"Bằng tất cả lòng thành kính, con viết về ba không phải để trách móc bởi vì với chúng con, ba không hề có lỗi. Trong con, luôn ấp ủ hình ảnh một người cha đáng kính. Bài viết là những cảm xúc, tâm tư của con dành cho ba nhân ngày giỗ lần thứ 22 của ba. Chúng con cầu mong ba vãng sanh nơi miền cực lạc... Thương ba...
Nghe kể lại lúc còn thanh niên, ba là người đẹp trai nhất vùng vào thời đó. Có lẽ nhờ thừa hưởng 3 dòng máu Việt, Hoa, Khmer mà ba có nét của một tài tử điện ảnh (ít ra là trong mắt tôi). Ba đẹp cho đến tận ngày ba mất đi, hình ảnh cuối cùng của ba vẫn sống mãi trong lòng anh chị em chúng tôi đến tận bây giờ. Năm đó, ba vừa đúng tuổi 63.
Cuộc sống của ba mẹ tôi rất hạnh phúc. Chỉ tiêu “3 năm 2 đứa” không đặt mà đạt, mãi khi có đến đứa thứ 8, ba mẹ mới chịu... dừng lại. Người biết chuyện có lẽ sẽ thắc mắc tại sao những lần tâm tình về mẹ, chỉ nghe tôi kể có 7 anh chị em mà nay... lại có thêm một đứa. Chính xác thì tôi còn một người em thứ 6, nhưng do dạo trước tôi không muốn nhắc sợ mẹ buồn, nay nghĩ lại, nếu không nói ra thì tủi cho vong linh của em mình bị bỏ quên, thêm một lý do chính đáng để tôi nhắc về đứa em trai có đôi mắt to, sóng mũi dọc dừa ...(ai cũng bảo chắc tại em là đứa đẹp nhất nhà nên bị Mụ Bà bắt đi) sự ra đi của em là một đánh đổi đau đớn...vì cũng bởi chính điều đó mà ba tôi tỉnh trí sau một thời gian dài mê muội...
Thời gian đầu, hạnh phúc vàng son của ba mẹ cũng giống như bao đôi vợ chồng khác. Mẹ tôi là người phụ nữ dịu dàng, chịu thương chịu khó lại rất mực chìu chồng. Những năm đầu, ba chu đáo tận tụy với gia đình mình không thua gì mẹ. Nghe kể, lúc sinh tôi được vài tháng thì mẹ bệnh nhiều, nên ba phải vừa chăm sóc mẹ vừa lo cho tôi “bú dặm”sữa bình, do không có kinh nghiệm, suốt đêm cứ nghe con khóc thấy bình sữa cạn là ba lại pha thêm bình khác... Cứ vậy cho đến sáng mới phát hiện ra con bé đang “tắm” trong vũng sữa... Sau này nhắc lại, mẹ đùa chắc tại vậy mà tôi sợ mùi sữa cho đến giờ cũng nên.
Có lẽ chỉ đến khi từng trải và có một ít kinh nghiệm ở đời rồi mới thấy, để vượt qua cám dỗ cuộc sống không phải là chuyện dễ. Ba tôi, vừa lịch sự người, đàn hát hay lại được tiếng con nhà khá giả. Tình sử của ba mẹ bước vào giai đoạn lâm ly bi đát nhất là lúc cơ hội làm ăn của ba phất lên nhưng lại phải xa nhà liên tục. Chúng tôi, do còn nhỏ nên rất vô tư, chỉ mong những ngày đón ba về để được mẹ cho ăn ngon hơn ngày thường và cả những món đồ chơi của “Bạn ba” (người cùng về với ba) mang tới. Sự hồn nhiên ấy của chúng tôi cứ thế mà tiếp diễn, không hề biết đến tâm tư thầm kín của mẹ. Cho đến một hôm... tôi còn nhớ như in cái đêm vô tình tôi đọc được quyển nhật ký của mẹ để quên đầu giường. Những giọt nước mắt đầu đời của tôi khóc vì thương mẹ đã ướt đầm gối suốt cả đêm hôm ấy... Năm đó, tôi vừa tròn 13 tuổi. Cũng từ lúc đó, tôi cảm nhận mình là một người phụ nữ trưởng thành với trách nhiệm của người chị cả trong gia đình, để rồi càng có ý thức hơn với công việc thường ngày của mình. Ngoài giờ học hay vào những ngày nghỉ, tôi phụ mẹ làm khuy, đơm nút (mẹ tôi là thợ may) sau đó xách giỏ đi chợ về nấu cơm, dọn sẵn đợi mẹ về để cả nhà cùng ăn.
Cuối cùng thì ba cũng “dừng bước giang hồ” sau biến cố lớn của gia đình. “Hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai”. Ngày trở về của ba giờ đây là một sự bù đắp cho gia đình đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, một sự bù đắp tràn đầy tình thương yêu có cả lòng hối hận... Sau thời gian tạm lắng những đau buồn mất mát, mọi thứ rồi cũng phôi phai... Giờ đây, hạnh phúc đã thực sự trở về dưới mái nhà xưa. Bao nét sầu não của mẹ dần dần tan biến, thay vào đó là hình ảnh ba đàn mẹ hát được tái hiện như ngày nào, một khung cảnh lãng mạn những tưởng đã không còn... Ba tôi, tuy không hề biết uống rượu, nhưng vì tính hiếu khách nên rất đông bạn bè, mẹ tôi thường chìu lòng ba và do một phần mẹ rất thích nấu nướng nên gia đình nhộn nhịp suốt. Rồi cũng nhờ “Nghệ Sĩ tính” của ba mà chúng tôi may mắn biết được hầu hết mọi thể loại nhạc thời bấy giờ...cũng bởi người không hề bỏ qua bất cứ một băng đĩa mới nào vừa phát hành...Một mái ấm với hạnh phúc tuyệt vời không thể nào hơn...
Thế rồi ... 30/4... Một bước ngoặc không của riêng ai và là một cú sốc lớn đối với gia đình tôi lúc ấy. Ba tôi có hai chiếc xe đò bị đưa vào “liên doanh”, lúc ấy ba cứ nghĩ không còn là của mình nữa. Vừa mất xe, vừa mất đất. Ba tôi thực sự hoang mang. Thế là ba quyết định: “Ngưng việc học của tất cả các con lại, học lúc này không còn làm nên tích sự gì nữa!” (cũng may sau đó, khi ba tôi dần ổn định tư tưởng thì quyết định này được... bãi bỏ). Riêng tôi lúc ấy bị sốc cùng lúc nhiều thứ, vừa rối ren trong nhà, vừa mất...trường cũng đồng nghĩa với mất thầy cô, bè bạn (Trường NLS Ba Xuyên có lệnh giải thể, duy chỉ học sinh cuối cấp năm đó được chuyển thẳng lên trường NLS Cần Thơ) lại bị ba bắt nghỉ học, tôi đã khóc suốt mấy ngày liền, mẹ tôi tuy không đồng tình, nhưng cũng không qua được quyết định của ba... Bẵng đi hơn tháng, những tưởng “kiếp học trò thôi đành chôn vùi từ đây” thì may thay vị “Cứu Tinh” của tôi xuất hiện, đó là Thầy Phạm Văn Ly (nguyên Hiệu trưởng Trường cấp ba PTTH Phú Tâm) là Thầy dạy môn Văn của tôi hồi năm lớp bảy... Sau này nghe mẹ kể lại, do nhà gần bên nên khi biết chuyện của gia đình tôi, Thầy Ly đã sang nhà thuyết phục ba để người xiêu lòng cho tôi đi học lại (Với riêng Thầy, ơn này tôi nguyện khắc cốt ghi tâm đến trọn đời... mãi mãi không quên...). Cuối cùng thì tôi cũng được khăn gói lên đường nhập học, trễ hơn chúng bạn hàng tháng trời, thời may Ban Giám Hiệu trường sau khi xem xét hồ sơ đã thuận tình cho tôi được tiếp tục “nấu sử sôi kinh”...
Có một kỷ niệm nhỏ của ba và tôi, đó là ngày ba đưa tôi lên Cần Thơ. Trên đường đi, dừng chân ở một quán nước ven đường, lần đầu tiên trong đời đứa con gái mới lớn được cùng ngồi đối ẩm với cha mình, ba đã gọi cho tôi ly cà phê sữa đá, có lẽ ba nghĩ đó sẽ là thức uống ngon tuyệt dành cho con gái mình... Lát sau ba nhìn lại, ngạc nhiên khi thấy ly nước đang tan gần hết đá, còn tôi vẫn chưa hết rụt rè: “ Sao con không uống đi?... À! Ba quên con không uống được sữa”. Liền sau đó ba đã gọi cho tôi thức uống khác cùng với nụ cười trìu mến. Có lẽ, lúc ấy cả ba và tôi đều có những suy nghĩ nội tâm của riêng mình... Phải chăng đó là hậu quả bởi sự xa cách dạo trước đã khiến cho tình cha con thiếu đi sự gần gũi thân mật (!) Nhớ lại thời điểm lúc ba mới quay về với gia đình, thậm chí chúng tôi không đứa nào dám đến gần ba để hỏi han trò chuyện (chỉ trừ những lúc đi thưa về trình và...“Thưa ba dùng cơm” mặc dù ba rất hiền và rất mực thương yêu chúng tôi). Cho đến bây giờ, hồi tưởng lại, tôi cũng không lý giải được ngày xưa tại sao dù rất thương ba, nhưng chúng tôi lại sợ ba đến vậy?! Mặc dầu vậy, nhưng theo thời gian dần dần rồi mọi thứ cũng đi vào ổn định. Tiếp nối những tháng ngày hạnh phúc bình yên của ba mẹ là khoảng thời gian chúng tôi được hai đấng sinh thành tiếp tục lo cho ăn học đến nơi đến chốn và lần lượt dựng vợ gã chồng từng người một... Và cũng thuận theo một quy luật của tự nhiên, khi các cháu nội ngoại của ba mẹ bắt đầu “đầy đàn đầy đống” thì sự thương yêu gần gũi của gia đình đã ngày càng dầy lên bởi lẽ tình thương đó đã được nhân lên gấp bội vì nhờ có thêm dâu hiền rể thảo.
Ba yêu kính!
Chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày giỗ của ba. Nhớ hôm thanh minh vừa rồi, đám con cháu tề tựu đông đủ bên ngôi mộ của ba vừa được tôn tạo theo phong tục người Hoa nên có hình dáng khá đặc biệt. Nhìn lên bia mộ, lòng con bỗng bùi ngùi xúc động... Mới đó mà đã hơn 20 năm... Dù không muốn nhớ nhưng con vẫn không sao quên được đêm nhận tin ba mất. 1 giờ 30 phút sáng ngày 11/6 năm Tân Mùi (1991). Ngay sau khi nghe điện thoại của gia đình, chúng con đã vội vã vượt đường xa ngay giữa đêm khuya, cố mong sao kịp về với ba. Nhưng mọi nỗ lực của chúng con cũng chỉ được nhìn thấy ba nằm bất động với ánh mắt vô hồn... Tiếng khóc xé lòng của gia đình mình giữa đêm thanh vắng đến giờ con vẫn không thể nào quên...
Có lẽ đây là lần cuối cùng con hoài niệm về nổi đau buồn lớn nhất đời mình...Giờ đây, bằng tất cả tình yêu thương dành cho mẹ, chúng con đã và đang thay ba chu toàn mọi việc một cách tốt nhất để mẹ được thân tâm an lạc đến trọn đời. Chúng con kính mong ba hãy yên lòng ngủ giấc nghìn thu./.
Hồng Thúy Phượng
|