.
  Ngoại tui
 
30/8/2013

 
 

 
Kể từ khi nhận biết được mọi sự việc trên cái cõi đời ô trọc nầy thì tui chẳng biết bà ngoại tui tròn méo ra sao.Chỉ nghe kể rằng hồi xa xưa lắm,lúc má tui được 4,5 tuổi gì đó thì bà ngoại tui “tạ từ trong đêm”! bỏ lại ông ngoại trẻ gà trống nuôi con.
Nghĩ cũng lạ . Thời đó mà thanh niên cỡ ngoại tui lại chấp nhận ở giá thì cũng đáng cho vào guiness. Thường thì người ta nói đàn bà giá dễ nghe hơn ,chứ ….đàn ông giá nghe ít có lọt cái lỗ tai.
Quê ngoại tui thuộc xã Bình Long ,thôn Bình Quới,Quận Tân Phú ( tỉnh Biên Hòa). Là vùng quê thuần nông. Từ đường cái quan đất đỏ tẻ vào nhà ngoại khoảng 300 mét.Đó là con đường mòn do người và xe bò đi mãi mà thành. Nói tiếng là nhà ngoại,quê ngoại nhưng thật ra đó là nhà của ….ông sáu ( em của ông ngoại.Ông ngoại thứ tư ) . Nhắc lại,từ khi tui nhận thức được mọi chuyện thì chỉ thấy ông ngoại sống chung với gia đình ông sáu.
Thôi thì ,vợ chết rồi anh về sống với vợ chồng em cho vui cửa vui nhà .
Thế rồi thời gian thắm thoát thoi đưa, hai đứa con gái bé bỏng của ngoại giờ lớn phổng phao. Lần lượt ngoại lo yên bề gia thất cho hai đứa,còn mình thì vẫn vò võ năm canh, ca bài “Dạ cỗ hoài thê” .
Hai đứa con của ngoại,cô lớn (dì hai của tui) gả cho anh hàng xóm,sau nầy chuyển lên Sài gòn sinh sống (mời các bạn xem lại bài : cuộc đời “chiến đấu” của tui ) ,còn cô nhỏ chính là ….má của tui! Hihi.
Ba tui cũng là trai làng ở bên cạnh : Bình Ninh. Sau nầy ba má tui chuyển về xã Bình Trước ,quận Đức Tu, gần chợ Biên hòa .
Thiệt đúng là….nuôi con gái như nuôi lele vịt trời,lớn lên nó bay hết trơn hết trọi,bỏ lại ông già mồ côi vợ ở quê  năm canh vò võ! hic hic.
 
Hồi đó anh em tụi tui rất thích về quê. Chỉ mong hè về là được ba má cho “tự do đi bụi” ở quê mấy tuần lể.
Nói thiệt,ở quê thích lắm các bạn ơi. Sáng bảnh mắt thức dậy là anh em tui đã nghe văng vẳng ngoài đồng tiếng “thá.ví” của ông sáu và của ngoại.Không biết hai ông thức hồi nào,chắc từ sớm lắm. Tui hỏi,sao thức làm chi sớm vậy ngoại? Ngoại nói tranh thủ làm sớm để sợ trưa nắng,bò đở mệt.
Nói về điều khiển chiếc cày cũng phải có “nghề” đó nhe.Khi muốn rẽ bên trái,ngoại hô “thá”,đồng thời kéo hơi thẳng dây của con bò (hoặc trâu ) bên trái là hai con bò “nghe lời” quẹo trái liền . và nếu muốn rẽ phải thì làm động tác ngược lại, đồng thời hô “ví”. Sở dĩ có như vậy là vì lúc ngoại giật căng dây con bên trái,phản ứng tự nhiên là nó khựng lại và chậm bước,trong khi con kia vẫn bước đều,và tất yếu,cả bò,cày đều rẽ trái.


Sau nầy khi học NLS về môn công thôn và xem tài liệu khoa học.tui thấy mấy nhà phát minh ra máy cày bánh xích hoặc xe tăng đều sử dụng nguyên tắc nầy. Khi muốn quẹo trái,họ đạp thắng bên trái cho hệ thống bánh xích bên trái ngừng chạy,trong khi bánh xích bên phải vẫn lăn.Thế là chiếc xe từ từ rẽ trái và muốn quẹo phải thì làm ngược lại. Ngẫm nghĩ lại tui phục mấy ông nông dân VN mình quá,nhưng chỉ ở giai đoạn …điều khiển trâu bò mà thôi. Hic!( cái nầy là tui nói về nông dân của mấy chục năm về trước,chứ bây giờ tiến bộ rất nhiều rồi ). Các bạn thấy chưa,ở chợ làm gì mà thấy cảnh nầy ? Còn nữa,sát bên nhà ông Sáu là cái sân lãng ,mỗi bề dài độ 20 mét .Đó là nơi để ông Che .Sân lãng có thể gọi nôm na là nhà ,có mái che đàng hoàng(nhưng không có vách ) để tránh mưa nắng khi người ta quây quần làm việc ở đó. Sân lãng của ông sáu rất kiên cố và to lớn. Tui nhớ lúc nhỏ 2 anh em tui vòng tay ôm cây cột không giáp.
Ngày thường,khi trâu bò làm việc xong ông ngoại và ông sáu dẫn nó vào trong sân lãng nầy nghỉ ngơi .Đây cũng là nơi làm việc của nó khi tới mùa mía đường.
Nhắc lại,phần trên tui có đề cặp tới “ông Che”. Vậy ông Che là gì?Tui nghĩ ,nếu các bạn thuộc thế hệ 5x hoặc 6x trở về trước thì may ra còn thấy ông Che,còn các bạn sau này ,do “công nghiệp hóa,hiện đại hóa” nên không còn dịp để thấy ông Che nữa rồi.
Ông Che ,đó là “máy ép mía” của những làng quê VN vào những năm 60 của thế kỷ 20 trở về trước.Ở quê người ta rất kính trọng Che và gọi là ông ,(cũng như gọi cọp là ông Ba Mươi vậy)chắc người ta mong muốn “ông” giúp cho vụ mùa tốt đẹp và trong lúc làm việc được suông sẻ,không có xảy ra tai nạn . Che gồm ba trục đứng bằng gỗ tốt được đặt giữa sân lãng.Trên mỗi trục người ta làm nổi những cục u với mục đích cho có sự liên kết nhau. Khi trục giữa quay thì nó khiến cho 2 trục ngoài quay theo .Còn phần dưới trục không có mấy cục u ,mà người ta làm phẳng và bọc tôle . Phần nầy để đút mía vào ép . Khi bắt đầu việc ép mía,người ta mắc trâu (hoặc bò) vào cây đòn nối với trục giữa. Con trâu cứ chậm rãi đi vòng vòng ông Che là nó bắt cổ “máy” bắt đầu chuyển động. Trong khi đó,người ta từ từ đút mía vào phần dưới của trục che. Nước mía được ép chảy xuống thùng chứa bên dưới.Các bạn cứ nghĩ nguyên tắc nó giống xe nước mía ép ở chợ,nhưng thay vì xe nước mía trục nằm ngang,còn ông Che trục đứng.
Đó là giai đoạn ép lấy nước mía,bây giờ tới giai đoạn nấu lấy mật đường.
Sau khi mía được ép ,nước mía chảy vào thùng chứa bên dưới.Từ đó người ta múc cho vào chảo nấu đường thiệt lớn,sôi sung sục. Một lúc sau nước mía trở thành….nước đường và ngày càng sền sệt,đặc quánh.
Bây giờ tới giai đoạn tồn trử. Có hai cách,hoặc là người ta rót mật đường vào khạp da bò nhỏ khoản 5 lít,hoặc rót vào từng khuôn nhỏ hình móng trâu  ,gọi là đường tán (bởi vậy có thành ngữ : “tiêu tán thòn” là vậy ) . Khuôn đường tán là thanh tre vót mỏng rồi được uốn cong lại thành hình bầu dục,nhưng có gù ở giữa nên khi mật đường đặc lại thì nó giống như hình móng trâu in trên đất vậy.
Nhìn chung,lúc làm mía đường rất vui,vì qui tụ gần như bà con trong xóm khi lò đường nổi lửa.Người nào việc nấy.Người chụm lò,người ép mía,người đổ đường vào khuôn. Chuyện trò rôm rã. Chỉ tội nghiệp con trâu không biết nói,cứ lầm lũi bước đi vòng tròn ….
Nói về con trâu,anh em tụi tui cũng rất khoái ( Nói anh em là tui với anh ba của tui ; tui thứ tư trong gia đình ) . Hai anh em thường xin ông ngoại cho được cưởi trâu. Xem phim cao bồi cưởi ngựa thấy oai quá mà ở quê mình đâu có ngựa ! thôi thì cưởi trâu vậy .hihi. Nhớ lần đầu tiên được cưởi trâu,anh em tui khoái chí.
“Ai bảo chăn trâu là khổ,chăn trâu sướng thấy …tía! Ngồi lưng trâu ,ta sờ mông trâu,rồi ta nắm đuôi trâu,…Haha” anh em tui hát vang trời.Nhưng bữa hôm sau mới…biết đá biết vàng. Hai cái mông đít anh em tui …..đỏ như đít khỉ và rát không thể tưởng! vì bị mấy cái lông ở lưng trâu xuyên qua quần đùi . Huhu .Thế là:
“ Ai bảo chăn chăn trâu là sướng ? chăn trâu đau đít thấy tía !”,
Nói về “tư trang” của ngoại, tui để ý 2 cái “Xi” ,đó là xi nhông và xi móc.
Xi nhông  phát âm dựa vào tiếng Pháp là signon,tức là   cái đầu tóc củ tỏi của ngoại .còn xi móc thì tui không biết phát âm từ tiếng gì nữa,chắc là smoke chăng?  Nghĩ cũng phục lăn,ngoại là đản ông mà bới đầu siêu lắm nhe ,30 giây là xong. Điệu nghệ!Lại còn cắm giữa cái “củ tỏi” đó 1 cây móc tai nữa chứ,cho sành điệu xì-tin (style). Hahaha.
Nói về cái Xi móc,các bạn có biết là cái gì không? Đó là cái túi da nhỏ,bên trong đựng nhúm thuốc rê ,một cuồn giấy quyến và…một cái hộp quẹt . Cái bộ “tam xên” đó là vật bất ly thân của ngoại,một tấc không đi,một ly không rời,ngoại trừ lúc ngoại ….đi tắm ! Hahaha. Cái hộp quẹt hiệu “bóc lăn se ông già le lưỡi liếm” bây giờ thuộc loại hàng hiếm.Hình như hiện nay không còn tìm ra bóng dáng của nó trên cuộc đời nầy. Nó đã “làm nên lịch sử” cách nay vài chục năm.
Đó là cái hộp quẹt bằng nhôm nhỏ,dẹp. tim làm bằng bông gòn se lại và sử dụng nhiên liệu là …dầu hôi! Vậy mà bén lửa thiệt nhạy mới ác chứ .Chỉ cần soẹt 1 cái là cháy ngay.Bởi vậy mấy ông già mới khoái. Chả bù sau nầy có hộp quẹt diêm hay bị hút ẩm xài nửa bỏ nửa ,rồi hộp quẹt gas,quẹt chưa hết gas văng bánh xe đá ,rồi zippo phải xài xăng xịn,rất tốn kém , ông ngoại tui ca bài : “Ta về ta tắm ao ta,dù trong dù đục cũng là …cái ao”.
Phàm, ở đời cái gì nó cũng có nhân quả . Nếu không có bộ “đồ nghề” xi móc của ngoại thì đâu có mấy “cái đuôi thằn lằn” ở trên cột nhà? Đó là phần cuối của điếu thuốc rê ngoại dán lên cột bằng …nước miếng.
Lần đầu tiên về quê,thấy mấy cái “đuôithằn lằn” dán đầy trên cột gỗ ở hàng ba nhà ,tui đâm ra thắc mắc : - Dán mấy cái đó chi vậy ngoại ?
Ngoại đáp:- thì lúc nào ghiền mà chưa kịp đi chợ mua thuốc thì lấy 2,3 điếu dồn lại 1 điếu hút đỡ ghiền chớ chi.
          Tui vổ tay khen hay, và nói :- ngoại hay quá ta. Ngoại có 2 cái “xi”,là xi nhông và xi móc mà con hõng có .
-         Sao hõng có ? mầy cũng có 1 cái “xi” vậy.
-         Xi gì vậy ngoại?
-         Thì… xi đái chứ gì. Hồi nhỏ ngoại xi đái 2 anh em bây hoài chứ ai .
-         Haha,thiệt hả ngoại? Hồi nhỏ xíu con đâu có nhớ. Thôi vậy huề nha ngoại.
-         Ừ.
 
                                        
 
 
Nhớ lại,khu vực ngoại ở là toàn bà con dòng họ của tui. Tuy nhiên,từ nhà nầy tới nhà kia phải vượt qua nhiều cánh đồng,đi rã cặp giò. Lại thêm khu rừng chồi hoang dã chỉ cách nhà ngoại chừng 300 mét. Từ nhà ngoại,ủa lộn nhà ông sáu đã nghe tiếng chim kêu,vượn hú inh ỏi ( thời gian từ 1955 – đến 1965 ) . Anh em tui mê nhứt là được theo cậu tư ( con ông sáu) dẫn vào rừng bắt chim,bắt sóc về nuôi chơi. Rồi tới mùa sấu vào rừng hái sấu. Đó là loại cây rừng cao,to .Trái hơi giống trái măng cụt nhưng màu hồng nhạt và có lông mịn.Khi dùng dao bổ ra thì bên trong có nhiều múi giống múi măng cụt nhưng vị chua ,ngon. Rồi đi bẻ trái ô môi.Đó là trái dài khoảng 60-80 cm như cây gậy , màu đen. Muốn ăn,ta dùng dao róc 2 bên “cây gậy” đó rồi lấy ra từng miếng mỏng,trông giống như đồng xu,màu đen. Ô môi có vị chát , ăn không hấp dẩn lắm.Rồi đi lượm trái ươi.Tới mùa nó rụng đầy gốc cây,tha hồ mà lượm. Rồi lội ruộng bắt cua,bắt cá,bắt ốc bưu con bự tổ chảng .Vui lắm.
Nói về đặc tính vùng miền thì ngoại tui không lẫn với chỗ nào khác. Cách phát âm của ngoại, đặc biệt là ngoại không nói được chữ TH mà thay bằng KH. Thí dụ : thịt thì nói là khịt, tối thui =tối khui, than thở = khan khở ,Xuân hạ thu đông = Xuân hạ khu đông. …. Còn ƯƠI thì bỏ mất khúc đuôi mà thành Ư hoặc Ơ.Thí dụ : trái bưởi = trái bử , con bướm = con bớm.
Vì vậy,nếu vô tình khi tiếp xúc với người nào có cách phát âm như vậy thì “chém chết” cũng là dân Biên hòa, ở miệt Tân Uyên,Tân phú,Trị an..( Tuy nhiên hiện nay,do điều kiện di dân làm ăn của cả nước,,sự đặc thù của vùng miền dần bị phai nhạt và hòa tan,chắc ta cũng khó nhận ra ,tiếc thay!).
Ngoài âm hưởng đặc trưng của vùng miền,ở quê còn có một số từ lạ mà mấy thằng dân chợ như tui nghe xong cũng ú ớ như chơi. Nào là sân lãng, ông Che, cái ách, bã mía,trổ đòng đòng, …..Tui nhớ có lần ngoại chửi tui ngu. Lúc đó đâu chừng 8-9 tuổi gì đó,tui đang đứng coi người ta ép mía đường thì ngoại biểu : - con lấy cho ngoại mấy bó bả mía coi.
Tui ngơ ngác :- “bả mía” là cái gì ngoại?
-         mầy “ngu” quá ,là cái đống mía khô đó! Đem vô cho ngoại chụm lò.
À,thì ra bã mía là mía cây,sau khi ép lấy nước,còn lại xác,người ta phơi khô để chụm lửa. Mình ngu thiệt tình! hihi
Lại còn chuyện nầy cũng lạ lẫm với thằng tui khi đứng ở thềm ba nhìn lên cây đòn tay bỗng thấy ……một chùm chân gà khô ! tui thấy ớn lạnh .Tui hỏi ngoại treo chi vậy,ngoại nói sau khi mần gà cúng đầu năm xong,người ta cắt chân treo ở dưới mái hiên,ngay chỗ thềm giọt để…lấy hên.
Thiên địa thánh thần ơi,hên đâu không biết ,mà thấy ghê quá đi!
 
                                         x                 x
                                                    x
Thế nhưng cuộc đời đâu có bình lặng mãi các bạn nhỉ? Thời gian đong đưa ,anh em tui lớn dần và cũng thưa dần những chuyến về quê.Phần vì về sau ,khi lên những lớp trên ,bài vở ngày càng nhiều và khó.Với quyết tâm phấn đấu lấy …bằng tú tài nên có khi mấy cái hè lần lượt trôi qua mà anh em tui chẳng có dịp về quê nữa!
Thêm vào đó, điều quan trọng là ngoại đã ….ra chợ ở rồi!
Số là, về sau nầy có “dư luận” nói dì Hai và má tui sao không lo cho ngoại mà để ổng ở quê cực khổ . Thiệt là khổ tâm . Thật tình ngoại tui không thích về chợ đâu. Từ nhỏ ngoại đã quen nếp quê rồi. Cái cày ,con trâu, mùi rơm rạ đã theo ngoại từ lúc mới chào đời. Nhưng dư luận đâu có buông tha chị em má tui., vậy là cuối cùng ngoại “được” thỉnh từ quê ra chợ mà mặt mài buồn thiu.Trước khi khăn gói “xuất cảnh” ra chợ má tui có hứa :-“lâu lâu cho tía dìa quê chơi.”
Thế là ngoại tui “nhập cảnh” dân chợ một cách …bất đắc dĩ. Thời gian ở chợ ,da ngoại có vẻ bớt đen hơn. Móng tay ,móng chân bớt phèn hơn ,nhưng nhìn ngoại lúc nào cũng có vẻ phiền muộn. Tui ngồi kế bên hỏi :- bộ ngoại nhớ quê hả ngoại ?
-         Ừ! Tao bây giờ như “hổ nhớ rừng” của Thế Lữ quá.
Mèn đét,tui không ngờ ngoại biết bài thơ “hổ nhớ rừng” của Thế Lữ,mà lại ví mình trong trường hợp đó mới “ác” chứ! Tui phục lăn ngoại à nghen. Ngày nào còn vùng vẫy ở cánh đồng,ra lệnh “thá”.,”ví” với cặp trâu,thế mà giờ đây ngồi bó gối thở dài…..Ôi,tui thương ngoại vô cùng.
Ngoại có thói quen đọc sách. Mặc dù mới lớp ba trường làng nhưng  ở đầu nằm của ngoại toàn là sách Tam quốc diễn nghĩa,Tây du ký,Phong thần,truyện Kiều,Nhị độ Mai,Chuyện cổ nước Nam,…., mà chuyện nào ngoại cũng thuộc làu làu . Ngoại còn có thói quen khi đọc xong quyển sách nào thì ngoại hay ghi ngày tháng ( bằng tiếng Tây ngon lành đó nghe ) và “cảm tưởng” đánh giá về quyển sách đó như : hay,dở tệ,không hiểu,…
Chính cái thói quen đã thành nếp đó của ngoại, sau nầy khi ra ở chợ ngoại vẫn mang … văn minh miệt quê đó mà áp dụng. Như việc dán “đuôi thằn lằn” lên cột nhà( thay vì cột gỗ ,ngoại dán lên cột xi măng !), ghi ngày tháng lên trang bìa sách,và điều đặc biệt là …ngoại không bao giờ dội cầu! Ba,má tui nhiều lần nhắc nhở ,nhưng lần nào ngoại cũng nói : - “Tao quên,để lần sau tao nhớ” . Nhưng ngoại hỏng có nhớ lần nào hết á , thế là anh em tụi tui phân công,đứa nào thấy ngoại vô cầu thì chuẩn bị xô nước,chờ khi ngoại ra là nhào vô dội liền !!! hahaha.( Vì ở quê thời đó không nhà nào có toilet,cầu tiêu cả. Muốn “trút bầu tâm sự” thì…a lê hấp ,chạy ra đồng ….bón phân cho lúa ! xong thì thơ thới đi về mà đâu cần dội nước..vì vậy đó cũng là thói quen của ngoại )
Vì ở không,chẳng có việc gì làm, ngoại chỉ có đọc sách báo để tiêu khiển. Mỗi ngày ba mua cho ngoại 2 tờ “nhựt trình” (bây giờ gọi là báo ) Tiếng Chuông và Sài gòn mới ,ngoại đọc hết luôn,từ tin tức thời sự,chiến sự,tới tiểu thuyết diễm tình của bà Tùng Long,An Khê,tới tin “xe cán chó”, rồi mấy mục quảng cáo ,cao đơn hoàn tán,thuốc dưởng thai hiệu Nhành Mai,Maitre Khánh Sơn chuyên coi bói,tử vi,… sau đó ngoại không quên ( cái nầy ngoại nhớ ,haha ) ghi ở góc tờ báo ngày ,tháng và viết CR ( có nghĩa là coi rồi)
Có lúc 2 tờ báo coi không đủ đô,ngoại hỏi mượn anh em tui bất luận sách gì ,từ triết học của Kant, Freud,Montesquieu, J.J Rousseau, đến sách lịch sử ,khoa học,toán,lý,hóa ,…kể cả sách nghiên cứu về tôn giáo như Phật giáo,Thánh kinh,ngoại đều xem tuốt !Nhưng cái nào đọc không hiểu,ngoại “phê phán” : dỡ tệ! hic hic.
Rồi để giữ lời hứa, thỉnh thoảng  má tui cũng đón xe Lam đưa ngoại về quê cho ngoại thỏa lòng nhung nhớ. Hôm nào chuẩn bị về quê là tối đó gần như ngoại không ngủ.Trằn trọc và hút thuốc thâu đêm.Về tới quê,ngoại mừng lắm. Sau khi “gửi” ngoại cho ông bà sáu,má quay trở về và không quên căn dặn:- “Tía ở trên nầy đi thăm bà con chơi thôi,đừng có xuống ruộng cày bừa , nguy hiểm lắm đó.Có rảnh thì đọc sách”.
Nhưng ngoại  nào có nghe . Má tui vừa về là hôm sau ngoại dẩn trâu xuống ruộng cày. “Nghề của chàng” mà!
Một lần nọ ,sau khi đánh xe bò ra tới ruộng ,ngoại đở chiếc cày từ trên xe xuống và rồi tai nạn xảy ra . Chắc ngoại chủ quan cứ nghĩ mình còn thanh niên trai tráng,không lường hết sức nặng của chiếc cày và việc gì đến phải đến. Chiếc cày rơi từ trên xe xuống. Cái lưỡi bén ngót của nó nhằm ,…..chân ngoại mà liếm ! Máu tuôn xối xả .
Được tin,ba má và dì dượng hai vội vả về quê rước ông ngoại trở lại thị xã điều trị. Sau sự cố đó,ba má và dì dượng hai “kiên quyết” không cho ngoại về quê nữa. “Tía không nghe con,bây giờ bị tai nạn người ta nói ra nói vô tùm lum!” . Nghe má cằn nhằn,ngoại như biết “lỗi” ngồi im thin thít,nhưng tui biết trong lòng ngoại rất buồn. Làm sao người ta có thể trong thời gian ngắn quên được quê hương của mình? Một khung trời nho nhỏ,một mảnh ruộng nho nhỏ,một góc rừng chồi,…. Nhưng đầy ắp những kỷ niệm thân thương từ lúc ấu thơ,dễ gì một sớm một chiều ngoại quên cho được?Đành rằng chỗ nào cũng là quê hương VN,nhưng nhưng quê hương ở QUÊ khác quê hương ở CHỢ . Khi ta ở,đất vẫn là nơi đất ở. Khi ta đi,đất bỗng hóa tâm hồn. Ngoại nhớ quê da diết.
Rồi thời gian trôi đi,trôi đi. Anh em tui lớn dần. Đứa đi Sài gòn học,đứa ra đi làm tỉnh xa,nhưng đứa nào cũng nhớ ngoại và tui cũng không ngoại lệ. Cái ngày tui bước lên chiếc xe đò Liên Hiệp để bắt đầu cuộc sống công chức xa nhà. Tui nhớ nhất hình ảnh ngoại đứng ở cửa ngỏ ngóng theo.Xe lăn bánh,bóng ngoại mờ dần trong sương sớm….. “con đi lâu con về thăm ngoại,ngoại ơi!”
                                     X                 x
                                               x
 Thế rồi một ngày nọ từ Bảy Ngàn (Hậu giang ) được tin ngoại mất.Thằng cháu tức tốc về quê. Trời tháng năm mưa sụt sùi như lòng người tê tái.( Sẽ có bài viết về Bảy Ngàn ,các bạn đón xem nhé)
Về đến nhà,nhìn quan tài ngoại nằm im lìm giữa nhà,nhìn sang cây cột dán đầy những đuôi thuốc cháy dỡ,lòng tui mặn đắng. Bao kỹ niệm với ngoại ngày xưa ùa về,ngồn ngộn thương đau.Ngoại ơi !Có lẽ giờ nầy hồn của ngoại bay về nơi hương đồng gió nội.Ngoại bây giờ là con hổ đã trở về với rừng như ước mong của ngoại rồi. Nơi có khai khái mùi phân trâu,mùi rơm rạ ,mùi lúa trổ bông,trổ đòng đòng,mùi hương quê,..…mà “dư luận” muốn ngoại phải rời xa nó .Bây giờ không còn ai ngăn cản ngoại nữa rồi ,ngoại ơi!
 
HẬU CÂU CHUYỆN NGOẠI TUI
 
Câu chuyện “Ngoại tui” nói về một ông lão chơn chất ,lam lũ suốt đời chỉ biết quanh quẩn bên miếng vườn ,miếng ruộng,con trâu. Đặc trưng của người nông dân Việt Nam. Đầu đội trời,chân đạp đất. Mới đây thôi, câu chuyện đã trở thành chuyện cỗ tích rồi. Năm 1980,tui trở về thăm quê ngoại thì nơi đây có manh nha sự chuyển mình của “kinh tế thị trường”,mặc dù nhà ông sáu vẩn còn,sân lãng vẫn còn. Khu rừng chồi vẫn còn nhưng hình như …thưa hơn và ít tiếng “chim kêu vượn hú” hơn.
Con đường cái quan vẫn còn là đường đất đỏ ổ gà nhưng dọc theo hai bên đường lác đác nhà mọc lên ,kèm theo quán xá.
Thế rồi năm 2010,tui trở về quê ngoại,lần nầy nhà ông sáu và sân lãng không còn nữa ! thay vào đó là ngôi biệt thự mái ngói to đùng ở sát con đường cái quan ,đã cán nhựa cấp phối đi êm ….cái mông nhưng buồn cái bụng!Dọc theo hai bên đường,nhà ken dầy như phố. Nói tếu chơi.,nếu đi đường lỡ mắc tiểu thì ….không biết tè ở chỗ nào nữa! vì nhìn chỗ nào cũng nhà nhà tiếp nối nhau. Ôi! Đô thị hóa!Còn cánh rừng chồi mà ngày xưa tui và anh ba của tui suýt bị lạc khi mãi mê bắt dế đi sâu vào trong rừng thì bây giờ là…xóm nhà mới. Cũng có quán nhậu, quán cà phê karaoké ,… mà tui thấy hỏng có “mê” chút nào.
Nhà ông sáu bây giờ cậu tư ,mợ tư ở . Các người con của cậu đều thành đạt và làm công chức ở trong tỉnh,cũng có xe hơi,cuối tuần mới lái xe về thăm cậu mợ.
Ngoại ơi, chuyện con kể về ngoại bây giờ thuộc chuyện “xưa rồi Diễm” . Ở trên cao,ngoại đừng có buồn nghen ngoại.
 
 
                        Sáng tác ,tháng 5 và tháng 6 .2013
                                        LÊ XUÂN SANG
 
* Ngoại mất ngày ngày thứ bảy 3.4.1973 âm lịch,nhằm ngày 5.5.1973 dương lịch.
 
 
 
 
 
 
 
 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 693650 visitors (2231598 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free