23/2/2014
“Ai ăn đậu hũ không?”. Đó là tiếng rao của cậu trai lanh lãnh vào mỗi buổi tối ở xóm tôi. Em tôi chạy ra cửa, mở cổng rào, vọt ra đường, vọng lại tiếng nói của em “Hôm nay là phiên anh Thông, chị Hai ơi”. Sau buổi cơm chiều, ngày nào các em tôi cũng đòi ăn đậu hũ của bà Sáu.
Con đường dọc mé sông, giờ nầy đã tối hẳn. Đom đóm đã lập lòe trên hàng bần và lau sậy chen chúc ở mé bờ. Giữa sông, các thuyền câu với ngọn đèn bão leo lét, chập chờn trên sóng nước. Cứ giờ này, ngày nào cũng vậy, một cậu bé 10 tuổi gánh đậu hũ và một bà già lụm cụm theo sau, chậm rãi đi qua từng nhà dọc con lộ mé sông. Gánh hàng có vẽ nặng trĩu trên vai cậu bé. Gánh sau là một khạp đậu hũ được quàng chung quanh bằng bao nệm dày để giữ nhiệt. Gánh trước là chén, muỗng, keo nước đường, gừng, thau nước rữa chén, v.v.
Cậu bé có nhiệm vụ gánh hàng, miệng rao, bưng chén đậu hũ vào nhà phục vụ người ăn, rữa chén, và làm mọi chuyện khi bà nội sai. Bà già chỉ khoảng 60 nhưng ốm yếu, gầy ròm, có vẻ bịnh hoạn, mặt lộ hẳn nét kham khổ của người nhà quê suốt đời lam lũ.
Tôi nghe ba tôi kể, bà gốc vùng xôi đậu trong miệt So Đủa, không đến nỗi nghèo, nhờ sống vào hàng chục công đất ruộng và vườn quanh nhà. Bà sống hạnh phúc cùng đứa con trai siêng năng việc đồng án, với con dâu hiếu thảo chăm chỉ làm ăn, và hai cháu nội trai sanh đôi là Thông và Thái. Vì là con trai độc nhất, không phải đi quân dịch đánh giặc nơi chiến trường, nhưng phải có nhiệm vụ bảo vệ thôn xóm, ba của Thông và Thái gia nhập địa phương quân. Không may, năm hai anh em lên 5 tuổi, ba chúng bị tử thương trong một trận giao tranh ngay trong thôn xóm. Sau khi nhận được tiền tử của chánh phủ, bà cùng con dâu và hai cháu nội lìa bỏ xóm làng đến định cư ở Cái Răng cho an toàn. Với tiền tử, bà và con dâu cất một căn nhà sàn bên mé sông, nơi dành cho những gia đình tản cư, như cô giáo Thủy Tiên (chuyện Bông lục bình oan nghiệt), ông Tư Rô (Cái chết của ông đồ tể), Chú Tám Lò Rèn, v.v. Ngoài ra, bà và con dâu sắm một chiếc ghe mới lớn hơn chiếc ghe cũ ọp ẹp mang ra từ So Đủa. Con dâu dùng chiếc ghe này vào miệt quê mua trái cây, gà vịt, tôm cá, v.v. chở ra Cái Răng để mẹ chồng bán sĩ hay bán lẻ tại chợ hay dọc theo sông rạch trên chiếc ghe cũ. Thông và Thái học cùng lớp với tôi, Tố Uyên và Thu Thủy (Dưới bóng cây ô môi) ở bậc tiểu học, do cô giáo Thủy Tiên dạy (Bông lục bình oan nghiệt). Hai anh em rất thông minh và chăm chỉ học hành. Ngoài giờ học, anh em chạy về nhà giúp bà nội và mẹ, không lêu lỏng ngoài đường như các trẻ con nhà giàu hay khá giã trong xóm.
Một tin làm chấn động của cả khu vực lớn của xóm tôi. Mẹ của Thông và Thái bị lựu đạn nỗ phanh thây vào một buổi sáng khi chèo ghe về vườn nhà cũ để hái trái cây. Bất hạnh liên tiếp cho gia đình bà, con trai rồi con dâu lần lượt chết vì bom đạn chiến tranh.
Trong xóm, ai ai cũng nghĩ rằng bà Sáu già nua, đau buồn và bệnh hoạn làm sao có thể nuôi được hai đứa cháu còn nhỏ. Từ ngày con dâu chết, người ta thấy vắng bóng bà ở chợ Cái Răng, hay chiếc ghe trái cây của bà trên sông rạch.
Rồi cũng từ những ngày tháng sau đó, hình bóng hai bà cháu với gánh đậu hũ bán dạo dọc lộ mé sông vào mỗi buổi chiều chạng vạn cho tới khuya, với tiếng rao lanh lãnh của cậu bé.
Bà Sáu tổ chức lại cuộc sống. Bà không còn sức khỏe để chèo ghe đi bán trái cây. Bà ở nhà sửa soạn làm đậu hũ. Hai cháu nội, Thông và Thái, vẫn đi học bình thường. Tan giờ học hai cháu chạy ngay về nhà, một đứa giúp bà nội xay đậu nành, nấu đậu hũ, còn đứa kia học bài. Xong xuôi, đứa nào đã học bài rồi thì gánh đậu hũ cùng bà nội đi bán, đứa kia ở nhà học bài. Hai anh em lần lượt thay phiên nhau học và giúp những việc nặng nề cho bà nội. Thông và Thái đều học rất giỏi, năm nào cũng được phần thưởng. Trong xóm, trong vùng ai ai cũng đều biết hoàn cảnh của bà, thương tình ủng hộ, vì vậy ngày nào bà cũng bán hết khạp đậu hũ. Nhờ vậy, ba bà cháu sống qua ngày, và Thông, Thái càng lớn, càng học giỏi. Khi chúng tôi đậu vào trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm thì anh em Thông Thái cũng đậu vào trường nam Phan Thanh Giãn Cần Thơ. Vì nhà nghèo, cả hai anh em đều được học bổng của chính phủ, và thỉnh thoảng được hội phụ huynh giúp sách vở, với nhiều phần thưởng đáng giá khác
Lên năm Đệ Tứ, thì bà nội mất. Bị hụt hẫng vài ba tuần, anh em Thông và Thái quyết tâm tiếp tục việc học hành và tìm cách khác để sinh sống. Nhờ thông minh, học giỏi có tiếng, anh em mở lớp dạy luyện thi vào đệ thất, và dạy kèm tại tư gia. Cứ thế, cả hai anh em đậu Tú Tài I, rồi Tú Tài II với hạng Ưu hay Bình.
Cuối cùng, Thông đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh, còn Thái vào Công Chánh của trường Bách Khoa Phú Thọ. Cùng với học bổng và dạy kèm tư gia ở đất Sài Gòn, cả hai học hành thành tài, tốt nghiệp và đều có công việc tốt ở Sài Gòn.
Sau biến cố 1975, tôi không biết tin tức gì về anh em Thông và Thái của xóm tôi. Cho tới khi gặp lại Thu Thủy (Dưới bóng cây ô môi), tôi mới biết là cả hai anh em Thông Thái hiện đang sống ở Mỹ. Sau nhiều năm trong trại cải tạo, Thông được thả, về sống cùng với Thái, lúc này được lưu dụng trong ngành công chánh, ngồi chơi xơi nước trong nhiều năm. Cuối cùng hai anh em vượt biên, may mắn được đến Hoa Kỳ. Thông học lại đại học ngành vi tính, còn Thái học lấy thêm MSc về Công Chánh. Cả hai đều có cuộc sống tốt ở Mỹ. Nhờ Thu Thủy cho số phone, một lần tôi gọi điện thoại đến Thông. Chúng tôi mừng rỡ, nhắc lại chuyện thời ấu thơ xa xưa trên con lộ dọc mé sông Cái Răng. Tôi có nhắc cho Thông nghe là Ba tôi thường khen ngợi anh em Thông Thái, là tấm gương quyết tâm học hành để thoát cảnh nghèo. Thông khiêm tốn trả lời: “Người Việt nào cũng biết và quyết tâm học hành để vượt thoát kiếp nghèo nàn. May cho anh em chúng tôi được sinh vào cái thời đi học không những không bị đóng học phí mà lại còn có học bổng đủ sống, từ thời trung học cho tới đại học. Nếu anh em tôi sinh vào thời buổi này thì chắc là chịu dốt nát và nghèo khổ suốt đời”.
Reading, 2/2014
Nguyễn Thị Kim-Thu