nó là Phan Tấn Thành, chớ không phải là thằng Cu Đen hay Bồ Câu Trắng gì nữa cả.
 
           Đang lững thững ở ngoài sân, bổng dưng hai đứa nhỏ lại mừng rỡ chạy nhanh vào, tranh nhau dành báo cáo:
          -“Chú Ba tới rồi! Chú Ba tới rồi!”
          Từ trong phòng, bé Hai cũng nghe được tin nên nhanh chân chạy vội vào bếp, xách lên tay những vật liệu mà khi nãy má nó đã nói phải mang hết xuống ghe. 
Bên ngoài cổng rào, trước cửa nhà có một con sông nhỏ nước chầm chậm chảy vào. Chờ cho chiếc xuồng của mình dừng lại một bên an toàn, rồi tìm chỗ cột lại đàng hoàng; chú Ba của tụi nó, miệng đang ngậm điếu thuốc rê chưa đốt bước lên sân. Trông thấy thằng bé Hai cũng vừa từ trong ghe chuẩn bị bước ra, chú Ba cũng phải trừng mắt đứng lại nhìn, rồi ngạc nhiên nói:
          -“Mèn đét ơi! Mầy đó hả Cu Đen? Suýt chút nữa là tao nhìn không ra mầy rồi đó. Hôm nay mầy đi đâu mà ăn mặc coi có vẻ bảnh bao quá vậy? Bộ tía mầy định đi hỏi vợ cho mầy đó hả?” 
          Chú Ba đang cố tình chọc phá đứa cháu của mình; còn hai thằng em của nó thì cũng nhân cơ hội này mà nhảy vào ăn ké:
          -“Đúng rồi đó chú Ba. Anh Hai hôm nay ảnh đi hỏi vợ.”
          Bé Hai mắc cở đỏ ra mặt. Con trai ở tuổi mười hai thì ai cũng như vậy đó mà. Nó lườm mắt nhìn hai đứa em, rồi lắc đầu đính chánh với chú:
          -“Đâu có đâu chú! Tụi nó nói sạo. Bửa nay tui theo tía ra chợ. Má tui nói nhờ bà Sáu ở đó đổ bánh tráng đem về nhà ăn tết.” 
          Thằng Hai sau đó nhảy ngay ra khỏi ghe, rượt theo hai đứa em đang chạy nhanh vào nhà. Thằng bé Tư, với bé Ba vừa chạy vừa cười, tiếng vang như tiếng pháo:
          -“Má ơi má! Anh Hai… ảnh rượt tụi tui kià!”
*
*    *
          Hồi đó, cho dầu người ta đã sát nhập hai xã Phước Khánh với An Hồ, rồi đổi tên lại thành xã An Khánh; nhưng mà dân cư ở nơi đây khi đấy cũng không được đông đúc chi cho lắm. Vào thời đệ nhất cộng hòa, xã An Khánh nằm phía dưới xã Phú Hựu, cả hai đều thuộc về tỉnh Vĩnh Long. Cho đến khi sau này, thời đệ nhị cộng hòa mới xáp nhập hai xã nầy vào tỉnh Sa Đéc. Dân số sinh sống ở Phú Hựu thì đông hơn, lại có chợ lớn hơn với khá nhiều tiệm buôn bán nữa. 
          Hai xã chỉ cách nhau có khoảng bốn cây số đường chim bay. Nhưng mà từ An Khánh muốn đi ra tới Phú Hựu, phương tiện di chuyển duy nhất của lúc đó chỉ là xuồng bơi với ghe chèo. Những ai muốn đi đến đó nhanh, thì sẽ đón tàu đi ngang, hay ngồi theo đò chạy dọc; nhưng mà khoảng cách của con đường nước lại dài tới mười cây số hơn. 
          Một năm hay đôi ba tháng gì đó, ai có nhu cầu mua sắm, thì mới rũ nhau xử dụng tới những phương tiện nói trên để đến đây mua bán, hay trao đổi hàng hóa với nhau. 
 
          Mấy ngày qua tiết trời cũng đã vào cuối đông rồi. Thỉnh thoảng lại có một vài cơn gió chướng thổi tới, nhắc bà con ở đây, sớm muộn gì cũng nhớ ra chợ Phú Hựu, mua sắm thêm chút ít đồ đạc để mang về nhà chuẩn bị đón tết. Thuở ấy, sau khi bà con đã thu hoạch xong vụ lúa một mùa, thì tháng giêng ăn tết sau đó, quả thật là cái tháng ăn chơi của những người dân có xứ sở ở nơi nầy.
          Đêm đó, sau ngày đưa ông Táo về trời, trăng thì đã không tròn, nhưng sao vẫn chiếu sáng. Hàng xóm chung quanh nghe được tiếng chày nhịp cối của chú Năm Can, của cậu Sáu Dậu đang đập nếp non làm cốm dẹp ở trong nhà. Còn buổi chiều trước đó, lại là tiếng chày quết bánh phòng tôm, cũng đều đặn vang lên từ nhà của ông Tư Cần. Trong làng nầy, bà con chung quanh đây thường tự tay làm ra được những món ăn gì trong mấy ngày tết, thì cũng đều đem ra chia xẻ với nhau. 
          Vài bữa nữa thì sẽ có Cô Hai Nhàn, Cô Ba Hường, cùng Dì Út Thắm ở trong kia sẽ ra tay, trổ tài làm bánh, mứt. Nào là họ nướng bánh bông lan hột vịt, màu vàng tươi, mùi thơm phức. Nào là họ làm những sợi mứt dừa đủ màu ngọt lịm không kém, so với những miếng mứt chuối ngọt đậm đà cũng chẳng thua. Những viên kẹo me chua chua hơi nhăn mặt, cùng những miếng mứt gừng chỉ cay cay nóng lưỡi… cũng sẽ được phân chia đều cho mọi nhà. 
          Kể ra chỉ sơ sơ có bao nhiêu đó là nói ra chưa hết đâu. Còn phải nhắc tới nhà bà Cả ở ngoài nầy. Phải chờ đến ngày hai mươi chín, hay ba mươi, bà mới tụ tập vài phụ nữ quanh đây tới nhà để cùng ngồi gói bánh. Đêm đó thì sẽ có thêm mấy ông, mấy chú chịu thức khuya, luộc chín những đòn bánh tét, treo lên dàn tre cao cho ráo nước. Sau cùng thì họ đem bánh ra chia cho mỗi nhà một ít để cúng ông bà, và cũng để dành trong nhà từ từ ăn qua mấy ngày tết.
          Hai ngày trước, bà con láng giềng quanh đây cũng đã xúm nhau kéo tới nhà, giúp dượng Hai tát đìa bắt cá. Sau đó thì cũng đem ra chia phần với nhau. Ai bỏ công ra nhiều thì chia được nhiều, ai ra công ít thì lãnh ít; mà hình như là nhà nào cũng đều chia được cá để dành nấu nướng ăn tết. Phần chia của dượng Hai trong nhà thì cũng được phân rỏ ra. Đám cá lóc kia thì dượng cho bơi trong một cái khạp da bò; còn cái lu nọ nhỏ hơn, thì chứa đám lươn nằm yên trong đó. 
          Dì Hai của nhà nầy thì nấu nướng rất khéo tay. Ngoài những viên chè trôi nước của dì làm ra lại rất được nhiều người ủng hộ. Nhất là chú Ba, có thể ăn hết hai chục viên cùng một lúc. Còn có mấy nồi cháo vịt để đãi khách đến vui chơi trong ba đêm tết, dì nấu ăn ngon đến độ ai ăn xong cũng còn phải ghiền; và cái món thịt heo kho nước dừa tươi với trứng nữa, cũng khó có ai chê.
*
*    *
          Chú Ba là em ruột của dượng Hai. Chú chưa lập gia đình nên còn ở chung nhà với ông nội, cách đây cũng không xa. Hôm nay chú tình nguyện đến đây tiếp tay với anh mình, đi với ba thằng cháu trai, cùng nhau chèo ghe ra chợ lớn mua sắm thêm chút đồ đem về ăn tết.
          Dượng Hai vói tay lấy bịt thuốc rê để trên bàn thờ, bỏ vào một bên túi áo rồi đi ra. Trông thấy hai đứa nhỏ đang đứng lăng xăng chờ ở cửa, dượng nói ngay:
          -“Hai đứa tụi bây đi vô lấy thêm áo lạnh mang theo. Lúc nầy có gió chướng thổi rồi, cũng nên cẩn thận.”
          Hai đứa chạy nhanh vào trong phòng xách theo áo mang ra liền. Bé Hai đã ở trên ghe, cùng chú Ba sắp xếp lại đồ đạt trên đó cho gọn gàng. Sau khi mọi người đều đã lên ghe, dì Hai đứng trên bờ nói thêm:
          -“Tía nó nhớ, đi ra đó thấy có đôi dép nào coi được thì mua lại cho thằng Hai.”
          Bé Ba lên tiếng đòi ngay:
          -“Tui cũng muốn nữa.”
          Chú Ba nhìn bàn chân của anh em tụi nó rồi nói:
          -“Dép của mầy thì đâu cần phải mua. Đôi dép của anh Hai mầy coi cũng còn mới lắm, nó để lại thì tới phiên mầy mang. Còn đôi dép của mầy, cũng còn coi được, mầy để lại thì tới phiên thằng Tư mang.” 
          Thật ra thì trong lòng của bé Ba và bé Tư bây giờ, chúng nó có màn gì đến giầy dép mới cho mình vào lúc nầy. Hôm nay được dịp ra phố chợ đông, nhìn người qua lại là đủ vui rồi. Nhưng mà bây giờ thì hai đứa nó cũng bày đặt trề môi, làm ra vẻ thất vọng sau khi nghe chú mình giãi thích. 
          (Thường làm con nít thì có đứa nào mà không thích tết. Những ngày tết tụi nó được ăn uống đã đời. Được mang giầy dép mới vào chân. Được mặc quần áo mới vào người… để rồi thảnh thơi mà chạy ngược, chạy xuôi coi người ta đốt pháo. Hay là đôi khi tụi nó còn tự tay châm lén những viên pháo chuột dấu trong túi quần; nếu có bị ai thấy được, thì cũng chẳng có ai la. Một điều mà tụi nó khoái chí nhất, là còn được tiền lì xì bỏ trong cái áo ba túi nữa.)
          
          Nhìn con nước trên sông đã đứng chựng lại, chú Ba đề nghị: 
          -“Nước sông cũng sắp ‘ròng’ rồi, anh để tui lái.”
          Dượng Hai ừ nhanh một tiếng, móc gói thuốc rê vấn thành điếu đưa lên môi, đi ra phía trước mũi ghe ngồi đốt. Dượng định bụng một hồi mới ra tay chèo tiếp với người em ở phía trước nầy. Điếu thuốc của chú Ba thì đã tàn lửa từ lâu, nhưng chưa muốn ném bỏ, chú vẫn để dành mấp mấp trên môi. Ba anh em tụi nhỏ cũng đang ở trước mũi ghe ngồi nhìn sông với nước, dượng Hai lên tiếng cảnh giác:
          -“Mấy đứa đi vô trong kia ngồi đi. Sáng sớm ngồi ở ngoài nầy coi chừng gió lạnh. Rũi bị bịnh là khỏi được ăn tết đó nghen.”
          Hai đứa nhỏ kia ngoan ngoãn nghe theo lời, đi vào ngồi bên trong lòng ghe có mui che gió, ngoại trừ thằng anh lớn kia thì vẫn ở đó kèo nài:
          -“Tui không sợ lạnh. Tía cho tui ngồi ở ngoài nầy đi.”
          Bé Hai ngồi yên nơi chỗ cũ, mắt đăm đăm nhìn ra phía trước. Tía nó cũng ngồi yên nơi đó, hít vào một hơi thuốc rê, rồi nhả khói ra nhìn. 
 
          Từ nhà ra chợ phải chèo ghe theo con sông nhỏ này trước. Tới ngoài đầu nguồn thì mới chuyển qua vạt sông lớn, nhưng sau đó cũng theo dòng nước đang rút đi. Hòa nhịp cùng với tiếng sóng đang dạt dào vỗ vào hai bên mạn, chú Ba uyển chuyển đôi tay đưa mái chèo khuấy nước. Cứ mỗi lần đôi tay của chú dang ra đẩy tới, cặp chèo đang chìm sâu hòa theo nhịp quạt nước ra sau, chiếc ghe êm đềm lướt nhanh lên phía trước. 
          Ban nãy còn ẩn hiện chưa rõ bóng hình phía sau những tàn cây, nhưng chỉ trong trong khoảnh khắc thì bây giờ mặt trời đã ló dạng lên cao, lung linh khoe ánh thái dương của mình trên sóng nước. Vài tháng trước đó, cũng ở quanh đây vào mùa nước nổi. Hai bên con rạch này với những cánh đồng trống sau mùa gặt, đã biến thành những đám rừng hoang đầy bông điên điển, rực rỡ một màu vàng gay gắt dưới ánh nắng. Nhưng bây giờ thì rừng cây nơi đó vẫn còn kia, nhưng màu vàng ngày trước đã không còn nhìn thấy nữa. 
          Có thể trong lòng nó bây giờ cũng đang nôn nao chờ đón tết như hai đứa em, cho nên thằng bé Hai hôm nay đã quên đi những ngày cùng mẹ bơi xuồng trước đó. Những buổi sáng hôm ấy, trời cũng có gió hiu hiu thổi đều, sông cũng có sóng nước lăn tăn vỗ mạn. Chiếc xuồng nhỏ đã rẽ nước lao vào trong những đám hoa vàng, cho hai mẹ con vói tay hái đầy những đóa bông còn bum búp mang về nấu canh.
          Nhìn đến nơi kia, những hàng cây bần mọc xen lẩn trong những đám dừa nước cũng đang nhẹ gió rung cành; nhưng thằng Cu Đen trên ghe nầy, hôm nay cũng không buồn nhìn đến chúng. Hiện giờ thì nó cũng không nhớ đến hai thằng bạn láng giềng, Hùng Nhí cùng Tâm Ròm của mình nữa. Nó đã quên những buổi trưa, sau những trận mưa to của những ngày trước, ba đứa vẫn thường len lõi trong những bụi dừa nước, nhìn bọt để dậm chân theo bắt cá lia thia. Bây giờ thì trong lòng nó chỉ biết nôn nao, lo sao nếu phải gặp mặt con Cúc, con nhỏ học khác lớp nhưng lại cùng trường, cũng đang có mặt ở chợ Phú Hựu này ngày hôm nay?
*
*    *
                    Sau khi chiếc ghe được tấp vào một bên bờ rồi dừng yên, một miếng ván dài làm cầu nối từ sàn nhà phía sau của ông bà Sáu bắt tới ghe, cho mọi người trên đó dễ dàng lên xuống. Đồ đạc trên ghe sau đó cũng được chuyển hết lên sàn nhà. 
          Gia đình dượng Hai vốn quen biết với gia đình ông bà Sáu nơi nầy đã lâu lắm rồi. Năm nào sắp đến tết, dượng cũng mang những vật liệu nầy đến nhờ bà Sáu, cùng người nhà của bà ở nơi đây tráng bánh gia công. Cũng vì quen với nhau đã lâu, cho nên không cần hỏi thêm, bà Sáu cũng biết những vật liệu nầy sẽ làm thành những thứ gì sau đó. Bà Sáu nói:
          -“Đồ đạc thì tụi mầy để hết ở đó, chút nữa tao với hai đứa trong nhà sẽ bắt tay vô liền. Phải làm xong cho sớm để tụi mầy còn dzìa trỏng cho kịp con nước lớn. Còn bây giờ thì tía con tụi bây đi ra chợ, mua sắm cái gì đó thì mua. Tới trưa nhớ về ăn bánh cuốn dừa.”
          Thế là sau đó, cả cha con lẫn anh em, năm người, ai ai cũng được rộng rãi thời giờ để đi mua sắm, cùng ngắm nhìn người qua kẻ lại. Hai đứa nhỏ lăng xăng chạy theo hỏi:
          -“Bây gờ mình đi mua cái gì ở chợ vậy hả tía?”
          -“Thì đi mua mấy thứ mà má mầy đã dặn hồi tối hôm qua. Thằng Hai, mầy ngồi đó cũng có nghe. Mầy nhớ hết rồi hen. Còn tao thì chút nữa, mầy cũng nhớ nhắc tao mua bộ ‘Thoại Khanh, Châu Tuấn’ đem về treo trong nhà năm nay.” 
          Chú Ba thắc mắc:
          -“Trong nhà còn bộ ‘Phạm Công, Cúc Hoa’, anh mới mua hồi năm ngoái mà.” 
          -“Thì…nhìn nó hoài thấy cũng cũ rồi. Năm nay mua bộ mới đem về treo. Năm mới. Truyện mới.”
          Bé Hai cũng nhân cơ hội nầy nói chen vào:
          -“Lát nữa, tía cho tui mua luôn cuốn ‘Tình Anh Bán Chiếu’ nghen. Mua về để tui ca vọng cổ cho má nghe.
          Thằng bé Hai đang cố nài nĩ với tía nó, nhưng chú Ba nghe được lại lên tiếng cản:
          -“Mầy đòi mua cuốn đó làm cái gì. Tao thuộc lòng hết sáu câu trong bụng nè. Khi nào mầy muốn học, thì tao đọc lại cho mầy viết hết xuống.”
          -“Dài như vậy mà bắt viết lại, mõi tay chết luôn.”
          -“Không muốn viết thì ngồi nghe tao hát, rồi mầy bắt chước, học thuộc lòng theo. Dễ ợt hà.”
          Biết sẽ không đạt được ý nguyện của mình, bé Hai lại chuyển hướng:
          “Hay là…Tía cho tui mua bộ ‘Bầu Cua Cá Cọp’, vài bữa nữa về nhà lắc cho vui.”
          Dượng Hai nhìn nó cười, nói:
          -“Mầy đi học, thì lo đi học, ở đó mà lo lắc bầu cua, chơi cờ bạc làm cái gì chớ.”
          -“Thì…mỗi ngày tui vẫn đi học đàng hoàng mà tía. Lắc bầu cua cho vui ba ngày tết thôi. Mua về để chú Ba làm ‘Cái’. Nghe chú vừa lắc vừa ca vui lắm.”      
          Chú Ba cũng bật cười thành tiếng. Vừa đưa tay nhịp ngón chỉ vào đứa cháu, vừa nhìn người anh, chú phân bua:
          -“Đó! Anh coi đó. Nó lại muốn kéo tui vào tròng với nó rồi đó.” 
 
          Nhóm người nầy đi ngang qua một gian hàng bán dưa hấu. Nhìn thấy những quả dưa to, mẩu cắt trông đỏ ửng thật hấp dẫn, dượng Hai quay nhìn đứa con lớn hỏi:
          -“Hình như là má mầy quên nhắc tao mua dưa hấu phải không?”
          -“Có. Hồi nãy má có nói cho tui biết.”
          -“Vậy thì… lúc quày trở lại nhớ mua hai trái mang về. Chú Ba, mầy cũng mua luôn đi. Tao ngó thấy mấy trái dưa ở đây coi cũng được lắm đó.”
          -“Chút nữa quay trở lại tui cũng ôm hai trái về để trưng ở bàn thờ.”
          Bé Hai bắt đầu cảm thấy hơi rùn mình. Đi mua sắm tết theo kiểu này thì chắc phải… ôm mệt nghỉ. Đi tiếp thêm vài phút lại thấy gian hàng trưng hoa bán, chú Ba rũ dượng Hai:
          -“Lát nữa, lúc quay lại tui ghé mua hai chậu Cúc vàng, một bó Huệ trắng về trưng. Còn anh có muốn thì sẳn đó mua luôn đi”.
          -“Thì chắc tao cũng bưng về hai chậu bông Cúc.”
          Bé Hai nghe vậy thì trong lòng thật sự đã phát sợ, nói ngay:
          -“Còn phải đi mua thêm nhiều thứ đồ khác nữa, thì làm sao còn tay nào khiên về hết cho nổi hả tía?”
          Chú Ba cười nói:
          -“Tao biết mà. Mầy đang sợ phải bưng mấy chậu bông đó, sẽ làm dơ bộ quần áo đi hỏi vợ của mầy hôm nay rồi phải không? Mầy đừng lo. Sau khi mình đồng mua, người ta ở đó cũng giúp tay mang ra tới bến, rồi đưa xuống tận trên ghe cho mình luôn. Chịu chưa? Kể cả khi mua dưa hấu thì cũng y như vậy.”
          Nghe chú Ba nhắc tới bộ đồ ‘đi hỏi vợ’ đang mặc ở trên người, bé Hai mới chợt giật mình, dáo dát nhìn quanh. Suýt chút nữa thì nó đã quên; Không biết con Cúc kia, nó có đang ở chợ này hay không nữa? Bé Hai lại mong sao là đừng gặp được mặt nó ở nơi nầy hôm nay.
*
*    *
            Năm mươi năm sau, trong một thành phố nhỏ ở nơi đây, có một gia đình kia…
Ngoại trừ phải là ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, người ta mới có thể ngủ nướng thêm được một chút, hay dậy muộn thêm được một ít. Còn lại những ngày bình thường khác, sinh hoạt của những người trong gia đình nầy, dường như là ai nấy cũng đều bận rộn một cách rất bình thường trong một ngày…như mọi ngày. 
Hôm nay thứ năm, cũng là một ngày bình thường giữa tuần, mọi người trong gia đình nầy bắt đầu rời khỏi nhà từ sáng sớm. Vì phải đi làm ở một nơi cách đây cũng khá xa, và cũng muốn tránh nạn kẹt xe trên xa lộ, người đàn ông nơi đây đã tự lái xe đến hãng khi trời chưa hẳn sáng. Chiều về lại nhà thì phải làm ngược lại. Người đàn ông nầy đã ra xe của mình trễ hơn, để tránh giờ giao thông đang vào lúc cao điểm trước đó.
          Người phụ nữ, vợ của người đàn ông trong gia đình nầy thì cũng rời nhà kế tiếp. Tuy nhiên, vì cũng muốn tránh nạn giao thông trì trệ, và cũng muốn tham gia vào việc bảo vệ môi trường, cho nên người phụ nữ nầy đã chọn ngồi xe chung của hãng. Bởi mỗi sáng phải đi cùng với những nhân viên khác, thì sau giờ tan sở cũng phải về với nhau; cho nên mỗi chiều, khi mặt trời cũng phải gần xế bóng, người phụ nữ nầy mới về được tới nhà để chuẩn bị cơm nước. 
          Người con trai ở trong nhà. Người đàn ông nầy đã lập gia đình muộn, cho nên đứa con trai duy nhất, hiện là học sinh lớp mười hai của trường trung học trong thành phố, là người cuối cùng rời khỏi nhà trong ngày. Đứa nhỏ nầy vừa phải đến lớp vào buổi sáng, vừa phải tham gia vào đội thể thao của trường trong buổi chiều, cho nên khi mặt trời sắp lặn, cũng là lúc nó đang lội bộ từ trường sắp về đến nhà, sớm hơn cha nó một ít.
 
          Nhân viên phát thư quen thuộc của khu vực, trưa nay đi ngang qua đã để lại một gói quà nhỏ dưới cửa, ngoài nhà. Người đàn ông nầy vừa về đến, mở thùng chứa thư, mang ra những bao thư của ngày hôm nay trong đấy, rồi mới cúi người xuống nhặt quà. Tên của người nhận ghi trên phong bì lớn là Phan Tấn Thành và Bích Phượng, được gởi tới từ một người đồng nghiệp cũ. Người bạn nầy cũng đã từng phục vụ trong cùng một quân ngủ với người đàn ông nầy khi trước.
          Bích Phượng, tên của người phụ nữ ở trong bếp, đang chuẩn bị thức ăn cho cả nhà của buổi chiều hôm nay. Trông thấy chồng, Phan Tấn Thành, vừa mở cửa bước vào với đôi tay bận rộn nào thư với quà, nàng cất tiếng hỏi thăm:
          “-Anh mới về. Quà của ai gởi đến vậy?”
          -“Của anh Khiết. Không biết anh ấy đã gởi thứ gì bên trong túi này? Nhưng mà mấy hôm trước, anh ấy có nhắn tin qua Email báo; sẽ gởi tới cho gia đình mình một chút quà.”
          Phượng ngẩm nghĩ:
          -“Tháng trước, em có nghe anh nói là anh Khiết phải về bên ấy thăm mẹ. Bác gái tuổi cũng đã cao, lại không được khoẻ nhiều. Như vậy, chắc là anh ấy đã trở về lại bên nầy rồi. Không biết sức khỏe của bác ấy bên đó như thế nào nữa?”
          -“Khiết đã về lại hồi tuần trước. Má của ảnh ở bên đó cũng đã khoẻ nhiều.”
          -“Thế thì cũng mừng. Chắc là bác ấy đã nhớ thương anh Khiết nhiều lắm, cho nên sau khi gặp được mặt con thì bác khoẻ lại ngay. Nhưng sao anh Khiết không nán ở lại vui tết cùng mọi người bên đó?”
          Thành giải thích:
          -“Một năm đi làm thì ai cũng chỉ có được vài tuần lễ nghỉ phép. Sau đó còn phải trở về để tiếp tục công việc của mình nữa.”
          Phượng cũng đồng ý, nói tiếp:
          -“Năm nay lại là năm nhuần, cho nên tết của mình đến muộn so với tết tây hơn cả tháng. Mà…anh có biết không. Hôm nay cũng là ngày mùng một tết của mình rồi đó?” 
          Thành khẻ gật đầu. 
          Đúng theo dòng thời gian vẫn đang trôi, thì ngay thời điểm bây giờ, bên kia nửa vòng trái đất, hiện đang là buổi sáng của ngày mùng hai tết, năm Ất Mùi. Còn ở nơi đây, tháng giêng đầu tiên của một năm mới 2015 cũng đã chóng qua, và tháng hai kế tiếp thì đã đến hơn một nửa. 
Cẩn thận mở quà ra xem cùng với Phượng, Thành trông thấy hai xấp bánh tráng đã được bọc kín lại trong từng túi nhựa riêng biệt, với nhản hiệu và màu sắc quảng cáo khác nhau. 
Một túi thì bánh có màu xanh lá cây, hơi lạ mắt đối với anh; họ đặt tên của nó bên ngoài túi là ‘Bánh Tráng Sữa Lá Dứa’. Còn túi kia thì khá quen thuộc với màu trắng đục, họ gọi tên nó là ‘Bánh Tráng Sữa Dừa Béo’. Anh thầm nghĩ, bây giờ những sản phẩm nầy đều đã được công nghệ hóa cả.
          Nồi nước đang đun trên lò chợt phát ra tiếng ùn ùn sôi, Phượng nhanh chân quày về bếp. Thực hiện một bữa ăn tối cho gia đình, bằng những loại thức ăn dã chiến thật không khó khăn, Phượng cũng chẳng màng đến chồng phải vào bếp giúp tay. Thành yên lặng mang gói quà ra ngoài phòng khách ngồi nhìn. Anh trông kỹ vào những túi bánh nầy. Nó thật không giống như những xấp bánh tráng của ngày nào anh đã biết. 
          Ngày đó, bánh tráng sữa mà anh biết đã không có màu mè kiểu cọ, cũng chẳng được áo quần che thân; chúng cũng không được tròn trịa, và đồng đều cùng một hình dạng như hiện nay. Thời xa xưa đó, anh biết loại thức ăn nầy, thường xuất hiện vào những ngày cuối năm, và chỉ để dành ăn trong những ngày đón tết. 
          Đã bốn mươi năm xa nhà. Bốn mươi mùa xuân cũng đã quen đến với anh bằng tuyết, sương, cùng gió lạnh. Nơi đây, năm nào mà chẳng có mùa xuân đến; nhưng trong lòng của Thành, hình như tết thì đã không còn trở lại. 
          Thời gian xa cách với gia đình bên đó cũng đã quá lâu. Anh không còn nhớ mùi của những sợi mứt dừa, đủ màu ngọt lịm; hay những miếng mứt chuối khô, ngọt đường đậm đà trong những ngày đầu năm, thuở trước. Anh cũng chẳng còn cảm giác tới vị của những viên kẹo me, chua chua nhăn mặt như thế nào; cùng những miếng mứt gừng, cay cay nóng lưỡi ra sao của những ngày xưa, tết đến. Anh cũng không nhớ món thịt kho trứng, cũng như không trông những đòn bánh tét lúc xuân về. 
          Hôm nay, nhìn hai túi bánh làm quà này, sao chúng lại gợi anh nhớ đến những ngày xuân xa xưa nào đó của mình. Ngày ấy, trong những xấp bánh đơn giản đó đã chứa đựng rất nhiều, những mùi vị tết của gia đình mà một thời ấu thơ anh đã có.
 
          Sau bữa cơm tối cùng gia đình, Thành thường có thói quen là ra ngoài sau sân nhà hút thuốc. Dứt xong một điếu thì anh mới trở vào, tâm sự cùng vợ với con bằng những câu chuyện đã xãy ra trong ngày. Nhưng đêm nay, bởi lòng còn mãi nhớ nên anh vẫn còn đứng lại nơi đây. 
Đêm nay, nơi đây không có gió chướng như ngày nào, nhưng vẫn cảm thấy lạnh, Thành đốt thêm điếu thuốc để hít một hơi thật dài vào phổi. Nhẹ miệng thổi ra thay cho gió, Thành nhìn theo khói thuốc đang thoát lên cao. Phảng phất đâu đây, anh ngữi được mùi của khói thuốc rê ngày nào. 
Trong giây phút hiện hữu, Thành cũng chợt phát hiện ra một niềm khao khát đang có trong lòng. Hình như là anh đang thèm, và nhớ đến tô canh chua cá linh, nấu với bông điên điển, của người mẹ hiền năm trước.
 
Tiếng của hai mẹ con nơi phòng khách trong kia đang trò chuyện cùng nhau, Thành nghe rõ được. Hình như là đứa con trai, thằng John, đang nhìn túi quà rồi cất tiếng hỏi mẹ nó:
-“Cái nầy là cái gì vậy hả mẹ?”
-“Là bánh tráng. Quà của bác Khiết gởi tặng cho ba con đó.”
Có thể nó đang tò mò, nhìn cho kỹ lại món quà rồi hỏi tiếp:
-“Quà nầy…Dùng để làm cái gì vậy?”
-“Thì để ăn, chứ để làm gì.” 
 Tỏ ra vẻ ngạc nhiên, thằng John vẫn tiếp tục chất vấn:
          -“Trời ơi! Tại sao…Ba phải ăn giấy làm chi vậy?” 
          Phượng cũng ngạc nhiên chẳng kém:
          -“Mẹ có nói… là ba con phải ăn giấy đâu?”
          Quả đúng là nó đang tạo một bộ dáng nghiêm trang của mình nơi đó. Thằng John chậm rãi từng tiếng giãi bài, rõ ràng từng chi tiết:
          -“Thì hai túi quà nầy, mẹ gọi là ‘Bánh Tráng’. ‘Bánh Tráng’ theo chữ Anh dịch ra là ‘Rice Paper’. ‘Paper’ có nghĩa là giấy, chớ còn là cái gì nữa hả mẹ?”
          Phượng bật lên tiếng cười khúc khích, mắng yêu con:
          -“Thằng nhóc kia. Bộ con định dùng chữ để chọc phá mẹ đó à.”
 
          Trong phòng khách nơi đó, ngọn đèn vẫn chiếu sáng. Phượng cùng con đang chuyện trò với nhau. Bên ngoài sân nơi đây, bóng tối đã tìm về. Thành yên lặng đứng nhìn, làn khói thuốc cuối đang tan dần trong bóng đêm.
 
 
 
Viết tại  Cali  , một ngày đầu năm 2015.
TL12.


 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 640210 visitors (2133860 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free