Ngựa trong đời sống
văn hóa Việt Nam
Trong các vật nuôi, ngựa là loài có ý nghĩa tinh thần phong phú và giá trị biểu tượng cao. Nó thể hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng và tích cực trong đời sống văn hóa Việt Nam.
Do được sử dụng phổ biến, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên ngựa cũng tạo giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam. Tín ngưỡng cổ truyền quan niệm có nhiều vị thần cưỡi ngựa du hành hoặc cùng ngựa góp sức tạo ra, điều chỉnh, chuyển hóa 5 bản nguyên thế giới: kim (kim loại), mộc (cây cối), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất). Sự năng động của ngựa đôi khi được coi là nguồn gốc hoặc tượng trưng cho sự luân hồi giữa những mặt đối lập của vũ trụ và nhân thế: sáng - tối, nóng - lạnh, sống - chết, hòa hợp - xung đột... Ở nhiều địa phương, ngựa là hiện thân của may mắn, hạnh phúc, mơ thấy ngựa hoặc ra ngõ gặp ngựa là điềm may hoặc gặp được người đang cần tìm. Tại các đình, đền, chùa, hai bên thường thờ hai con ngựa gỗ giống nhau nhưng khác màu (một con màu trắng, con kia màu đỏ), tượng trưng cho uy linh, sự tôn nghiêm và tính cân xứng.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình ảnh ngựa xuất hiện vừa phổ biến, đa dạng lại vừa hấp dẫn, sáng tạo. Chúng ta gặp “ngựa” (mã) ở đủ mọi lĩnh vực ngôn từ: tự nhiên và xã hội, lý thuyết sách vở và giao tiếp thực tiễn. “Sức ngựa” (mã lực) là đơn vị công suất, xấp xỉ bằng 75kg/m trong 1 giây - tương đương công suất của một con ngựa khỏe; “ngựa chứng” là thói ương bướng, ngổ ngáo; “vành móng ngựa” là chỗ đứng của người bị truy tố nơi tòa án; “ghế ngựa” là giường gỗ độc đáo, đóng thành hai tấm hình chữ nhật, kê ghép lại trên hai cái mễ; “mã tấu” là dao dài, to bản, mũi vát nhọn; “mã vũ” là thiết bị âm nhạc làm từ lông đuôi ngựa, dùng để kéo đàn nhị .v.v... Động vật có con bọ ngựa, cá ngựa, sóc ngựa, dơi ngựa, gấu ngựa... Thực vật thì có cây ké đầu ngựa, cỏ roi ngựa, lau đuôi ngựa .v.v... Ngựa hiện diện trong nhiều loại địa danh: núi Mã Yên, Mã Hương, Mã Trường, Thiên Lý Mã (Ninh Bình), sông Mã (Thanh Hóa), đền Bạch Mã, phường, bến xe và đường phố Kim Mã (Hà Nội) .v.v...
Ngựa được lấy làm đối tượng cho hàng ngàn câu ngạn ngữ, phương ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao, rất sinh động và giàu ý nghĩa, thực sự là tinh hoa của xử thế và nghệ thuật. Ngựa cũng là hình ảnh đẹp đi vào thơ, được nhiều thi sĩ yêu chuộng, tạo nên những bài thơ nổi tiếng: Con ngựa bỏ ở chân thành của Nguyễn Du, Người đẹp trên mình ngựa của Ninh Tốn, Mòn mỏi của Thanh Tịnh, Ngựa thồ của Hoàng Trung Thông, Ngựa nông trường của Yến Lan, Ngựa hồng của Chế Lan Viên, Song mã của Lê Thị Kim .v.v... Ngựa xuất hiện trong âm nhạc, có ở không ít ca khúc được thính giả say mê, chẳng hạn bài hát Lý ngựa ô vui nhộn và tình tứ. Còn trẻ em Việt Nam khi chơi trò ú tim thường thuộc lòng bài đồng dao: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương... ”.
Ngựa trở thành nhân vật, phương tiện hoặc đề tài trung tâm của nhiều truyền thuyết, truyện kể, sự tích độc đáo. Kỳ vĩ nhất là truyền thuyết Thánh Gióng, nói về sức mạnh, công lao của người, của ngựa trong truyền thống giữ nước oai hùng. Vào đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân tràn vào xâm lược nước ta. Cậu bé tên Gióng truyền tâu vua cử thợ đúc cho mình một con ngựa sắt khổng lồ. Gióng cưỡi lên, ngựa bỗng hí vang, phun ra lửa, phi như vũ bão đưa Gióng vào chiến trận, đánh tan quân thù. Dẹp xong giặc, Gióng cùng ngựa bay lên trời, để lại tới ngày nay vết chân ngựa là những ao hình tròn nối nhau liên tiếp ở Sóc Sơn (Hà Nội) và những bụi tre do ngựa phun lửa vào nên ngả màu vàng óng (gọi là tre “đằng ngà”) ở Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ (Bắc Ninh)!
Ngựa nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Ngọ - một chi quan trọng, mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Ngọ kéo dài từ 11 đến 13 giờ, khoảng thời gian sáng sủa nhất trong ngày (chính ngọ là đúng 12 giờ trưa, lúc Mặt Trời ở thẳng đứng trên đỉnh đầu). Tháng con ngựa là tháng Năm âm lịch, giữa mùa hạ, cây cối xanh tốt, sung mãn nhất, ra hoa kết quả nhiều nhất, con người cũng dồi dào sinh lực nhất và tương quan trời - đạt đến độ hài hòa tối đa. Quan niệm tín ngưỡng còn cho rằng người tuổi Ngọ thường năng động, tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời. Câu ca dao: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/ Riêng tôi ngậm ngùi mang lấy tuổi Thân” có ý nghĩa xuất phát từ đó.
Hình ảnh ngựa trở nên sinh động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Trẻ em ta thuở xưa đến tận bây giờ vẫn thích thú chơi trò Cưỡi ngựa vật nhau: hai đội, mỗi đội gồm 4 đứa với 3 đứa kết thành một “con ngựa”, 1 đứa là “kỵ sĩ”; hai “ngựa” diễu quanh sân, những người xem đi theo sau cổ vũ và cùng hát câu: “Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”; sau khi diễu ba vòng, mọi người tản ra xếp thành hình tròn để hai “kỵ sĩ” trên “ngựa” bá cổ vật nhau, bên nào không vững, ngã xuống đất trước là bên ấy thua. Thanh niên thì ngoài đua ngựa còn tổ chức trò phi ngựa bắn cung, múa trên lưng ngựa, cưỡi ngựa nấu cơm... như một hình thức sinh hoạt văn hóa - thể thao hấp dẫn, khỏe khoắn, đồng thời cũng tạo nhịp cầu giao lưu, kết bạn, kết duyên. Các lễ hội dân gian tại nhiều nơi có cưỡi hoặc rước ngựa rất tưng bừng, náo nhiệt: hội Gióng, hội Kẻ Giá, hội Bà Chúa Ngựa...
Ở một phương diện khác, tĩnh lặng nhưng phong phú, bền vững là hình tượng ngựa trong kiến trúc, tạo hình, trang trí. Ngựa được thể hiện đa dạng trên tranh, bia, miếu, đình, đền, chùa, nhà thờ, cung điện, công sở… với đủ loại chất liệu: đất, đá, vữa, đồng, gỗ, mực... và bằng nhiều kỹ thuật: tạc, đắp, nặn, chạm, khắc, đúc, nung, vẽ... Người ta đã tìm thấy tượng ngựa bằng gốm trong các ngôi mộ cổ thế kỷ IV-V tại Chương Mỹ (Hà Nội), bức phù điêu chạm khắc ngựa rất đẹp vào thế kỷ IX ở Trà Kiệu (Quảng Nam). Tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), có đôi ngựa đá lớn làm từ thế kỷ XI, dáng căng tròn, sung mãn. Vào thời kỳ này, cũng có nhiều tượng ngựa bằng gốm nơi đình, đền, chùa và trên các bàn thờ gia đình. Nhưng phải tới thế kỷ XV, nghệ thuật trang trí, tạo hình ngựa mới phát triển đa dạng, rầm rộ. Ngựa vũ trụ với hai cánh chéo trên lưng mang ý nghĩa “con vật chở bầu trời đi” có ở đình Tây Đằng (Hà Nội). Còn tại bệ tượng chùa Trà Phương (Hải Phòng), hiện diện con long mã (đầu rồng thân ngựa), biểu trưng cho siêu lực... Từ thế kỷ XVII, hình tượng ngựa ngày càng phổ biến, có khi nó được tạc bằng đá, tầm vóc lớn hơn ngựa thực tế (như ở mộ quận Đăng, Thanh Hóa, năm 1629) hoặc nhóm tượng rất đẹp cùng với giám mã (ở đình Hương, Bắc Ninh, đầu thế kỷ XVIII). Các bức chạm khắc ngựa trong cảnh vinh quy, du hành, chiến trận thấy ở đình Hoành Sơn, đền Tam Lang (Hà Tĩnh), cảnh cưỡi ngựa đấu võ thấy ở đình Nội (Bắc Ninh). Trong rất nhiều đình, đền, chùa, vẫn thờ cặp tượng gỗ bạch mã (ngựa trắng) - xích mã (ngựa đỏ), bức chạm khắc vân mã (ngựa bay trên mây) hoặc mã hầu (khỉ cưỡi ngựa)... Tranh vẽ ngựa cũng xuất hiện khá sớm, nay còn trên bản khắc gỗ tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) các bức địa mã (ngựa ăn cỏ), tòng giá (theo hầu ngựa), tỳ giá (dong ngựa). Những thế kỷ gần đây, tranh ngựa có nhiều ở dòng tranh cổ truyền Hàng Trống (Hà Nội), làng tranh nổi tiếng Đông Hồ (Bắc Ninh) và thu hút năng lực sáng tạo của không ít họa sĩ Việt Nam hiện đại.
© ANH HÙNG