.
  Nông sản An Giang
 
10/10/2013
  
                                                     
     


 

 
Việt Nam đã chính thức là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới WTO là một sự khẳng định uy tín, vị thế mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế VN trên thương trường quốc tế. Phấn khởi tự hào là tâm trạng chung của tất cả người dân Việt Nam, nhưng cũng canh cánh sự lo toan, phải làm gì để tồn tại và phát triển trước dòng chảy mạnh mẽ của kinh tế thị trường toàn cầu, với sức ảnh hưởng lan tỏa to lớn sẽ chi phối mọi sinh hoạt đời sống xã hội của tất thảy mọi người từ thành thị đến nông thôn, người dân bình thường nhất cũng phải làm quen với cơ chế thị trường mà trong đó được điều chỉnh bằng luật pháp tất cả các mối quan hệ lợi ích kinh tế, rạch ròi sòng phẳng đến như vô tình, tàn nhẫn mà trước nay chúng ta hay hiểu nó nhìn nó như là mặt trái của kinh tế thị trường, bây giờ phải đối mặt sống chung với nó. Đây là điều mà hầu hết nông dân chưa quen, chưa am hiểu, chưa có chuẩn bị để làm chủ nó. Từ nay sự bảo hộ của nhà nước cho nông nghiệp nếu có cũng phải trên cơ sở thực thi những cam kết quốc tế mà chính phủ VN đã ký. Như vậy tình thế đặt ra cho nông dân phải biết chủ động, tự cứu, tìm ra các giải pháp tất yếu để nâng cao năng lực hội nhập; đồng thời với những chính sách về sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông sản năng động phù hợp của An Giang.
    Từ 2006 ở An Giang cách gọi tên và cách viết giữa 2 từ sản xuất và kinh doanh là một gạch nối chứ không là dấu phẩy; thống nhất khái niệm nông dân phải làm ra cái thị trường đang cần để bán, và luôn đắt hàng được giá, nghĩa là nông dân phải biết kinh doanh! như là một sự khẳng định về vai trò của nông dân trong nền kinh tế thị trường toàn cầu.   
Và trong thời kỳ hội nhập nông dân An Giang cần phải làm gì? trong phần trình bày của mình, tôi xin có một số ý kiến về xây dựng thương hiệu cho gạo của AG.
 
        

                    ( ảnh minh họa: được mùa )
Phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh ta theo đuổi mục tiêu: nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản của tỉnh ngoài những nhân tố đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, tuân thủ quy trình quản lý chất lượng quốc tế về an tòan vệ sinh thực phẩm từ đầu vào đến đầu ra trong quá trình sản xuất và chế biến; sản phẩm phải được bảo vệ bằng cách xây dựng thương hiệu, có chiến lược tiếp thị tìm kiếm và mở rộng thị trường. Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao xây dựng thương hiệu gạo Nàng nhen Bảy núi, huyện Phú Tân có chương trình nếp Phú Tân, gạo thơm Châu Phú…Nhưng tất cả đang còn là nghiên cứu thử nghiệm, là đăng ký thủ tục pháp lý cho nhản hiệu hàng hóa, chứ chưa có Thương hiệu nào đúng nghĩa.  
Theo Hiệp hội Marketing của Hoa Kỳ: Thương hiệu là một cái tên (Honda), một từ ngữ (Cocacola ), một dấu hiệu ( một vệt hình dấu ă của Nike), một hình vẽ (Mercedes), một biểu tượng ( HVNCLC chữ V cách điệu và một ngôi sao)…hay tổng hợp nhiều yếu tố, nhằm xác định một sản phẩm hay một dịch vụ làm cho có sự phân biệt được sản phẩm đó với các đối thủ cạnh tranh; nó tạo ra ấn tượng, sự tin tưởng của người tiêu dùng về chất lượng, làm gia tăng giá trị vật chất của sản phẩm lên gấp nhiều lần; Có thể ví thương hiệu là linh hồn của nhản hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Thương hiệuliên quan đến nhãn hiệu hàng hóa  là những dấu hiệu về hình thức để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại, nhãn hiệu dễ thực hiện nếu có đăng ký thì được bảo hộ về mặt pháp lý, hàng hóa nào cũng có thể có nhãn hiệu nhưng không phải nhãn hiệu nào cũng có thương hiệu.. Như vậy việc xây dựng thương hiệu là cả quá trình từ ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng; Gần đây, cụm từ Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trở thành thương hiệu bảo đảm cho các sản phẩm được bình chọn từ người tiêu dùng.
Còn nông sản AG gạo, cá, nếp, hoa màu… ngoài cá basa, cá tra với tên Pangacius có được từ cuộc chiến đấu gian nan trong tranh chấp với Hiệp hội nuôi cá nheo ở Mỹ về tên gọi Catfish, thời gian gần đây một số sản phẩm thủy sản, rau củ xuất khẩu có gắn tên cty đó chính là quá trình xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp ở An Giang mà mô hình liên kết giữa sản xuất chế biến và tiêu thụ của Agifish và Antesco đã từng bước trở thành thương hiệu cho thấy sự phù hợp trong thời kỳ hội nhập.
 


                  ( được mùa, rớt giá)
 
 Riêng việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng gạo đang là bài toán thực tiển rất khó, nếu ta bằng lòng với cái nếp nghĩ theo kiểu dùng chung: gạo Việt Nam, gạo An Giang, gạo thơm, Jasmin…người trồng lúa thì đến mùa vụ thì cứ trồng mà không biết ai sẽ mua, phần lớn là nhờ vào hàng xáo đi tận đồng mua về bán lại cho doanh nghiệp; doanh nghiệp xuất khẩu chào hàng ký hợp đồng bán gạo theo quy cách tỉ lệ hạt gẩy ( % tấm ) chứ không có tên gạo cụ thể, dù DN có muốn cũng chưa dám làm, vì không thể có được một loại gạo nào thuần chất ổn định và có khối lượng lớn… khi mà nông dân, ngay cả trong các hợp tác xã vẫn giữ tập quán canh tác như lâu nay, thì chắc chắn không bao giờ AG có được thương hiệu gạo.
Đã có lúc chúng ta thực hiện những cam kết làm ăn là hợp đồng mua lúa nhưng không hiệu quả. Nghiên cứu nguyên nhân thì đây không phải là lỗi cụ thể của phía nào, những hợp đồng mà một thời ta triển khai vận động nông dân và DN thực hiện, đã bộc lộ tính hình thức bởi suy cho cùng nội dung nó không phải là hợp đồng kinh tế, cũng chẳng phải là hợp đồng nghĩa vụ nên không có ràng buộc pháp lý, nên cũng không thể chế tài xử lý các trường hợp vi phạm.Vô hình chung suốt một thời gian dài dung dưỡng một mối quan hệ nửa vời, vô trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau mà không thể phê phán giữa người sản xuất và người tiêu thụ, đáng lẽ phải là đồng minh, nhưng có khi trở thành đối thủ.
Thực trạng nầy ai cũng thấy, cũng nóng lòng, cũng ấm ức vì AG có điều kiện tốt, có chính sách nông nghiệp năng động hiệu quả, có nông dân giỏi, có các doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm xuất khẩu gạo, nhưng không chủ động được nguồn hàng và chất lượng hàng nên không thể mạnh dạn trong đàm phán các thương vụ nên giá bán thấp, gạo cạnh tranh bằng giá chứ chưa bằng chất lượng, bằng đẳng cấp thương hiệu. Trước tình hình nầy, có lẽ không còn con đường nào khác hơn là phải liên kết bằng lợi ích, từ nhận thức đến hành động, liên kết để làm ăn, để tồn tại và phát triển. Và chính trong giai đọan nầy, cơ chế thị trường sẽ là một cuộc sàng lọc khắc nghiệt, kết quả được quyết định bởi bản lĩnh của mỗi thành viên tham dự.
        Vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo của An Giang ai là chủ yếu đầu tàu? xây bằng cách nào? ai phải thực hiện? và ai sẽ là người hưởng lợi.
Trả lời cho các câu hỏi nầy cũng chính là tìm ra các giải pháp cho thương hiệu gạo, tìm ra một cơ chế phối hợp tích cực hiệu quả, đòi hỏi một sự cải cách mạnh mẽ từ tất cả các bên có liên quan ( 4 -5 nhà).
Chủ động tích cực tự cứu bảo vệ quyền lợi thiết thân của chính mình là nông dân những người làm ra lúa: phải hợp tác để làm ăn, đồng lòng chấp nhận cùng thắng cùng thua trong cả quá trình canh tác- thu hoạch - bảo quản, để có lúa chất lượng cao, chi phí sản xuất thấp. Muốn như thế thì ngay trong việc liên kết phải tính toán, trong tập thể hợp tác phải chọn có trò đầu đàn, người giỏi, người giàu kềm cặp người yếu, ngay cả trong nhận thức xã hội cũng không nên kỳ thị chuyện tích tụ đất vào tay những người có năng lực, vốn liếng, biết khai thác tiềm năng của đất, chính họ là người sẽ tạo việc làm và thu nhập cho nông dân thiếu đất, cải thiện dần tỉ lệ dân sống bằng nông nghiệp của tỉnh ta. Phải thay đổi tác phong lao động nông nghiệp theo khoa học, tuân thủ nguyên tắc kỹ luật và quy định, không để tính phóng khoáng của nông dân Nam bộ chi phối và cản trở kế hoạch công việc.
 


                     ( nông dân còn nghèo)
Để tạo điều kiện cho nông dân, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức hợp tác của nông dân thực hiện các vùng nguyên liệu, về kỹ thuật khoa học công nghệ, trong đó các nhà khoa học tư vấn chuyển giao công nghệ thích hợp về giống, kỹ thuật canh tác.
 


                ( Cơ giới hóa nông nghiệp)
Còn doanh nghiệp phải là người chủ động chọn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp mình, những mặt hàng gạo nào mà khách hàng ưa chuộng, mang đặc tính riêng có, để khi nói tới doanh nghiệp đó thì người ta biết đến sản phẩm và ngược lại khi tiếp cận sản phẩm thì người ta nghĩ ngay đến doanh nghiệp, muốn vậy phải liên kết và đầu tư từ đầu vào đến đầu ra của hạt gạo
Thực trạng sản xuất lúa và mua bán gạo của tỉnh ta như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu gạo đòi hỏi một sự liên kết chặt chẻ của tất cả các đối tác có tham gia vào quá trình sản xuất-chế biến - tiêu thụ chi phối rất nhiều lĩnh vực, cho nên phải được sự điều hành của nhà nước mà Sở NN&PTNT là đầu mối và sự phối hợp của các cơ ngành tham mưu để nhà nước đề ra chủ trương chính sách định hướng, tạo điều kiện cho người thực hiện chính là các doanh nghiệp kinh doanh gạo tạo được mối liên kết với nông dân bằng trách nhiệm chia xẻ lợi ích hợp lý có sự điều chỉnh của pháp luật.
    Việc xây dựng Thương hiệu đã khó, việc giữ gìn và phát triển nó càng khó hơn, vì chỉ cần một sự cố về chất lượng sản phẩm thì uy tín thương hiệu sẽ điêu đứng, do đó việc bảo vệ thương hiệu đòi hỏi phải có chiến lược, kế hoạch dài hơi thích hợp của một doanh nghiệp.
Như ta đang có mô hình của gạo của Kitoku cũng là một cách xây dựng thương hiệu cho gạo, rất khó để làm được như vậy, nhưng muốn có thương hiệu cho gạo thì phải làm như vậy, mới có sản phẩm cạnh tranh vững vàng hội nhập, phải làm như vậy để xây dựng thương hiệu gạo cụ thể cho AG mà không phải gọi chung là gạo AG, đó mới là phần chỉ dẫn địa lý, hay gạo thơm…Thí dụ vài năm tới hi vọng thị trường sẽ có thương hiệu gạo Nàng hương Agimex, Soc nhen Afiex…Như vậy, việc xây dựng thương hiệu cho gạo của tỉnh ta phải phân khúc thị trường để có định hướng chiến lược sản phẩm thích hợp nhu cầu thị trường nội địa, xuất khẩu, cao cấp, chất lượng cao, hay dành cho người tiêu dùng thu nhập thấp…Cũng từ đó mà tính kế họach vùng nguyên liệu phù hợp và có sự phân công thích hợp cho các lực lượng nông dân trong tỉnh. Ít nhất từ nay tới 2020 phải đồng thời tiến hành nhiều lực lượng ở nhiều phân khúc, có khu vực thực nghiệm có đầu tư chứ không phải là đại trà cho tất thảy những người làm nông nghiệp. Chọn cho mình một lộ trình trong sản xuất thích hợp cũng là bản lĩnh cho mỗi nông dân trong thời hội nhập.
 


 
Thời kỳ hội nhập đang mở ra những trang lịch sử mới của nông dân AG, chúng ta hòan tòan tin tưởng và truyền thống năng động sáng tạo mà khi có khúc quanh khó khăn thì những lực lượng nông dân tiêu biểu chính là các nông dân giỏi sẽ là những người tiên phong làm nên kỳ tích gạo AG chất lượng cao với những thương hiệu nổi tiếng./.
 
 
                    Người viết: Phan Thị Thúy Truyển.( Ca-Giao)

 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693734 visitors (2231842 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free