.
  Vườn ông Khánh Mỹ Tho..
 
04/1/2015


Loạt bài biên khảo


 
Thành phố Mỹ Tho xưa có nhiều dược sĩ. Tiếng tăm thì ai cũng tầm tầm như nhau; duy có dược sĩ Trần Văn Khánh, có thể nói nhắc đến tên ông thì ai cũng biết, dù “văn kì thinh, bất kiến kì hình!”. Nhưng người ta biết đến ông không phải là ông có tay nghề vượt trội hơn các dược sĩ khác, hay vì một sì-can- dan nóng bỏng nào; mà chỉ vì ông có một khu vườn mà người đương thời đã lấy tên ông mà gọi cho khu vườn ấy: Vườn Ông Khánh.
Xưa kia, bên hông chùa Phổ Hiền đường Vòng Nhỏ (nay là Trần Hưng Đạo), là khung viên của Vườn Ông Khánh. Lần theo con đường đất hẹp, đi vào khoảng hai trăm thước ta sẽ gặp cái cầu pê tông bắt ngang mương nước trong veo; cầu được che chở bằng một “nhà mát” với hai tầng mái vòm được uốn cong cổ kính.
Vườn trồng đủ loại cây, nhãn, chôm chôm, cam, quýt… nên mùa nào cũng có trái sum suê oằn nhánh. Hai bên những lối đi là những loại hoa đủ màu khoe sắc. Trên tàng cao chim líu lo ca hát vui tai. Bên kia là ao nước, đủ loại cá bơi lội từng đàn làm lung lay nhưng nhánh hoa sen.. Rồi hòn non bộ với cá kiểng đủ màu, thẹn thùng trốn tránh khi thấy những cặp mắt chiêm ngưỡng của khách tham quan. Bấy giờ chưa có phong trào chơi phong lan, nhưng rải rác đó đây có những chậu lan rừng lủng lẳng đã tô thêm chút màu sắc hoang dã của khu vườn.
Cách “nhà mát” vài mươi thước là phần mộ khang trang của vợ chủ nhân. Đó là ngôi mộ được “đắp nổi”, (tức là thi hài người quá cố được ướp (ướp xác) và được đặt vào hòm kiếng), được bảo về bằng lớp rào sắt uy nghiêm. Nhà mồ được người giữ vườn chăm sóc chu đáo, không  hạt bụi!
Bên kia là “nhà khách” . Nói là “nhà khách”, nhưng đó chỉ là một căn nhà nhỏ, được thiết kế đơn sơ theo kiểu dáng thôn dã. Vách bằng gỗ mà phần trên được đóng lưới mắt cáo, nên từ bên ngoài có thể nhìn thấy dễ dàng bộ salon có một không hai: Toàn bộ bàn để nước, và hai ghế bành bề thế đều được làm bằng rễ của cây mun (?) đen ngời, bóng lộn. Để tránh trộm đạo, một sợi dây xích được lòn vào những lổ hổng cho chúng lên kết lại với nhau, đủ biết chúng có giá trị ngần nào! Có người nói, với thời buổi nầy, bộ bàn ghế ấy phải tính bằng tiền tỉ!
Trong vườn còn nuôi nhiều thú rừng như khỉ, chồn, kì đà, trăn, rắn… Nhiều cây xoài, cây mít già nua, tàng lá giao nhau che kín cả lòng đất. Hồi trước khu vực đó nhà cửa ít oi, giáp ranh vườn phần đông là ruông lúa, cho nên gió đồng từng đợt thổi vào mát rượi.
Vườn Ông Khánh là nơi thanh vắng, là một “sở thú” nhỏ, vừa mát bởi bóng râm, vừa mát bởi gió trong lành; là nơi lý tưởng để mọi người tạm giấu mình với cát bụi phồn hoa; là nơi thư giãn tâm hồn cho những ai đã từng vật lộn mệt nhoài trong những cuộc mưu sinh đầy gai gốc; đó cũng là nơi hẹn hò cho lứa tuổi đang yêu. Với học sinh, là nơi “gạo” bài lý tưởng cho những kì thi sắp tới.
Người đến thăm Vườn Ông Khánh, không những chỉ có dân Mỹ Tho mà còn khắp nơi trong tỉnh và cả tỉnh lân cận như Long An, Bến Tre. Người thăm tuy không dồn dập, nhưng ngày nào cũng có. Vườn mở cửa suốt ngày, khách ra vào miễn phí, và tự do ngang dọc tham quan bất cứ nơi nào mình muốn tới nếu tay chân đừng tháy máy với những chùm trái bóng mọng trên cành! (không thấy có trường hợp nầy). Câu “ nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” có lẽ sai bét với thế hệ học sinh chúng tôi. Chúng tôi là khách quen mặt của Vườn Ông Khánh từ năm nầy qua năm nọ. Từ bộ đồng phục trong trắng dễ thương đến những lời nói từ tốn lễ phép, riết rồi thành thân quen với chú Bảy giữ vườn. Chú thuộc tên từng đứa chúng tôi, biết đứa nào học lớp mấy, và thường … “khuyến học” cho chúng tôi vài chùm mận chín tới no tròn. Bù lại, chúng tôi lâu lâu cũng hùn tiền lại mua biếu chú cây bánh, gói trà, gọi là đáp nghĩa!
Ngày xưa, ngành du lịch chưa được phổ biến, và từ “du lịch” không được hiểu rộng rãi như bây giờ, và “du lịch sinh thái” càng không người biết đến! Vườn Ông Khánh nếu còn tồn tại thì giờ chính là điểm “du lịch sinh thái” thu hút được nhiều du khách. Tiếc thay khu vườn đã bị chia năm xẻ bảy một cách thảm thương. Khu yên ắng ngày nào trái trĩu nặng cành giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà bê tông cốt thép. Thời học sinh chúng tôi thường tới đây hằng ngày, mà giờ có dịp trở lại, đứng ngay trên mảnh vườn đó mà phải còn ngơ ngác! Chúng tôi may mắn gặp được Dì Bảy là cháu dâu của chủ nhân khu vườn năm xưa, mới biết rằng vết tích khu vườn chỉ còn lại cây cầu bắt qua mương nói trên với phần mộ của Trần phu nhân ngày trước.
Cây cầu trước kia là một trong những điểm thơ mộng nhất của khu vườn mà ngày xưa chúng tôi thường đứng trên lan can nhìn dòng nước trong veo thư thả chảy; hay thả thuyền lá xuống để nhìn chúng trôi về nơi vô định; thì nay, con mương nầy một bên bị lấp lại với một ống cống bên dưới để cho con đường tráng nhựa băng ngang; một bên thì đau mình với màu nước đen sì, hôi hám!
Phần mộ Trần phu nhân ngày xưa với nền mộ bóng lộn được dễ dàng nhìn thấy qua lớp rào thưa; thì nay đã bị tường cao bao bọc, bụi bám rêu phong. Nhìn qua cỗng rào cao, thấy lố nhố nhiều phần mộ khác; hỏi ra mới biết Trần dược sĩ cũng đã qui tiên! Dưới nền cỏ dại mọc đầy. Tượng Bát Tiên dù dãi dầu mưa nắng, nhưng cũng dễ nhận ra Hàn Trương Tử đang thổi sáo (đúng ra là tiêu), Táo Quốc Cửu với cặp sanh, Lý Thiết Quả với một chân què, bầu rượu …
Chúng tôi đi quanh một vòng, để cố tìm ra chút gì còn sót lại của thửa vườn nổi tiếng năm nào. Nhưng đến đâu cũng thấy nhà là nhà. Nó đã bị xóa hộ khẩu từ lâu; nhưng với ba tiếng Vườn Ông Khánh đối với người dân Mỹ Tho, chắc chắn vẫn còn chiếm một phần khó quên trong miền kí ức./.
Kha Tiệm Ly
 

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630233 visitors (2116325 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free