Nguyễn Thị Kim-Thu
Cô gái Nha Mân
Cũng như ở những vùng khác, người dân vùng Lục Tỉnh cũng tự hào có những phụ nữ đẹp nỗi danh. Tỉnh Gò Công có hoàng thái hậu Từ Dủ (1810-1902), tức vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, và Nam Phương hoàng hậu (1914-1963), vợ vua Bảo Đại.
Hoàng Thái Hậu Từ Dủ (trái) và Nam Phương Hoàng Hậu (phải)
Ngoài dân dã, ngày xưa Nam Bộ có “tứ đại mỹ nhân” là Cô Ba Thiệu, Cô Ba Trà, Cô Tư Nhị, Cô Sáu Hường. Trà Vinh nổi tiếng với Cô Ba Thiệu tức hình người mẩu Xà bông Cô Ba nổi tiếng từ 1930, còn xứ Cần Giuộc có Cô Ba Trà nổi tiếng đẹp đệ nhất hoa khôi ở Nam kỳ có sắc nước hương trời từng làm say mê điên đảo biết bao công tử miền Nam.
Cô Ba Xà bông và Cô Ba Trà
Còn Sài Gòn có người đẹp “Cô Tư Nhị” học trường đầm đậu diplome tây, là một nhà văn khá nổi tiếng đất Sài Gòn năm xưa. Sài Gòn cũng còn có “Cô Sáu Hương đẹp như Tây Thi! Cô có nước da trắng ngần, đôi mắt lá liễu sáng ngời, bờ môi mọng lúc nào cũng ươn ướt và luôn mỉm cười...". Cô Sáu Hương cũng là người có học, xuất thân trường áo tím (Trường Gia Long) và có thời được tôn là "Hoa Khôi trường Áo Tím".
Sa Đéc nổi tiếng về hoa kiểng. Sa Đéc cũng nổi tiếng về “hoa đẹp biết nói”. Tuy nhiên, không có địa danh nào sản xuất nhiều gái vừa đẹp “nét đẹp cung tần mỹ nữ”. vừa “công dung ngôn hạnh” như vùng đất Nha Mân cách Sa Đéc 11 km. Nha Mân thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, trước thuộc tỉnh Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân
Nha Mân, một vùng đất nhỏ nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có Rạch Nha Mân bắt đầu từ một nhánh của sông Tiền, chảy quanh co uốn khúc hàng chục cây số trong những khu vườn, những thửa ruộng màu mỡ rồi nối vào rạch Ba Càng của Vĩnh Long, đổ ra phía sông Hậu. Phía bờ trái Rạch Nha Mân, từ cầu Nha Mân vào các vườn cây ăn trái trù phú, có nhiều rạch nhỏ như rạch Chùa Ông Chiêm, rạch Bà Thiên, rạch Cầu Xoay, rạch Ông Đại, rạch Ông Yên, rạch Tre, rạch Rắn, rạch Cái Ngổ, rạch Da, rạch Cầu, rạch Bằng Lăng, rạch Mương Khai, rạch Ba Càng... Con gái Nha Mân nổi tiếng xinh đẹp từ hai trăm năm qua ra đời quanh những cái rạch mang tên quê mùa này.
Đây là Miệt Vườn trù phú của Miền Tây Nam Bộ, nơi được nuôi với gạo trắng nước trong, được núp dưới bóng mát của vườn cây trái bạt ngàn ánh nắng khó xuyên qua, nên làn da cô gái Nha Mân trắng muốt. Ngoài ra, cô gái Nha Mân có nét đẹp vương giả mà lại có tài nấu nướng thêu thùa. Ngày xưa, bao nhiêu đại điền chủ ở Lục Tỉnh, hay từ Nam Vang đến đất này để tìm vợ, tìm dâu. Bà ngoại và Mợ Ba của tôi cũng xuất xứ từ vùng đất Nha Mân này, còn Mợ Sáu thì Sa Đéc, kế cận Nha Mân.
Cô gái quê Nha Mân
Dân vùng Nha Mân tự hào “trong số 10 cô gái Nha Mân thì có 9 cô đẹp sắc sảo, còn cô thứ 10 thì đẹp trên mức trung bình”. Không những chỉ đẹp, cô gái Nha Mân giỏi tài nội trợ, thêu thùa và làm bánh mức. Ảnh hưởng của môi trường vào sắc đẹp chăng? Dĩ nhiên có đúng một phần. Phần chính là từ nhiều nguồn gen di truyền.
Nguồn gen quan trọng nhất là từ hàng trăm cung tần mỹ nữ của kinh thành Thuận Hóa (Huế). Khi anh em Tây Sơn đánh bại được nhà Nguyễn chiếm kinh đô Huế (1777), các chúa nhà Nguyễn mang hết cung tần mỹ nữ chạy vào Gia Định ẩn trốn hầu khôi phục lại cơ đồ. Anh em Tây Sơn đem quân đuổi theo, Nguyễn Ánh lúc đó mới 15 tuổi, sống sót, phải chạy trốn ở vùng Lục Tỉnh cùng với quân lính, gia nhân, cung tần mỹ nữ của bậc cha anh. Khi bị rượt bắt ngặt nghèo, Nguyễn Ánh phải bỏ rơi dọc đường các cung tần mỹ nữ để đễ thoát thân. Nha Mân, bên bờ sông Tiền và sông Hậu, nhận hàng trăm cung tần mỹ nữ bị bỏ rơi. Các mỹ nhân này nhận các nông dân vùng này làm chồng để tránh sự trả thù của quân Tây Sơn. Kể từ đó, con cái vùng Nha Mân được di truyền gen đẹp vương giả từ các cung tần mỹ nữ. Cũng dọc theo sông Tiền, sông Hậu, nơi nào có bước chân chạy trốn của chúa Nguyễn Ánh, như Cù Lao Ông Chưởng thuộc Châu Đốc, hay Phong Điền thuộc Cần Thơ, cũng đều có gái đẹp vương giã, có lẻ cũng từ các cung tần mỹ nữ bị bỏ rơi trên đường bôn tẩu.
Nguồn gen đẹp thứ hai là từ các “cô gái Tàu lai”, các “tiểu thơ” con các đại thương gia người Tàu ở vùng “Mỹ Tho Đại Phố”. Vì các thương gia Tàu ở Mỹ Tho giúp chúa Nguyễn Ánh, nên khi chiếm Mỹ Tho đại phố (1783), quân Tây Sơn tàn sát người Tàu, các "tiểu thơ" này phải theo gia đình kéo nhau vượt sông Tiền sang Nha Mân tỵ nạn, hình thành nên khu vực mang tên "Cái Tàu Thượng", “Cái Tàu Hạ” tồn tại đến ngày nay.
Gái Nha Mân thừa hưởng được một lúc hai cái gen đẹp “vương giã”, “đài các” của hai nguồn gen này. Tài “công dung ngôn hạnh” cũng được truyền dạy từ các mỹ nhân cung nữ của kinh thành và tiểu thơ đài các gốc Hoa.
Ngoài ra, khi lên ngôi vua Gia Long còn gả một công chúa cho một tướng quân Đô Kỵ ở Nha Mân, vì vậy việc con gái xứ Nha Mân tài giỏi về nữ công gia chánh cũng là điều hiển nhiên.
Reading, 9/2013
Nguyễn Thị Kim-Thu
|