.
  Vì sao tôi viết
 
13/3/2014

                           
 
   Đọc rất ít, có điểm môn Việt Văn rất bình thường, bản thân tôi đã chưa bao giờ nghĩ đến việc viết lách cho đến khi tôi nghe bài viết của VOA, “Writing memories in the US” tháng 10 năm 1996. Tôi vẫn chưa thể nào bắt đầu khai bút được ngay vì chưa có nguồn cảm hứng và sức thúc đẩy tôi chưa đủ mạnh.
     Vào tuổi dậy thì, ở nhà, tôi lén đọc lướt qua vài tuần báo của bà chị. Có lẻ truyện đầu tiên tôi đã đọc qua một lần là, “Buổi Chiều Lá Rụng- của nhà văn Ngọc Linh khi học lớp đệ lục. Khoảng năm 1976, tại nhà Khuê Bầu tôi đã đọc hết một lượt truyện ngắn, “Anh Chi Yêu Dấu” của Đinh Tiến Luyện. Trên đại học, tôi mượn đọc vài quyển “Nhận Định” của giáo sư Nguyễn Văn trung. Bao nhiêu điều tôi đã đọc qua đấy làm sao giúp tôi viết được theo cái câu thành ngữ, “Đọc nhiều mới viết được.”
   Khi còn đi học, đa số chúng bạn học dành nhau đọc các truyện kiếm hiệp, chuyện tình cảm tuổi dậy thì, truyện kinh dị, trinh thám, tôi tuyệt nhiên không hề ghé mắt đến. Ở NLS Cần Thơ, việc học, chơi bóng rỗ và làm ruộng đã chiếm hết thì giờ của tôi rồi. Vào năm cuối học trên Bảo Lộc, Hậu Bào bổng dưng mê truyện dịch. Nào là, “Tội ác và trừng phạt”, “Những Kẻ khốn cùng”… đã chiếm rất nhiều ngày đêm của ông bạn của tôi, ngông nghênh cũng từ Cần Thơ lên. Tôi cũng đã không hề đọc một hàng nào. Sau khi nghe Luận Con kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, gần như cả lớp tôi muốn tìm đọc những bộ nỗi tiếng ấy, trừ tôi ra, người chỉ chăm lo chuyện đèn sách. Trên Đ.H các truyện của Liên Xô nỗi tiếng, “Ruồi Trâu”, “Thép đã tôi thế đấy” đã thu hút hàng triệu triệu thanh niên thời ấy, nhưng chúng chẳng hề làm tôi tò mò đọc thử dù chỉ một dòng, một đoạn văn nào cả. Hằng triệu thanh niên mê đọc sách Nga để cho họ có vẻ “đỏ” hay ít nhất cũng có cái để thảo luận. Tôi thì không. Đá bóng và chơi đàn đã chiếm hết giờ của tôi rồi.
    Chịu ảnh hưởng những bài báo cáo, các truyện ngắn tôi đã nghe hoặc dạy, nhớ lại bài tôi viết khi thi chứng chỉ C tháng 6 năm 1993, sáng ngày 6 tháng 5 năm 1997, tôi viết bằng tiếng anh truyện đầu tay, “The additional cigarette” khá nhanh chóng như là một bài tự luyện tập đầu tay cho môn viết khi tốt nghiệp Đ.H hàm thụ năm sau đó.Với một bước khởi đầu trơn tru, suốt tháng đó, hằng sáng sớm, tôi tiếp tục viết các truyện khác “Bich Van”, “The love for my mother”, “Long Kh’mer” và “Nhu Ngoc”. Tôi tự an ủi,
 
“Bao nhiêu đấy có thể giúp ta viết tạm được rồi.”
Quanh quẩn suốt năm với việc dạy học, kiếm cơm cho một gia đình 5 người, việc học hàm thụ, tôi không còn nhiều hứng thú để viết tiếp. Tôi học xong ĐH Từ Xa vào tháng 7 năm 1990 và tiếp tục lo việc mưu sinh. Lên Sài Gòn từ đầu tháng 3 năm 2008, ngày ngày chạy vạy kiếm cơm trên Sài Gòn, đang dành gần hết thì giờ tìm việc làm trên vietnamworks.com hoặc đọc teaching book chuẩn bị bài dạy, tôi chưa hề vào trang web của trường. Cho đến ngày ba tôi mất, 13-3-2009 (nhằm ngày 17 tháng hai âl). Bị choáng ngợp vì sự có mặt của Võ Thị Huệ, đại diện trường NLS Bảo Lộc với tràng hoa viếng, hình chụp và sau đó là bài cáo phó trên trang web, nlsbaoloc.com., tôi tìm cách đền đáp lại tấm thạnh tình đó.
    Đang để tâm đến việc phải làm gì cho bạn học cũ trường xưa, tôi theo hỏi Võ Huệ,
 
“Thành Xì này có viết một số truyện ngắn bằng tiếng Anh. Tớ gửi đóng góp cho trang web nhà được chứ hả?”
Võ Huệ sốt sắng bảo tôi,
 
“Chị Đồng Anh phụ trách sẽ đón nhận bài của“ông”ngay thôi mà. Ghi địa chỉ này này. Gửi bài ngay đi!”
Không kịp đọc kỹ lại truyện B.V vốn đã được tôi đánh máy lại, tôi email cho chị ấy ngay như cái cách vốn dĩ nhanh nhẩu vốn có của tôi. Và đúng như lời Huệ nói, truyện B.V được đăng vào ngày 20- 3- 2009. Cách hai ngày sau tôi lần lượt gửi truyện phần 2, phần kết. Mail qua lại đều đặn, chị Anh hỏi tôi có bài nào tôi viết về mẹ, về cha và chị còn bảo tôi rằng,
 
“Có một số người điện hỏi thăm Thành Xì.”
Ngoài việc phải dịch bài cho “Công ty dịch thuật ABC”, tôi xem việc viết truyện cho nlsbaoloc.com như là một trách nhiệm, một điều tất yếu và một thách thức. Ngoài việc đóng góp bài như mọi đồng môn khác, tôi tự nguyện gửi bài hàng tuần như cách tôi rèn luyện mình từ hồi còn tấm bé. Nghĩ ra, moi trí nhớ, điện thoại hỏi ai đó vài chi tiết chưa rỏ, tôi viết như một cây viết mới cho một tuần báo nào đó có ưa ái với tôi vậy.
   Tại nhà ở Rạch Giá, tôi bất ngờ được chị Đồng Anh điện thoại hỏi thăm. Với giọng nói của một người trách nhiệm và quan tâm đến tôi, chị đã làm tôi choáng ngợp. Chị cho biết chị thích nhất truyện “Nhóm máu của tôi”. Chị cho tôi biết sẽ có người mang quà đến tận nhà tôi, điều mà cả người chị ruột của tôi, ở bên Úc, cũng ít khi làm. Có đến những 5 lần tôi nhận quà của chính chị gửi. Đó là những lần chúng tôi thấy phấn chấn, trách nhiệm hẳn lên. Tôi say sưa viết như một ngòi viết ngày ngày cho một tuần báo nào đó. Tình cờ tôi nghe về Lưu Bút Ngày Xanh và sau đó được Diên động viên tôi. Tôi cũng được thầy Bùi Tho giới thiệu về “thuylambaoloc.com” và được Tuyết điện thoại mời gửi bài cho nlsdinhtuong.com.  
   Tôi in truyện ra để đưa cho ông bố vợ đọc. Tôi mở vài truyện cho các học trò nhỏ sửa giùm vài lỗi chính tả. Tôi cho vào phong bì truyện tôi viết về chuyến chúng tôi đi từ Bảo Lộc về ăn tết nhân dịp bà xã tôi họp mặt lớp vào những ngày cuối năm. Mời 4 vị đến dự đám giỗ của Long Kh’mer, tôi chuẩn bị trước 4 cái phong bì có truyện tôi kể về người bạn vắn số của tôi. Nghe một phụ huynh than phiền với tôi vì con trai của bà ta không siêng học, tôi tặng họ truyện, “Quyển tự điển” để mong thằng con ấy lung lay. Tôi đưa những truyện vừa viết xong cho một cô giáo dạy văn để xin cô ý kiến. Khi đi thăm một vị cao niên đang nằm bệnh viện người lớn hơn tôi và cao hơn hẳn tôi về việc viết và đọc, tôi mang theo một truyện vừa viết xong.  Ông ấy là người chỉnh sửa và gửi đăng bài ấy lên một tạp chí văn nghệ Chiêu Anh Các của Kiên Giang. Để giọng văn có hơi Mỹ, tôi đã gởi cho, Gary McCloud, Liên Hải Cẩu, Phước Mọi, ông thầy cũ bên Arizona và một người thầy khác cao niên hơn thầy tôi. Chọn đúng ngày sinh nhật con gái, tôi tặng cháu một truyện mà tôi muốn nó hiểu bố nó thời mới vào trung học đệ nhị cấp.
 Để đưa chuyện chúng tôi đã trải qua những gì sau hơn 30 năm, tôi đã viết một loạt liền 3 truyện ngắn về “cái mối tình ấy”. Để dựng lên hình ảnh người cha tận tụy nuôi con, tôi đã viết truyện dài, “Người cha nuôi.” Nghe một tay làm truyền hình kể về lớp học của hắn về viết kịch bản, tôi mượn ngay cái tài liệu ấy và nghĩ đến việc tự học để viết. Xem một phim truyện hay tài liệu nào hay trên T.V, tôi liền download, nghe lại kỹ càng để thấm thía cái độc đáo hay đơn giản ấy cái mở cái kết của những người viết kịch bản ấy.
   Các nhà văn phải đọc, đi lại nghe ngóng, thậm chí dấn thân vào các cảnh huống để viết hay. Tôi chỉ gọi điện thoại để hỏi chi tiết. Có lúc tôi được mời đi họp mặt hoặc đối ẫm với nhân vật để viết. Cũng có khi tôi đi thăm một người, hỏi chuyện ghi chép để viết lại như một phóng viên. Tôi viết để bày tỏ để tâm tình và để những gì đã xảy ra trong đời tôi, những gì tôi mơ ước và những kỹ niệm đẹp. Tôi viết để học và tôi viết vì cái phương châm đơn sơ nhưng sâu xắc của trường Nông Lâm Súc Cần Thơ,
   “Học để làm. Làm để học. Tạo tiền để sống. Sống để phụng sự.”
 Thế thôi!
 
 
Lương Ngọc Thành.

 
  Số lượt người đọc kể từ 1 July 2013: 630191 visitors (2116034 hits) on this page!  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free