Tết nầy là cái Tết thứ ba mươi mấy tôi xa nhà. Riết rồi cũng không quởn mà đếm đi đến lại những mùa xuân của riêng tôi và muà xuân của đất trời qua đi.
Ðã vậy, còn phải làm nhân chứng một cách oan ức. Chỉ vì tôi không tạo ra hiện tượng Tết, tôi không mong cầu, tôi không có ý kiến, nhưng phải chứng kiến như những nỗi đau của đời người, mặc dù, hình như đa số đang chào đón ngày trọng đại nầy.
Tại sao gọi là nhân chứng bất đắc dĩ. Thường sống trong xã hội, khi trời đất thay đổi, xuân hạ thu đông mình đâu có né được. Thế thì phải đón xuân như bao nhiêu người, trong khi mình chưa được chuẩn bị để đón.
Thật ra, có rất nhiều lý do. Nội tại cũng có… “thời tiết” …cũng có. Thế nhưng ai bảo mình phải ở nơi vùng địa lý của quả địa cầu, nơi mà Tết bên ngoài thì nhiều hơn Tết trong lòng.
Càng Tết, thì người ta ở tuổi “gần đất xa trời” thường hay so sánh…Tết xưa và Tết nay. Ðâu có Tết nào khác với Tết nào cả, chỉ vì ngay ngày Tết mà trong lòng mình chưa chịu Tết.
…Có cô bạn nhỏ, nhớ Tết xưa, khi trong nhà chỉ có hai chậu vạn thọ, mà lòng vui mừng biết mấy. Nay Tết về, đứng trên sân thượng, có cả một vườn lan đủ loại, mà không thấy tưng bừng như xưa! Có lẽ, xuân của riêng mình đã vơi đi khi tuổi đời chồng chất, nên xuân ngoài kia, như xuân của ai vậy. Khi xuân về, bọn trẻ năm xưa, giờ đã trưởng thành, chúng không còn quay quần bên cha mẹ để chờ bao lì xì đầu năm nữa. Mà chỉ còn lại “hai kẻ yêu nhau” đã thề..chết cũng không rời. Khi cất tiếng hát bản nhạc …”Anh cho em mùa xuân…khi hoa vàng mới nở” mà hai …hàm răng giả không chịu nhịp nhàng theo giọng hát nữa…Trùi ui! mệt quá bà ơi, xoa dùm chút cù là sau lưng, sao mà thấy mệt quá vậy nè. Thôi dẹp cây đàn guitar qua một bên, để tui thở cho nó nhẹ chút xíu…
…Có anh bạn già, khóc sướt mướt khi xuân về. Nhớ lại bạn bè, nhớ từng đứa bạn học thời hoa niên, nhớ bạn bè xưa thời quân ngũ, bây giờ chúng ra sao? Có còn đón xuân khi bên người yêu, hai đứa chỉ có một khúc bánh mì…đi hái lộc đêm giao thừa ở Lăng Ông Lê Văn Duyệt, suốt đêm kè nhau trên chiếc xe gắn máy hai bánh. Chàng và nàng cũng chẳng thiết gì xuân, mặc dù xuân đang đến với đất trời. Hôm nay cũng chẳng mời mà xuân đến, cũng chàng và nàng với xuân, nhưng cái “bận rộn dễ thương” xưa kia làm cho mình quên rằng xuân đang đến, cứ thế mà xuân trong lòng, kéo dài….đôi khi..cả năm. Bi giờ, nơi đây xuân trong sở làm, xuân trong vội vàng. Có khi bọn nhỏ ngơ ngác, vì chúng bị cha mẹ “buộc” chúng mặc đồ mới vào ngày Tết một cách miễn cưỡng, và được long trọng báo rằng hôm nay là ngày Tết. “Ba mẹ đừng nói đùa, hôm nay mà Tết gì đâu!”. Có con én nào lượn trên không đâu, chỉ mấy con hải âu co rút, chen nhau nằm chùm nhum, trốn những ngọn gió đông ngặt nghèo, trong những ngày bảo tuyết, lạnh đến gần 30 độ âm. Trường học đóng cửa, siêu thị, cơ sở cúp điện…ngày xuân đâu!!!
Nhớ đêm giao thưà, hai đứa ước nguyện sẽ sống bên nhau đến bạc đầu. Bi giờ mới bạc nữa đầu, mà run và sợ…vài Tết nữa chắc tui với bà sẽ dìu nhau bên chiếc xe lăn. Dù có Tết hay không Tết thì cuộc đời cũng phải thế thôi. Nhưng Tết bây giờ như là định mệnh, Tết để phơi bày, Tết để ôn lại chuyện xa xưa. Dĩ nhiên sự khác biệt của thời gian và không gian, đôi khi làm mình bị hụt hẫng, gượng gạo khi xuân về lúc giữa đông.
Ngày Tết, ngay cả từ ngữ Tết, không giống con giáp nào cả. Từ đó, Tết không thể định nghĩa một cách đúng đắn, như nhiều người lầm lẫn. Mà Tết phải là ngày nghĩ ngơi sau mùa gặt. Mọi công việc đã hoàn tất sau một năm mệt mỏi vì công việc. Từ đó, ngày Tết là ngày ăn chơi xả láng, với bà con, họ hàng. Ngày Tết là ngày của những thanh niên nam nữ tụ tập nhau, để cầu thân, vì chính những ngày nầy là ngày của một sự bắt đầu quen biết. Trong nhà ngoài đường đâu đâu cũng một màu Tết. Ngày mà những kẻ đi xa được trở về quê, ngày đoàn tụ với cha mẹ ông bà. Chúc thọ cha mẹ, để cha mẹ thấy lòng mình thấm đậm với cháu con và bớt cô đơn. Tết là một bối cảnh có mang nhiều sắc thái, bản chất của con người và gia đình, có đầy những yếu tố, trước sau, quyện vào đó, tình quê, tình người, tình láng giềng. Tết là ngày của hội ngộ. Chứ không phải Tết là ngày để nhớ thương, ngày của mong chờ, hay là ngày của đối đải.
Tết năm nay cũng không ngoại lệ. Tết của riêng tôi, không khác với Tết của gần 40 năm qua. Tết để nhắc mình thêm một tuổi, Tết để nhắc nhỡ mình…có một cái gì đó vẫn chưa làm xong, chưa hoàn tất, chưa có quyền nghỉ ngơi. Miễn cưỡng chào nhau với câu “Chúc Mừng Năm Mới”. Sao mà nó khách sáo thì thôi. Khi phải cắn răng ăn Tết, vì những người khách không mời nầy ngang nhiên đến vào những tuần cuối hoặc tuần đầu tháng hai hàng năm.
Tôi mơ một ngày Tết thật sự, nhưng không biết người ta kể cho mình nghe có đúng hay không. Một ngày Tết thật sự cũng phải đến, vì tôi đã hằng mong chờ lâu lắm rồi. Ngày Tết phải là ngày vui cho cả mọi người.
Có thằng bạn bảo rằng: ….”Thân Dậu niên lai kiến thái bình”.
Năm nay là năm con Ngựa mà, tại sao phải chờ cho đến năm con Khỉ và con Gà??
Hắn bảo “Cuối năm Ngọ (thân), đầu năm Dê (dậu) mới có ăn Tết lớn”. Sao vậy?? Ai biết!!
Thôi thì phải ráng chờ 12 tháng nữa vậy. Chúc bà con đại gia đình Nông Lâm Súc một năm yên lành, ráng sống chờ những ngày Tết thật sự, cho dù bạn ở bất cứ nơi nào trên hành tinh nầy.
Vì những ngày nầy, Tết là ngày của đối đải, khi bắt tay chào nhau, miệng nở nụ cười chưa trọn vẹn, vì …mùa gặt năm qua hãy còn dang dỡ.
Hình như xuân đã về
Lòng ai nghe tái tê
Xuân nầy đã mấy bận
Anh giờ còn xa quê
Bao năm rồi mình anh
Quê người trong giá lạnh
Hai phương trời cách biệt
Ngày về quá mong manh
Chiều nay tuyết đầy sân
Nỗi nhớ nhà lâng lâng
Ngày xuân rồi cũng đến
Mang nỗi buồn bâng khuâng
Xuân đi rồi xuân đến
Bao lần anh nào quên
Xuân về rồi cũng thế
Trong anh vẫn buồn tênh
Happy New Year.