Gõ google tìm từ chợ búa, một lô định nghĩa thảo luận …
1. Chợ mua bán thực vật và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.
2. Việc nội trợ.
giúp mẹ việc chợ búa
3. Người xuất thân từ chợ.
Mẹ dạy con phải biết kềm chế bản thân, phải giấu kín cảm xúc chớ không dạy con ăn nói bỗ bã như dân chợ búa, côn đồ. (“Đi Qua Ngày Biển Động”, Trần Thị Bảo Châu)
Thật ra thì vấn đề thị - chợ nếu có gốc Hán ( thì cũng không là lạ vì dân Trung Hoa thường tụ tập nơi thành phố để buôn bán ... Nhất là khi di dân xuống các khu vực phía Nam như đồng bằng sông Hồng ... Ngay cả tiếng Anh có các từ market (Đức là Markt ... gốc là tiếng Pháp Cổ marchiet, tiếng Pháp bây giờ là marché ) hay bazaar có gốc Ý bazar hay cổ hơn là tiếng Ba Tư bazar ... Nhưng supermarket (siêu thị) lại là tiếng gốc Mỹ ...
Tiếng Mường chỡ bủa là chợ búa - tôi cũng nghĩ về từ kép chợ búa : có thể là hai từ cùng nghĩa nhưng hiện diện trong tiếng Việt ở các thời điểm khác nhau nên ta không hiểu rõ nghĩa (một kiểu dịch nghĩa như chó má - má là con chó tiếng Thái). Thí dụ như hỏi han, đỏ hỏn, trắng bạch, heo cúi ... Theo thiển ý , búa là âm cổ của phố 鋪 (không khác nhiều về âm và nghĩa như chữ phủ mà bác Nguy-yến đề nghị) và còn có thể liên hệ đến pura (tiếng Phạn - thành phố (D)). Liên hệ b-ph rất phổ biến như Bụt-Phật, bùa phù, bào phao, bèo phiêu, bay phi, bún phấn, buồng phòng, buông phóng, buồm phàm ... ngay cả trong ngữ hệ Ấn Âu như break-frag(ment), bear-fer(tile), bottom-fund(amental), brother-frère ...
Tóm lại chợ búa có thể là tàn tích của giao lưu văn hoá với phương Bắc (Trung Hoa) và phương Tây (Ấn Độ) thời cổ đại
Đọc nhức cái đầu nhưng tóm lại hiểu nôm na , người ta gọi dân kẻ chợ để phân biệt với dân quê, vì phải thích nghi thích nghi với nhịp sống hối hả bon chen cho nên từ kẻ chợ cũng hàm ý chỉ dân ma lanh, đua đòi..so với dân quê mộc mạc…( đó là chuyện vài mươi năm trước khi mà thành thị và thôn quê còn có khoảng cách rất lớn so với ngày nay ).
Có khác chăng là vì chợ thôn xã nhỏ xíu, ít người, gặp nhau hàng ngày . Ai thét lác, trời ơi thì dân trong xóm đều biết…
Cứ nghe dân chợ búa là nghĩ gần với từ dân dao búa, vì nếu hơi chiết tự chiết âm từ búa vẫn chỉ cái gì đó nghe dữ dằn, thô lổ, vội vả , chụp giật…
Chợ nhà lồng và hàng rong
Tất cả những chợ lâu đời ở Sài Gòn như Chợ Bến Thành, Bình Tây, An Đông, Tân Định, Bà Chiểu, Hòa Hưng, Bàn Cờ, Xóm Chiếu, Ông Tạ, Bảy Hiền…đều có nhà lồng chợ chính và tứ bề với các quầy sạp ngó ra đường cùng các xe, gánh, thúng hàng rong đan xen dập dìu . Những bà mẹ, chị ,dì, cô…ngày xưa đều có những kỷ niệm gắn bó với ngôi chợ mà họ đi hàng ngày, những món ăn trong nhà lồng chợ đã đi vào ký ức của riêng từng người…
Và mùi của của chợ cũng đặc thù quen thuộc không thể lẩn vào đâu so với các siêu thị máy lạnh ngày nay. Với tôi mùi măng chua lưu cũ cộng với thực phẩm khô hình như là mùi đặc trưng của nhà lồng chợ. Năm 60, lúc vừa 5 tuổi từ quê lên thăm dì và bị lạc ở chợ Hòa Hưng, nhà dì xéo cửa chợ phía Tô Hiến Thành, trong hẻm. Tôi mê mẩn lạ lẩm đi băng qua các quầy kệ rồi ra tới đường Lê Văn Duyệt lúc nào không hay, rồi sau đó lại bị cuốn hút bởi những chiếc xe ngựa chở hàng bông từ chợ Bảy Hiền xuống. Khi quay vô chợ tìm đường về thì tôi như bị rơi vào ma trận, may nhờ Má dặn trước đi, phải học thuộc lòng số nhà dì, tôi mếu máo níu nhờ người dắt về…Mùi đặc thù của chợ thành thị ghi dấu trong ký ức tôi từ đấy.
Chợ ngày rằm mùng một:
Qui luật : Bông cúc vạn thọ bày tràn ngập xung quanh chợ , bó bông ngày rằm bao giờ cũng nhỏ hơn hoặc giá mắc hơn, các món chay trong chợ nhiều hơn với các chảo dầu chiên đậu hủ nghi ngút khói.
Cũng có thể đoán ngày rằm ,mùng một bằng cách nhìn những tiệm cơm chay, luôn đông nghịt người
Dĩa cơm thập cẩm
… “Cho chú dĩa cơm thập cẩm..cái này, cái kia..” Tôi chỉ trỏ để chọn những món ít dầu, không phải thực phẩm công nghiệp...chay của hong kong bên hông TQ
Cô bé bán hàng nhiệt tình giới thiệu những món còn sót chút ít trên kệ… “Chú ăn món nấm xào này ngon lắm” Tôi nghỉ bụng chắc cô nhân viên này muốn đẩy cho hết giờ chót, vì lúc ấy cũng đã 21h. Tôi ráng căng bụng ăn vì sự thiệt tình “chỉ chỏ” của mình và nhiệt tình “chỉ giáo” của cô bán hàng. Tới khi tính tiền “ Dạ của chú 45 ngàn” Tôi bổ ngữa “Trời, mọi khi chú ăn có 25 ngàn, lỡ bửa nay chú thiếu tiền thì sao ?” “ Dạ tại chú…chỉ” “ Chú chỉ còn 25 ngàn, thôi cho chú rửa chén trừ nợ nhe” Tôi gượng gạo nói đùa. Tôi ngộ ra, ở phần lớn các tiệm cơm chay gọi cơm thập cẩm là không được chỉ, người ta muốn bỏ gì vào thì bỏ, là loại phổ biến người bán hàng có thể tùy ý cân đối nhiều ít những món ế đọng.
Lần sau tôi bèn rút kinh nghiệm “ Cho chú dĩa cơm thập cẩm, gì cũng được, nhưng không lấy mấy món thức ăn công nghệ hay xào chiên…vì chú sợ… “gan nhiễm..dầu”. Tôi nói mà chỉ dám quơ bàn tay năm ngón khum khum ( sợ duổi thẳng nó tưởng - ngủ dương chỉ - giá gấp 5 thì oan mạng)
Tôi về khoe với mấy đứa cháu “ Hôm nay cậu được gần trọn số điểm vì đi ăn chay cuối buổi ngày thường, chỉ có 2 khách . Chứ rằm mồng một khách đông quá phải chia điểm cho cả trăm người” Cháu tôi chêm vô “ Hôm nào đi nhậu ngày rằm cậu cứ nhậu món chay sẽ được gấp đôi số điểm đó” “Có lý có lý, mình kiên cường xử món chay giữa một bàn đồ mặn thì phải yêu cầu xin được bonus mới phải” . Thằng bạn thân nói "Mầy ăn chay mà còn mặc cả với thanh thần hả ?"
Gói xôi 30 ngàn
Đi ngang chợ Bến Thành, nhân nhắc vụ giá cả, con gái tôi thỏ thẻ “ Bửa trước anh hai mua gói xôi đậu phộng giá ba chục ngàn đó ba” “Trời, sao con không hỏi giá trước” “ Con tính chen vô hỏi đó chứ nhưng nhìn thấy mặt bả ngầu quá…nên …thui, không dám hỏi” “ Nhưng mà con có hỏi thì câu trả lời có lẻ sẽ là như vầy thôi : Mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, ai biểu mua xôi mà bầy đặt mua ở chợ Bến Thành” Tôi an ủi nó
Kết luận : Chợ càng nỗi tiếng, càng nhiều du khách, việt kiều …giá cả càng dễ bị chặt chém.. Nhiều khi chém bằng búa, búa của chợ
Chợ chiều 30
Ngày xưa câu này để ám chỉ sự buồn thiu của chợ vắng người cuối năm ( Bản mặt như chợ chiều ba mươi, Đầu óc u mê như tối ba mươi )
Bây giờ, nhịp sống hối hả thành thị đã xóa dần khái niệm trên, chợ chiều cuối ở các phường quận vẫn nhộn nhịp sau khi phố lên đèn. Những phụ liệu cho những món truyền thống, hoa kiểng, ngủ quả… vẫn chờ đón các bà nội trợ bận rộn. Đây là dịp dân chợ búa thứ cấp tranh thủ kiếm thêm. Những hàng dạt từ các vựa sẽ được trà trộn vào cho những khách hàng gấp rút. Có lần tôi mua bịch nước dừa kho thịt mà không biết trong đó mấy phần nước mấy phần dừa, chỉ biết chắc lưỡi thêm đường cho ngọt .
Tâm lý người mua kẻ bán là “ngày ta ngày tết”, “xín xái bỏ qua” nên chuyện mua nhầm bán hớ cũng xem như thôi kệ cho qua. Còn hơn đầu năm, sớm ngày đi mua bán lạng quạng sẽ bị đốt phong long hoặc ngứa lỗ tai cả năm…ai cũng sợ vậy
Dạo một vòng chợ chiều 30 sẽ thấy vui mắt với những món phục vụ cho mâm ngủ quả, tài lộc...Bên lề đường đầy những mẹt sọt mãng cầu, dừa non nguyên trái, đu đủ xanh lớn nhỏ, những chùm sung non…( cầu vừa đủ sung chỉ 3 ngày thôi nghen, vì sung non sau vài ngày là héo đen thui quắt queo ). Những trái thơm nhiều chồi , những dây tiền thần tài…Người bán và người mua đậu xe gắn máy đầy lề đường tra giá hỏi mua. Những mâm bánh chưng bánh tét cũng sẽ được những người neo đơn bận rộn chiếu cố nhiệt tình “thủ bụng” ba ngày tết.
21-22h thì chợ chiều thực sự bắt đầu vắng hẳn chỉ còn những mâm phong bì lì xì, của những em bé vừa bán vừa chơi gần những tủ thuốc lá …Những công nhân vệ sinh cũng vội vả lùa những nhát chổi cuối cùng của năm …Người lớn về nhà, thanh niên còn ra phố, những cặp tình nhân vẫn tranh thủ lượn lờ …
(* Tất cả ảnh trong bài lấy từ internet, mang tính chất minh họa )