.
  Niềm an ủi cần thiết cho cha mẹ già
 
 

                                   

                       Anh trở lại UC lây hoay đã hai tháng rồi, sau hai tháng anh mới viết cho các em, bởi vì anh muốn với một thời gian tạm đủ cho anh suy nghĩ, tạm đủ cho anh bình tỉnh, tạm đủ cho anh có cái nhìn sáng suốt hơn để thảo luận với các em một vài sự việc thật hệ trọng. Thật hệ trọng bởi vì nó liên quan đến tổ ấm, tình thương yêu và hạnh phúc của đại gia đình chúng ta. Như các em đã hiểu loài người trên thế gian nầy hàng ngày tranh đấu bằng mọi cách, cuối cùng chỉ mơ ước được yêu thương và hạnh phúc. Thế thôi? Phải không?
 
                        Nhìn lại gia đình chúng ta, các em đã khôn lớn, trưởng thành và có học, các em ghĩ sao về cha mẹ và các anh chị em của chúng mình. Anh tin là các em biết rất rõ, sở dĩ ngày hôm nay tất cả các anh chị em chúng ta, đứa nào cũng vuông tròn, đứa nào cũng kha khá, đứa nào cũng có học lại vừa có nghề. Nhìn chung quanh, phải chăng chúng ta quá may mắn và có phúc? Cái may mắn nầy, cái có phúc nầy có phải tự dưng từ trên trời rơi xuống cho chúng ta hưởng hay là phát xuất từ sự HY SINH vô bờ bến, sự hy sinh đánh đổi bằng xương, bằng máu, bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng gian lao, bằng nhục nhằn...suốt một chuỗi đời hẩm hiu cơ cực của cha mẹ. Từ một nông dân nghèo ít học, nếu không có một trái tim vĩ đại, nếu không có một tấm lòng thương yêu và hy sinh vô bờ bến thì thử hỏi chúng ta mới có được như ngày hôm nay, hay nheo nhóc, lang thang, nghèo đói, thất học, u tối.
 
                          Dù ở bất cứ nơi phương trời nào, dù được hóa kiếp bao nhiêu đời đi nữa, anh vẫn cảm thấy vô cùng sung sướng và hãnh diện có được người cha người mẹ như cha mẹ của chúng ta. Với công ơn như TRỜI như BIỂN, bây giờ cha mẹ đã già yếu, thời gian còn lại để gần gũi bên chúng ta thật ngắn ngủi và mong manh. Bổn phận làm con, chúng ta phải làm sao để đền đáp ơn sâu nghĩa nặng nầy đây?
 
                           Làm người có trí khôn và có con tim thì phải biết sống có tình, có nghĩa. Bất cứ ai cho ta trái cà, trái ớt, ta còn biết nói lời cám ơn và tìm cách cho lại trái bầu trái bí. Thế mà có người đành đoạn quay lưng khi cha mẹ già yếu? Thọ ơn mà không biết nhớ ơn để đáp đền ơn nghĩa gọi là bất nhân bất nghĩa. Ai dám làm bạn với mình đây? Ai dám lấy mình làm vợ làm chồng đây? Người bất nhân bất nghĩa sẽ không bao giờ có bạn tốt, sẽ không bao giờ có người vợ hiền, sẽ không bao giờ có người chồng tử tế. Bởi vì sẽ bị những người khôn ngoan và biết suy nghĩ xa lánh. Bởi vì cha mẹ mà họ còn dám phản bội thì chuyện tàn ác nào mà họ không dám làm.
 
                            Đồng ý là chúng ta có lo lắng cho cha mẹ, nhưng hãy bình tâm suy nghĩ lại, hãy nhớ lại tất cả những việc làm, về cử chỉ, về lời nói, về hành động...của mỗi người chúng ta có that sự đem lại niềm vui, sự thoải mái, nguồn an ủi cho cha mẹ không? Hay là có những điều gì làm cho cha mẹ phiền muộn đau lòng? Nếu có những việc làm vô tâm, vô tình, thiếu tế nhị làm cho cha mẹ không vui, rất đáng tiếc nhưng có thể tha thứ và thông cảm được. Chỉ đáng trách, khi mình làm những việc sai trái mà vẫn ù lỳ ngoan cố. Không phải thánh nhân, làm người không ai vẹn toàn hoàn hảo hết, điều quan trọng là khi mình biết sai thì quyết tâm sửa chữa cho mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Người cao thượng, có nhân cách hơn người bất nhân bất nghĩa là ở đó. Phải không?
 
                           Các anh chị em chúng ta, bất cứ đứa nào tự mình biết, đã và đang làm những gì đó khiến cha mẹ buồn phiền, đau lòng mà không biết hối hận, không biết sửa sai là một trọng tội, đáng trách. Dù đứng trên lập trường nào đi nữa, dù đứng trên quan niệm triết lý nào đi nữa, dù ai có tấm lòng rộng lượng như Phật, như Chúa cũng khó mà tha thứ.
 
                              Trong thời gian anh về Việt Nam, dù chỉ năm tuần lễ, thật ngắn ngủi nhưng anh cố gắng nhận xét, quan sát, tìm hiểu, tạm đủ cho anh có một cái nhìn về vai trò của các anh em, nhất là vai trò của người con lãnh trách nhiệm ở nhà thờ, kề cận phụng dưỡng cha mẹ già và thờ cúng Tổ Tiên Ông Bà, có nhiều ưu điểm đáng khen nhưng cũng không ít khuyết điểm đáng trách. Như em đã biết, vợ em cũng biết, khi chấp nhận lấy em làm chồng, làm con dâu út trong gia đình, thật quan trọng và tương đối khó khăn, đòi hỏi phải có một tâm hồn cao thượng, rộng lượng, nhân từ để có thể đối phó một cách khôn ngoan và tế nhị những khó khăn mà hầu như mọi gia đình nào cũng có.
 
                         Lẽ thường tình người ta cho là khó khăn, bởi vì lòng người thường nhỏ nhoi và ích kỷ, chỉ biết vì cái tôi của mình, chỉ biết quyền lợi cá nhân, trái tim không hề biết rộng mở để biết vì người khác, để biết thương yêu người khác, dù người ấy chính là những người thân yêu của mình, đã từng hết lòng hy sinh cho mình.
 
                         Thực tế, có những trường hợp, vì nghèo túng, cũng gặp những khó khăn không lo lắng cho cha mẹ được vẹn toàn, nhưng nếu người con hết lòng hiếu thảo, biết đối xử khôn ngoan, tế nhị, chắc chắn sẽ không có người cha người mẹ nào phiền trách con cái mình, mà còn thông cảm thương yêu hơn. Trong khi gia đình chúng ta dù không giàu nhưng vấn đề tiền bạc không đến nỗi bế tắc khó khăn. Do đó anh em chúng ta phụng dưỡng cha mẹ già đâu có gì làm trở ngại, trở ngại chăng là do tấm lòng không ổn. Chúng ta thử thực hiện như thế nầy xem sao
:
 
                 -VỀ PHƯƠNG DIỆN GIAO TẾ :
Truyền thống lễ giáo mẫu mực của gia đình là kính trên nhường dưới, anh em thuận thảo thương yêu lẫn nhau. Càng giàu thì càng bình dân. Càng học giỏi thì càng khiêm nhượng. Đối với cha mẹ lại càng phải tỏ ra thật kính trọng, nói chuyện lúc nào cũng phải biết giữ phận mình là con, phải luôn luôn êm diệu, nhẹ nhàn, ngọt ngào. Dứt khoác không được nóng và to tiếng, những lời nói thô lổ cọc cằn không thể chấp nhận. Người khôn ngoan, có học, biết xử thế, không hề to tiếng thô lổ với thuộc cấp của mình, huống hồ là cha mẹ. Thuật đắc nhân tâm dạy rằng :” Đối với một người khách xa lạ ngoài đường, họ không hề liên hệ đến đời sống của chúng ta, không hề cho ta viên kẹo, y nước, thế mà ta rất lịch sự với họ. Trong khi đó, đối với những người thân  ta như cha mẹ, vợ chồng, anh em...những người liên quan và ảnh hưởng đến đời sống của ta suốt đời, thế mà lại không biết lịch sự với họ. Có phải chúng ta đã điên khùng?
 
                Trong mọi cuộc thảo luận về tư tưởng, triết lý, tôn giáo, chánh trị... lúc nào cũng phải bình tỉnh, phải cân nhắc từng lời nói, chân lý cuối cùng nên nhường cho cha mẹ, dù theo sự suy nghĩ của mình, không phải đó là chân lý, lẽ tất nhiên không ai bắt buộc ta phải theo chân lý đó. Nhường cho cha mẹ thắng vì phép xử thế, vì hành động có văn hóa, vì lòng cao thượng, vì muốn tạo niềm i và hạnh phúc cho cha mẹ chứ không phải do dốt nát thiển cận của mình. Cha mẹ có rầy oan chúng ta có quyền biện hộ, nhưng  hãy cố gắng phân tích thật thiết tha tình cảm để cha mẹ thấy được tấm lòng mà cảm thông. Nên cần, hãy ráng chịu đựng, ngồi yên lặng lắng nghe dạy bảo. Không thiệt thòi,   không tốn công vô ích đâu mà sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, bởi vì đây là một cử chỉ hiếu thảo tuyệt vời, sẽ làm cho cha mẹ cảm động và tràn ngập thương yêu. Ngoài cha mẹ, nếu chúng ta làm được điều nầy, bất cứ người đối diện nào cũng có thiện cảm và quý mến.
 
                      Thượng Đế tạo dựng con người thật vẹn toàn, vừa có trí khôn vừa có ngôn ngữ. Tình cảm thương yêu, giận hờn, ganh ghét...giữa người nầy và người kia thường là do suy nghĩ đưa đến lời nói và cách cư xử. Một cử chỉ thân thiện, một hành động hy sinh, một lời nói ngọt ngào chứa chan tình nghĩa. Trên cuộc đời, ai có thể ghét bỏ ta? Người con trai hay người con gái muốn chinh phục tình cảm của nhau đều bắt buộc phải làm như vậy mà thôi, không biết làm như vậy chắc chắn sẽ mất mát, sẽ thiệt thòi. Tại sao ta không biết chinh phục long thương yêu của cha mẹ?
                 Bất cứ một sự bất đồng nào, một mâu thuẩn nào cũng có thể dùng trí khôn, lời nói và hành động để giải quyết một cách êm thắm tốt đẹp. Tại sao người ta không thích nhau, ghét nhau? Thường là do lòng dạ đen tối hẹp hòi, hoặc ngộ nhận không hiểu nhau, không biết cảm thông nhau. Cũng có thể do sự ngu ngốc, không biết dùng sự thông minh và lời nói để phân tích tìm hiểu về mọi góc cạnh của vấn đề với thành ý xây dựng. Chúng ta nên nhớ kỹ, không đối thoại thì không bao giờ hiểu nhau . Người câm là sự bất hạnh lớn lao của đời sống bởi vì rất khó khăn đối thoại với tha nhân. Nhiều người bảo, nói nhiều phí công vô ích. Không có lời nói nào vô ích cả, vô ích bởi vì mình ngu dốt, dại dột, thiếu văn hóa, không biết dùng ngôn ngữ mà thôi. Đời sống có ý nghĩa đích thực là làm thế nào để đi đâu, ở đâu cũng được mọi người yêu thương và quý mến. Đạt được điều nầy chính là đạt được hạnh phúc, bởi vì trong lòng sẽ luôn nhẹ nhàn, thoải mái và không biết phiền não. Triết lý cao thâm của Phật Giáo, của Công Giáo chung quy cũng làm sao giúp cho con người tìm được hạnh phúc đích thực mà thôi. Phải không?
 
                   Đối với các anh chị em trong nhà, bà con, chòm xóm... nếu vụn xử thế, không biết đối xử khôn ngoan, không biết khéo léo và tế nhị, mọi người sẽ lần lần xa lánh. Sau khi cha mẹ qua đời, còn mấy ai có đủ can đảm tới lui để cúng giổ hoặc thăm viếng MỘ PHẦN và NHÀ THỜ TỔ TIÊN . Từ đó, bà con, dòng họ, con cháu...từ từ xa cách, tình yêu thương máu mủ thiêng liêng cũng phai nhạt lần lần. Trước đây có những thời điểm kinh tế gia đình chúng ta gặp nhiều khó khăn, thế mà tình gia đình vô cùng hạnh phúc, lớn nói nhỏ nghe, nhỏ nói lớn nghe, anh em đùm bọc, thương yêu, chia sẻ nhau, chưa bao giờ có cảnh gây gổ giận hờn. Xã hội càng ngày càng phát triển, gia cảnh càng ngày càng dễ chịu thì anh chị em lại xào xáo, làm cho cha mẹ lắm buồn phiền. Chúng ta nên nhớ rằng, anh em cùng máu mủ với nhau, cuộc đời dù thế nào đi nữa cũng không thể bỏ nhau được, nếu có ai chẳng may thất thế, cuối cùng chỉ có anh chị em chia sẻ với nhau mà thôi. Trên thế gian nầy không có nơi nào là không có bất đồng, không có mâu thuẩn, không có dị biệt. Nhờ có mâu thuẩn mà người ta mới có tiến bộ. Nhờ có đối lập mới có công bằng. Anh chị em, có bất đồng, có nghịch ý, thì tha hồ thảo luận, nhưng phải trong tinh thần thương yêu. Tranh luận để thong cảm, để tìm phương thức hợp lý, để ngỏ hầu đạt mục đích tối hảo cho quyền lợi gia đình, chứ không phải tranh luận để có kẻ thắng người thua. Nếu vì thắng thua mà tranh luận thì tuyệt đối không nên tranh luận, bởi vì với tinh thần nầy sẽ đưa đến tình anh chị em bị sứt mẻ một cách vô ích, kẻ đần độn mới làm điều đó. Muốn chứng minh mình tài giỏi, thì hãy dùng trí khôn và sự thông minh lèo lái cuộc đời của mình sao cho thành công trên đường đời, hữu dung cho gia đình và xã hội. Anh chị em mà bất hòa xào xáo là một nỗi bất hạnh, một nỗi buồn lớn lao của cha mẹ.
                    -VỀ SINH HOẠT GIA ĐÌNH
: Cha mẹ nay đã già yếu và hay bệnh hoạn nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông cậy vào anh em chúng ta.
                     Cha mẹ tiện tặn đã quen, nay lại già yếu ăn uống ít oi, trong khi cơ thể đòi hỏi cần nhiều chất dinh dưỡng. Do đó hàng ngày ráng lo lắng cơm nước ngày hai bửa cho thật chu đáo. Những lúc đi làm thì thôi, nếu ở nhà thì nên ăn cơm chung với cha mẹ, trước là để cho không khí trong gia đình được ấm cúng, sau là gấp thức ăn cho cha mẹ, đây là vấn đề của sự tế nhị và chu đáo, bởi vì nếu để tự nhiên thì cha mẹ ăn rất nhín nhút thì làm sao đủ chất bồi bổ. Ngoài ra cũng nên mua trái cây thường xuyên để bổ túc sau những bửa ăn chánh. Buổi sáng thức dậy, dù bận rộn đến đâu, việc đầu tiên là ráng pha cho cha mẹ một ly sửa. Thức ăn cũng thường thay đổi để kích thích khẩu vị. Nhà cửa giữ gìn cho gọn gàng sạch sẻ để tạo không gian thoáng mát, người ta thường bảo, nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon. Mền, ra trải giường, áo gối phải thường thay giặt để không bị hôi. Nói như vậy có lẽ nhiều người bảo, nhiều việc quá không làm nổi, nói thì nhiều nhưng nghĩ cho cùng, chúng ta làm cho chúng ta rồi ráng làm thêm một chút cho phần cha mẹ vậy thôi. Đâu mất thời giờ bao nhiêu, phải không?
 
                     -VỀ PHƯƠNG DIỆN KINH TẾ :
Đây là yếu tố vô cùng tế nhị. Một số ít người già có tài sản to không cần con cái giúp đỡ. Nhưng đa số kinh tế gia đình thì do các con lo liệu, cha mẹ già luôn luôn có mặc cảm vô dụng vì phải nhờ vả đến con cái. Do đó phải cố gắng đừng để cho cha mẹ có cảm nghĩ : “ Cái gì của cha mẹ là của con, nhưng cái gì của con không phải là của cha mẹ “. Mọi sinh hoạt kinh tế tạo nguồn sống cho gia đình nên gợi ý cho cha mẹ tham gia ý kiến để cho cha mẹ có niềm vui là mình vẫn còn hữu dụng và vẫn còn được con cái kính trọng. Nếu có những ý kiến bất đồng, hay cố gắng dùng lời lẽ ngọt ngào hiếu thảo giải thích cho cha mẹ thấy những lợi ích cần thiết, nếu vẫn không thuyết phục được thì nên chiều theo ý cha mẹ, nhưng khi ra ngoài thực hiện phương án thì ta có quyền âm thầm và khéo léo làm theo ý của mình, cha mẹ đâu có theo sát mà kiểm soát.
 
                            Cái trớ trêu của cuộc đời là cha mẹ đã chịu biết bao nhiêu gian khổ kể cả hy sinh cả đời mình để nuôi dưỡng và dạy dỗ năm, mười đứa con khôn lớn nên người, thế mà khi cha mẹ già yếu; năm, mười đứa con nầy không chăm lo nỗi cho cha mẹ, dù chỉ vài ba năm.Thời gian qua nhanh lắm, lây quây rồi chúng ta cũng sẽ già yếu, bệnh hoạn, và chết. Đây là quy luật của tạo hóa không ai tránh khỏi. Bây giờ chúng ta hãy hết lòng bằng tất cả trí khôn và sự thông minh, báo hiếu để đền đáp  ơn sâu nghĩa nặng như TRỜI như BIỂN của cha mẹ già. Điều nầy, ngoài bổn phận làm con, còn làm cái gương sáng rất cần thiết để cho con, cho cháu suy gẫm và noi theo. Đến khi ta già yếu bệnh hoạn mới mong hy vọng được đền đáp như vậy.        
 
                              Phải chăng đây là niềm HẠNH PHÚC và NIỀM AN ỦI rất cần thiết cho mọi đời người.
 
                                           
      HUỲNH VĂN CÔNG.

 

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693547 visitors (2231314 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free