Từng là dân chơi có tiếng ở Cần Thơ, từ trường Phan Thanh Giản, vào Nông Lâm Súc Cần Thơ, Thuận Què - Trần Hoàng Thuận - kết thân với chúng tôi và cùng lên NLS Bảo Lộc nhưng sau một năm học, vào mùa hè đỏ lửa 1972, hắn bị động viên rồi sau đó lập nên một giai thoại.
Hắn lẻ ra phải có tên là Thuận Râu vì bộ râu của nó thật đáng nể. Thuận Què bị một tai nạn xe Honda phải đi nạng nửa năm và được phong danh như thế. Vừa vào nhà trọ, khi nó lục trong cái rương hành lý ra 3 hộp lưởi lam- 300 lưởi, mẹ nó mua cho, chúng tôi ôm bụng cười bò lăn ra giường. Thông thường con trai như chúng tôi, tuổi 17, đều thèm muốn có thêm tí râu cho nó ra vẻ “đấng mài râu”, thì Thuận Què sáng nào cũng phải cạo nhẳn vì nếu không, có người lầm nó là một giáo sư mất thôi. Hiểu mình là “ma mới”, và nhận cái danh “băng Cần Thơ”, Thuận Què rất hiền lành, không tỏ vẻ bất bình và cũng không hề hé răng về cái chiến tích của hắn- từng là một đàn anh, một tay đua xe có tiếng ở Cần Thơ những năm 1968-69. Thuận học bình thường, sinh hoạt cũng bình thường nhưng tiếng đàn của hắn thì cực kỳ khác thường. Từng note nhạc hắn đánh ra nghe như từng tiếng bẻ củi khô trong rừng khuya vắng. Hắn vốn mộc mạc, ít ăn ít nói, mỗi khi hắn đi trộm khoai với chúng tôi, hắn thủ cây dao găm,
“Nếu lở bị bắt, mình phải có thứ để tự vệ.”
Hắn cũng là người xúi giục chúng tôi ra gần chuồng bò để thử súng “Garrant” rồi sau đó có vụ ngộ sát của Trần Văn Điệp. Ở Cần Thơ, nó đã từng cầm vũ khí đánh nhau, từng đua xe khét tiếng, từng sống với biết bao cô gái trẻ đẹp bỏ nhà theo hắn. Lên Bảo Lộc, hắn trở thành một con người khác- một học sinh hiền lành với một mong muốn trở thành một kiểm lâm như chúng tôi vậy.
Cái đêm mà nhóm Hùng Xùi- đàn em của Dũng Râu- gỏ cửa nhà trọ của chúng tôi để thăm dò hay dằn mặt gì đó. Tôi thấy Thuận Què xanh tái mặt. Tôi tự cho rằng nó không phải kinh sợ nhưng tức giận ghê lắm. Hắn tức giận vì không thể làm gì được. Hắn giận vì sự thái độ ngang nhiên quá đáng của Hùng Xùi. Thuận Què rất ít nói về thành tích hay chuyện gia đình nó trong lúc hắn rất thích nghe chúng tôi kể lể. Đến đêm hôm chúng tôi chờ sáng để đón xe về tết năm ấy, hắn mới dỏng dạc tuyên bố,
“Chắc ông bà già tao làm tiệc mời hết cả xóm.”
Đầu năm 1972- “Mùa hè đỏ lửa”, cùng với Phúc Lùn, Thuận Què nhập ngủ. Nó đăng vào thủy quân lục chiến hay biệt kích gì đó. Đến hè năm sau chúng tôi nghe tin nó tử trận. Em nó báo hung tin cho chúng tôi trong khi mà ba nó đích thân ra chiến trường tìm xác nó. Băng Cần Thơ lên học Bảo Lộc chúng tôi và nhóm ở NLS Cần Thơ tề tựu lại bên cái áo quan của nó 2 đêm. Chúng tôi đồng loạt mặt áo nâu và xin ba mẹ nó khiêng quan tài ra nghĩa trang liệt sĩ. Thậm chí chúng tôi còn tự động ở nán lại cho đến lúc những người thợ nề làm xong công việc. Một tuần sau ngày 30 tháng 4, tôi sững sờ nghe tin nó còn sống. Gặp nhau trong một quán cà phê gần nhà, nó kể cho chúng tôi nghe ngọn ngành chuyện gì đã xảy ra như trong phim. Nó khoe với chúng tôi một tấm hình nó chụp khi vừa thoát khỏi một tháng trong rừng. Trông nó không khác gì Chúa GiêSu.
Nhả khói thuốc liên tục, nó kể,
“Đơn vị tao bị pháo dập tan tác. Có nhiều xác chết không nguyên vẹn. Ba tao theo ra chiến trường hai ngày mới tìm ra một tử thi với một mảnh quần cộc do chính ông ta mua cho tao. Trong lúc ấy tao bị bắt làm tù binh. Tao được giáo huấn, được thuyết phục làm chiến sĩ cách mạng. Tao sắp sửa thành một bộ đội. Sau một cuộc tranh luận sôi nổi với tay cán bộ tuyên huấn, tao lớn tiếng và làm phật lòng y. Nghe tin đồn rằng tao sẽ được đưa ra ngoài trung, tao đã bỏ trốn. Tao biết phương hướng nhưng phải ẩn náu trong bưng. Ngày trốn, ban đêm tao phải mò tìm thức ăn để sinh tồn cho đến ngày giải phóng.”
Chúng tôi nhận ra một sự khác biệt sâu sắc về cuộc đời. Chúng tôi đã học được quá ít từ trường học, từ các bài học của thầy cô, so với những điều Thuận Què đã học ở trường đời, về sự sống và cái chết. Nó cho biết có thể nó sẽ về quê, Long Xuyên. Nó khuyên chúng tôi phải hết sức lo việc học, chỉ có việc học thôi và phải hết sức cứu lấy cuộc đời mình. Nó kể rằng,
“Tao đã nhai tép sống, ăn rau sống, uống nước sông để không bị chết đói. Tao đã đắp bùn lên người để chống muỗi. Tao đã biết bao nhiêu lần lặn thật lâu, bao lần bơi qua sông, bao nhiêu lần nằm trong vũng bùn. Tao đã mất ngủ quá nhiều đêm để đi đến quyết định đào tẩu.”
Nó chậm rải nói tiếp sau khi rít một hơi thuốc,
“Học là cái vũ khí tốt nhất để tự vệ.”
Tôi thấm thía từng cử chỉ, từng lời nói từng ánh mắt và tiếng cười của nó- có khi do cay cú nhưng cũng có lúc do nó khoái trá một điều gì đó. Các thầy cô đã dạy bảo khuyên lơn tôi nhiều nhưng làm sao họ làm tôi rúng động bằng thằng bạn học thân thiết, kẻ đã đào thoát, kẻ đã có giấy khai tử, kẻ sắp sửa trở thành một người khác. Có ai ở Phan Thanh Giản và Nông Lâm Súc có thể trải nghiệm nhiều như hắn không?
Sau ngày 30/4/75 đến nhà tìm nó, tôi được người hàng xóm cho biết cả nhà nó dọn về quê ở Long Xuyên. Đứa nào từng lên Bảo Lộc đều muốn hỏi tin của nó. Có lẻ nó đã về, đã yên nghỉ ở nơi nào đó - như ở dưới đáy biển chăng - nên nó chẳng có liên lạc gì với ai cả.
Tôi mong sao nó ở đâu đó và đọc được bài này. Thuận ơi, tụi tao nhớ mày lắm!
Rạch Giá Jun 5, 11
Lương Ngọc Thành
|