.
  Lúa gạo thế giới và VN
 



                                                                                                               Lúa gạo là loại lương thực thiết yếu của hầu hết người Châu Á, nhưng có nhiều rủi ro cho cả giới sản xuất và tiêu thụ do khí hậu và thị trường bất ổn trên thế giới và nội địa. Cho nên, các Chính phủ liên hệ, gồm cả Việt Nam luôn có chính sách bình ổn và cố giữ giá lương thực tương đối thấp cho giới tiêu thụ để tránh bất ổn xã hội xảy ra; nhưng họ quên đi quyền lợi của nông dân. Do đó, cần có chánh sách nhà nước điều tiết mối tương quan hợp lý giữa lợi tức thu nhập của nông dân và vấn đề ổn định giá thực phẩm.

Năm 2013, tình trạng sản xuất và thương mại lúa gạo thế giới tương đối ổn định, sản xuất tiếp tục gia tăng, nhưng giá lúa gạo liên tục giảm sút nhẹ từ đầu năm, làm giới nông dân trồng lúa tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam bị điêu đứng không ít do thiếu nguồn hỗ trợ thích đáng của nhà nước. Việt Nam sản xuất lúa tăng 1% so với 2012 và đạt đến khoảng 44 triệu tấn lúa, nhưng xuất khẩu giảm hơn 15%. Ngoài ra, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu lớn, riêng ở VN chiếm đến 50% tổng lượng xuất khẩu, có thể tạo nhiều rủi ro cho VN trong tương lai.Ấn Độ và Pakistan vẫn còn là nước xuất khẩu gạo giá thấp. Trong khi Thái Lan có kho dự trữ gạo khá lớn (17,4 triệu tấn gạo) làm ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu, cùng với Myanmar và Cambodia đang trở thành nước xuất khẩu gạo đáng kể sẽ là mối đáng lo ngại cho VN trong tương lai vì họ tiếp tay làm giá lúa gạo thế giới tụt dốc nếu vụ mùa 2014 thuận lợi.

Ngoài ra, Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tương lai có thể cung cấp Việt Nam cơ hội phát triển xuất khẩu đến các nước hội viên Châu Mỹ vì thị trường tiêu thụ khá lớn và lực cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ không còn nữa vì 2 nước này không tham gia TPP.

Sản xuất lúa gạo thế giới: Trong 2013, khí hậu gió mùa ở Miền Nam và Đông Nam Châu Á tương đối thuận lợi mặc dù kém trung bình tại một số địa phương. Theo tiên đoán của cơ quan FAO, sản lượng lúa thế giới năm 2013 sẽ tăng thêm khoảng 0,8% so với 2012, nghĩa là đạt đến 741 triệu tấn (tương đương 494 tấn gạo) từ 735 triệu tấn của 2012, phần lớn do khí hậu khá điều hòa ở châu lục này.

§  Châu Á: Sản xuất vẫn tăng trong 2013, khoảng 672,7 triệu tấn lúa, tức 1,2% hơn 2012, do từ các nước: India, Indonesia, Thailand, Myanmar và Bangladesh. Tuy nhiên, sản xuất ở Trung Quốc thấp hơn chỉ tiêu 1% do hạn hán ở các tỉnh miền Đông và Trung tâm. Sản xuất cũng giảm bớt ở Japan, Malaysia và Philippines.

§  Châu Phi: Sản xuất không thay đổi nhiều so với mức độ 2012, khoảng 26,8 triệu tấn lúa. Vùng Tây Phi và Bắc Phi sản xuất lúa có thể tăng thêm 5%, trong khi miền Nam Phi Châu và đặc biệt Madagascar, sản xuất lúa có thể giảm bớt 4% do khí hậu bất lợi.

§  Châu Mỹ La Tinh và Caribbean: Năm 2013, sản xuất lúa tăng nhẹ so với 2012, khoảng 28,0 triệu tấn lúa, tức 1,9%. Ở Trung Mỹ và Caribbean sản xuất lúa gia tăng tại Dominican Republic và Mexico; ở Nam Mỹ không rõ rệt: gia tăng tại Brazil, Guyana, Paraguay và Venezuela, trong khi giảm sút tại Bolivia và Chile. Ở Mỹ quốc, tình trạng mùa màn tương đối thuận lợi, nhưng sản xuất giảm bớt 5% theo kế hoạch.

§  Âu Châu: Sản xuất lúa của Liên Âu (EU) giảm sút nhiều (4 triệu tấn) trong khi Liên bang Nga đạt kỷ lục (1,1 triệu tấn).

§  Úc Châu có vụ mùa lúa tốt đẹp nhứt trong 10 năm qua (0,92 triệu tấn).

Thương mại thế giới: Trong 2013, thương mại thế giới có thể giảm 2% để đạt đến 37,8 tấn so với số kỷ lục của năm 2012, do sụt giảm nhu cầu ở Châu Á, dù Trung Quốc có thể nhập khẩu khoảng 3 đến 3,3 tấn lúa trong 2013. Vào tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã ký hợp đồng với Thái Lan để mua 1,2 triệu tấn gấn gạo trong thời gian tới. Dù thế Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm 2013 con số này có thể tăng lên 8-10 triệu tấn trong năm 2014.

Giá gạo thế giới tiếp tục giảm sút từ cuối 2012 do sự cạnh trạnh mãnh liệt trên thương trường, chủ yếu ở vùng tiêu thụ phía nam sa mạc Sahara và Trung Đông, đặc biệt khi Ấn độ tiếp tục cung cấp gạo giá thấp. Các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ bị thiệt hại đáng kể. Ấn Độ vẫn tiếp tục giữ ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhứt thế giới từ năm 2012 đến 2013.

Tại Việt Nam, mặc dù thế giới có nhu cầu xuất khẩu gạo cao và chánh sách hỗ trợ giá lúa gạo của Thái Lan, giá lúa gạo ở Việt Nam vẫn sụt giảm và sức thu mua kém năng động. Tỉ số hợp đồng trong năm 2013 đã giảm sút rõ rệt ở các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống chính như Indonesia, Philippines và Malaysia. Trong 9 tháng đầu năm 2013 chỉ có hơn 13% của trọn năm so với 44% của 2011 cùng thời kỳ. Đến giữa tháng 12-2013, Philippines chỉ nhập 362.000 tấn, chiếm 6,6% tổng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam, giảm đến 67% so với cùng kỳ; Malaysia chỉ mua 453.000 tấn, giảm đến 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Bờ Biển Ngà nhập 564.000 tấn, tăng 18,4%, Ghana nhập 353.000 tấn, tăng 28,4%…

Năm 2013, Trung Quốc bất ngờ tăng gia nhập khẩu gạo cả chính ngạch và tiểu ngạch giúp Việt Nam giải tỏa được số lượng lúa vừa thu hoạch trong các vụ vừa qua. Trong 9 tháng đầu của 2013, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập 3 triệu tấn gạo (hơn năm 2012 nửa triệu tấn), trong đó 1,76 triệu tấn theo chánh ngạch và 1,2 triệu tấn theo tiểu ngạch, thị trường Trung Quốc chiếm tới gần 50% tổng sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng phát hiện nhiều rắc rối như việc gian lận thuế xuất khẩu, xù hợp đồng, khó kiểm soát chất lượng, mua bán thiếu sự ràng buộc chặt chẽ. Cho nên, VN nên cẩn trọng hơn, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc Trung Quốc quá nhiều về loại thực phẩm này.

Theo tin kinh tế, so với năm 2012 VN xuất khẩu gạo tăng mạnh ở các thị trường như châu Âu (tăng 161%), châu Mỹ (tăng 25,9%), Trung Quốc (tăng 14,8) và châu Phi (tăng 5,75%). Trong số lượng xuất khẩu tính đến tháng 10, gạo trắng cao cấp chiếm đến 35,5%. Gạo trung bình chỉ có 21,4%, còn gạo cấp thấp chiếm 16,4%. Còn gạo thơm tăng bất thường, chiếm gần 14% sản lượng gạo xuất khẩu, hay tăng 72%. Đó là một khuynh hướng tốt cho xuất khẩu gạo VN.

Do thông tin từ Bộ Công Thương, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2013 xuống còn 6,7 triệu tấn hay giảm bớt 11% so với chỉ tiêu ban đầu (7,5 triệu). Trị giá xuất khẩu đạt gần 3 tỉ đô la. Giá gạo xuất khẩu trung bình 9 tháng đạt 439,32 USD/tấn.

Gạo tồn kho: Theo cơ quan FAO, vào cuối năm 2012 gạo tồn kho thế giới đạt đến số lượng kỷ lục ở 161,3 tấn hay tăng lên 11% so với năm 2011. Trong 2013, gạo tồn kho thế giới còn tiếp tục tăng lên 174,7 tấn hay tăng 8,3%. Theo tiên đoán sớm của cơ quan này, số lượng gạo tồn kho thế giới có thể tăng cao hơn nữa ở mức 183 tấn trong 2014. Số lượng tồn kho hiện nay tương đương với 36% nhu cầu quốc tế, một tỉ số cao nhứt trong thập niên vừa qua.

Dự đoán 2014:

Hiện nay, lúa bắt đầu gieo cho vụ chánh của 2014 ở miền Nam Xích đạo, cho thấy triển vọng tăng sản xuất lúa ở Argentina, Chile và Uruguay, không tăng diện tích ở Brazil, nhưng năng suất sẽ tăng 2-5%. Trái lại, Úc Châu sẽ giảm khoảng 22% sản lượng do tình trạng hạn hán gây ra. Trong khi đó Indonesia đặt chỉ tiêu tăng 6% sản lượng.

1)     Trong năm 2014, thị trường thế giới có vẻ ít năng động, giữ số lượng trao đổi khoảng 37,7 tấn gạo do nhu cầu thế giới có thể ổn định vì tăng gia sản xuất tại nhiều nước sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, dù có ảnh hưởng của bảo Hải Yến. Cho nên, giá gạo trên thị trường quốc tế khó có khả năng gây cú “sốc”  trong những tháng sắp tới.

2)      Áp lực lớn nhứt trên thế giới là gạo tồn kho Thái Lan còn qúa lớn. Nếu nước này còn hạ thấp giá gạo như đã làm với gạo 5% tấm hiện nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng không ít đến người trồng lúa ở VN và các nước xuất khẩu khác, do sức cạnh tranh đè nặng và giá lúa gạo còn xuống thấp hơn nữa! Giá lúa gạo ở Việt Nam chưa thể giúp nông dân Việt Nam cải thiện mức thu nhập hiện nay.

3)     Theo cơ quan FAO, nhập khẩu gạo Trung Quốc còn cao trong 2013-2014, nhưng có thể giảm nếu giá gạo toàn cầu tăng; hơn nữa, nước này sẽ nhập 1,2 triệu tấn gạo từ Thái Lan trong năm 2014 làm ảnh hưởng không ít số lượng xuất khẩu của VN vào nước láng giềng này.

4)     Dự kiến năm 2014, Ấn Độ ​​sẽ xuất khẩu 9 triệu tấn gạo, giảm 1,2 triệu tấn so với năm 2013; trong khi Thái Lan sẽ tiếp tục phục hồi xuất khẩu gạo với giá thấp.

5)     Đối với Pakistan, Mỹ và Việt Nam, xuất khẩu cũng có khả năng giảm. Theo dự báo của FAO, sản lượng gạo thế giới 2013-2014 giảm xuống khoảng 494 triệu tấn, nhưng vẫn tăng khoảng 1% so với 2012-2013 do triển vọng vụ mùa xấu đi ở Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu 2013-2014 sẽ đạt 489 triệu tấn, tăng khoảng 2,6% hoặc 12 triệu tấn so với năm trước.

6)     Ngoài ra, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nước có nền kinh tế số một thế giới giảm bớt mua trái phiếu của mình và tăng lãi suất sẽ tăng áp lực giá Đô la lên cao và giá dầu thô thấp hơn, làm giá ngũ cốc bản xứ và thế giới, gồm lúa gạo giảm theo, dưới áp lực gạo tồn kho lớn của Thái Lan và gạo giá thấp ở Ấn Độ.

Tóm lại, xuất khẩu gạo trong 2014 còn gặp nhiều khó khăn; do đó, VN cần có chánh sách hỗ trợ nông dân nhiều hơn nếu muốn họ có đời sống tốt hơn năm qua, trong khi đặc biệt quan tâm đến sản xuất gạo chất lượng tốt và gạo thơm có giá trị kinh tế cao. Cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cấp Chính phủ, khuyến khích tư nhân tham gia xuất khẩu để có nhiều hợp đồng. Đồng thời VN cần có kế hoạch lâu dài giảm sản xuất lúa trong nước để đưa giá gạo thế giới tăng lên mà thu nhập ngoại tệ của khâu này không thay đổi nhiều, nếu không nói lợi tức nhiều hơn hiện nay. Chương trình lúa lai ở Miền Bắc và Trung bộ từ năm 1990 cần nghiêm túc đánh giá lại do còn nhập quá nhiều lúa giống F1 của Trung Quốc, không mang lợi ích gì cho đất nước mà còn bị lạm dụng!

 

Trần Văn Đạt, Ph.D.

Nguyên Chánh chuyên gia Cơ quan FAO, Rome

 

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693835 visitors (2232069 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free