.
  Ý tứ và thói quen...
 
2/8/2013

  

.

 


    

       Tôi còn nhớ cô giáo dạy lớp ba của tôi hay dùng cụm từ vô giáo dục để nói về hành vi xấu của học trò như là: quăng rác bừa bãi, không chào thưa người lớn,; còn cô lớp nhì thì dạy con gái phải có ý tứ ngáp phải che miệng lại; nhặt đồ rơi thì phải ngồi xuống chứ không chổng khu; cô lớp nhứt thì dạy con gái không được tâm hơ tâm hất phải biết nhìn trước nhìn sau, nhỏ nhẹ không cười to nói lớn, hồi đó làm sao tôi hiểu hết ý nghĩa của cụm từ nầy, nhưng chính vì các cô cứ thường nhắc nhở và cũng vì không muốn là người xấu nên học trò nhỏ tụi tôi quen dần cũng có nghĩa là rèn được thói quen tốt.

      


     Còn ở nhà, mẹ tôi cứ nhắc đi nhắc lại chuyện ý tứ khi làm bếp, lúc ăn uống theo nghĩa ăn coi nồi ngồi coi hướng... không vất bừa, đổ xá rác; khi vào bếp với mẹ, tôi cứ bị rầy về cái tội xả bừa, không có cái gì để chứa rác khi chuẩn bị thức ăn, tôi còn cải lý đằng nào cũng dọn dẹp, khi xong thì dẹp luôn. Một lần mẹ sai tôi lặt rau, gọt dưa, khóm mà không nhắc tôi lấy đồ đựng vỏ.Tất cả rác được tôi thỏai mái bày ra nền gạch. Mẹ chỉ đồng hồ yêu cầu tôi canh giờ khi tôi loay hoay vừa hốt vừa quét, vừa lau sàn gạch, lại còn trợt té vì gạch trơn còn ướt, tôi phải tốn thêm 11 phút cho chuyện dọn dẹp rác mà đáng ra chỉ cần có 01 phút nếu các thứ thải ra ấy có đồ đựng từ lúc tôi nhặt rau gọt khóm, đúng là chuyện nhỏ mà không nhỏ. Rồi một lần đi chợ với mẹ, mẹ chỉ cho tôi và giải thích hình ảnh một người bán vải đang ăn chôm chôm, trước cửa hàng đầy vỏ chôm chôm do chị ném ra cộng với rác vương vải, đúng là không đẹp mắt một chút nào, mẹ nói đó là hành động không ý tứ, thiếu tự trọng, chẳng biết thương người quét rác cực khổ, phải chi chị ấy chịu khó bỏ vỏ vào một túi nhựa rồi buộc miệng lại để vào một góc, chờ công nhân vệ sinh tới lấy, như vậy có phải là vừa sạch chính chỗ bán của mình, vừa đở cực cho người ta! mẹ tôi nói như là than thở. Con nít 10 tuổi làm sao mà tôi biết cái ý tứ mẹ dạy có gì hay ho, nhưng mà đúng là đở mất công nên tôi nhớ làm  theo; vậy mà lại thành thói quen và khi tôi lớn càng nghiệm ra sự thâm thúy của mẹ dạy.về ý tứ phụ nữ.

      


       Còn chuyện dài nhiều tập về vệ sinh công cộng, không thực hiện các quy định nơi công cộng một cách tự giác thì đang trở thành vấn nạn, nếu ai cũng nghĩ chuyện dọn rác là của công nhân vệ sinh, cho nên mọi người xã rác tùy thích thì quả là thiếu tự trọng. Dễ thấy nhất là ở những tụ điểm lễ hội, kết thúc lễ hội là hình ảnh một quãng trường đầy rác, rác tỉ lệ thuận với quy mô lễ hội và lượng người tụ tập, niềm vui của đám đông thiếu ý thức, trở thành gánh nặng cho công nhân vệ sinh, mà quan trọng hơn đó là biểu hiện kém văn hóa của một cộng đồng những người đang tham gia vào một hoạt động văn hóa.

 Lại nói về cái chuyện rác và loại bao bì thông dụng hàng đầu hiện nay, đó là các loại túi nhựa đủ loại đủ cở đang trở thành một loại vật dụng đa năng không ai có thể phủ nhận mặc dù có những thông báo khoa học rằng nó là rác thì lại tồn tại dai dẵng đến hàng trăm năm.Vấn đề là biết tận dụng công năng có ích của nó và không vứt bừa bãi. Tôi từng tham gia nhiều đám đông, tôi cũng có nhu cầu ăn quà vặt trong cuộc vui, do thói quen nên khi mua một túi mía, đậu phọng hay trái cây, tôi cứ phải giải thích để xin thêm từ người bán một túi nhựa không để đựng rác vào, bạn bè cùng đi hay cười nhạo, nói tôi lẩm cẩm như bà già, cứ như mầy công nhân vệ sinh thất nghiệp hết rồi. Cái chuyện nhỏ như con thỏ mà làm như quan trọng lắm. Nhưng rồi tụi nó cũng ngoan ngoãn cho xác mía ,bây giờ thì tôi hiểu cái cụm từ vô giáo dục tuy khá nặng nề mà cô giáo lớp ba đã dạy và cái ý tứ mà mẹ tôi rèn chính là một nét thể hiện nhân cách trong văn hóa cộng đồng rất sâu sắc mà ngày nay đang bị người ta  xem  là chuyện nhỏ, bị bỏ qua.

 

  
     Bên cạnh cũng cần có những điều chỉnh xã hội cụ thể: ở những nơi công cộng có cơ quan quản lý, cần thiết quy định bắt buộc người bán những món hàng sinh rác trong khu vực cho thêm một túi ny long trống vào túi đồ và nhắc người mua vui lòng cho rác vào túi, buộc miệng lại; chế tài chủ hàng nào có rác rơi vải nhiều.

 Đối với đám đông của một cuộc lễ hội các thùng rác công cộng sẽ không chứa nổi, nhưng ít nhất khi cuộc vui tàn, chứng tích còn lại là các túi rác vẫn thể hiện tình người và dễ coi hơn là rác tự do theo gió vương vãi khắp nơi.

Vậy thì, chuyện cho thêm cái túi nhựa không kèm theo túi hàng quà sinh ra rác, đúng là có tác dụng hình thành thói quen tốt, một biểu hiện của nét văn hóa ứng xử công cộng thường bị coi là chuyện nhỏ xíu trong bộn bề của cuộc sống hiện nay!  

  Tôi bỗng ước rằng: phải chi học sinh nhỏ tuổi bây giờ ngoài cái việc được dùng để tham gia thử nghiệm các công cuộc cải cách giáo dục vô cùng bự sự, người có quyền của ngành nhớ chen vào một chút thời gian cho giáo viên rèn cho học trò giáo dục công dân từ những thói quen tốt rất nhỏ mà thiết thực ngay trong giờ học, trong sinh hoạt…để chuyện nhỏ thâm thúy ấy theo thời gian mà lớn lên cùng với trẻ hình thành nhân cách, để các em thành người lớn có ý thức hơn về lòng tự trọng, biểu hiệu qua mỗi hành vi ứng xử sinh hoạt hàng ngày trong đời sống cộng đồng . Đào tạo những thế hệ công dân có thói quen tốt, một xã hội có nền văn hóa tự giác tự trọng.

 

                                     Phan Thị Thúy Truyển. ( Ca-Giao)

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693614 visitors (2231514 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free