.
  Sản xuất lúa...
 

 

Để làm ra được hạt lúa đâu phải dễ!

Là người trong cuộc, tôi nhớ năm 2006 Thủ Tướng phải tổ chức hội nghị phát động chiến dịch phòng trừ rầy nâu cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long vì vừa sau Tết thì rầy nâu đã phát triển thành dịch trên lúa đông xuân. Có bao nhiêu thuốc trừ sâu cũng được lệnh phải tung ra hết để bảo vệ lúa và ông Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để rầy nâu tiếp tục lây lan trên đồng ruộng của tỉnh mình. Một Thứ trưởng Bộ NN & PTNN được phân công trực chiến và “Ban Chỉ đạo chống Rầy” phải họp giao ban hàng tuần.

Với nhận định rầy nâu di cư theo gió nên gần 300 bẫy đèn đã được bố trí khắp nơi trong vùng để theo dõi mật số tại chổ hàng đêm và báo cáo kết quả từng ngày về Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam để tổng hợp và thông báo về cho các tỉnh chỉ đạo hàng tuần. Biết được đặc điểm gây hại của rầy nâu nên kỹ thuật “3 Giảm – 3 Tăng” được chỉ đạo triệt để trên cơ sở phòng trừ tổng hợp (IPM) là sạ thưa, bón ít phân đạm đầu vụ để khỏi phải phun thuốc trừ sâu sớm, nhờ đó thiên địch của rầy nâu phát triển trong ruộng lúa, tạo cân bằng sinh thái để khống chế sự phát triển của rầy nâu.

Sau gần ba năm thì sự chỉ đạo đồng bộ và chặt chẽ này đã có hiệu quả nên dịch rầy nâu truyền bệnh Vàng Lùn đã bị đẩy lùi. Từ chổ phải ra lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2008, sản xuất lúa của ĐBSCL được thế mới bung lên thành ba vụ trong năm, ban đầu do nông dân tự nguyện rồi sau đó được nhà nước hỗ trợ và có chủ trương (như trong năm 2013!). Lý do là lúa xuất khẩu có giá vì các nước khác trong vùng chưa khống chế được rầy nâu; điển hình là Thái Lan đã cử đoàn qua tham quan học hỏi kinh nghiệm “3 Giảm – 3 Tăng” để trị rầy nâu thay vì phải dựa vào thuốc hóa học (cũng giống như Indonesia). Tạp chí SCIENCE ngày 16.8.2013 đã giới thiệu thành quả này của Việt Nam và được Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) đề nghị các nước khác trong vùng nên làm theo (“keep up the GOOD WORK”).

 
   

 

Vậy mà trúng mùa lại rớt giá!

Thật ra đâu có rớt, vì lúa vẫn được mua và gạo được xuất khẩu đều đặn: năm ngoái trên 7,2 triệu tấn và nay cũng sẽ hơn 7 triệu với giá trên dưới 400 USD/tấn kia mà? Mặc dù có thêm cạnh tranh của một số nước như Ấn Độ và có khả năng Myanmar (chớ Campuchia thì khó), nhưng đồng bằng sông Cửu Long của nước ta được trân trọng như là vựa lúa của cả khu vực, còn chi viện cho cả các nước châu Phi. Như vậy thì có lẽ nào nông dân sản xuất lúa không lời đến nỗi phải tính bỏ ruộng để ra thành phố làm công nhân?! Nghịch lý đó có chăng là ở mấy chuyện như thế này:

1.     Hầu hết lúa sản xuất ra ở vùng ĐBSCL là lúa hàng hóa nhằm cho xuất khẩu là chính và đều do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) định đoạt hết (có lẽ lấy lý do là giữ an ninh lương thực cho cả nước?). Nhưng với nhiệm vụ và quyền hạn quá ôm đồm như hiện nay thì làm sao có đủ khả năng để vừa đá bóng vừa thổi còi cho được, nên thực tế là họ không trực tiếp với nông dân mà gần như giao khoán cho thương lái đến mua gom tại ruộng. Với chính sách và cách làm đó thì nông dân thường hay bị ép giá là chuyện hiển nhiên không tránh khỏi.

2.     Nông dân thì hầu hết là nghèo, phải vay nợ để sản xuất nên khó có khả năng tồn trữ để chờ giá, nên phải nhờ cò đi rước thương lái đến mua ngay tại ruộng, gần như may nhờ rủi chịu với bất cứ giá nào để có tiền trả nợ vật tư, cũng được chủ nợ đến thu ngay tại ruộng! Mà có nông dân nào muốn phơi sấy và tồn trữ để chờ giá cũng không có phương tiện, hoặc có thể hợp tác hay nhờ vã nơi nào.

3.     Trình độ sản xuất của hầu hết nông dân đều còn quá kém nên làm theo cá thể là chính. Cứ xong vụ này thì chuẩn bị sạ vụ lúa kế tiếp chớ không biết làm gì hơn. Báo đài và cán bộ khuyến nông các cấp có hướng dẫn hoặc chỉ đạo nhưng đa số đều khó lọt tai nỗi vì kiến thức đó còn mơ hồ quá đối với họ. Nên cứ thấy lúa lên xanh là mua phân đem rải rồi sau đó mang bình ra xịt ngừa thuốc trừ sâu cho chắc… bụng! Cán bộ khuyến nông tại địa phương thì ít mà đại lý thuốc thì nhiều với đủ thứ tờ rơi tờ bướm chỉ cách sử dụng thuốc, lại còn được mua chịu để khi bán luá xong sẽ trả. Do đó mà chi phí sản xuất lên cao, đến ngày thấy luá chín vàng đồng tưởng đâu ngon lành, nhưng khi bán được lúa xong tính lại thì may ra chỉ còn đủ lấy công làm lời!

Nỗi buồn này không thể để cho đeo đẳng mãi với đời sống của nông dân khi mà công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đâu không thấy, chỉ có sản xuất nông nghiệp trong vùng đã phát triển đồng bộ, thật sự đã cứu vãn sự đình đốn của nền kinh tế trong mấy năm qua.

Cần sớm có hướng khắc phục

1.     Trước tiên, cần có sự quan tâm cần thiết và hợp lý của nhà nước cho khu vực ĐBSCL để hỗ trợ nông dân ổn định và phát triển sản xuất theo yêu cầu vừa bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, vừa sản xuất lúa hàng hóa ưu tiên cho xuất khẩu với chất lượng cao và giá cả khích lệ.  

2.     Tập thể hóa nông dân: Hướng dẫn nông dân tự nguyện vào sản xuất tập thể để hỗ trợ lẫn nhau về diện tích đất, vốn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, thu hoạch rồi xử lý và tồn trữ lúa để có giá bán tối ưu. Hình thức “Cánh đồng mẫu lớn”, “Hợp tác 4 nhà” hay “Hợp tác xã kiểu mới” là các bước đi có triển vọng đang được triển khai từng bước để dần hoàn thiện hiện nay. Công ty Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức nông dân sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn để làm nguồn nguyên liệu xuất khẩu, vừa kêu gọi nông dân vào cổ đông của công ty là một mô hình đáng trân trọng.

3.     Công tác khuyến nông phải được tổ chức và thực hiện cụ thể cho nhu cầu bức thiết của ĐBSCL là chuyển nhanh hiện trạng sản xuất cá thể lạc hậu sang sản xuất tập thể theo kiểu tự nguyện, cập nhật và chuyển giao tiến bộ KHKT để áp dụng quy trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, giảm giá thành và tăng phẩm chất để có lợi nhuận thích đáng nhằm khuyến khích nông dân tự cải tiến, sáng tạo và nhạy bén sẵn có. Hơn nước nào hết, hiện nay mỗi tỉnh đều có đài phát thanh và truyền hình nhưng mục tiêu là để tuyên truyền chính trị là chính, chiếu phim rẻ tiền để câu quảng cáo vì lợi nhuận hơn là phổ cập công tác khuyến nông. Thỉnh thoảng có những chương trình trực tiếp truyền hình nhưng phổ biến kiến thức nông nghiệp thì ít mà lồng vô quảng cáo thì nhiều vì đều được các công ty hóa nông chủ động dàn dựng và tài trợ hậu hỉnh.

4.     Hiệp hội lương thực chỉ nên lo về đảm bảo an ninh lương thực và chính sách điều tiết hoạt động xuất khẩu lúa gạo, để công tác xuất khẩu cho các doanh nghiệp chức năng thực hiện dựa vào năng lực chớ không phân biệt thành phần. Chính sách hiện nay cho thấy có nhiều đơn vị có nguồn nguyên liệu nhưng không xuất khẩu được hoặc bị hạn chế do vướng chính sách xin cho đang trá hình để tồn tại.  

 

 

 

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693818 visitors (2232033 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free