DU XUÂN NÚI ĐIỆN BÀ TÂY NINH
NGỌC HUỆ/Pv - DIỆP LỤC TỐ
|
Trải rộng trên diện tích hơn 24 km2 gồm ba ngọn núi: núi Bà 986 m, núi Phụng 372m và núi Heo 335m, nằm cách thị xã Tây Ninh 11 km, là quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bà Ðen Tây Ninh. Thu hút bình quân mỗi năm khoảng 20 ngàn khách quốc tế và 02 triệu khách nội địa. Ðây là một trong những thắng cảnh rất đông khách tham quan trẩy hội đầu xuân của vùng Ðông Nam Bộ, nhất là ngày mồng một tết nguyên tiêu và ngày rằm, 18, 19 tháng giêng (AL).
Núi Bà Đen cao nhất Nam bộ, nổi bật hẳn trên vùng đồng bằng mênh mông, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 100km. Hệ sinh thái trên núi khá phong phú, nhiều loại gỗ thuộc hàng danh mộc, nhiều loài cây cỏ, rau, thuốc quí, cùng các loài động vật đặc sản như: thằn lằn núi, ốc núi. Thú rừng cũng có nhiều loài: khỉ, cheo, sóc, nai, dơi, các loại chim… Trên núi có nhiều hang động, kỳ thú nhất là hang gió có một không hai, nhìn bên ngoài không có gì đặc sắc, nhưng hãy đến ngồi kề trên miệng hang nhìn xuống đáy sâu hun hút, điều lạ là không biết gió đến từ đâu mà cứ thổi phả vào người mát lạnh. Động Ba Cô, là một hang động hiễm trở nằm phía tây bắc, cách chùa Hang khoảng 100m, nơi đây ngày xưa có ba chị em người từ quê Bến Tre đến Núi Bà tìm nơi thanh tịnh để tu hành. Dấu tích còn lại là tên gọi Quan Âm Tự, hàng năm, vào dịp tết, ngày Rằm hay lễ vía, du khách và phật tử ở Miền Tây, nhất là người cùng quê Bến Tre đến viếng thăm, hương khói, mặc dù bàn thờ nơi đây chỉ là một hòn đá nhỏ nằm cạnh gốc cổ thụ.
Trên đỉnh núi thỉnh thoảng có những dòng suối nhỏ nước chảy liên tục, không kể là mùa mưa hay nắng. Rất nhiều người lấy làm lạ là trên núi cao nhưng không khan hiếm nước, còn ở chân núi đào giếng thì không có nước. Nước trên đỉnh hào phóng khi xối xả theo triền núi dốc đứng, khi thì chảy lừ đừ len lỏi qua những khe hẹp, đưa nước xuống vùng thấp hơn. Chùa Thượng (Điện Bà), nằm lưng chừng núi với độ cao 350m, có những cái hồ to để chứa nước cho khách hành hương sử dụng quanh năm không cạn.
Chùa Thượng thờ Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu), được xây dựng dựa theo địa thế tự nhiên của núi, đây là một động to với vòm mái nhô ra, cao và rộng khoảng 6m. Hiện nay, vách đá được xây gạch ốp lát, giữa động được chống đỡ bởi cây cột gạch, từ đây xây nối thêm để tạo thành chánh điện sâu 8m làm nơi thờ phượng và có chỗ cho người đến chiêm bái, dâng lễ. Lễ hội Vía Bà được tổ chức vào ngày 05 và 06 tháng 05 (Al) hàng năm. Cao hơn Chùa Thượng là Chùa Hang, khách du lịch phải đi lên hơn 150 bậc thang dốc đứng theo sườn núi, trên đường đi có qua con suối Bạc, dưới chân núi là Chùa Trung, tuy ở ba nơi nhưng ba ngôi chùa này cũng như là một, do Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa trụ trì cai quản.
Hơn 300 năm về trước, nơi đây là vùng núi hoang sơ, cộng đồng người Việt đến sinh sống, các tăng ni phật tử cũng đến lập miếu, dựng chùa thờ Phật. Theo thời gian các hang động, các chùa trong khu vực núi Bà Ðen được trùng tu khang trang như hiện nay, nhất là giai đoạn 1993 – 1997. Hàng năm, vào tháng giêng khách thập phương đổ về núi viếng bà, cầu tài, xin lộc rất đông vui. Để tạo thuận lợi cho khách vãn cảnh, viếng chùa, Ni trưởng cho lát đá thành hàng ngàn bậc cấp từ chân núi đến Chùa Bà. Cùng tạo sự thanh thản cho tâm hồn, giúp thanh thoát tâm linh, tượng Phật nhập niết bàn (Phật nằm) mang một màu trắng tinh khiết được xây dựng hoành tráng trên sườn núi phía sau Chùa Bà.
Ngọn núi này thu hút khách thập phương bởi nét đẹp hùng vĩ, đặc sắc càng khám phá càng thấy đam mê. Sườn núi phía Tây dốc dựng đứng chôm chổm nào đá là đá, nhìn từ phía này thấy núi Bà thật khô khan, thiếu chất sống. Ngược lại, sườn núi phía Đông cây cối mọc tốt tươi tạo nên vẻ thâm u cùng cốc, dọc theo triền núi có nhiều hang động, nhìn ra xa xa là cánh đồng trù phú. Vào những buổi chiều tà, sương mờ lảng đảng, hoàng hôn dần buông xuống, không gian đi vào tối, ai có ở lại chốn rừng thiêng này vào đêm mới thấm thía cái lạnh gậm nhấm đến tê buốt người, hơi lạnh tỏa ra từ núi đá. Thấp thoáng ẩn mình trong những tàng cây điểm xuyết những mái chùa cong cong màu ngói đỏ, để lên núi viếng cảnh chùa, theo đường bộ, du khách phải đi theo con đường mòn quanh co. Leo núi Bà Đen Tây Ninh, thông thường du khách chỉ được chinh phục 2/3 đoạn đường đi lên đỉnh núi, bằng ba phương tiện: đi bộ, cáp treo, máng trượt, đi bằng cách nào cũng có sự thú vị riêng.
Đi lên núi Bà Đen
Đi bộ, nếu có thời gian nhàn du, người ta thường chọn lên núi lúc trời chiều sẽ ít mệt hơn, đừng lo trời tối vì có đèn điện sáng trưng dọc theo lối đi. Đây là cách các bạn trẻ hay chọn để thử sức mình, tuy vui nhưng rất mệt. Tuy thế, cách đi này không phải chỉ dành riêng cho người trẻ, mà trên đường đi bắt gặp rất nhiều cụ già, lần từng bước chân của chính mình, chứng tỏ lòng thành kính khi đến chốn thờ tự linh thiêng, vì các cụ nghĩ rằng chỉ có Phật, Trời mới biết được tận trong sâu thẳm chốn vô hình, con người liên kết với Thượng Đế với ước mong “Cầu được, ước thấy”, lên núi để tạ ơn và xin lộc năm mới phải đi bằng chính công sức mới chứng minh được lòng thành kính. Sự linh ứng cho từng trường hợp cầu xin như thế nào thì chẳng có gì chứng minh được, tuy nhiên điều tích cực là con người hướng thiện hơn theo quan niệm nhân quả, “Ở hiền gặp lành”, điều này giúp tính đạo đức của con người được nâng cao hơn.
Cáp treo – Máng trượt, từ năm 1998, phương tiện hiện đại giúp du khách lên viếng chùa Bà vừa nhanh, vừa khỏe là hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam đã được Công ty du lịch Tây Ninh đưa vào hoạt động, với đoạn đường dài 1.225m, độ cao khoảng 600m trong thời gian 18 phút/lượt. Công trình đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam vào năm 2006. Năm 2002, hệ thống máng trượt được đưa vào phục vụ du khách. Có nhiều người mách nhỏ rằng: Nên chọn cáp treo để đi lên, chọn máng trượt để đi xuống sự thú vị sẽ được nhân lên nhiều lần. Hai hệ thống này tạo nên những kỷ niệm ấn tượng mới lạ, ghi dấu lần đi thăm núi Bà Đen – Tây Ninh, tất cả đã làm cho bộ mặt khu du lịch này ngày càng mới và khởi sắc.
Năm 1989 quần thể Núi Bà Đen được Bộ Văn Hóa – Thông tin công nhận là Khu Di tích – Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Cơ sở hạ tầng Khu du lịch danh thắng và di tích núi Bà Ðen được nâng cấp thường xuyên. Phát huy lợi thế đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ bảo đảm tính tiện nghi, an toàn cao nhất, hiện đại nhất. Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh mạnh dạn tiến hành đầu tư mới hệ thống cabin cáp đơn tuần hoàn có bộ phận kẹp mở cáp tự động, loại cabin 8 người với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 208tỷ VNĐ, dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào năm 2012. Địa điểm thuộc xã Phan huyện Dương Minh Châu; xã Thạnh Tân thuộc Thị xã Tây Ninh, công trình nằm gần với tuyến cáp treo hiện tại nhưng cách xa khu vực Chùa Bà và Động Thanh Long, nhằm bảo đảm sự yên tĩnh, tôn nghiêm của chốn cửa thiền. Với hệ thống tuyến cáp mới này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần, hệ thống cáp treo đi suốt từ mặt đất lên đến đỉnh núi.
Đến với Núi Bà Đen Tây Ninh, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên, nên thơ, môi trường trong sạch. Vừa chiêm ngưỡng công trình tạo tác hùng vĩ của tạo hóa và những công trình kiến tạo bởi bàn tay và khối óc của con người. Hệ thống chùa chiền làm hồn người lặng thinh gửi vào cõi thinh không, liên tưởng vào quá khứ huyền thoại về vị thánh nữ Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen), làm Lễ hội Xuân núi Bà Ðen như là nơi trở về với cội nguồn dân tộc, là một trong những nét đặc trưng của văn hóa dân gian Nam Bộ, tạo nên ấn tượng đẹp khó quên trong lòng du khách.