.
  Một chuyến Miền Tây
 
 

Một Chuyến Miền Tây
Bùi Tho
 



Cuộc Hội ngộ bạn học Nông Lâm Súc 1963-1966 Lần thứ 5 tổ chức tại cần thơ ngày 8 và 9 tháng 9 năm 2012, đó là nhóm học viên Đệ tam đầu tiên của ngành Giáo Dục Nông Lâm Súc Việt Nam. Nhóm chúng tôi đã tổ chức họp mặt  4 lần gồm 3 lần ở Sài Gòn các năm 1996, 1998 và 2008, lần thứ 4 ở Bảo Lộc năm 2011  và lần này là Cần Thơ.

Chuyến đi này chủ đích chính vẫn là Họp Mặt nhưng vợ chồng tôi cũng lên một kế hoạch song hành là thăm các bạn bè cùng giảng dạy ở NLS Tây Ninh, sau đó ghé thăm một người bạn ở Chợ Lách Bến Tre theo sự mời gọi nhiều năm rồi, muốn đi lắm nhưng nhà tôi bận rộn luôn với mấy đứa cháu nội, rồi đến ông bà ngoại già yếu đang ở Tây Ninh nên cứ lần lựa mãi. Lần này thì quyết định đi ,đi cả tuần cho hả dạ, đó là còn thiếu một người nữa là ông bà Hữu Minh ở Trà Vinh, bà nhà tôi nói là tiếc quá anh chị Minh đã lên Sài Gòn chứ không thì ghé thăm Trà Vinh cho  trọn một lần đi hằng mong ước.

Theo dự định chúng tôi cùng vợ chồng Lộc, bạn học cùng lớp sẽ đi xe giường nằm vào đêm thứ sáu đến Cần Thơ vào sáng thứ bảy, để rồi cùng nhóm tổ chức lo chương trình họp buổi chiều. Nhưng tôi tính lo xa cho nên quyết định lên đường từ sáng thứ sáu...và chúng tôi đến Cần thơ hơn 18 giờ ,vì có hẹn hò từ trước nên anh Phan Minh Đẫu liên tục gọi điện hỏi thăm chúng tôi đã đến chỗ nào, trước thịnh tình đó tôi quyết định nhờ anh giữ phòng ở khách sạn gần nhà anh nhất. Khách sạn nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám cạnh trường Cao Đẳng Công Nghệ và Kinh tế vốn là trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ ngày nào.

Gần bảy giờ tối chúng tôi mới ghé đến nhà anh chị Đẫu để được gặp Nguyễn trọng Hiền và Vũ Thanh Nghị. Anh Đẩu xuất thân từ Huế, anh Hiền xuất thân từ NLS Cần Thơ cùng giảng dạy trung học NLS Tây Ninh, còn anh Nghị thì học chung khóa sư phạm, còn một người nữa vợ chồng tôi muốn gặp là anh Nguyễn văn Hiện nhưng không liên lạc được dù anh đang sống tại Cần Thơ.

Sau thời trà nước, thăm hỏi bà cụ, mệ của anh Đẫu, ăn trái ngọt miệt vườn đất Cần thơ do chị Miếng bà xã anh giới thiệu . Sau đó chính anh làm chủ xị khoản đãi chúng tôi tại quá A Lô 100 và món anh ta cố ý đãi  chủ lực là món Bê Thui. Anh muốn thế vì tên tôi đọc lái lại là Bò Thui.

Buổi sáng 8-9 chúng tôi đang ăn sáng theo lời mời của anh chị Nguyễn trọng Hiền thì Trần xuân Thành gọi điện cho tôi cùng anh đi lo chỗ họp, đặc tiệc cho buổi chiều.

Nhắc lại rằng, khi nghe tin tôi chọn nhiệm sở ở Tây ninh, anh chị em Gia Đình Phật Tử Bảo lộc có cho tôi biết có Gia Đình Phật Tử Tây Ninh có 2 Huynh trưởng từng tham dự Đại hội GĐPT VN là Tâm Đàn Phan Minh Đẫu và Kamila.   

 Đến Tây ninh , chúng tôi gặp nhau và cùng sinh hoạt ở ngôi chùa Phât giáo ở trung tâm thành phố, thêm vào đó chị Miếng vợ của anh vốn là cháu của chú thiếm Tư là nơi tôi ở trọ làm cho chúng tôi gắn bó nhiều trong thời gian còn ở Tây Ninh, ngoài dạy học ra anh còn mở tiệm vẽ bảng hiệu có tên là Nhật Quang.

Tôi rời Tây ninh năm 1970. Ít lâu sau anh Đẫu cũng chuyển về Huế.Vào khoảng 1981 gia đình anh lại chuyển vào Cần Thơ làm việc tại trường Trung Học kỹ thuật Nông Nghiệp Cần thơ nay là trường Cao Đẳng Công nghệ và kinh tế ( trước là trường NLS Cần Thơ).

Còn Nguyễn trọng Hiền, tốt nghiệp Sư Phạm NLS cùng giảng dạy tại trường NLS Tây Ninh, ngoài giảng dạy anh có thêm nghề nhiếp ảnh, bộ ảnh cưới của tôi là do Nguyễn trọng Hiền thực hiện, đến nay tôi còn lưu giữ. Sau anh chuyển về Cần thơ , khoảng 1980 anh hoạt động bên ngành du lịch, theo anh kể thì còn qua nhiều nghề nữa, nay đã ổn định, nhà  ở gần với anh Đẫu vốn là cư xá của Nông Lâm Súc ngày xưa.

Hai anh Đẫu và Hiền nếu có dịp ngang qua Bảo Lộc đều ghé tìm đến tôi, mỗi lần như thế không lâu bởi đang trong cuộc hành trình chỉ mười phút hay nửa giờ  xe ngừng nghỉ dùng cơm ,đủ cho chúng tôi tay bắt mặt mừng và những lời thăm hỏi, nhìn thấy nhau hay nhắc vài câu chuyện ngày xưa ở vùng đất thánh Tây Ninh. Cuộc đi này của chúng tôi như một sự đáp lễ về tình thân thương mà chúng tôi có được của môi trường NLS, phải nói là rất mong đợi. Nay mới  được thỏa lòng.

Trên đường đi đến Cần Thơ, Dương Xuân Triều có điện thoại noí tôi a lô cho Võ thanh Nghi người phụ trách trang nhà NLS Cần Thơ nhưng nghe nói Nghi ở Long Xuyên với lại thời gian của tôi không rộng, nên đành để dịp sau...đó là chưa kể đến việc tôi không tin cho các em Huỳnh hoàng Ánh, Đổ tiến Khuê, Trọng ...vốn là những học viên Thủy Lâm của tôi. Ở đây bạn tôi còn có Hiện, Nghị, Đức, Mừng, Quân và Ngô ngọc Bích Tư ....nữa. Hi vọng sẽ còn có dịp gặp lại tại vùng đất Tây Đô này.

Trở lại cuộc họp mặt của lớp, trưa đó, tôi và Lộc dời về khách sạn  Kim Khánh trong khu dân cư 91B là nơi Thành đã đặt chỗ nghỉ cho đoàn. Hơn 13 giờ thì nhóm Sài gòn đến, sau khi sắp xếp chỗ ở chúng tôi tranh thủ thăm nhà của Nguyễn ngọc Điệp được gặp ông xã của Điệp vốn là giáo sư từng dạy NLS Bảo Lộc, Cần Thơ,,,căn nhà khá đẹp với sân vườn nhiều cây lạ và hoa, đặc biệt nhất là được gia chủ chiêu đãi trái cây miệt vườn miền Tây. Rời nhà Điệp chúng tôi ghé thăm nhà Thành gần đó ,Cần thơ chỉ có 2 thành viên của lớp tôi trú ngụ.

Buổi họp mặt chính thức tổ chức tại nhà hàng Hoa Sứ với với 22 thành viên cùng với 1 chàng rể và 5 cô dâu của lớp, tiếp đó là tiệc liên hoan  do chủ xị Xuân Thành giới thiệu đặc sản của đất phương nam, cá nướng, ốc nhồi, cua đồng....

Sáng ngày 9 một chương trình mà ai cũng vừa lòng là du ngoạn trên sông bằng tàu đò được thấy cảnh sông nước, cảnh sinh hoạt trên sông, được tham quan chợ nổi Cái Răng , thăm Cồn ấu với vườn mận xanh um và nghe đờn ca tài tử. Đặt biệt nhất là chui qua gầm cầu Cần Thơ.

Sau buổi cơm trưa , chia tay với anh Châu bá Lộc, chị Nguyễn Ngọc Điệp và Trần Xuân Thành   vợ chồng tôi theo xe đoàn Sài gòn để ghé Vĩnh Long để từ đó  đi Trà Vinh, đây là chương trình không nằm trong dự định. Bởi lẽ dự tính của chúng tôi sau họp mặt  sẽ ghé lại Bến tre thăm Tám Muội vì nghĩ rằng vợ chồng Nguyễn Hữu Minh đã về Sài gòn ở với các con rồi, khi đến Cần thơ nhà tôi lại gọi điện thoại cho chị Ni Na hỏi thăm sức khỏe và tỏ vẽ tiếc nuối là cơ hội đến Cần Thơ mà không ghé Trà Vinh như mong ước , Thật bất ngờ là ông bà Nguyễn Hữu Minh hiện chưa lên Sài Gòn.Và như thế Trà vinh được xếp vào lộ trình.

Hơn một tiếng đồng hồ   xuống xe tại ngã ba tượng đài, tôi gọi điện yêu cầu anh Minh cho địa chỉ để đi xe ôm vào, anh ta nhất quyết không cho và bảo chờ anh sẽ ra đón. Riêng tôi đã đến đây 2 lần một lần dự đám cưới của đứa con đầu của anh năm 2.000 , lần thứ hai năm 2010 đi với Từ văn trường và Thân Trọng Lộc.  Nay Nguyễn Hữu Minh đã bán căn nhà cũ trên đường Lê Lợi , hiện đang ở nhà mới, nên buộc lòng chúng tôi phải đợi chủ nhân ra đón...Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi, một căn nhà xinh xinh cuối một con hẻm trên đường Nguyễn thị Minh Khai. nơi đó chị Ni Na đang chờ .

 Nhắc lại rằng anh Ngyễn Hữu Minh xuất thân từ Trung học NLS Cần Thơ, học chung khóa 1 Cao Đẳng Sư Phạm với tôi, sau khi tốt nghiệp anh về dạy NLS Bảo Lộc trong lúc đó tôi lại về Tây ninh. Năm 1970 tôi được hoán chuyển về Bảo lộc nhờ hoán chuyển với Lê văn Thành vốn là dân Tây Ninh, ngoài công việc giảng dạy anh Minh vốn là một cây văn nghệ, anh cầm đầu nhóm Du Ca và phụ trách văn nghệ của trường, tôi vốn là một huynh trưởng Gia đình Phật Tử có tên trong  ban phụ trách Học Sinh Phật Tử Vạn Hạnh với sở trường về hoạt động thanh niên, chúng tôi đã sớm kết hợp nhau trong lãnh vực trại và văn nghệ, cùng lúc hai bà vợ chúng tôi lại là giáo viên tiểu học nên cũng thân quen.Sự giao hảo cũng ở mức độ đồng nghiệp mà thôi...

Cho đến ngày 1 tháng tư năm 1975,cuộc tháo chạy hoảng loạn của anh em chúng tôi bỏ trường bỏ Bảo lộc  từ ngày  27, 28 tháng 3 hướng về Phan rang..để rồi tôi và Minh gặp nhau lại trên chiếc cầu gần thành phố Phan rang đi Phan Thiết vào khoảng 8 giờ ngày 1-4-1975. Cái khoảnh khắc ấy là dấu ấn tình thân của 2 gia đình chúng tôi từ đó đến nay, đã là 37 năm rồi. Kể lại rằng vào ngày 27 tháng 3 tình hình tại Bảo lộc đã rối ren, quốc lộ 20 về Sài gòn bị chặn, cho nên tất cả đều dồn về Phan rang theo Quốc lộ 1 để về Sài gòn. Minh cùng nhóm anh em gồm Trường, Kính, Luân….đã rời Bảo lộc bằng xe Honda, riêng tôi đến sáng 28-3 mới lên đường, đến Phang Rang trong ngày nhưng chỉ mấy hôm sau thì thành phố Phan rang cũng bỏ chạy, lúc ấy gia đình tôi cùng mẹ và các em đang tá túc gần khu vực nhà máy đường Bửu Sơn, mẹ tôi lo sợ vợ chồng tôi là công chức nên bảo chạy đi cũng như trước đó bà bã bảo Trung em tôi, vốn là một lính Địa Phương Quân đã ra đi.Vợ chồng tôi cùng hai cháu Trân và Triều trên chiếc Honda Dame lên đường, khi chúng tôi chạy ra gần Cà ná thì gặp chiếc xe của gia đình anh Nguyễn Hữu Dư, tôi gửi nhà tôi cùng cháu Triều lên xe rồi chở cháu Trân quay đầu trở lại Tour Chàm may ra đón thêm được đứa em nào cùng đi. Nhưng khi vào đến nội thành thì súng bắn rát quá không thể nào vào được, tôi đành phải quay ra khi đến chiếc cầu thì tôi gặp Nguyễn Hữu Minh cùng vợ là chị Ni Na, trong lúc khốn đốn gặp được người quen thân không phải nói thì các bạn cũng biết rồi chúng tôi mừng quá đổi, theo dòng chạy đó hai chúng tôi về Phan rí cửa.

Đến nơi , tôi vội đi tìm vợ con tôi, không lâu chúng tôi gặp nhau, trong đám người ồ ào nói chuyện thuê tàu vượt biển đó thì tôi nghe một giọng rất to rao gọi :" Ai cho vợ chồng tôi về tới  Vũng tàu thì chúng tôi sẽ trả bằng hai chiếc nhẫn cưới và chiếc Honda 67 này " tôi nhận ra ngay người rao gọi đó chính là Minh, tôi vội đến bên anh nói nhỏ : "thôi đi, anh em mình có nhau, giá tàu một người 1.500 đồng thì chắc tôi có đủ cho vợ chồng ông và tôi " Dù rằng rất nhiều cụ già nơi ấy thấy hoàn cảnh hoảng loạn của chúng tôi can ngăn không nên đi biển trước Thanh minh vì đang biển động, nhưng biết sao hơn chúng tôi chỉ biết chạy càng nhanh càng tốt về Sài gòn. Và may mắn chúng tôi gặp gia đình của Trần Phin cùng nhau thuê nguyên một chiếc tàu để lên đường, gồm những người thân quen, Được biết khi Minh rời Bảo lộc ra ở Cam Ranh , tại đây thuê tàu về Sài Gòn thì bị cướp tài sản không còn gì ngoài chiếc xe đang hết xăng, khi tìm được chút xăng thì vội chạy đi và gặp tôi .

Nhớ lúc đó chung tôi ra khơi khoảng 3 giờ chiều, biển động cho nên chỉ có hai chúng tôi thức cùng với người lái tàu, trời tối om, sóng ầm ì...chúng tôi nhủ nhau đợi xem trăng lên trên biển như thế nào...cho đến khi trăng lên thì chúng tôi mới thấy sợ vì con tàu quá nhỏ nhoi giữa sóng nước mênh mông, bấy giờ mới thấy được là tính mạng chúng tôi vô cùng mong manh, vừa sợ vừa mệt hai anh em chúng tôi vùi tìm giấc ngủ...tôi thức dậy trước tiên , khoảng 6 giờ ,vội hỏi người lái tàu đã đến đâu? anh ta bảo gần đến Long Hải. Mừng quá,   tôi lệnh cho tàu quay vào bờ dù Minh và anh em trên tàu không đồng ý, nhưng tôi vẫn nhất quyết kèm theo ý ủng hộ của người lái tàu " thú thật với các anh chị đây là lần đầu tiên em đi đường dài này, nghe nói qua mủi Nghinh Phong sóng bữa nguy hiểm lắm..."" không lâu sau đó anh em mới thấy quyết định  của tôi là may mắn, bởi lẽ không còn dằn dọc , lo âu vì sóng biển nữa và nhất là chúng tôi đi về Sài gòn được trong lúc những ai di tản về Vũng tàu đều bị chận không cho về Sài Gòn.

Tại Long Hải Vợ chồng tôi và anh chị Minh chia tay nhau trong nghẹn ngào, bởi khi đến Phan rang thì nghe tin Lâm Đồng đã mất có nghĩa là  không còn trở lại trường, Minh thì về quê anh còn tôi sẽ về Tây Ninh quê vợ hay tá túc phương nào...trong tôi bấy giờ ngổn ngang trăm mối mẹ và các em nhỏ tôi ở Phan rang,Thư em kế đại úy ở Ban mê thuột, Trung em kế dùng Honda đã di tản hôm trước, không biết ở đâu, Đông em thứ năm sĩ quan đóng quân ở Phú yên bây giờ ra sao??

Hơn một tháng sau chúng tôi gặp lại ở ngôi trường xưa, khi đất nước đã thay ngôi đổi chủ, vì sứ mạng giáo dục chúng tôi trở lại trường tiếp tục giảng dạy. Trong giai đoạn đầu, giai đoạn củng cố ổn định, nhiều hoạt động của nhà trường và địa phương rất cần đến thiện chí và những nghề tay trái của Minh và tôi như Văn nghệ, trang trí xe hoa, cổng chào, bandrol ....cộng thêm trong cái hoàn cảnh khó khăn đủ thứ đó chúng tôi gần nhau hơn gắn bó nhau hơn bởi chúng tôi đồng cảnh ngộ, hai bà xã cùng là nhà giáo.,sự gần gủi đó hai gia đình còn dự tính kết tình sui gia dù rằng các cháu còn bé nhỏ.

Đầu thập niên 1980, anh chị chuyển về Trà Vinh , quê nhà của anh...chúng tôi vẫn thường tin tức cho nhau, thi thoảng anh chị lên Bảo Lộc luôn trú ngụ tại nhà tôi, các lễ cưới các con của hai gia đình chúng tôi đều tham dự qua lại ,cho nên lời mời gọi vợ chồng tôi một lần đến Trà vinh  đã trên mười năm rồi,và nay mới thực hiện được

Ngay buổi chiều hôm đó 9-9-2012,chúng tôi được ông bà Minh khoản đãi các món đặc sản tại nhà hàng Hoàng Mai gần bờ sông nơi mà năm 2010 tôi, Thân trọng Lộc, vợ chồng Hữu Minh và vợ Chồng Lai Minh có cuộc hội ngộ khi Từ văn Trường về Việt nam tổ chức thăm bạn bè vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào tiệc thì Lai Minh sau 80 cây số bằng ngựa sắt cũng đến nơi, được biết nơi đây là nơi tụ hội của hai chàng tên Minh này và có thêm một chiến hữu nữa là giám đốc nhà hàng vốn là luật sư

Sáng hôm 10-9 sau thời bún bò Huế do gia đình một người Huế chính gốc nấu trên đường Nguyễn thị Minh Khai mà chị Ni Na tuyên bố là ăn được, còn hương vị Huế. Chị Ni Na vốn là chủ quán bún bò tại đây trong những năm tháng mới chuyển về Trà vinh , nghe nói thời ấy anh Minh cũng làm đại lý bán vé số để có được hiệu sách nằm trên đường Lê Lợi ngày nào. Chúng tôi được hướng dẫn thăm Ao Bà Om, Chùa Âng ngôi chùa được xây dựng trên một ngàn năm , ghé đến chùa Hang , gọi là chùa Hang thực sự chỉ là chiếc cổng xây dựng thành hình vòm dài cỡ chục mét tự như cái hang mà thôi. Tại đây cũng như các chùa khác đều xây dựng theo kiến trúc Khơ-me, đặc biệt nhất là các khuôn viên đều trồng rất nhiều cây trong đó cây dầu chiếm đa số, ấn tượng nhất tại chùa Hang là ở nơi đây là chim cò tụ tập về đây rất nhiều tiếng quang quác, chíu chít tiếng vổ cánh lượn lờ trên các chòm cây không bao giờ ngừng nghỉ..

Cũng tại đây, được chứng kiến một số cô gái đem cơm cúng chùa vào giờ chính ngọ, theo lời anh Minh giải thích thì mỗi ngày các sư chỉ thời cơm một lần vào bữa trưa, còn các cô gái dâng cơm vào chùa là những cô còn son, chuyện này liên hệ đến việc một số nhà sư trẻ đang tu trong đó, họ vốn là những thanh thiếu niên theo truyền thống gia đình Phât giáo Khơ me họ phải qua một thời gian tu tại chùa trước khi lập thân đó là một nghĩa vụ. Như vậy việc tu học và làm việc trong chùa của họ sẽ được sự dòm ngó của các cô gái và ngược lại cung cách dâng cúng, vật phẩm cơm gạo thức ăn thể hiện qua tài nấu ăn cũng sẽ gây chú ý đối với các sư trẻ, để rồi sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở chùa họ sẽ tìm hiểu thêm và sẽ có những gia đình hình thành từ đó ?

Chùa Hang gần chỗ ở của một thần dân Thủy Lâm 72-75 cũng là em của anh chị Minh, tôi gọi điện thoại cho Phan Tấn Hưng báo là tôi đang ở Chùa Hang , Hưng có mặt ngay và cũng không ngờ chúng tôi đến thăm nhà của anh chàng ở nhà một mình này,vì bà xã của Hưng lên Sài gòn lo cho con đang học Đại Học.

Buổi trưa thầy trò anh em chúng tôi đếm thăm nhà Lai Minh và cùng ăn cơm trưa, sau cơm trưa bỗng dưng mưa ập đến để cho hai bà xã tính chuyện cơm nước tại nhà vào buổi chiều chiêu đãi cho ba ông bạn già chúng tôi.

 Riêng với Lai Minh, là một trong 9 dũng sĩ rừng xanh ở Blao -Phẹc chúng tôi gia nhập thần dân NLS Bảo lộc 1963. Được biết khoảng dầu thập niên 1960 gia đình Lai Minh lên trú ngụ đất Blao, theo học trường Bồ Đề cùng với Văn Xuân Trường, Từ Văn Trường riêng tôi thì học ở Lê Lợi Di Linh . Bác Năm mẹ Lai Minh ở gần nhà tôi, chuyên nghề đi hàng chuyến Sài gòn Bảo Lộc như bác Cả mẹ của Trường ,cơ duyên đó làm chúng tôi gắn bó nhau, từ sự liên hệ mật thiết các gia đình đó đã thông tin cho nhau về việc tuyển sinh và may mắn chúng tôi cùng vào trường NLS để từ đó gắn bó đến nay.

Sau khi lấy xong văn bằng Tú Tài 2 NLS ban Canh Nông thì anh Lai Minh vào học Cao Đẳng khoa MS ra trường về Giảng dạy tại Trung học Nông Lâm Súc Bảo lộc cho đến 1975 . Rời Bảo Lộc anh về Trà Vinh vốn là quê quán của anh.

Trong tiệc chia tay do chị Ni na và bà xã tôi đảm trách chiêu đãi chúng tôi và vợ chồng Lai Minh nhưng giờ phút cuối Lợi bà xã Lai Minh không đến được, Hôm ấy, hai ông chủ Trà Vinh này hứa khoản đãi ăn sáng tại hủ tíu.ngã tư Xăm Bua vốn là thương hiệu có tên tuổi xứ này và tuyên bố làm tài xế xe ôm đưa chúng tôi đến Phà Cổ Chiên để qua đất Bến tre.

Sáng 11 - 9 Chúng tôi ăn sáng, nhưng từ chối cuốc xe ôm vì tín hiệu từ Tám Muội cho biết Phú Phụng gần với Vĩnh Long sát bến phà Đình Khao. Có nghĩa là chúng tôi lên xe đò trở lại Vĩnh Long.

Đây là lần thứ 3 tôi đến và rời Trà Vinh, một thành phố có những hàng Sao cổ thụ theo các đường mà tôi đã có lần gặp trong mùa trĩu quả, cứ mỗi đợt gió thổi qua vô vàn quả sao quay tít trên không rồi trải kín mặt đường tôi gọi đó là những đợt "mưa sao" tương tự như ở Sài gòn có hiện tượng "mưa me" . Trà Vinh có những ngôi chùa cổ kính nằm lẫn khuất trong những rừng cây một vùng sinh thái gần như khác biệt với các tỉnh khác thuộc miền Tây ? Ngoài cảnh trí đó ra còn phải kể đến cái thành phố yên ả mang chất tính hiền hòa vốn thấm đẩm tinh thần Phật giáo là tôn giáo chính của người Khmer chiêm đa số nơi đây. .Trong tôi còn mặn nồng với cái tình bằng hữu, đồng môn, đồng sự..vì chính cái tình đó mà chúng tôi đã ghé đến xứ này : Tình Nông Lâm Súc.

Chúng tôi đến lãnh địa Bến Tre trước giờ cơm trưa, bởi rời Trà Vinh về đến Vĩnh Long hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, nào ngờ qua phà Đình Khao, chỉ hơn mười phút xe Bus là chúng tôi đến Phú Phụng, nơi ở của cô Tám Muội một căn nhà xây sát mặt lộ.

 Bến tre với địa danh Chợ Lách. Cái Mơn vẫn thường nghe là nơi sản xuất giống cây ăn trái và hoa kiểng, ngoài đặc sản chính là dừa còn cây trái thì không kể xiết, cho nên khi vào nơi đây thì chỉ thấy mịt mùng dù rằng đồng bằng nhưng tầm nhìn bị che khuất bởi tàng cây ăn quả, Chúng tôi dùng bữa trưa với Tám Muội, một bữa cơm chay vì cô ta ăn chay trường theo đạo Cao Đài, Huỳnh Vĩnh Tá nghe tin cũng vội đến đem theo một thùng bia nhưng Tá cũng trường chay , nên Lình em của Tá được vời đến đem theo món thịt bò kho , bánh mì gọi là lương sương một chút chứ "" có chú Hai, ai lại để chú ăn chay chịu sao nổi và chiều nay con đi châm điện kiếm vài con lóc nướng trui nhen chú"

 Sau giấc nghỉ trưa chúng tôi được Tám Muội dẫn đi thăm vườn, từ đó mới thấy được cái nhọc nhằn của con người xứ này thể hiện rỏ nét qua các loại cây trồng đan xen nhau trên một cuộc đất, nào Sầu riêng, chôm chôm, dừa, chuối, ca cao, mận. nhãn, quít , bưởi, ổi, chanh...kể sao cho hết ..Rồi trên bờ mương còn thêm ớt, sả và cả Điền Điển để lấy bông..dưới mương thì nuôi cá, nuôi ốc. Với cái mô hình canh tác như thế từ trên vùng trời ở mặt đất đến dưới nước mương đều sử dụng với nhiều chế độ chăm sóc khác nhau thì rỏ ràng con người phải quần quật ở đất vườn, cho nên gần 10 năm gặp lại Tám Muội thấy như nhỏ người lại do làm việc quá nhiều, hay do trường chay? nói thế chứ cô ta rất rắn rỏi, tháo vát, năng nổ ngoài việc đồng áng còn tham gia các chương trình từ thiện của hội thánh Cao Đài.

Người thứ hai tôi muốn nhắc đến là Huỳnh Vĩnh Tá, nghề chính là thợ may , vào những năm 1990 thấy làm cây giống có ăn , nhào vô làm mấy vụ tan tác vốn liếng bèn lấy vợ, lên Vĩnh long lập nhà trọ cho sinh viên thuê , còn đương sự có khiếu đờn ca bây giờ ôm đàn với khăn đóng áo dài vào các ban Đờn ca Tài tử phục vụ theo Show trên các tàu du lịch nước ngoài.

Người thứ ba đã từng lên Bảo lộc lúc ấy còn nhỏ bây giờ đã có vợ con là Huỳnh Vĩnh Thành tên quen gọi là Lình, nhà cũng gần đó dù nhà có đất vườn nhưng đà chuyển hướng mở tiệm cho thuê áo cưới và trang điểm cô dâu kèm thêm cái xe nước mía.

Tối đó tại nhà Lình ,chúng tôi thưởng thức món cháo và cá lóc nướng trui với hương vị đồng quê vô cùng mộc mạc và một đêm ngủ yên bình trong một làng quê tĩnh mịch..Qua trưa hôm sau,  phải dùng một bữa cơm dân dã với canh chua bông điên điển trắng với tép và cá trê kho gừng chủ nhà mới cho vợ chồng tôi lên xe về Sài gòn với giỏ xach to với chuối tá qụa , bưởi, dừa....

Đến nhà Tám Muội là dự tính của chúng tôi trong chuyến về họp mặt của lớp Tại Cần Thơ là cơ hội đáp lời mời của gia đình có đến gần 15 năm rồi . Nó bắt đầu từ một câu chuyện :

* Khoảng năm 1997 rộ lên tin loại sầu riêng sữa hạt lép nhanh ra quả . Thì một hôm , anh Tư cùng một chú thanh niên tên Huỳnh Vĩnh Tá đến nhà   nhân danh Công ty giống cây trồng ở Chợ Lách nhờ tôi phổ biến giống sầu riêng sữa hạt lép trồng 4 năm ra quả này. Anh Tư Hà vốn người Bảo lộc hồi nhỏ tôi có quen, anh người miền Trung có vợ người Nam có lẽ là người Bến Tre ?.,anh cho số điện thoại ở cơ quan, còn Tá thì địa chỉ ở nhà. Chỉ vài hôm sau tôi có ngay một hợp đồng 250 cây , mừng quá tôi gọi điện thoại ngay cho Tư Hà , cùng lúc viết thư cho Huỳnh vĩnh Tá, thì hai hôm sau khoảng 6 giờ sáng, xe chở sầu riêng do anh Tư Hà đã chở đến và được đem giao cho người đặt hàng, nghĩ răng mình đã giúp được cho bạn. Nào ngờ anh ta đã tráo trở đem cây riêng của mình lên giao, vậy mà khi trở lại Chợ Lách anh ta lại thúc giục cho Tá tập trung sầu riêng cùng nhiều chủng loại khác chở nguyên một vận tải lớn. Lên tới Bảo lộc, gặp tôi thì mới vở lẻ ra số sầu riêng Tá đem cho tôi thì anh Tư đã đem lên trước rồi. Kết quả số lượng cây đó không bán được để tại nhà tôi, không có tiền để trả tiền xe, và 3 người đi theo là Tá, Lình và Tám muội tá túc tại nhà tôi cả tháng trời, coi như lần đó thua lỗ hoàn toàn. Tôi vẫn nhớ câu nói của Tám Muội " Chắc kiếp trước tụi em có tu, cho nên trong lúc hoạn nạn , cơ duyên được gặp anh chị, chứ không biết xoay trở ra sao tại xứ lạ quê người này..    từ đó những người chưa hề quen biết ấy với chúng tôi thành mối thâm tình ..

           Một chuyến miền Tây , dã được gặp đồng môn, được gặp đồng nghiệp, được gặp học trò và cả những bạn thân quen.. là dấu ấn khó quên về tình bè bạn. Nhưng những dòng sồng mầu mỡ phù sa, những rừng dừa xanh lá, những vườn cây trĩu quả, những cánh đồng bất tận...Những con đường, những phố thị đầy hoa sạch đẹp, những đồi Dầu, những đường Sao những ngôi chùa kiến trúc Khmer cổ kính....những chiếc cầu treo uy nghi cao vòi vọi ...những bến bắc bến phà, những ghe xuồng xuôi ngược....những món ăn dân dã .. như luôn mời gọi., Tôi biết rằng những vùng đất mà tôi đã có dịp đi qua mới là một phần của Miền Tây Nam bộ , còn Rạch giá, Châu đốc , Hà Tiên, Sóc trăng, Cà mau, Phú quốc...

 Ước mơ ước một chuyến miền tây lại bắt đầu.

BÙI THO



 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693593 visitors (2231454 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free