Ngày xưa còn nhớ khi học hết lớp năm, thi bằng tiểu học, tôi chuyển trường về tỉnh học, vì ở huyện chỉ mở tiểu học mà thôi. Có lẽ do được thăng tiến từ trường quê lên tỉnh, mà tôi có cảm giác mình khôn lớn hơn, và vào năm đệ thất (lớp sáu bây giờ) tôi bắt đầu biết chúc Tết. Hồi đó ở tiệm sách có bán “Thiệp Chúc Xuân” in sẵn, về chỉ cần đề thêm lời chúc xuân và tên người nhận là đủ. Bốn câu thơ thay lời chúc, tôi nắn nót viết bằng mực tím như sau:
Chúa Xuân ngự trị khắp sơn hà
Đây đó vang rền tiếng hát ca
Pháo nổ đì đùng trong tiếng chúc
Chúc rằng đời bạn đẹp như hoa
Bốn câu nầy không biết học lóm của ai, nên không biết tên tác giả, thấy hay hay ghi đại, có thằng bạn nhận được thiệp, cự tôi tơi bời, vì bạn ấy cho rằng tôi chửi bạn là” lại cái” (bây giờ gọi là xăng pha nhớt), nên chúc bạn ấy đẹp như hoa, khổ hơn nữa là tôi gởi thiệp cho toàn con trai, vì con trai và con gái học khác lớp, tôi nhớ đệ thất có sáu lớp, con gái học lớp A và lớp B, con trai học lớp C,D,EvàF, tùy theo chiều cao mà xếp lớp, có nghĩa là lớp B có chiều cao hơn lớp A, lớp C có chiều cao thấp hơn lớp D…Do sắp lớp như vậy nên lớp F luôn vô địch bóng đá nhờ cao to hơn lớp khác.
Nhắc tới đây làm tôi nhớ lại chuyện thật buồn cười, số là tôi có cô bạn tên Kim Cương cùng quê, nhà đâu đít, mà tôi có nhắc đến trong bài” Cải Lương và Tôi” trong đoạn tôi ở truồng đút đầu vô lu nước khi tắm, ca vọng cổ cho có tiếng ngân, sau đó có tiếng vỗ tay khen hay của cô nầy, nên phần phụ của tôi bị nhìn thấy. Kim Cương học đệ thất B tôi học lớp D, mỗi lần ra chơi muốn đi tiểu tôi phải đi ngang lớp B, không biết trời xui đất khiến thế nào, mà khi qua lớp B tôi đều thấy Kim Cương đi phía trước (Nhà vệ sinh nam nữ gần nhau, chỉ cách bức tường, sự trùng hợp nầy lâu ngày mấy thằng” quỷ sứ” lớp tôi phát hiện, tụi nó âm mưu, hể thấy tôi đi tiểu, thì có một thằng theo sau chọc ghẹo, có bửa bị chọc đến mức đến nhà cầu tôi hết mắc …, nên quay trở lại khiến mấy thằng “phá nhà chay” có cớ chọc dữ hơn. Thật là “oan ơi ông địa” vì lúc đó mới mười một tuổi biết gì, chớ nếu lớn hơn dám có lắm vì dù sao Kim Cương cũng thấy được phần phụ của tôi, nếu thấy thêm nữa có sao đâu?
*-*-*
Ngày nay, ý nghĩa lời chúc Xuân hoàn toàn khác, khi xưa chúc đẹp như hoa, vì loài hoa có nhiều hương sắc, chủ yếu để cho mọi người cùng chiêm ngưỡng, thưởng thức, đem vẻ đẹp trong sáng hòa quyện vào cộng đồng, không tự ty ích kỷ giử cho riêng mình tận hưởng, đó là vì lợi ích cho tha nhân, cho người khác cùng chia sẻ.
Nhưng nay thì hoàn toàn khác, mỗi dịp Xuân về là cơ hội quý báu để đút lót, mưu cầu tiền tài danh vọng cho bản thân, thiệp chúc Tết thường được bỏ vào gói quà đắt giá, đôi khi mang thiệp đến tặng, không vào bằng cửa trước, phải lách đến cửa sau, gọi chủ nhà có khi dùng chân đá vào cửa, gây tiếng động, vì đôi tay mắc bưng gói quà. Nội dung câu chúc cũng khác biệt khi xưa, thường là mong muốn lợi ích cho cá nhân được tặng, đại loại như “ Năm mới cầu chúc được “Phước như Đông Hải – Lộc tợ Nam Sơn” hay “Tiền vô như nước sông Đà – Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”.
Bình thường ít ai nghĩ đến, như nếu chịu suy tư ngẫm nghĩ, sự khác biệt nầy là nguyên nhân của việc băng hoại về đạo đức, sâu xa hơn nếu thấy người Nhật họ giử nguyên tài sản của người bị thiên tai, gặp nạn, để hoàn trả…so với hình ảnh đám người hôi của, là mấy lon bia của một chiếc xe chở bia gặp nạn, thì sự nhục nhã đến tột cùng, tự ái dân tộc trỗi lên mạnh mẽ.
Tết về, nói chuyện không vui là không nên, nhưng cũng ít nhiều giúp tôi ao ước lại thời thơ ấu, cái thời trần truồng đút đầu vô lu nước tắm, ca vọng cổ, và tiếng vỗ tay như pháo Tết của cô láng giềng có nhà đâu đít. Ôi nó hồn nhiên đẹp đẽ biết bao.
Xuân Giáp Ngọ
Dương văn Phương