Những năm tháng gần đây, con lộ tuy không lớn nhưng quen thuộc trước mắt bổng trở nên bận rộn hơn. Cũng chỉ có sáu mươi hộ gia đình. Cũng chia đều ra hai bên đường với những địa chỉ không hề đổi thay, nhưng nay thì sinh hoạt chung quanh lại thay đổi trông không giống như trước.
Sáng nào cũng thế, trong lúc lái xe rời nhà đến nơi làm việc, anh phải luôn cẩn trọng trông trước, ngó sau nơi hai bên đường. Những phụ huynh cùng học sinh quanh đấy đang vội vã tiến đến ngôi trường tiểu học, nằm trên một con lộ khác cách đó cũng chẳng xa. Tại những ngã tư đường, người hướng dẫn giao thông ở nơi đó lần lượt ra dấu cho những chiếc xe đang chạy dừng lại. Họ phải đưa từng đứa học trò, từng người khách bộ hành băng qua đường được an toàn trước, rồi từng xe sau đó mới được phép vượt ngang.
Trước đó, lúc mới bắt đầu rời khỏi nhà, anh cũng đã phải cẩn thận quay người trông ra sau, hay đưa mắt nhìn kỹ vào gương chiếu hậu trong xe. Căn hộ đối diện phía trước nhà, cô y tá Zhao nơi đó cũng đang hối hả, giục đứa con trai của mình nhanh chóng bước vào xe. Ngồi chung trong xe của cô Zhao, lúc nầy lại có thêm một đứa con trai khác, con của người chủ nhà ở căn hộ nhỏ phía sau tháp tùng. Để cho hai trẻ có thể cùng lúc đến cùng một trường trung học đệ nhất cấp, cách nhà cũng chỉ hơn cây số, cô Zhao phải nhanh tay đưa trẻ, để rồi sau đó thì cô còn phải nhanh chân chạy đến phòng việc của mình, cho kịp trước giờ mở cửa đón bệnh nhân tới tìm thăm bác sĩ.
Cả hai ông Zhao và ông Yang đều không có mặt ở nơi đây trong lúc nầy. Hai ông vẫn còn ở lại nơi quê nhà của mình. Người nầy bận việc làm ăn, còn người kia cũng rộn lo việc kiếm tiền, nên thỉnh thoảng chỉ mới đến thăm con với vợ trong thời gian ngắn rồi lại tiếp tục ra đi. Năm trước, sau khi ông Yang đến với gia đình được vài tuần, chẳng bao lâu cô Yang vui vẻ mang thai, rồi cũng thoải mái sanh ra thêm cho ông một đứa con gái. Bây giờ thì cô Yang của nhà đó không còn được thuận tiện để đưa con trai đến trường vào mỗi sáng.
Cách nhà của cô Yang thêm đôi căn, những chiếc xe của một toán thợ xây cất đã đậu đầy hai bên đường, khiến cho con lộ nơi nầy bỗng dưng biến thành chật hẹp. Tháng trước có một đại gia nào đó ở một nơi thật xa; ông đã đến đây bỏ tiền ra mua dứt căn nhà của người láng giềng nầy với một giá khá cao, vượt qua luôn giá của thị trường. Vài tuần lễ sau, đại gia đó đã cho toán thợ xây cất nầy ủi sập hết cấu trúc cũ, để rồi sẽ dựng lên một kiến trúc khác hợp theo nhãn lực của mình. Những người quanh đây, ai cũng đang thắc mắc, tò mò để muốn biết căn nhà của ông đại gia mới nầy sẽ như thế nào? Có to lớn và hùng tráng như căn hộ của ông Xiao ở cuối đường dưới kia con lộ nhỏ?
Thời gian qua, những người láng giềng trên con đường quen thuộc nơi đây, họ lần lượt rũ nhau rời bỏ chốn cũ nầy ra đi cũng khá đông. Rất nhiều căn nhà cũ kỷ đã được thay hình đổi dạng, cùng với những di dân mới đến từ những phương trời xa cũng xuất hiện ra sau đó. Có những căn nhà đã có tuổi, được chủ cũ cho xây cất lại thành mới, trước khi sang nhượng cho những người chủ hộ khác đến thay thế. Có những căn cũng còn tương đối mới, đàng hoàng ngỡ chắng cần đổi thay; nhưng sau đó thì cũng đã được các ông đại gia khác mua lại, rồi cũng cho lột hình đổi xác, như trường hợp nhà của ông Xiao nơi cuối ngõ.
Năm trước, đại gia Xiao nầy đã cho hạ đi ngôi nhà nhỏ, cũ, mới mua, với đất rộng nhiều cây cho bóng mát. Sau đó thì đại gia Xiao đã biến nó thành một căn hộ to lớn, trước khi cùng gia đình từ một phương xa dọn vào. Bải cỏ xanh tươi ngày cũ của sân trước đã biến mất, thì nay lại được thay vào là một sân xi-măng mới rộng lớn, làm rõ nét căn biệt thự riêng sang trọng cùng sắt rào, cổng rộng với cửa đôi. May mắn thay, ông Xiao cũng đã tìm và cho hạ thổ hai cây to khác, thuộc họ nhà dừa, đứng cao sừng sững ở hai bên cổng, cho nên căn nhà của ông nơi đó vẫn còn được một chút màu xanh của lá…
Chỉ là một đoạn đường ngắn trước khi bắt vào con lộ lớn để tiếp tục đến nơi làm việc, anh cũng phải mất đi một khoảng thời gian nhiều hơn so lúc trước. Sau khi đã vào được con đường lớn rồi, thì những hình ảnh sinh hoạt quen thuộc khác của mỗi ngày cũng đã trở lại bình thường trong ánh mắt; anh có chút thời giờ để nhớ về một quá khứ…
Hơn ba mươi năm trước, anh cũng đã rời bỏ làng xưa quê cũ của mình để đến đây tìm cuộc sống mới. Làng quê của anh ngày ấy, nơi đó nghèo khổ lắm. Lúc ra đi, anh mang theo được chỉ là đôi bàn tay trắng, cùng một bộ đồ vá rách bọc lên tấm thân gầy. Sau bao năm chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm, dành dụm, cùng vay mượn thêm tiền của ngân hàng, gia đình anh mới mua lại được một căn nhà cũ, từ tay của một người chủ hộ khác đã dời nơi ở đi xa. Anh nhớ lại thời gian khi ấy, lần đầu tiên phải tiếp xúc với những người láng giềng chung quanh chưa quen biết nên rất ngại; nhưng không ngờ tiếp nhận được những sự chào đón thân thiện, cởi mở của những người láng giềng nầy ngay từ giây phút đầu, nên đã giúp cho gia đình anh sớm hòa nhập vào những sinh hoạt hàng ngày cùng với mọi người sau đó.
Ngày đó quanh đây có được cũng chỉ một vài trẻ nhỏ. Chúng cùng lớn lên và cùng đến trường. Hơn hai mươi năm sau, những đứa trẻ trên con đường nầy của ngày đó đều đã trưởng thành. Chúng lại rời khỏi nơi sinh sống cũ để đi tìm tương lai mới. Chúng cùng nhau góp đôi tay xây dựng cho một quê hương và đất nước nơi đây luôn vững mạnh. Căn nhà cũ đơn sơ ngày trước, sau hơn hai mươi năm không ngừng tu bổ bảo trì, đến nay cũng đã có chút khang trang để sánh vai cùng láng giềng…tuy là cũng có những giây phút buồn thay khi trong nhà đã vắng đi bóng trẻ…
Thời gian gần đây nơi nầy lại xuất hiện thêm một làn sóng người di dân mới. Có đông và nhiều hơn trước, những đứa học trò trẻ nhỏ khác, vẫn còn nhiều hồn nhiên trong tuổi thơ, mỗi sáng cùng nhau tung tăng cặp sách đến trường để đi tiếp thu một nền văn hóa mới. Những người thân trong gia đình của chúng cũng rất hân hoan đưa đón những mầm non nầy mỗi ngày. Một thế hệ trẻ khác với tương lai hứa hẹn nhiều tốt đẹp cho một quê hương và đất nước.
Anh cũng muốn có được đôi lời chào đón thân thiện gởi đến những người láng giềng mới, như ngày nào những người láng giềng xưa đã dành cho. Nhưng qua những cổng rào sắt bao bọc chung quanh, tạm thời anh chỉ thấy là những bức tường tư tưởng cùng những cánh cửa văn hóa cách biệt hiện ra. Anh tự nhủ, xin hãy cho thêm thời gian đến với mọi người.
Chiều nay rời khỏi nơi làm việc để về lại nhà, xe của anh sẽ chạy trên cùng một tuyến đường ngược hướng từ nơi kia, lòng anh vẫn mong được chóng đến với gia đình như ngày nào. Những đứa học trò trẻ nô nức của ban sáng đã tan trường từ sớm. Những chiếc xe của toán thợ xây cất cũng đã rời khỏi địa điểm, trả lại cho nơi đây chút yên lặng trên con đường nhỏ.
Nơi căn nhà ở đầu ngõ, bà Ying đang quét nhặt từng chiếc lá khô rơi rớt trên sân xi-măng trước cổng. Đứa cháu nội gái của bà, chỉ mới được đôi tuổi, đang đùa giỡn trên chiếc xe hơi bằng nhựa chạy quanh. Lúc nầy nơi cuối ngõ; trong bộ đồ áo trắng, quần tây đen, và đôi giầy da đen bóng, ông Xiao sẽ bắt đầu rời khỏi cổng rào. Với điếu thuốc lá đang ngầm cháy trên tay, ông sẽ rít vào phổi một hơi cuối thật dài, trước khi ném bỏ tàn trên mặt đất. Đứng trước cửa nhà của ông Yung, ông Xiao sẽ cất tiếng gọi to tên người láng giềng. Cả hai sau đó sẽ cùng song vai, sánh bước trên con đường dạo mát. Ông Xiao vẫn phấn khởi kể tiếp phần kế của câu chuyện dang dỡ của mình ngày trước. Câu chuyện của những ngày còn thanh niên, trên những con lộ xa xưa, nơi đã có cuộc cách mạng văn hóa xẩy ra…và khi ấy hai ông từng làm những người hùng tham chiến.
Trên cùng một con đường với ban sáng, giờ đã có những cặp đôi người, hay từng toán ba, hoặc bốn khách bộ hành đang rảo bước chân nhàn hạ trên đường sau bửa ăn chiều. Anh cẩn thận cho xe chạy chậm lại, khi mà những người khách bộ hành nơi kia vẫn thản nhiên với những bước chân dường như là vô tư ngay trên giữa lộ.
Dầu phải chậm rãi phía sau bởi những bước chân ai kia đang xa dần nhà; dầu phải tăng thời gian để có thể an toàn về lại với gia đình…nhưng lòng vẫn không nôn nóng. Phía trước nơi kia trên cùng một con đường, dưới hàng cây xanh hoa vẫn nở, hình ảnh thân yêu ngày nào vẫn hiện ra trong khoãng cách càng gần. Ngôi nhà thân yêu nơi đó của anh, những người thân thương vẫn đang chờ đợi anh trên bàn cơm đoàn tựu.
Viết tại California, ngày cuối tháng 08 năm 2013
TL12
Ảnh mang tính chất minh họa (BDH)
|