Năm 2005 đó có bao nhiêu ý kiến chung quanh vấn đề thay sách, nghĩa là đang có những tranh cải xã hội cần thiết cho một vấn đề vô cùng hệ trọng, quyết định cả một thế hệ, cả tương lai dân tộc, không thể đem tri thức của thế hệ trẻ ra để làm vật thí nghiệm được, cho nên không thể chờ thực tế chứng minh cho chuyện dạy vần nào trước vần nào sau, cũng không thể chấp nhận cái kiểu vừa làm vừa rút kinh nghiệm về việc dạy những đứa trẻ những kiến thức nền tảng để hình thành tri thức và nhân cách mà chưa có cơ sở chứng minh được kết quả sẽ như thế nào. Bởi vì danh chánh ngôn thuận Bộ đã khẳng định chủ trương, hàng tỉ tỉ tiền đã được chi để gấp gáp in sách giáo khoa mới mới mẫu mả cũng được cải cách to hơn đẹp hơn, sang hơn bởi vì bài tập thực hành in sẵn nên học sinh chỉ sử dụng một lần, còn được nghe ai đó dạy rằng nếu muốn để sách lại cho em thì xài bút chì để xóa, hoặc giáo viên chịu khó photo ra giấy? Quả là hiện đại! Giá mà lúc các vị chuyên gia tính làm sách kiểu ấy thăm được một lớp học tình thương, hoặc tới được một vùng sâu mà chỉ cần trẻ tới được lớp học, còn tập sách thì Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, các bác Cựu chiến binh phải đi vận động; hay là thâm nhập được sinh hoạt của một xóm lao động dân nghèo lo cho con tới trường bằng tiền trả góp lãi cao.
Năm học mới đã bắt đầu, cả nước đang thực hiện thay sách, giáo viên đã được tập huấn để dạy theo sách mới, ở địa phương trong ý thức chấp hành đang ra sức tuyên truyền cho sách giáo khoa mới, bởi vì đây là chủ trương của nhà nước. Tôi nghe được ý kiến của một ông ngoại có cháu vào lớp một thay sách : à, thì ra mấy mươi năm cải tiến để rồi trở về cái cách đánh vần mà tao học 50 năm về trước: bờ a ba nờ ban huyền bàn. Tôi cũng không biết ông đánh vần như vậy đã đúng cải cách hiện đại bây giờ chưa; nhưng tôi đọc được trong tâm tư của ông một sự thất vọng, và ý tứ phê phán của một sự cải lùi.
Đành rằng nếu không mạnh dạn bỏ qua cái cũ đã lạc hậu, thì làm sao mà tiến bộ được, làm sao mà nói tới chuyện hội nhập, đón đầu khoa học kỹ thuật hiện đại, sánh vai cùng năm châu bốn biển...
Đành rằng việc cải cách giáo dục là chuyện lớn phải làm để có được những tiến bộ cần thiết, thay đổi sách giáo khoa với nội dung khoa học hơn, hiện đại hơn và nhất là có tính khả thi cao, cho nên cần các chuyên gia biên soạn công trình tim óc, nhằm thực hiện được cuộc cách mạng trong giáo dục như là một cú hích vào hệ thống giáo dục đang bộc lộ nhiều điều bất cập và hụt hẩng, ai cũng mong và muốn ủng hộ cái mục đích tốt đẹp ấy. Nhưng cũng đừng quên, một chân lý không bao giờ cũ là: không có thứ khoa học chân chính nào mà không dựa trên nền tảng cuộc sống xã hội, truyền thống dân tộc, nhất lại là khoa học giáo dục, đối tượng là con người càng không thể xem nhẹ.
Điều ngạc nhiên hơn cả là đáng ra quá trình từ nghiên cứu đến thực nghiệm một công trình lớn như vậy, lý ra cần có thông tin rộng rãi, tham khảo dư luận chọn lọc từ các nhà nghiên cứu, nhà giáo...có thời gian chuẩn bị cho cả thầy lẫn trò ít nhất những điều kiện cơ bản nhất phục vụ cho việc dạy và học, bởi vì để thể hiện được nội dung tiên tiến thì phải đi kèm trang thiết bị; để khi đưa ra thực hiện đại trà được sự ủng hộ của dư luận; thế mà mỗi lần có chủ trương mới của ngành giáo dục thì lại làm xôn xao dư luận, làm cho người ta có cảm giác bị đặt trước một chuyện đã rồi, không thể làm gì khác hơn là chấp nhận rồi từ từ rút kinh nghiệm kể cả dẫu có để lại hậu quả, lảng phí lớn cũng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm...Hay các vị chức sắc của ngành cho rằng trí tuệ xã hội không đủ trình độ để tham gia vào các vấn đề bác học của các chuyên gia giáo dục, mà quên rằng sự đồng tình của xã hội chính là thước đo giá trị của các chủ trương. Vấn đề là các vị chưa thuyết phục được, giải thích được, chỉ ra được sự tiên tiến của nội dung cải cách để mọi người thực sự an tâm vẽ lên tờ giấy trắng tinh khôi những nét chữ đầu đời của các em bằng cả niềm tin yêu hi vọng. Đây lại là chuyện lớn có chương trình dự án cấp nhà nước hẳn hoi, nhưng có vẽ như đang đi vào những vết xe cũ của hàng loạt cải cách, chỉnh lý mà ngành giáo dục đã thực hiện trước đây đã hoặc chưa tổng kết đầy đủ nghiêm túc cho nên tính khoa học, tính hiệu quả và kể cả hậu quả về tri thức đã không làm cho xã hội tin tưởng, đã làm bất an dư luận thậm chí trở thành định kiến khi người ta nghe nhắc đến từ cải cách giáo dục: chữ viết, thi cử, trường chuyên lớp chọn, và nhất là chương trình sách giáo khoa ...Thông tin nghe được từ các phương tiện truyền thông bên cạnh những tín hiệu lạc quan về năm học mới, vẫn còn đó nỗi lo việc thiếu đồ dùng dạy học phục vụ cho việc thay sách nên mặc dù học sinh lớp 1 đã được tập trung sớm hơn 2 tuần lễ trước, nhưng một số trường vẫn đang khó khăn trong thực hiện chương trình. Chưa nói tới tâm trạng, tay nghề giáo viên.
Tôi không phải là chuyên gia nên không dám lạm bàn về chuyện đúng sai hay dở của chuyện thay sách, của nội dung sách giáo khoa... Chỉ đứng ở góc độ phụ huynh học sinh, mà tha thiết yêu cầu các vị cao kiến, các chuyên gia, các quan chức trách nhiệm làm sao để hàng triệu triệu gia đình an tâm giao sinh mạng tri thức của con em họ cho thầy cô trường lớp, sao cho mười, hai mươi năm nữa ta thu hoạch được một thế hệ chính phẩm, cho con cháu chúng ta không trách cứ vì sự hời hợt tắc trách của cha chú nó bây giờ.Chẳng lẽ tương lai của một thế hệ chỉ trông chờ vào một dúm người. Mới đây đọc báo có tin sẽ lại thay sách giáo khoa trong vài năm tới, thấy không an tâm, lo cái vòng lẫn quẩn cải cách, cải tiến giáo dục lập lại. Lúc này không phải là chuyện của các chuyên gia nữa mà người lãnh đạo cao nhất Bộ giáo dục- đào tạo phải nhận trách nhiệm nầy trước chính phủ, trước nhân dân và cao hơn hết trước sự nghiệp giáo dục của đất nước. Mọi sự cam kết chỉ là hình thức, về trách nhiệm luật pháp đã qui định, vấn đề là sự dũng cảm và cái tâm của người có trách nhiệm để kịp điều chỉnh hay khẳng định trước khi quá muộn.
Hãy nghĩ trước hết đến tương lai con em chúng ta, không thể đem chúng làm thí nghiệm, không thể áp đặt cho chúng một kiểu học nào đó rồi chờ thực tế kiểm nghiệm bởi vì đó là con người, là sản phẩm cao cấp không thể sai sót trong qui trình đào tạo.
Phan thị Thúy Truyễn ( Ca-Giao)
|