.
  Lá thư cuối năm
 
LÁ THƯ CUỐI NĂM
 
Bạn già thân,
Lâu lắm rồi, gọi mầy tao cho nó đã. Tao vẫn là người lưu vong gốc Việt, mặc xác quốc tịch nơi định cư là gì.
Tao cảm thấy phiền ghê khi phải dài dòng văn tự, nào là người Mỹ gốc Việt, người Gia Nã Đại gốc Việt, chứ ít có ai nói người Mỹ.. gốc….mít lắm.
Sau mấy lần ly dị mầy thấy cuộc đời còn lại có ý nghĩa gì không, cái chọn lưạ lần nầy có phải là cái chọn sau cùng chưa cưng?
Trùi ui! mấy con mẹ đàn bà đó không thể thay đổi số phận cho cuộc đời còn lại của mầy đâu? Mầy có gan đấy, sau mấy lần mầy leo lên, leo xuống “xe bông” mà lòng chưa ngao ngán sao…tài thật.
Có đưá bảo tao, sao lại có can đảm “ăn một món suốt 40 năm mà chưa chán”. Tao lại hỏi…Ai phải chán ai?? Nếu mầy thưà can đảm để hỏi BX của tao câu hỏi móc họng đó. Bã sẽ trả lời: “chừng nào ra toà cho tôi hay, để tôi chia buồn với lão già kia, vì hắn…bám sát tôi, và hắn quyết suốt kiếp không buông tha”.
Tao thấy mình không còn nhu cầu để làm khó mình nữa, nhất là ở tuổi hơn 6 giờ rưởi rồi, giờ nầy là giờ trâu vào chuồng…để thở….chứ không như …Tiên Sinh ở miền đông Canada, đang tìm “thuốc bổ thận” để còn chiến đấu hì hục, khi mà nhuệ khí đã không còn, chính diện thê thảm, những con hẻm của thời gian, và đôi chân quờ quạng, gậy bỏ ra đàng trước, mà cái chân sao không chịu nhúc nhích tí nào, làm cho tướng công sụi lơ ….dzậy mà còn gáy to, như năm nào cũng năm Mùi (dê) của tiên sinh cả….Hay là tiếc của đời, rồi hê oán lên như bị mất con …gà trống thiến. Nhưng thật ra chẳng còn gì để mất. Ngài đã Gzià Dzồi…
Năm nay lại năm Dê, tao thấy chả có dê tí nào. Nhớ hồi còn học ở NLS, tao hay phá phách mấy chị cùng lớp. Có đưá bảo rằng tao dê mấy chị ấy. Trùi ui! Tao mà lấy mấy bà bằng tuổi, cho đến giờ nầy, ai phải đúc cơm cho ai? Tội nghiệp oan cho tao lắm. Thân tao nhỏ con mà phải dẫn mấy bà đó dạo phố, chắc chết dzỡ à. Tao vẫn biết, ghét của nào trời trao của ấy. Bởi thế nhưng tao ngu quá, tại sao hồi đó không chịu ghét mấy em giàu, học giỏi, trẻ đẹp, để trời phạt…trao của ấy cho mình..!!
Bi giờ người đàn bà đang sống chung với tao 40 năm nay, thật là một người can đảm, có sức chịu đựng phi thường. Bởi thế, mấy lần đi xem bói. Bà thầy bói nói rất linh, nhưng bả không dám thốt nên lời. Bả nhấy nhấy mắt bảo tao bước ra ngoài rồi bả mới phán một câu xanh rờn: “Bà thiếu nợ ông nhà từ tiền kiếp, mấy kiếp nữa mới dứt. BX tao xám mặt, và hỏi: Nếu cho tôi trả một lần cho xong có được không?
Tao bảo: Tôi đâu có ngu mà lấy một lần, xài hết rồi biết bà đâu mà tìm…..??
Chuyện vợ chồng là chuyện dài như mùa đông xứ lạnh, sao nói hoài không hết. Nhớ khi xưa bả trốn nhà theo tao đi vượt biên, tưởng đâu sống với thằng có quá khứ kinh nghiệm nuôi heo ở trường NLS, may ra hắn sẽ chăn nuôi mà đở đần. Nhưng năm dài tháng rộng, bả chưa bao giờ đặt chân đến cổng trường NLS, thế mà bả vẫn chăn tao và nuôi ba đưá nhỏ đến trưởng thành….thiệt hú hồn, hú viá…..
Có lần tao và BX đi du lịch trên núi Whistler, khi thả hồn trên chiếc hộp nhỏ (Skylift) lên đỉnh núi, phiá triền núi có con gấu thật to đang tìm mồi. Ngay lúc đó tao phiạ với BX rằng: Đưá nào hay gian dối thì gấu sẽ ăn thịt, không tin bà vất chiếc giầy xuống, nó đốp ngay. Tức là đưá đó gian dối. Bả nóng long muốn chứng minh điều tao nói là sai. Liền quăng chiếc giày xuống, con gấu sợ bỏ chạy tuốt. Bả mắng tao nói dốc. Tao liền phiạ: “Hôm nay gặp con gấu ăn chay”.
Mầy còn nhớ con H. học lớp MS2 không? Nó khoái tao như khoái “ăn xôi vò mà nằm đưa võng”. Vì tao phiạ với nó rằng, ba tao giàu nhất Long Xuyên. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ làm việc gì động đến móng tay, công tử, con một…
Có lần nó hỏi: Sao ba anh giàu mà anh ăn mặc te tua vậy. Tao bựa rằng…ăn mặc khiêm nhường cho ra vẽ bụi đời. Chớ Ba anh ghét quần jean vá hơn chục chỗ, đi guốc có vẽ bình dân. Nhưng nó đâu có ngờ tao trôi dạt như con mồ côi, không có được miếng ăn, dù giản dị, thiếu thốn mọi mặt, ngay cả tình thương gia đình. 
Có lần cô giáo hay tổ chức cắm trại, thế mà tao cũng chả có đến 20 đồng để góp phần ăn. Thiệt là nhục ơi, cái nghèo nó quanh quẩn tao như bóng với hình. Không biết sao bao năm dài H. để ý đến tao mà không biết cô ta có khám phá ra cái khó khăn của thằng học trò nghèo hèn nầy không? May mà H. không theo tao cho đến chót. H. em may lắm cưng ơi!!!
Mầy không còn nhớ, thì tao kể cho mầy biết. NLS mình có mấy ông thầy. Thế hệ của bọn mình hồi nớ hãy còn nhí lắm. Do đó không có cơ hội chứng kiến quý thầy của mình, mấy ổng chọn người trăm năm rất là lãng mạn, tình tứ và rất tuyệt vời. Mãi đến bi giờ họ vẫn còn bên nhau mặn nồng…sau hơn 40 năm, đâu vào đấy. Mấy ổng khôn thấy mẹ…chấp đó…15 năm nữa…mấy bà cũng sẽ không bao giờ bắt kịp …tuổi của mấy ổng. Ý tao nói, ổng …ể tùm lum…tại sao có ít người, kể cả tao và mầy không biết. ..đạp..cho vui. Giờ thì muộn rồi cưng ơi, cổng nhà trường đã khép lại khá lâu. Những gã thư sinh hôm nào, nay tóc đã bạc, cơ hội còn khuya mới gặp lại lần nữa, đừng có nằm mơ cưng ơi…mấy em bi giờ thành bà ngoại, nội hết rùi, có gặp lại có lẽ chả nhìn ra, có nhớ chuyện xa xưa, chắc cười bể bụng….
À! mầy nhớ con Xuân “xóm cầu tiêu không”. Tội nghiệp, cô xuân bi giờ cũng hơn lục tuần rồi, nhưng vẫn còn nick name là “Xuân xóm cầu tiêu”. Cũng vì trong lớp có 2 Xuân, thay vì gọi Xuân Nguyễn hay Xuân Lê. Cô Xuân kia chìm hơn, nên chỉ gọi là Xuân trơn vậy thôi.
Xuân xóm cầu tiêu, nghe nói gả con đi Úc Châu, nên hai vợ chồng đã qua Úc dưỡng già hơn 4 năm rồi. Tội nghiệp, khi bọn mình cứ len lén chọt cái tên X.C.T vào tai cô ta mỗi lần đi qua mấy cây bạch đàn vào lớp học. Tại sao bọn mình, ngổ ngáo mất dạy đến thế kia!!! Tội nghiệp con nhà ai, duyên dáng, hiền ngoan, lại gặp lũ quỷ sứ nầy.
Cô Xuân ơi! Nếu cô đang xem những dòng chữ nầy, thì hãy tha tội cho bọn tôi. Bọn nầy không hề biết được nỗi đau nho nhỏ tuổi học trò vốn nhiều trắc ẩn, mãi đến hôm nay gần ngày Tết Ất Mùi, năm dê là “năm của sư phụ bọn phá làng” năm xưa. Xin cô Xuân lấy tình đồng môn NLS, xí xoá chuyện đã qua, rất mang ơn.
Bạn già thân, 
Tết cứ mãi đến như một nhân chứng của tình yêu, hạnh phúc, đoàn tụ gia đình. Tết là biểu tượng truyền thống đẹp cho mọi gia đình. Thế nhưng, nơi đây đã bao nhiêu lần tao chưa hề chuẩn bị đón Tết. Tao bị dị ứng với những ngày truyền thống nầy. Có lúc tao muốn quên nó đi, để nó không còn là một phần của cuộc sống nầy nữa. Tao quyết quên nó như quên đi muà Xuân. Mỗi năm trong tao chỉ cần có 3 muà thôi. Đông, Hạ, rồi Thu cũng được, tao chả cần xuân. Dẫu biết rằng từ Đông qua Hè căng lắm, vì những cọng tuyết kinh hồn của đông sẽ phải thình lình tan biến trong hè oi ả. Thà vậy mà tao sẽ tập quên, riết rồi quen cho mà coi. Bọn tao ở đây đâu có cần xuân. Quen như chiếc túi lâu năm vắng bạc giấy. Để một ngày đẹp trời xưa kia, tao muốn bao bạn gái ly nước miá, mà vẫn quên rằng, mình cũng có vài đồng nằm trong túi đã lâu mà chưa từng phát giác, vì chưa có thói quen sở hữu món tiền nho nhỏ như thế.
Xuân làm gì khi ngoài kia những con hải âu khoe mình trên ngọn thông già, chúng riả từng cọng lông trên cánh, như quên đi thằng Việt Nam của tao đang lưu lạc, vẫn chưa từng biết mùa xuân đang về, mặc cho bên kia quả địa cầu mai vàng vẫn nở, pháo vẫn nhuộm đỏ sân, trên bàn thờ tổ tiên, những quả dưa bên đôi liễn đỏ.
Bạn già ơi! Bây giờ là mấy giờ rồi. Khuya rồi thì chớ, bên kia đang giao thưà phải không? Đừng nói với tao rằng mầy và BX đang lì xì cho lũ nhỏ, đừng nói với tao ngày xuân đang về trên quê hương mình, tao không muốn nghe nữa, dù thèm lắm những ngày xuân như ước lệ lâu đời. Ai đem con sáo sang sông!? Tao vẫn còn ngồi đây, con sáo hôm nào đã sổ lồng bay xa, xa đến đổi không còn biết mình là ai.
Tao đang ngồi viết cho mầy dòng chữ nầy, sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vâng, có cái ăn cái mặc. Nhưng đời người đâu chỉ vì ăn thôi sao? Tao cần nhiều thứ khác lắm, nhưng chả tiện nói ra. Có nói ra chỉ thêm đau lòng mà thôi. Cái đau nầy vô cùng nghịch lý, vì có cái mà người khác không có, tuy nhiên không có cái cần phải có như hơi thở vậy.
Có lúc tao muốn biến mình thành thằng Bờm. Chỉ đơn thuần là sống chết với cái quạt mo. Để cái giá trị rẽ bèo đó, sẽ không bao giờ bị cướp giựt, nó sống với tao cho đến ngày rời bỏ hành tinh nầy. 
Tao chả tiếc gì cả, khi tuổi đời chồng chất, cứ canh cánh trong lòng những chuyện vẫn vơ. Chả ai xúi dại, phải đi tìm thứ cao sang trên đỉnh núi, mà những thứ ai cũng cần phải có cái mà mình không thể thực hiện được.
Thế rồi hàng năm, khi những tờ lịch sau cùng rơi rụng, ngày Tết lại đến, muà Nhớ Quê Hương lại về. Ai muốn bảo sao cũng được, gọi là gì chả sao. Tao cứ nhớ cái gì đó mà tao cũng chả biết nhớ cái gì. Có lẽ biểu tượng quê hương nó cao quý đến đổi văn tự khó diễn tả, mà chính ngày Tết là ngày gợi lại ý nghĩa Tết càng thắm thiết càng sôi nỗi. Có ngươì bào rằng: Bạn có thể đem hắn ra khỏi quê hương, nhưng bạn không thể mang quê hương ra khỏi hắn.
Trời ơi! Sao tao nghèo và hèn quá vậy bạn già ơi! Có vậy thôi mà sao tao cứ mòn mõi, bao lâu rồi tao cũng chả thèm đếm nữa. Cứ hết xuân đến hạ, chúng quay quần như chưa bao giờ tao biết sự hiện hữu của chúng. Biết đó, có cảm giác đó, để mà đau chớ để làm gì. Thà rằng nó đau như người bị tình phụ còn hơn. Có ai mà giành giựt của mình đâu. Nhưng Nó ở đâu, sao tao cứ mãi tìm, dù hàng năm có nghe nhiều người nói đến, nhắc đến, mong chờ……..Tết.
 
 NHT (Canada) 11-18-2014
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693631 visitors (2231551 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free